(MPI) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 diễn ra vào chiều ngày 06/11/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến chương trình chính sách phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và dự kiến các nguồn lực để thực hiện Chương trình này.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương trả lời câu hỏi được các nhà báo quan tâm. Ảnh: chinhphu.vn |
Về quá trình xây dựng chương trình phục hồi kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất khẩn trương và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, lao động xã hội… cả trong và ngoài nước. Bộ cũng đã kịp thời đáp ứng yêu cầu trình các dự thảo chương trình đến cấp có thẩm quyền.
Về nội dung dung cơ bản, Chương trình phục hồi kinh tế đề xuất 5 nhóm giải pháp trên cơ sở tham khảo các bài học kinh nghiệm của quốc tế, các bài học kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ suy thoái kinh tế giai đoạn 2009-2011. Trên cơ sở đó đề ra các quan điểm, đặc biệt là quan điểm quan trọng và cốt lõi là kết hợp cả phục hồi và phát triển. Do vậy, các giải pháp đưa ra cũng kết hợp giữa ngắn hạn và căn cơ trong dài hạn. Nhóm giải pháp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế - xã hội được bình thường. Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần để thực hiện các giải pháp khác.
Nhóm giải pháp thứ hai liên quan đến an sinh xã hội, đây là vấn đề thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, phát triển hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những đối tượng trong xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nhóm giải pháp thứ ba liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 thời gian qua để có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng như có các nguồn lực cần thiết để có thể phục vụ cho chặng đường dài sắp tới.
Nhóm giải pháp thứ tư mang tính dài hơi liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, đầu tư công trung hạn, có đề xuất các điểm nhấn trong việc thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Nhóm giải pháp thứ năm mang tính chất quản lý, điều hành, đặc biệt hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro cũng như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các nhóm giải pháp được kỳ vọng sẽ thực hiện các mục tiêu phục hồi nền kinh tế.
Về nguồn lực, đây là vấn đề rất quan trọng đảm bảo các giải pháp mang tính khả thi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan đến sử dụng nguồn lực như Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác để xây dựng cân đối nguồn lực hợp lý nhất. Chương trình đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư