Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/11/2021-17:15:00 PM
Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19
(MPI) – Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong hai ngày, 08 - 09/11/2021, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024.
Chủ tọa Phiên họp. Ảnh: baochinhphu.vn

Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương thời gian vừa qua nhằm kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm, giải pháp cần ghi nhận và bổ sung. Đại biểu cũng nêu nguyên nhân kết quả, nhất là các nguyên nhân chủ quan và đặc biệt là hiến kế để thực hiện các mục tiêu thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; giải pháp để giảm thiểu các thiệt hại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng và các nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải ghi nhận, đánh giá cao đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và lực lượng, các lực lượng trong việc triển khai biện pháp chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho Nhân dân, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết. Quyết tâm khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu bày tỏ sự khâm phục đối với những đóng góp lớn lao của các doanh nghiệp, người dân trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ghi nhận những thành tích công lao của các lực lượng tuyến đầu đã không ngại gian khó, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh bản thân, hạnh phúc cá nhân của mình vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà tán thành rất cao đối với việc Chính phủ tiếp tục xác định ưu tiên rà soát, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật là một trong các mục tiêu chủ yếu, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật là một trong 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.

Về hoàn thiện thể chế, Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2022. Để công tác này thực sự có chuyển biến tích cực hơn và tạo được bước đột phá cao hơn, nhất là để Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện tốt định hướng nhiệm vụ trọng tâm và bước đột phá về xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án về Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV vừa được Bộ Chính trị thông qua.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh cho rằng, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2021 đã rất linh hoạt, sát thực tiễn, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng tuyến đầu chống dịch của Trung ương. Chính phủ đã có quyết định quan trọng chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới từ zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID.

Đại biểu đồng tình với các giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ và đề xuất một số ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19; về phát triển kinh tế năm 2022. Đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng đầu tư toàn xã hội bằng việc tăng vòng quay tiền thông qua cải cách hành chính trong triển khai thực hiện dự án đầu tư ngoài ngân sách và đầu tư công. Các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, cấp phép xây dựng, phê duyệt tác động môi trường, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy cần được nghiêm túc nghiên cứu và cởi trói mạnh mẽ theo hướng tăng cường phân cấp; ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn và dễ giám sát.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: baochinhphu.vn

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban của Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2022. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Đại biểu cho rằng, cần tiếp tục chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với nguyên tắc xuyên suốt, đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng triển khai toàn diện, hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở đánh giá tổng kết toàn diện công tác phòng, chống dịch thời gian qua.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; huy động tối đa nguồn lực cho chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. Cùng với đó cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, từ người dân và hoạt động kinh tế. Triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất, nhất là các địa phương trọng điểm; tháo gỡ các khó khăn, giúp cho doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, có các chính sách hỗ trợ trực tiếp mạnh mẽ hơn để không để xảy ra tình trạng đứt gẫy, thiếu hụt lao động và chuyên gia. Cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn, không để xảy ra tình trạng người lao động ở lại quê, người nghèo thì lại phải nuôi người nghèo. Cùng với đó cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đại biểu đồng tình với 12 nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo, đồng tình với một trong các giải pháp ưu tiên là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Có thể thấy, cải cách thể chế kinh tế là nhân tố quan trọng và việc củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những năm qua, trong bối cảnh hiện nay, cần có những cách làm giải pháp quyết liệt hơn, đột phá hơn để giúp tránh được tình trạng làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách lại chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng. Đại dịch COVID-19 đã kích hoạt quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kỹ thuật, kinh tế số, các ngành liên quan bảo vệ sức khỏe, môi trường được triển khai quyết liệt.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục tìm giải pháp mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, giải pháp để tạo động lực cho cải cách thể chế, hướng tới thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững, một trong số đó là giải pháp chính sách cho phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước nhằm thu hút tối đa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu cho rằng, thời gian qua, một số quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế đã được ban hành sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ về cơ chế, chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Đại biểu để cập đến việc huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Một trong những nội dung được quan tâm là chính sách khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái. Khu công nghiệp sinh thái là mô hình khu công nghiệp hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất tới môi trường, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Những chính sách ưu đãi đầu tư vào khu vực này cần thiết thực hơn đối với các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Có sự đột phá để khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, do đó, Đại biểu nghị về chính sách, ngoài những ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái theo quy định hiện hành thì Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp có thể được áp dụng tương tự như khu kinh tế./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 911
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)