(MPI) - Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, ngày 09/11/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo xin ý kiến về Dự án Luật này dưới sự chủ trì Thứ trưởng Trần Quốc Phương.
Tham dự Hội thảo có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức nghiên cứu, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội và các chuyên gia.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia xin ý kiến Quốc hội và dự kiến thông qua vào ngày 13/11/2021, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Việc thông qua dự án Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những thông tin thống kê phản ánh năng suất, hiệu quả, tăng trưởng, phản ánh các nhóm yếu thế…
Trình bày về quá trình xây dựng, nội dung chủ yếu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã sửa tên dự án Luật thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê”.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật gồm, sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 như sau: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Định kỳ 05 năm rà soát quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước.
Theo Dự thảo, người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố.
Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu, trong đó, về nhóm chỉ tiêu, tăng 01 nhóm chỉ tiêu (nhóm “Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp” tách thành 2 nhóm: “Trật tự, an toàn xã hội” và “Tư pháp”. Sửa tên 03 nhóm chỉ tiêu. Về chỉ tiêu, giữ nguyên 128 chỉ tiêu; Sửa tên 44 chỉ tiêu; Bổ sung 58 chỉ tiêu và bỏ 14 chỉ tiêu.
|
Phó Tổng cục Trưởng Nguyễn Trung Tiến trình bày về quá trình xây dựng, nội dung chủ yếu của Dự án Luật. Ảnh: MPI |
Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây. Theo đó, 19 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; 17 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; 52 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung về phát triển bền vững; 22 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; 12 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; 26 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá về giới và bình đẳng giới.
Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, cập nhật các chỉ tiêu thống kê phản ánh, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm, gồm 24 chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế xanh, tăng trưởng xanh; 05 chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế tuần hoàn; 07 chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế bao trùm.
Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế, trong đó có 11 chỉ tiêu thống kê về môi trường và biến đổi khí hậu; 132 chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng (chỉ tiêu có phân tổ theo vùng); 14 chỉ tiêu thống kê liên quan đến trẻ em.
Hội thảo được nghe các đại biểu đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Thông tin và Truyền thông, UNICEF, Tổng cục Thống kê trình bày tham luận một số điểm về quy trình biên soạn GDP và GRDP; Nội dung cơ bản về Chiến lược kinh tế số và xã hội số; Giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến trẻ em; Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Trang, đại diện UNICEF, thời điểm sửa đổi Luật rất phù hợp để kịp thời cho việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu để thực hiện các nội dung Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; chính sách về phát triển bền vững. Đây là giai đoạn tăng tốc cho giai đoạn thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau. Do vậy, cần có bằng chứng, dữ liệu thích hợp, công cụ xác thực nhất để thực hiện. Đồng thời đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc lấy mục tiêu phát triển bền vững là mục đích, nền tảng, định hướng trong quá trình xây dựng Luật, các nội dung nhất quán với chương trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu bổ sung rất phù hợp với giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến trẻ em.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Hội thảo đã nhận được ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức như Bộ Công Thương, Ban Kinh tế Trung ương, Quỹ dân số Liên hợp quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức. Các đại biểu đánh giá cao việc sửa đổi và dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận, xem xét để thông qua tại kỳ họp lần này. Đồng thời nhấn mạnh các nội dung liên quan đến các chỉ tiêu phát triển bền vững từ cuộc điều tra dân số và nhà ở; một số chỉ tiêu mới được bổ sung; các chỉ tiêu thống kê thương mại điện tử; chỉ tiêu năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp; tài nguyên số, kinh tế số; biến đổi khí hậu, liên kết vùng;…
Đại diện VCCI đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng Dự thảo. Việc sửa đổi lần này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phục vụ cho quá trình xây dựng mà cả trong quá trình thực thi các chính sách. Các chỉ tiêu mới được bổ sung có ý nghĩ quan trọng không chỉ với cơ quan nhà nước mà còn hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư ra quyết định sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Đồng thời ủng hộ quan điểm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác thống kê; về sử dụng dữ liệu hành chính, đây là dữ liệu quan trọng, do vậy, bên cạnh các dữ liệu về thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh cần mở rộng ở các bộ, ngành, địa phương nhằm giúp quá trình xây dựng, thực thi chính sách hiệu quả tốt hơn.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến tham gia và bài tham luận của các diễn giả liên quan đến công tác thống kê nói chung và Dự án Luật nói riêng. Đồng thời bày tỏ cảm ơn, đánh giá cao các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu hoàn thành nội dung của dự án Luật để kịp thời trình cấp có thẩm quyền.
Với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân để tiếp tục nghiên cứu, rà soát và cập nhật bổ sung theo quy định tại Điều 18 của Luật Thống kê. Các ý kiến tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, trao đổi với các cơ quan liên quan của Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư