Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/11/2021-17:16:00 PM
Quan tâm hỗ trợ cơ chế, chính sách, nguồn lực để kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát huy thế mạnh và đóng góp cho sự phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
(MPI) – Ngày 02/11/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã tham gia cùng Đoàn công tác của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình.
Hình ảnh tại buổi làm việc. Ảnh: nbtv.vn

Tham gia Đoàn công tác có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo và lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng với những kết quả đạt được toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình thời gian qua; đặc biệt là công tác phòng chống dịch đạt kết quả tốt. Phát triển kinh tế nói chung, kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt thành quả toàn diện; cơ cấu kinh tế; công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ đang phát triển mạnh mẽ; du lịch đang dần trở thành ngành mũi nhọn là những kết quả rất đáng mừng.

Khẳng định kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã nói riêng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tổng kết lý luận, tổng kết mô hình, nhân rộng cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phải có một tổ chức phù hợp, hiện đại, kiểu mới hoạt động hiệu quả, các hợp tác xã phải có tầm nhìn chiến lược, các hợp tác xã phải cùng chung tầm nhìn chiến lược để cùng nhau phát triển; áp dụng các mô hình quản trị tổ chức của một doanh nghiệp hiện đại; phải thu hút được nguồn nhân lực có tri thức và kỹ năng cao, nhất là nguồn nhân lực trẻ; mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản trị để tăng năng suất, sức cạnh tranh. Kinh tế hợp tác xã phải gắn với thế mạnh địa phương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, nêu bật kết quả chung, những hạn chế yếu kém cần khắc phục và đường hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của cả nước, kinh nghiệm quốc tế, thực tế của Ninh Bình.

Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết một số điểm nổi bật trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh Ninh Bình đó là số lượng hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng cả về số lượng và chất lượng với các mô hình đa dạng, kinh tế tập thể đã cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém, củng cố một bước về tổ chức, nâng cao năng lực nội tại, từng bước hoạt động có lãi, tích luỹ đầu tư phát triển và đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu, lợi ích của các thành viên.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã đến nay đang khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng, tạo việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị. Đến nay toàn tỉnh có 58 hợp tác xã, 01 Liên hiệp hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, 27 Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số chuỗi sản phẩm như chuỗi các sản phẩm dược liệu; chuỗi rau, củ, quả an toàn; chuỗi các sản phẩm dê, gà, lợn thảo dược; chuỗi chạch sụn; chuỗi gạo chất lượng cao... với lợi ích mang lại cho thành viên là chi phí đầu vào thấp, chất lượng sản phẩm cao, giá bán và thu nhập tăng trên 30%, hoạt động của hợp tác xã năng động, sáng tạo, hiệu quả hơn.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh tuy chưa được nhiều, nhưng tỉnh cũng đã quan tâm triển khai các chính sách: đào tạo, bồi dưỡng; tín dụng, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng…, bước đầu có tác động đáng kể trong việc phát triển kinh tế tập thể của tỉnh.

Liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác bước đầu được thiết lập và phát huy hiệu quả. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã từng bước khẳng định là nhân tố góp phần bảo đảm ổn định chính trị, giữ gìn trật tự trị an ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể. Đến nay đã có 100% số huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể, 100% số huyện, thành phố kiện toàn lại bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể và giao nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế tập thể cho phòng Tài chính - Kế hoạch.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ về cơ chế, chính sách nguồn lực để kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát huy thế mạnh và đóng góp cho sự phát triển kinh tế trên địa bàn... để Ninh Bình tiếp tục là tỉnh phát triển kinh tế hợp tác xã tốt nhất với cách làm, các mô hình hiệu quả./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1315
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)