Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/11/2021-13:54:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 tỉnh Bình Phước

Trên cơ sở số liệu chính thức 9 tháng năm 2021 và ước tháng 10/2021, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo ước tính thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021, như sau:

I.PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1.Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Tháng 10 năm nay thời tiết đang diễn biến phức tạp, mưa bão dồn dập gây khó khăn cho việc thu hoạch các loại cây hàng năm vụ mùa năm 2021 và sản xuất vụ Đông xuân năm 2021-2022. Tính đến ngày 15/10/2021, tình hình sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân năm 2021 - 2022 toàn tỉnh ước thực hiện được 908 ha cây hàng năm các loại, giảm 1,73% (-16 ha) so với cùng kỳ. Trong đó: Lúa 370 ha, tăng 1,09% (+4 ha) so với cùng kỳ năm trước, do trong tháng mưa nhiều nên bàcon tập trung xuống giống; cây bắp 69 ha không tăng, giảm so cùng kỳ; khoai lang 23 ha, không tăng, giảm so cùng kỳ; khoai mỳ 75 ha, giảm 6,25% (-5 ha); cây mía 21 ha không tăng, giảm so cùng kỳ. Diện tích cây mía của tỉnh nhỏ lẻ, được trồng chủ yếu làm nguyên liệu chế biến nước giải khát; rau các loại 200 ha, giảm 9,09% (-20 ha); đậu các loại 5 ha, tăng 25% (+1 ha) so với cùng kỳ.

Cây ăn trái hiện có 12.062 ha, giảm 2,27% (-280 ha) so với cùng kỳ, diện tích cũng như năng suất, sản lượng một số loại cây ăn trái có phần giảm xuống do diện tích một số loại cây đã già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp, được thay thế bằng các loại cây trồng khác.

Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh gồm có cây điều, cây tiêu, cây cao su và cây cà phê. Tổng diện tích hiện có 419.412 ha, tăng 0,57% (+2.379 ha) so với cùng kỳ, chia ra: cây điều hiện có 141.595 ha, tăng 1.727 ha, sản lượng ước đạt 205.277 tấn, tăng 16.262 tấn; cây hồ tiêu hiện có 15.920 ha, tăng 30 ha, sản lượng ước đạt 29.732 tấn, tăng 1.515 tấn; cây cao su 247.266 ha, tăng 607 ha, sản lượng đạt 290.815 tấn, tăng 12.435 tấn so với cùng kỳ; cây cà phê 14.631 ha, tăng 15 ha, sản lượng cà phê chưa có thu. Năng suất, sản lượng cây điều tăng do năm nay không có mưa trái mùa trong thời gian điều ra bông đậu trái.

Tình hình sâu bệnh: Trong tháng phát sinh chủ yếu là sâu xanh ăn lá trên cây hàng năm và bệnh nấm hồng, rỉ sáp trên cây lâu năm nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, dịch bệnh không lây lan diện rộng, mức độ thiệt hại không lớn. Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.

b. Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định; số lượng gia súc, gia cầm ước tháng 10/2021 gồm có:

+ Đàn trâu: 13.535 con, tăng 1,94% so cùng kỳ. Trong tháng số con xuất chuồng là 340 con; sản lượng xuất chuồng ước đạt 86 tấn. Cộng dồn 10 tháng số con xuất chuồng đạt 3.547 con, tăng 1,98% (+69 con); sản lượng xuất chuồng 901 tấn, tăng 1,98% (+18 tấn) so với cùng kỳ.

+ Đàn bò: 39.162 con, tăng 0,31% so cùng kỳ. Trong tháng số con xuất chuồng là 1.320 con; sản lượng xuất chuồng ước đạt 230 tấn. Cộng dồn 10 tháng số con xuất chuồng đạt 13.475 con, tăng 1,15% (+153 con); sản lượng xuất chuồng 2.345 tấn, tăng 1,15% (+27 tấn) so với cùng kỳ.

+ Đàn heo: 1.171.000 con, tăng 0,95% so cùng kỳ. Trong tháng số con xuất chuồng là 125.596 con, tăng 16,70%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 11.429 tấn, tăng 16,70% so với cùng kỳ. Cộng dồn 10 tháng số con xuất chuồng đạt 1.138.008 con, tăng 4,86% (+52.696 con); sản lượng xuất chuồng 103.559 tấn, tăng 4,86% (+4.795 tấn) so cùng kỳ. Đàn heo tăng cao so cùng kỳ do mở rộng quy mô đàn tại các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi.

+ Đàn gia cầm: 6.870 ngàn con, giảm 0,72% so cùng kỳ; sản lượng xuất bán trong tháng ước đạt 1.343 tấn, giảm 0,44%; sản lượng trứng gia cầm xuất bán trong tháng ước đạt 17.731 ngàn quả, giảm 14,75% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 10 tháng sản lượng thịt hơi đạt 18.590 tấn, giảm 5,63% (-1.109 tấn); sản lượng trứng thu 142.424 ngàn quả, giảm 2,21% (-3.226 ngàn quả) so cùng kỳ.

Công tác thú y: Tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác trong tháng ổn định không có biến động lớn, không có dịch bệnh lớn xảy ra, công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch động vật vẫn được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, duy trì các chốt kiểm dịch động vật, xử lý dứt điểm các ổ dịch tại các xã khi có dịch theo đúng các quy định hiện hành.

1.2.Lâm nghiệp

Trong tháng, các ngành chức năng tiếp tục duy trì thực hiện công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, duy trì công tác tuần tra, kiểm soát và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh, các khu vực giáp ranh, chú trọng một số khu vực trọng điểm thường xảy ra các hành vi gây xâm hại đến rừng và lâm sản. Trong tháng 10 toàn tỉnh không thực hiện trồng rừng tập trung, lũy kế 10 tháng toàn tỉnh ước tính trồng 300 ha, giảm 131 ha so cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước tính đã trồng được 170 ngàn cây, giảm 20 ngàn cây. Về khai thác, trong tháng ước tính khai thác được 530 m3 gỗ, tăng 40 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 75 Ste, tăng 5 Ste so với năm trước. Lũy kế 10 tháng khai thác được 9.029 m3 gỗ, tăng 229 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 978 Ste, tăng 13 Ste so với năm trước. Lượng gỗ và củi khai thác được hoàn toàn là rừng trồng.

1.3.Thủy sản

Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Trong tháng sản lượng thủy sản ước thực hiện 377 tấn, so cùng kỳ giảm 3,33%; (trong đó: khai thác thủy sản nội địa 25 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng 352 tấn). Lũy kế 10 tháng, sản lượng thủy sản ước thực hiện 4.018 tấn, tăng 2,06% so cùng kỳ, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh nhỏ, lẻ, nuôi trong ao, hồ và số ít nuôi cá lồng bè; phần lớn diện tích nuôi để tiêu dùng nên năng suất cũng như hiệu quả thu được trên một hecta nuôi trồng không cao.

2.Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động ổn định. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2021 ước đạt 104,15% so với tháng trước và 115,54% so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 4,15% so với tháng trước, tăng 15,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,98% so với tháng trước, giảm 26,75% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến tăng 4,31%, tăng 16,60%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,35%, tăng 9,84%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,51%, tăng 2,73%. Nhìn chung sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 tăng so với tháng trước và cùng kỳ, nguyên nhân do thời điểm hiện tại tỉnh Bình Phước vẫn kiểm soát dịch khá tốt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, mặc dù có một vài ca nhiễm từ lái xe vận chuyển hàng hóa nhưng đã ngay lập tức khoanh vùng, cách ly, không để lây lan rộng và các doanh nghiệp khác vẫn có thể sản xuất bình thường. Các doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất bình thường theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến”, phân vùng nguy cơ (xanh, vàng, cam, đỏ) và có phương án quản lý phù hợp theo từng vùng.

Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 14,81% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 18,41% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,72%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,57%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,69%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 30,05%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 41,22%; Sản xuất xe có động cơ tăng 31,10%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Dệt tăng 5,11%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 0,17%; Sản xuất kim loại giảm 54,77%; Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 23,41%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 21,19%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hạt điều khô tăng 25,64%; Gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản (trừ tà vẹt) tăng 50,18%; Thiết bị tín hiệu âm thanh khác tăng 31,10%; Đồ nội thất bằng gỗ khác chưa được phân vào đâu tăng 46,53%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Dịch vụ in trờn sợi và vải (gồm cả đồ để mặc) tăng 3,09%; Điện thương phẩm tăng 7,98%; Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da giảm 14,24%; Chì chưa gia công giảm 13,21%; Dịch vụ sản xuất bao bì bằng kim loại giảm 20,87%;...

So với cùng kỳ, chỉ số sử dụng lao động đến cuối tháng 10 năm 2021 tăng 11,27%, trong đó: khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,57%; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 17,73%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,29%. Trong ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng cao so cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 154,66%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 22,15%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 172,25%; một số ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm nhiều so cùng kỳ năm trước: Khai khoáng khác giảm 70,23%; Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 21,19%; Sản xuất xe có động cơ giảm 50,25%...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến cuối tháng 10 tăng 23,45% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 tăng 24,39% so cùng kỳ.

3.Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ

3.1Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tình hình kinh doanh buôn bán và dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước tháng 10 năm 2021 tăng mạnh so với tháng trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân, toàn tỉnh Bình Phước đã bước vào trạng thái “Bình thường mới” các hoạt động kinh doanh của ngưởi dân được thực hiện mở cửa buôn bán nhưng bắt buộc thực hiện an toàn 5K. Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, do đódoanh thu của các nhóm ngành hàng đã tăng so với tháng trước. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ngành dịch vụ không thiết yếu vẫn phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mặc dù đã từng bước kiểm soát và thích nghi với mức độ phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, nhưng mức độ ảnh hưởng lên hoạt động thương mại, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ là không hề nhỏ, tuy doanh thu tăng so với tháng trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 10/2021 ước tính đạt 3.479,20 tỷ đồng, tăng 23,35% so với tháng trước, giảm 14,29% so với cùng kỳ. Xét theo ngành hoạt động: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.012,09 tỷ đồng, tăng 18,27% so với tháng trước, giảm 6,86% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 12,76 tỷ đồng, tăng 65,62% so với tháng trước, giảm 32,42% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 358,60 tỷ đồng, tăng 70,32% so với tháng trước, giảm 14,06% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành trong tháng không phát sinh; doanh thu dịch vụ khác đạt 95,73 tỷ đồng, tăng 72,51% so với tháng trước, giảm 75,41% so cùng kỳ.

Lũy kế 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 40.007,20 tỷ đồng, giảm 1,08% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 34.168,07 tỷ đồng, tăng 1,73% so với cùng kỳ năm trước, (trong đó: lương thực, thực phẩm tăng 10,91% so với cùng kỳ năm trước); doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 134,41 tỷ đồng, giảm 17,52% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 3.582,00 tỷ đồng, giảm 8,21% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,54 tỷđồng, tăng 32,37% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 2.121,16 tỷ đồng, giảm 23,97% so với cùng kỳ năm trước.

3.2.Giao thông vận tải

Bước đầu trở lại trạng thái “Bình thường mới” trong sản xuất, kinh doanh, khiến việc lưu thông hàng hóa cũng dần trở về với trạng thái bình thường, các xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe đưa đón công nhân, xe hợp đồng: được hoạt động với 50% số chỗ ngồi, các hoạt động xây dựng cầu đường, nhà cửa, trường học... hoạt động trở lại, do đó doanh thu vận tải, kho bãi tăng so với tháng trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 10/2021 ước đạt 73,23 tỷ đồng, tăng 62,12% so với tháng trước, giảm 57,74% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đạt 17,80 tỷ đồng, tăng 311,91% so với tháng trước, giảm 83,18% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 54,10 tỷ đồng, tăng 35,06% so với tháng trước, giảm 17,00% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.174,66 tỷ đồng, giảm 24,24% so cùng kỳ, trong đó: vận tải hành khách đạt 599,11 tỷ đồng, giảm 35,17% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 558,84 tỷ đồng, giảm 7,53% so với cùng kỳ.

Vận tải hành khách tháng 10/2021 ước thực hiện 195,63 ngàn HK và luân chuyển 25.246,23 ngàn HK.km, so với tháng trước tăng 310,65% về vận chuyển, tăng 309,23% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước giảm 83,04% về vận chuyển, giảm 82,78% về luân chuyển. Lũy kế 10 tháng, vận tải hành khách ước đạt 7.071,63 ngàn HK và luân chuyển 830.624,84 ngàn HK.km, so với cùng kỳ giảm 32,96% về vận chuyển và giảm 34,46% về luân chuyển.

Vận tải hàng hoá tháng 10/2021 ước thực hiện được 245,19 ngàn tấn và luân chuyển 16.545,11 ngàn Tấn.km, so với tháng trước tăng 36,00% về vận chuyển, tăng 35,12% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước giảm 15,76% về vận chuyển, giảm 16,07% về luân chuyển. Lũy kế 10 tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 2.480,32 ngàn tấn và luân chuyển 169.569,29 ngàn Tấn.km, so với cùng kỳ giảm 8,55% về vận chuyển và giảm 8,42% về luân chuyển.

II.KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1.Chỉ số giá

Tình hình giá cả thị trường tháng 10/2021 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có biến động giảm nhẹ so với tháng trước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc điều chỉnh giá xăng dầu và giá gas trong tháng 10/2021 cũng tác động phần nào đến chỉ số chung (CPI) của tháng 10/2021 so với tháng 9/2021.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 01/11 nhóm hàng tăng so với tháng trước: Nhóm giao thông tăng 2,37%. Có 06/11 nhóm hàng giảm xuống so với tháng trước là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,25%; Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,80%; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,81%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,37%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,04%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%. Có 04/11 nhóm hàng ổn định so với tháng trước là: Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; Nhóm giáo dục.

Giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 25/9/2021 và ngày 12/10/2021 trong đó: giá xăng E5 tăng 1.184 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 1.145 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.206 đồng/lít so với tháng trước.

Giá gas ngày 01/10/2021 tăng 42.000/bình/12kg so với tháng trước theo công bố của tập đoàn xăng dầu Việt Nam. Cũng tác động tăng chỉ số chung CPI tháng 10/2021 là 0,41% so với tháng trước.

Chỉ số giá điện tháng này tăng 0,59% so với tháng trước do tháng này hết giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận huyện thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên chỉ số giá điện tăng lại.

Giá thịt lợn tháng 10 năm 2021 giảm 22,87% so với tháng trước, do nguồn cung thịt dồi dào do ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19, một số nơi thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Đồng thời việc cạnh tranh với nguồn thịt lợn nhập khẩu cũng làm giảm giá lợn hoi trong nước.

Giá quả tươi, chế biến giảm 0,73% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ chậm, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới các hoạt động phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Giá thịt gà giảm 0,17% so với tháng trước do nguồn cung nhiều.

- Giá thiết bị văn hóa giảm 0,03% với nguồn cung khá dồi dào, chủ yếu là hàng tồn kho, các nhà bán lẻ và hãng điện máy đồng loạt triển khai chương trình ưu đãi, giảm giá để kéo khách. Nguyên nhân là do dịch covid người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Nhiều gia đình chọn giải pháp sửa chữa đồ dùng thay vì mua mới.

Giá vàng và đôla Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng 10/2021 giảm 4,44% so với tháng trước; giảm 6,13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm so với tháng trước là do giá vàng thế giới giảm làm cho giá vàng trong nước giảm theo. Chỉ số Đô la Mỹ tháng 10/2021 giảm 3,30% so với tháng trước; giảm 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2021 chỉ số giá vàng tăng 9,38%, chỉ số Đô la Mỹ giảm 1,40% so với cùng kỳ năm trước.

2.Đầu tư, xây dựng

Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2021 ước thực hiện 611,71 tỷ đồng, giảm 1,97% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 388,06 tỷ đồng, giảm 5,00%, chiếm 63,44%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 223,65 tỷ đồng, tăng 3,78%, chiếm 36,56%. Trong tháng tiếp tục thi công các công trình trọng điểm như: Xây dựng đường kết nối các KCN phía Tây Nam thành phố Đồng Xoài; Xây dựng đường giao thông phía Tây QL 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư; Xây dựng hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư; Nâng cấp mở rộng ĐT 753B kết nối đường Đồng Phú - Bình Dương; Xây dựng trường cao đẳng Bình Phước;...

Lũy kế 10 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 3.519,62 tỷ đồng, đạt 51,20% kế hoạch năm và tăng 10,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 2.578,90 tỷ đồng đạt 48,47% kế hoạch, tăng 20,49% so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện đạt 940,72 tỷ đồng đạt 60,55% kế hoạch năm, giảm 10,24% so cùng kỳ.

Về thu hút FDI: Trong tháng 10 năm 2021 cấp phép cho 03 dự án với tổng số vốn đăng ký 35,78 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã cấp phép cho 63 dự án với số vốn đăng ký là 585,02 triệu USD. Trong các quốc gia có dự án đầu tư được cấp mới trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, Liên doanh Hà Lan - Việt Nam là nhà đầu tư lớn nhất có 3 dự án với số đăng ký là 250 triệu USD, chiếm 42,73% tổng vốn đăng ký cấp mới. Kế tiếp là Trung Quốc có 35 dự án với số vốn đăng ký là 114,24 triệu USD, chiếm 19,53%.

3.Tài chính, ngân hàng

3.1.Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 10/2021 ước thực hiện được 900.830 triệu đồng, lũy kế 10 tháng ước thu 9.921.643 triệu đồng đạt 76,32% kế hoạch dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh. Trong đó: thu từ khu vực kinh tế quốc doanh là 50.000 triệu đồng; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 154.000 triệu đồng; thu tiền sử dụng đất là 442.000 triệu đồng.

3.2.Chi ngân sách địa phương

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 10/2021 ước thực hiện 1.306.775 triệu đồng, lũy kế 10 tháng ước chi 11.306.731 triệu đồng đạt 71,79% kế hoạch dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh. Trong đó: chi thường xuyên 653.208 triệu đồng; chi đầu tư phát triển 574.943 triệu đồng.

3.3.Ngân hàng

Về lãi suất: Lãi suất huy động ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng ở mức 5,4-6,8%/năm và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành lĩnh vực ở mức: 4,4%/năm; của quỹ tín dụng nhân dân là 5,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 7,8-9,6%/năm.

Đối với huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 10/2021 ước đạt 48.400 tỷ đồng, tăng 16,89% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi đồng Việt Nam chiếm 98,78%, tiền gửi ngoại tệ chiếm 1,22%; tiền gửi tiết kiệm chiếm 61,21%, tiền gửi thanh toán chiếm 37,16%, phát hành giấy tờ có giá chiếm 1,63%.

Đối với hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 10/2021 ước đạt 85.700 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 73,77%; trung, dài hạn chiếm 26,23%; cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 88,65%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 11,35%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm khoảng 0,67% trên tổng dư nợ.

III.BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC

1.Lao động, việc làm

Trong tháng qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 4.250 người, lũy kế 10 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 32.715 người, đạt 86,09% kế hoạch năm.

Tư vấn, giới thiệu nghề và việc làm cho 521 lao động; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho 700 lao động; hỗ trợ học nghề cho 6 lao động.

2.Công tác giảm nghèo

Ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản: Kế hoạch số 1793/SLĐTBXH-QLLVXH ngày 20/9/2021 về việc tổng rà soát hộ nghèo, cận nghèo; xác định hộ làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2021.

Về hỗ trợ y tế: đã thực hiện mua thẻ Bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách Trung ương và cấp phát kịp thời cho 6.435 người thuộc hộ nghèo; 6.351 người thuộc hộ cận nghèo, 78.984 người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; 75.174 người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 9.504 người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Về hỗ trợ về nhà ở: đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây 364 căn nhà trị giá 29,1 tỷ đồng cho 8 huyện, thị xã; sửa chữa 11 căn nhà trị giá 440 triệu đồng từ nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

3.Công tác an sinh xã hội

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh quản lý và nuôi dưỡng tập trung 57 đối tượng BTXH; trong tháng qua Trung tâm đã phối hợp với tổ Công tác xã hội tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trợ giúp cho 03 đối tượng cần hỗ trợ các thủ tục giấy tờ khi đi khám và điều trị; hỗ trợ 02 đối tượng lang thang cơ nhỡ và hỗ trợ 01 trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn tỉnh.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: trong tháng đã giải quyết tái hoà nhập cộng đồng 18 học viên; khám và điều trị bệnh cho 1.681 lượt học viên. Hiện cơ sở đang quản lý và chữa bệnh 316 đối tượng. Về công tác giáo dục, cơ sở đã tổ chức phổ biến kiến thức về giáo dục pháp luật được 23 buổi với trên 354 học viên tham gia; tư vấn cá nhân 275 lượt học viên; đã xử lý kỷ luật 02 học viên vi phạm nội quy; tổ chức dạy xóa mù chữ 03 buổi với 24 lượt học viên tham gia.

Thực hiện chính sách với người có công: trong tháng 10, đã giải quyết được tổng cộng 76 hồ sơ, trong đó tiếp nhận tại trung tâm phục vụ hành chính công theo Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 7/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh là 73 hồ sơ và tiếp nhận tại sở là 03 hồ sơ. Ngành đã tổng hợp danh sách thân nhân liệt sĩ gửi mẫu sinh phẩm giám định ADN đối với hài cốt liệt sĩ được quy tập tại ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh.

4.Giáo dục, đào tạo

Trong tháng, ngành giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình, kế hoạch làm việc năm 2021; Phối hợp với các sở, ngành, địa phương thống kê, rà soát số liệu và hoàn thành Kế hoạch phát triển trường mầm non phục vụ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả của công tác dạy học trực tuyến trong thời gian từ đầu năm học 2021-2022 đến nay; đề xuất hướng khắc phục những hạn chế để đảm bảo chất lượng và chương trình giảng dạy.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh tổ chức trao tặng 10.000 điện thoại và sim kết nối Internet cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để phục vụ học trực tuyến.

Theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

5.Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Công tác mạng lưới y tế, biên chế, đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục thực hiện theo quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực và điều trị bệnh; tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, nhất là dịch bệnh Covid-19, sốt rét, sốt xuất huyết... An toàn vệ sinh thực phẩm cơ bản được đảm bảo, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra. Bên cạnh đó các đơn vị y tế trong tỉnh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và ngành y tế về phòng chống dịch Covid-19: phân công cán bộ trực và xử lý, tăng cường trong toàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19. Tiếp nhận và phân bổ vắc xin, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn tỉnh theo kế hoạch. Tính đến 19h30 ngày 20/10/2021 tỉnh Bình Phước phát hiện 1.546 ca Covid-19 và dự báo số ca mắc mới ngày càng tăng lên. Trung tâm kiểm soát bệnh tật chuẩn bị hóa chất Cloramin và các trang thiết bị bảo hộ phòng dịch. Đồng thời, Trung tâm triển khai phân bổ tạm ứng khẩu trang, hóa chất cho Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các bộ phận tham gia chống dịch của đơn vị, thực hiện tốt các công tác truyền thông, tập huấn.

Trong tháng (tính từ thời điểm 21/9-20/10/2021), toàn tỉnh có: 4 ca mắc sốt rét, tăng 4 ca so tháng trước (không có tử vong); 193 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 172 ca so với tháng trước (không có tử vong); về phòng chống HIV/AIDS: 50 người mới phát hiện HIV, tích lũy số người nhiễm HIV là 3.762 người, 34 người mới phát hiện AIDS, tích lũy số bệnh nhân AIDS là 1.765 bệnh nhân, không có tử vong trong tháng, tử vong tích lũy: 323 người.

6.Hoạt động văn hóa, thể thao

Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, xe thông tin lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tập trung tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, thiết kế, in ấn và thi công trang trí được 5.200m2 panô, 1.200m băng rôn; 14.506 m2 banner; tuyên truyền được 205 giờ đèn Led; viết bài tuyên truyền, đăng tin trên trang web của ngành và của các đơn vị.

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: tham mưu Cục Di sản Văn hóa về việc thuận chủ trương Lập hồ sơ khoa học đối với Cụm di tích Hành trình cứu nước của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen.

Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Trong tháng, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc phối hợp với Đài truyền hình và báo Bình Phước thực hiện chương trình ca nhạc số 2 chủ đề “Tự hào phụ nữ Việt Nam” và chương trình ghi âm, ghi hình phát trực tuyến trên các trang mạng xã hội, các hạ tầng kỹ thuật số trong tỉnh.

Hoạt động thư viện: Trong tháng, Thư viện cấp 07 thẻ thư viện (cấp mới 05 thẻ và 02 thẻ gia hạn); phục vụ được 266.285 lượt bạn đọc (Trong đó bạn đọc tại phòng đọc Thư viện: 186 lượt, bạn đọc truy cập website: 266.099 lượt); tổng số lượt sách, báo luân chuyển 1.860 lượt; sưu tầm, đăng tin, bài viết lên website gồm có 872 tin.

Thể dục thể thao: Tạm hoãn các hoạt động thể dục thể thao cấp tỉnh, cụm, toàn quốc để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể Thao tỉnh tiếp tục đóng cửa không cho vậnđộng viên tiếp xúc với người bên ngoài. Duy trì các đội tuyển thể thao tập luyện thường xuyên tại đơn vị.

Hoạt động du lịch: Trong tháng, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt 728 lượt khách, tăng 14,83% so với tháng trước và giảm 95,43% so với cùng kỳ 2020; trong đó khách nội địa 653 lượt khách; khách quốc tế: 75 lượt khách. Tổng doanh thu đạt 0,48 tỷ đồng, tăng 3,15% so với tháng trước và giảm 95,93% so với cùng kỳ 2020.

7.Tai nạn giao thông

Trong tháng 10 năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 14 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 02 vụ va chạm giao thông, làm 11 người chết, 12 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng giảm 5,88%; số người chết tăng 57,14%; số người bị thương giảm 50,00%. Tính chung 10 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm 105 người chết, 83 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 22,67%; số người chết giảm 20,45%; số người bị thương giảm 26,55%.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 5.109 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 70 phương tiện, tước 107 GPLX, cảnh cáo 8 trường hợp, xử lý hành chính 835 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 1,91 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (20 trường hợp), không có giấy phép lái xe (44 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (77 trường hợp) và không đi đúng làn đường quy định (10 trường hợp).

8.Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, do ảnh hưởng của thời tiết, trên địa bàn huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước xảy ra mưa lớn kèm theo giông, lốc xoáy rất mạnh đã gây ra thiệt hại đáng kể về tài sản, nhà cửa, cây trồng của người dân, cụ thể: 01 căn nhà bị sét đánh (hư hỏng 40%); ngập lụt 10 ha lúa; 21 ha ao cá bị tràn; sạt lở đất và hư hỏng đường... Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng.

9.Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Tính chung 10 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy, thiệt hại do cháy khoảng 79,19 tỷ đồng và 02 người bị thương.

Trong tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 5 vụ vi phạm môi trường. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vận chuyển lâm sản, khai thác đất, cát trái phép, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng đề án bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải, thực hiện không đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường... Tích lũy số liệu đến tháng 10 năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 177 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 98 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 482,5 triệu đồng./.



Website Cục Thống kê tỉnh Bình Phước

    Tổng số lượt xem: 652
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)