I. CÔNG NGHIỆP
Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn còn tạm dừng hoạt động vì không đáp ứng đủ điều kiện phòng dịch theo quy định của cơ quan y tế, đến ngày 19/10/2021 số doanh nghiệp đang hoạt động lĩnh vực sản xuất công nghiệp là 294/1.167 doanh nghiệp, tương đương 25,19% (tăng 138 doanh nghiệp so với thời điểm ngày 22/9); số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 26.834/71.775, tương đương 37,39% lao động; số doanh nghiệp tạm dừng là 873/1.167 doanh nghiệp, tương đương 74,81%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 10/2021 tăng 37,75% so tháng trước và giảm 22,76% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 22,88%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 28,17%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 11,64% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện 10 tháng giảm 10,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 10,99%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 9,24%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải giảm 8,68%. Nhiều sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ, cụ thể: sản phẩm phi lê đông lạnh giảm 11,25%; gạo xay xát giảm 21,11%; bia đóng lon giảm 25,21%; dược phẩm dạng viên giảm 30,59%; xi măng giảm 28,79%; sản phẩm đinh, đinh mũ, ghim dập, đinh vít giảm 43,30%… Hiện tại, việc lưu thông giữa các tỉnh thành chưa thật sự dễ dàng, điều này cũng ảnh hưởng đến việc cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất và cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển sản phẩm đã hoàn thành đến nơi tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn đang tạm dừng hoạt động, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất của các doanh nghiệp, vì vậy sản phẩm sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong thời gian qua, ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan chức năng đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, trong việc phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa an toàn, vừa sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn, thách thức để tồn tại.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 10/2021 đạt 89,32% so với tháng cùng kỳ. Nhìn chung 10 tháng chỉ số tiêu thụ đạt 81,96% so với cùng kỳ năm. Đến nay, nhiều ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh được phép mở cửa kinh doanh trở lại, tuy nhiên sức mua của người dân vẫn còn hạn chế, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Qua 10 tháng, nhiều ngành có mức tiêu thụ đạt thấp so với cùng kỳ, cụ thể: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đạt 84,95%; sản xuất bia đạt 75,42%; sản xuất đồ uống không cồn đạt 74,24%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) đạt 69,35%; sản xuất giấy đạt 60,54%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu đạt 69,54%; sản xuất sản phẩm từ plastic đạt 79,08% và sản xuất xi măng đạt 71,21%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/10/2021 tăng 35,36% so với tháng cùng kỳ. So với tháng trước chỉ số tồn kho giảm 43,76%, cho thấy lượng hàng tồn kho được giải phóng phần nào so với tháng trước, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tuy doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất, nhưng cơ quan quản lý về phòng dịch địa phương vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất kho sản phẩm đã hoàn thành nếu doanh nghiệp ký kết được đơn hàng hoặc cần xuất hàng những đơn hàng đã ký kết, vì vậy lượng hàng tồn phần nào được giải phóng, tuy nhiên lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều tại doanh nghiệp. Một số ngành chỉ số tồn kho còn nhiều như: chế biến và bảo quản thủy sản; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất thuốc lá, sản xuất trang phục; sản xuất phân bón; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao;…
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tháng 10/2021 tăng 3,32% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không thay đổi, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,24% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 18,31%.
II. NÔNG LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN
Trong tháng, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra trên địa bàn thành phố, giá bán nông sản thấp, tiêu thụ nông sản chậm; tình hình nuôi trồng thủy sản cũng gặp khó khăn do các công ty chế biến thủy sản giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, giá xuất bán thủy sản thấp, chi phí nuôi trồng tăng như: thức ăn, thuốc, hóa chất, nhân công...
1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
- Cây lúa: tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm đã xuống giống 222.376 ha, vượt 7,47% so với kế hoạch và đã thu hoạch dứt điểm vụ đông xuân và hè thu với sản lượng ước đạt 1.023.240 tấn. Dự kiến đến cuối năm sản lượng lúa 3 vụ đạt khoảng 1,4 triệu tấn, vượt 10% kế hoạch.
Lúa thu đông đã xuống giống được 69.995 ha, cao hơn 1.275 ha so với cùng kỳ và đã thu hoạch được 61.316 ha chậm hơn 1.710 ha so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 55,63 tạ/ha cao hơn cùng kỳ 3,57 tạ/ha.
Lúa thu đông thu hoạch gần dứt điểm, do năm nay tình hình nước lũ rất thấp nên trên những diện tích lúa đã thu hoạch, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân tận dụng các đợt triều cường đưa nước vào ruộng để tranh thủ lượng dinh dưỡng và vệ sinh đồng ruộng. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, địa phương các cấp vận động nông dân chuẩn bị lúa giống sớm để chủ động trong tiến độ xuống giống đông xuân 2021-2022.
Giá lúa cụ thể như sau: IR 50404: 4.400-4.600 đồng/kg; OM 5451: 5.600-5.700 đồng/kg; OM 380: 4.200-4.500 đồng/kg; Đài Thơm 8: 5.700-5.800 đồng/kg; OM 18: 5.900 -6.000 đồng/kg.
Chi phí thu hoạch: hiện tại giá công thu hoạch trung bình 2.100.000-2.200.000/ha, không tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên chi phí nhân công (vác, kéo, cân) có thể gia tăng do phải đảm bảo việc test Covid-19 (3 ngày/lần) cho đội ngũ nhân công thu hoạch lúa.
Đến nay, vụ đông xuân có 131 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 39.391 ha; vụ hè thu và thu đông có 136 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 32.833 ha, tổng số hộ tham gia là 23.486 hộ.
- Cây hàng năm khác: đến giữa tháng 10/2021, tổng diện tích gieo trồng rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày là 17.093 ha thấp hơn 966 ha so với cùng kỳ, đã thu hoạch được 12.600 ha. Trong đó:
Cây rau: đã gieo trồng được 11.670 ha thấp hơn 194 ha so với cùng kỳ và đã thu hoạch được 9.644 ha, tập trung tại Cờ Đỏ, Bình Thủy, Thốt Nốt,…
Cây bắp: đã gieo trồng được 1.166 ha cao hơn 357 ha so với cùng kỳ và đã thu hoạch được 864 ha.
Cây đậu: đã gieo trồng được 847 ha cao hơn 53 ha so với cùng kỳ và đã thu hoạch được 741 ha.
Cây công nghiệp ngắn ngày: đã gieo trồng được 1.085 ha thấp hơn so với cùng kỳ là 1.305 ha và đã thu hoạch được 1.076 ha. Trong đó, diện tích cây mè là 1.063 ha thấp hơn so với cùng kỳ là 1.280 ha, tập trung chủ yếu tại Thốt Nốt và Ô Môn.
Đến giữa tháng 10/2021, có 87 ha nhiễm dịch hại, thấp hơn 13 ha so với cùng kỳ, các đối tượng dịch hại xuất hiện như bọ trĩ/bầu bí dưa 15 ha, các bệnh trên lá trên bầu bí dưa như bệnh thán thư, bệnh phấn trắng 45 ha, sâu đục quả/đậu rau 12 ha,... phân bố huyện Phong Điền và huyện Cờ Đỏ. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
- Cây lâu năm: diện tích cây ăn trái ước đạt 23.317 ha, chiếm 93,85% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 6,97% bằng 1.520 ha so cùng kỳ năm 2020. Ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh.
Trong tháng, dịch bệnh có xảy ra trên một số cây trồng (bệnh rệp sáp, ruồi đục trái, chổi rồng...), tuy nhiên đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
Hiện nay, toàn thành phố có 124 cơ sở, hộ sản xuất và cung ứng lúa giống với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm; 58 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái với năng lực cung ứng 650.000 cây/năm, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đạt hiệu quả.
Thành phố Cần Thơ hiện có 360 ha lúa; 23 ha rau màu và 303 ha cây ăn trái sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và 100 ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện đang hỗ trợ tư vấn, đánh giá, chứng nhận 02 HTX sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP (HTX Hiệp Mỹ Phát xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ 13 hộ, 36 ha và HTX Tân Mỹ Phát Xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ 04 hộ; 13,2 ha).
b) Chăn nuôi
Trong những tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (Tai xanh ở heo, Lở mồm long móng gia súc và Cúm gia cầm). Tuy nhiên, ngày 24/9/2021, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xảy ra 01 ổ dịch tại khu vực 7, phường An Bình, quận Ninh Kiều, tổng đàn bò trong ổ dịch là 10 con, số gia súc mắc bệnh, tiêu hủy là 01 con bê (khối lượng 205 kg); từ ngày 06/10/2021 - 14/10/2021 bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 03 hộ chăn nuôi heo tại 03 xã, phường của 03 quận, huyện (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh; xã Đông Thuận, huyện Thới Lai và phường Trường Lạc, quận Ô Môn), tổng đàn heo trong ổ dịch 731 con heo, số heo ngành Thú y tiêu hủy là 578 con, khối lượng 15.194 kg, chủ hộ tự chôn hủy 153 con.
Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng là rất cao, đặc biệt trong điều kiện nuôi tái đàn, tăng đàn ngày càng tăng để cung cấp thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngành Nông nghiệp phối hợp với UBND quận, huyện tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND thành phố,... nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế ở mức thấp nhất có thể.
Tình hình chăn nuôi của Cần Thơ tại thời điểm tháng 10/2021: tổng đàn heo 128.882 con, tăng 9,83% so cùng kỳ, với số đầu con 176.581 con lợn xuất chuồng, ước sản lượng đạt 17.499 tấn (cao hơn cùng kỳ 3.605 tấn); đàn bò 4.214 con, đàn gia cầm 1.922.000 con, tăng 0,18% so cùng kỳ.
Sản lượng thịt gà xuất chuồng 1.766 tấn, tăng 6,58% so cùng kỳ; sản lượng trứng gà 4.969.000 quả, tăng 4,54% so cùng kỳ 2020.
Toàn thành phố hiện có 67 cơ sở sản xuất và mua bán sản phẩm giống vật nuôi. Trong đó có 42 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống, 16 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất tinh, 05 cơ sở chăn nuôi heo vừa sản xuất con giống và tinh heo, 04 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống. Với khả năng cung cấp khoảng 40.000 con heo giống/năm, 350.000 con vịt giống/năm và 109.000 liều tinh heo/năm.
Sản lượng chăn nuôi của thành phố cung ứng 50-70% nhu cầu thị trường, số lượng còn lại nhập từ các tỉnh thành khác để cung ứng đủ cho người tiêu dùng. Giá heo hơi có sự biến động và dao động ở mức từ 40.000 - 43.000 đồng/kg; giá trâu, bò hơi ổn định ở mức từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; giá gà ta duy trì ở mức từ 85.000 - 90.000 đồng/kg; giá vịt hơi từ 42.000 - 47.000 đồng/kg; sữa bò tươi dao động từ 10.000 - 14.000 đồng/kg; trứng gà công nghiệp từ 1.700 - 2.500 đồng/quả; trứng gà ta: 3.000 - 3.500 đồng/quả; trứng vịt dao động từ 2.500 - 3.200 đồng/quả.
2. Lâm nghiệp
Với vị trí địa lý và đặc điểm tình hình kinh tế của Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn. Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân ở các quận, huyện chăm sóc các cây đã trồng trong những năm trước, vận động xã hội hóa trồng cây nhân dân năm 2021. Đến nay, ước tính trồng được 700.000 cây phân tán.
3. Thủy sản
Đến giữa tháng 10/2021, diện tích nuôi trồng thủy sản (không bao gồm diện tích sản xuất giống) ước đạt 8.079 ha (tăng 148 ha so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 672 ha (giảm 8,70% so cùng kỳ 2020), luỹ kế sản lượng cá tra nuôi công nghiệp ước đạt 132.156 tấn (bằng 87,46% so cùng kỳ 2020).
Sản lượng cá tra giảm do trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động di chuyển, vận chuyển bị hạn chế đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra. Do đó, người nuôi cá tra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải cố gắng duy trì cầm chừng, chờ thu hoạch hết mới tính toán chuyện thả nuôi lứa sau. Số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%. Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đã giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết.
Hiện tại, các nhà máy chế biến thủy sản ở Cần Thơ đã hoạt động trở lại, tuy nhiên chỉ đạt khoảng 30% công suất do phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù sản lượng cá tra tồn đọng đang từng bước được giải quyết nhưng số lượng chưa nhiều do lực lượng nhân công thu hoạch chưa được tiêm vaccine đầy đủ, nhân công tương đối nhiều và đến từ nhiều địa phương khác.
Giá bán cá tra nguyên liệu dao động 22.000 - 22.500 đồng/kg (kích cỡ 700 - 800 g/con) tăng 4.500 đồng/kg so với cùng kỳ, giá thành bình quân 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Giá cá tra giống dao động từ 19.000 - 22.000 đồng/kg, không tăng so với tháng trước, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân - mẫu 30 con/kg giá từ 19.000 – 20.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân - mẫu 70 con/kg giá từ 21.000 - 22.000 đồng/kg.
Khai thác thủy sản nội địa chủ yếu từ lưới, chài, lú, ghe cào…tại các con sông, kênh, mương với sản lượng khai thác 50 kg đến 100 kg/hộ/ngày đối với các hộ ghe cào, chính quyền các cấp vận động bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hạn chế một số công cụ đánh bắt và có chính sách thả nuôi, nhân giống thủy sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Vì vậy, sản lượng khai thác thủy sản nội địa luỹ kế đến tháng 10/2021 ước đạt 5.496 tấn, tăng 162 tấn so cùng kỳ năm 2020.
III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Hiện nay, các biện pháp phòng chống dịch bệnh đang dần được nới lỏng, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh được phép mở cửa hoạt động trở lại, trong đó có hoạt động xây dựng. Các chủ đầu tư và nhà thầu đang khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình để đạt kế hoạch đề ra.
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 10/2021 được 418,60 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố ước thực hiện được 69,86 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước thực hiện được 47,37 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) ước thực hiện được 53,87 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết ước thực hiện được 59,58 tỷ đồng, nguồn vốn khác ước thực hiện được 68,65 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện được 119,27 tỷ đồng.
Ước thực hiện 10 tháng năm 2021, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý được 2.949,88 tỷ đồng đạt 41,99% kế hoạch năm. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố ước thực hiện được 418,28 tỷ đồng đạt 43,69% kế hoạch năm, vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước thực hiện được 229,25 tỷ đồng đạt 41,79% kế hoạch năm, vốn nước ngoài (ODA) ước thực hiện được 494,48 tỷ đồng đạt 25,88% kế hoạch năm, vốn xổ số kiến thiết ước thực hiện được 334,30 tỷ đồng đạt 45,29% kế hoạch năm, nguồn vốn khác ước thực hiện được 523,24 tỷ đồng đạt 57,18% kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện được 950,33 tỷ đồng đạt 48,59% kế hoạch năm. Đến ngày 21/10/2021 đã giải ngân 2.635,39 tỷ đồng, đạt 33,3% kế hoạch năm, trong đó ngân sách địa phương là 1.567,53 tỷ đồng đạt 24,8% kế hoạch năm.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý từ đầu năm đến nay vẫn đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu không ổn định, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố. Tháng 10/2021 nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh được phép hoạt động trở lại, trong đó có hoạt động xây dựng, hiện nay chủ đầu tư đang quyết liệt thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, cố gắng đạt kế hoạch đề ra.
Tình hình thực hiện một số dự án chủ yếu trên địa bàn Thành phố:
Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), dự án có tổng mức đầu tư 7.843,19 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2021 được giao 1.546,44 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã được hoạt động bình thường trở lại, chủ đầu tư và nhà thầu đang khẩn trương thực hiện một số hạng mục công trình để đạt kế hoạch đề ra, cụ thể, dự án đường Hoàng Quốc Việt (thuộc dự án 3) chủ đầu tư và nhà thầu đang tiến hành san lắp và chuẩn bị mặt bằng.
Dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 1.727,94 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 759,83. Tháng 10/2021 dự án được hoạt động xây dựng bình thường trở lại.
Dự án Đường tỉnh 922 (xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ quốc lộ 91B đến Cờ Đỏ), dự án có tổng mức đầu tư là 1.494,93 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư thành phố làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 147,58 tỷ đồng. Tháng 10/2021 dự án được hoạt động xây dựng bình thường trở lại, chủ đầu tư và nhà thầu đang khẩn trương thực hiện để đạt kế hoạch đề ra.
Dự án Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 195,85 tỷ đồng do Chi cục Thủy lợi thành phố làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 90 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án mới có vốn kế hoạch thực hiện trong năm 2021. Hiện nay, chủ đầu tư và nhà thầu đã bắt đầu triển khai những hạng mục công trình đầu tiên, và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng đúng kế hoạch đề ra.
IV. THƯƠNG MẠI
1. Giá cả thị trường
TP Cần Thơ và các địa phương lân cận đã áp dụng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội cùng hàng loạt biện pháp khơi thông cho vận chuyển lưu thông hàng hóa đã tạo điều kiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn, thời gian và chi phí vận chuyển giảm đáng kể so với thời điểm các tháng trước đã giúp cho nhiều mặt hàng giảm giá thành. Tuy nhiên, do giá xăng tăng mạnh khiến giá nhu yếu phẩm và một số nhóm hàng hóa khác thiết lập mặt bằng giá mới.
Hiện tại nguồn hàng về chợ dồi dào, đáp ứng đầy đủ và đa dạng hơn các mặt hàng thiết yếu cho người dân, do đó thị trường bắt đầu đi vào ổn định, giá cả cũng bình ổn hơn so với trước đây. Các hoạt động thương mại buôn bán đã được nối lại, nhu cầu đi lại của người dân cũng gia tăng tạo nên không khí phấn khởi. Cùng với đó, giá một số mặt hàng lương thực thực phẩm cũng ổn định hơn giúp người tiêu dùng phần nào giảm bớt nỗi lo chi tiêu sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,23% so với tháng trước; tăng 3,91% so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 3,62% so với tháng 12 năm 2020; Chỉ số giá bình quân 10 tháng tăng 2,41% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 6 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,02%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; giao thông tăng 2,50%; giáo dục tăng 0,01%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,19%. Trong tháng, có 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,61%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,10%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,91%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.
Các nguyên nhân tác động đến CPI tháng 10/2021
Giá các loại nông sản (rau củ, trái cây) cũng trên đà giảm do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản, việc đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản nên nhiều mặt hàng đã rơi vào tình trạng dư thừa, thị trường tiêu thụ chậm, sức mua giảm. Giá cả một số mặt hàng nông sản như rau các loại, trái cây bị tồn ứ và giá bán giảm từ 30 - 40%.
Giá thịt gia súc giảm đã tác động đến chỉ số giá nhóm thực phẩm mạnh, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ giảm đã làm cho giá thịt heo giảm mạnh. Giá heo hơi vẫn trên đà giảm mạnh, xu hướng này có thể kéo dài đến cuối năm. Giá heo hơi giảm mạnh dịp này không phải do cung vượt cầu mà là do gián đoạn chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19. Các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ phải tạm đóng cửa, một số khu giết mổ phải dừng hoạt động theo lệnh giãn cách, cộng với thu nhập của người dân giảm nên chi tiêu tiết kiệm... Từ đó, kéo giá thịt heo giảm sâu, khó xuất chuồng hơn trước.
Từ ngày 01/10, mỗi bình gas loại 12 kg sẽ tăng thêm 42.000 đồng, có giá từ 460.000 đồng đến trên 500.000 đồng/bình 12 kg tuỳ thương hiệu. Nguyên nhân giá gas tháng Mười tăng mạnh là do giá giao dịch gas trên thị trường thế giới giao theo hợp đồng tháng Mười tăng tới 132,5 USD/tấn so với tháng Chín, ở mức bình quân 797,5 USD/tấn. Do đó, các đơn vị kinh doanh gas trong nước phải điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ. Giá gas trong nước hiện phụ thuộc vào diễn biến giá gas thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Từ 15 giờ ngày 11/10, mỗi lít xăng tăng 930-970 đồng và dầu tăng 510-980 đồng. Theo điều chỉnh giá từ Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 là 21.680 đồng một lít (tăng 970 đồng); RON 95 là 22.870 đồng một lít (tăng 930 đồng). Giá các mặt hàng dầu cũng tăng, dầu hoả là 16.620 đồng một lít, tăng 980 đồng; dầu diesel là 17.540 đồng một lít, tăng 960 đồng; dầu maduz là 17.090 đồng/kg, tăng 510 đồng. Nguyên nhân, do giá dầu tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế từ các nhà sản xuất lớn và nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng khi các nền kinh tế cố gắng phục hồi sau đại dịch.
Các loại vật liệu xây dựng giảm: xi măng, thép, cát đen, cát vàng, cát xây dựng, bột trát tường, gạch lát nền, sơn tường ngoài nhà, sơn tường trong nhà. Nguyên nhân nhóm vật liệu xây dựng giảm là do sau khi đã nới lỏng giãn cách vận chuyển dễ dàng, hàng hóa được lưu thông, cước phí vận chuyển giảm. Ngoài ra, do bắt đầu mở cửa kinh doanh trở lại nên nhiều cửa hàng giảm giá bán để thu hút người mua.
Giá nước sinh hoạt giảm do thực hiện chính sách miễn giảm giá tiêu dùng nước sạch trong thời gian diễn ra dịch Covid-19.
- Chỉ số giá vàng giảm 0,71% so với tháng trước, giảm 4,12% so với cùng tháng năm trước, giảm 4,54% so với tháng 12 năm trước. Giá vàng nhẫn sjc giảm do chu kỳ lấy giá từ 22/9 đến 21/10 có 9 ngày còn thực hiện theo Chỉ thị 16 nên giá vàng đứng yên. Ngoài ra, đà giảm giá của vàng đến từ sự phục hồi của thị trường chứng khoán dẫn đến áp lực bán ra của nhà đầu tư. Giá vàng nhẫn sjc ngày 21/10/2021 trên địa bàn thành phố là 5.165.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,09% so với tháng trước, giảm 1,80% so với cùng tháng năm trước, giảm 1,60% so với tháng 12 năm trước. Giá đô la Mỹ giảm do tâm lý đầu tư rủi ro gia tăng đã kìm hãm đà tăng giá của đồng bạc xanh. Ngày 21/10, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 2 đồng/USD, xuống còn 23.145 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giữ giá USD ở mức thấp, Vietcombank mua vào ở 22.625 - 22.655 đồng/USD và bán ra 22.855 đồng/USD; Eximbank mua USD với giá 22.660 - 22.680 đồng/USD và bán ra 22.840 đồng/USD. Giá đô la Mỹ ngày 21/10/2021 là 22.855 đồng/USD.
2. Nội thương
Trong tháng, doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh so với tháng trước do dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các ngành kinh doanh được mở cửa hoạt động trở lại, tuy nhiên sức mua so với cùng kỳ vẫn giảm do nhiều nguyên nhân như: thu nhập của người dân giảm, xu hướng tiêu dùng thay đổi khi dịch bệnh xảy ra trong thời gian dài, người tiêu dùng chủ yếu chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu.
Ước tháng 10/2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 11.150,59 tỷ đồng, tăng 24,67% so với tháng trước, giảm 12,41% so với cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 107.361,05 tỷ đồng, giảm 6,25% so với cùng kỳ. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tháng 10/2021 đạt 9.960,50 tỷ đồng, tăng 19,91% so với tháng trước, giảm 6,91% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ như: hàng may mặc giảm 74,23%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 11,02%; ô tô giảm 72,22%, đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 21,20%. Bên cạnh đó, vẫn có một số sản phẩm có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 18,64%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 10,05%.
Ước 10 tháng năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 92.340,38 tỷ đồng, giảm 4,01% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ như: hàng may mặc giảm 9,19%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 7,45%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 11,09%; ô tô giảm 36,60%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 20,51%. Tuy nhiên vẫn có những nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 5,64%; xăng dầu tăng 7,02%; nhiên liệu (gas) tăng 5,17%.
- Ước tháng 10/2021 doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ đạt 1.190,09 tỷ đồng, tăng 86,74% so với tháng trước, giảm 41,37% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 510,23 tỷ đồng, giảm 39,97% so cùng kỳ; dịch vụ đạt 679,86 tỷ đồng, giảm 41,19% so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ tăng mạnh so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ do các cơ sở khách sạn nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn đều được phép hoạt động lại tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế. Cụ thể như các khách sạn nhà nghỉ mặc dù đã hoạt động lại nhưng số khách vẫn chưa nhiều cũng như số phòng được phép hoạt động vẫn còn hạn chế; các nhà hàng, quán ăn gia đình vẫn chưa hoạt động lại hết công suất, chủ yếu bán mang về là chính.
Ước 10 tháng năm 2021 doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ đạt 15.020,67 tỷ đồng, giảm 18,01% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 5.792,82 tỷ đồng giảm 21,60% so cùng kỳ, du lịch lữ hành đạt 104,34 tỷ đồng giảm 48,60% so cùng kỳ, dịch vụ đạt 9.123,51 tỷ đồng giảm 14,97% so cùng kỳ.
V. GIAO THÔNG VẬN TẢI
Thành phố Cần Thơ đang dần kiểm soát tốt dịch bệnh Covid -19. Đầu tháng 10/2021 UBND thành phố đã ký ban hành quyết định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển hành khách công cộng và liên tỉnh vẫn chưa được hoạt động trở lại.
- Vận tải hàng hoá: tháng 10/2021, ước vận chuyển 0,49 triệu tấn hàng hoá, tăng 39,60% so với tháng trước, giảm 39,68% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 68,96 triệu tấn.km đạt 54,24% so cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2021 vận chuyển 6,13 triệu tấn hàng hoá, giảm 21,56% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 968,52 triệu tấn.km đạt 79,60% so cùng kỳ.
Chia ra: đường bộ tháng 10/2021, ước vận chuyển đạt 0,14 triệu tấn giảm 52,19% so cùng kỳ; luân chuyển 28,26 triệu tấn.km đạt 53,51% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển đạt 0,35 triệu tấn giảm 33,07% so cùng kỳ; luân chuyển 33,37 triệu tấn.km đạt 52,41% so cùng kỳ. Đường biển ước vận chuyển đạt 0,01 triệu tấn giảm 31,25% so cùng kỳ; luân chuyển 7,33 triệu tấn.km đạt 68,75% so cùng kỳ.
- Vận tải hành khách: tháng 10/2021, ước vận chuyển 2,29 triệu lượt hành khách, tăng 190,33% so với tháng trước, giảm 60,12% so cùng kỳ; luân chuyển 30,69 triệu lượt hành khách.km đạt 37,30% so cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2021 vận chuyển 39,81 triệu lượt hành khách giảm 24,20% so cùng kỳ; luân chuyển 565,67 triệu lượt hành khách.km đạt 78,39% so cùng kỳ.
Chia ra: đường bộ tháng 10/2021, ước vận chuyển 1,34 triệu lượt hành khách giảm 63,28% so cùng kỳ; luân chuyển 29,48 triệu hành khách.km đạt 37,10% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển 0,95 triệu lượt hành khách giảm 54,60% so cùng kỳ; luân chuyển 1,21 triệu hành khách.km đạt 42,82% so cùng kỳ.
- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: tháng 10/2021 ước thực hiện 141,82 tỷ đồng, tăng 46,85% so với tháng trước, giảm 52,52% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 27,48 tỷ đồng giảm 62,54% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 72,69 tỷ đồng, giảm 47,75% so cùng kỳ; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 30,47 tỷ đồng, giảm 54,48% so cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát thực hiện 11,19 tỷ đồng, giảm 42,13% so cùng kỳ.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước 10 tháng năm 2021 thực hiện 2.243,33 tỷ đồng, giảm 19,81% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 489,28 tỷ đồng, giảm 26,20%; vận tải hàng hóa thực hiện 1.058,60 tỷ đồng, giảm 19,26%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 505,49 tỷ đồng, giảm 15,92% so cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát thực hiện 189,96 tỷ đồng, giảm 14,49% so cùng kỳ.
VI. NGÀNH TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG
1. Tài chính ngân sách
- Thu ngân sách: lũy kế thực hiện đến 20 ngày tháng 10/2021, tổng thu NSNN 10.781,37 tỷ đồng đạt 66,08% dự toán HĐND giao, trong đó thu nội địa là 7.459,58 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 1.468,85 tỷ đồng đạt 63,86% dự toán, thu từ doanh nghiệp Nhà nước 1.040,29 tỷ đồng đạt 68,17% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 894,03 tỷ đồng đạt 82,02% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 678,46 tỷ đồng đạt 85,88% so dự toán. Tính đến 20/10/2021 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 532,89 tỷ đồng đạt 62,69% so dự toán.
- Chi ngân sách: lũy kế thực hiện đến 20 ngày tháng 10/2021 ngân sách đã chi 7.846,93 tỷ đồng chiếm 46,41% dự toán, trong đó hoạt động chi đầu tư phát triển 3.297,56 tỷ đồng, chi thường xuyên 4.404 tỷ đồng.
2. Tín dụng ngân hàng
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm so với đầu năm. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho nền kinh tế nên đã ảnh hưởng nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay, ước thực hiện trong tháng 10/2021, nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay chỉ tăng nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nợ xấu chiếm 1,38% trên tổng dư nợ cho vay.
Vốn huy động đến cuối tháng 10/2021 ước đạt 90.400 tỷ đồng, tăng 0,69% so với đầu tháng. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 88.400 tỷ đồng, chiếm 97,79%, tăng 0,68%, vốn huy động ngoại tệ là 2.000 tỷ đồng, chiếm 2,21%, tăng 0,91% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 62.800 tỷ đồng, chiếm 69,47%, tăng 0,78%, vốn huy động trên 12 tháng là 27.600 tỷ đồng, chiếm 30,53%, tăng 0,47% so với đầu tháng.
Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 10/2021 ước đạt 115.600 tỷ đồng, tăng 0,65% so với đầu tháng, tăng 11,41% so với tháng 12/2020. Trong đó, dư nợ cho vay VNĐ đạt 108.700 tỷ đồng, tăng 0,58% so đầu tháng, chiếm 94,03% trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 6.900 tỷ đồng, tăng 1,61% so với đầu tháng, chiếm 5,97% trong tổng dư nợ cho vay; phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 63.100 tỷ đồng, tăng 0,77% so đầu tháng, chiếm 54,58%, dư nợ cho vay trung dài hạn 52.500 tỷ đồng, tăng 0,49% so đầu tháng, chiếm 45,42% tổng dư nợ cho vay.
Nợ xấu đến cuối tháng 10/2021 ước là 1.600 tỷ đồng, chiếm 1,38% trong tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn hiện nay phổ biến như sau:
- Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,1% - 0,2%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3,4% - 4,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 4,0% - 6,0%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 5,6% - 6,5%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.
- Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 5,5% - 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 8,0% - 10,0%/năm đối với trung, dài hạn.
- Lãi suất USD: lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 3,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 4,5% - 6,0%/năm.
VII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI
1. Văn hóa - Thể thao
Hệ thống thư viện công cộng toàn thành phố bổ sung 2.000 quyển sách mới, nâng tổng cộng bổ sung 10 tháng đầu năm: 24.000 quyển, đạt 83% kế hoạch năm; phục vụ 196.015 lượt người (trong đó có 169.256 lượt người truy cập website Thư viện) và 339.690 lượt tài liệu (trong đó có 269.573 lượt truy cập website Thư viện), nâng tổng cộng phục vụ 10 tháng đầu năm: 2.488.142 lượt bạn đọc, đạt 84% kế hoạch năm. Hoàn thành vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 và gửi 16 bài tham dự vòng Chung khảo toàn quốc.
Trung tâm Văn hóa thành phố: Thực hiện 14 cuộc xe tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến đường thuộc thành phố Cần Thơ. Thu âm bài cổ động tuyên truyền tổ chức tiếp nhận người dân Cần Thơ trở về từ vùng dịch và chuyển file cho quận Cái Răng và Thốt Nốt để phát trên hệ thống loa phát thanh. Đăng ký tham gia Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức tháng 11 năm 2021.
Nhà hát Tây Đô: Tổ chức Lễ Giỗ Tổ nghề Sân khấu Việt Nam đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chọn kịch bản để tham gia “Liên hoan cải lương toàn quốc - 2022”.
Thể dục, thể thao
- Thể dục thể thao quần chúng: tuyên truyền Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn thành phố năm 2021 và giới thiệu bài tập TDTT nâng cao sức khỏe phòng chống bệnh tật bằng nhiều hình thức như đăng trên trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội.
- Thể thao thành tích cao: Thực hiện thủ tục cử huấn luyện viên, vận động viên Boxing tham gia giải đấu tranh đai WBO từ ngày 18/10 – 28/10/2021, tại Hàn Quốc. Gửi 04 vận động viên đội trẻ Bóng rổ nữ TP.Cần Thơ tập huấn cùng đội trẻ Bóng rổ nữ Quốc gia từ ngày 07/10 - 31/12/2022, tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Cần Thơ.
2. Giáo dục
Các cơ sở giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bố trí đội ngũ giáo viên lớp 1, lớp 2 cho các trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; việc đầu tư nâng cấp, xây dựng trường lớp, phòng học, cung ứng thiết bị dạy học tối thiểu nhằm thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hoàn thành các video bài giảng các môn học/Hoạt động giáo dục ở học kỳ I trình Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi THCS cấp thành phố năm học 2020-2021.
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021 đối với Trường THCS Đông Hiệp, Trường THCS Trà An.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX theo kế hoạch.
3. Về Y tế - khám chữa bệnh
Tình hình dịch bệnh: trong tháng, sốt xuất huyết ghi nhận 29 trường hợp mắc, giảm 16 trường hợp so với tháng trước (45 trường hợp), không có tử vong; lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 750 trường hợp mắc, giảm 176 trường hợp so cùng kỳ (926 trường hợp), không có tử vong. Tay chân miệng ghi nhận 03 trường hợp mắc, giảm 05 trường hợp so với tháng trước (08 trường hợp), không có tử vong; lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.113 trường hợp mắc, tăng 628 trường hợp so cùng kỳ (485 trường hợp), không có tử vong. Sởi và sốt phát ban nghi sởi lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 01 trường hợp mắc, giảm 20 trường hợp so cùng kỳ (21 trường hợp). Tiêu chảy 214 trường hợp, tăng 60,9% so với tháng trước.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19: thành phố Cần Thơ đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 khi số ca mắc trong cộng đồng giảm dần; các ca mắc mới trong những ngày gần đây chủ yếu trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Ngành Y tế vẫn không chủ quan lơ là, tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể:
- Phối hợp Công an thành phố tổ chức truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 liên quan bệnh nhân Covid-19, đồng thời tiến hành phun khử khuẩn theo quy định. Rà soát, chấn chỉnh quy trình xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 để đạt hiệu quả cao nhất.
- Tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 theo lộ trình, từng bước, chắc chắn nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thống kê số lượng học sinh trong độ tuổi 12-17 tuổi để chuẩn bị triển khai tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19. Tính đến ngày 14/10/2021, có 608.071 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm cho các đối tượng ưu tiên, người lao động, người dân trên địa bàn, tỷ lệ người được tiêm đạt tỷ lệ 40,4% dân số (trong đó 8,5% tiêm đủ 02 mũi).
Tại Cần Thơ, lũy tích từ 01/01/2021 đến ngày 14/10/2021, ghi nhận 5.202 ca bệnh, trong đó có đã điều trị khỏi 5.451 trường hợp, 97 ca tử vong; có 12.710 người đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung; 13.390 người đã hoàn thành thời gian cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà và cơ sở lưu trú.
Tiếp tục truyền thông mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh đến người dân trên địa bàn. Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai trên địa bàn thành phố, thực hiện khai báo y tế tự nguyện, cài đặt và sử dụng ứng dụng truy vết Bluezone.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS: lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện được là 6.803 trường hợp. Trong đó, tử vong 2.547 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.256 trường hợp. Điều trị ARV cho 4.323 trường hợp, điều trị Methadone cho 344 trường hợp.
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: trong tháng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.
Hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cho người lao động, cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, khu cách ly. Triển khai, tổ chức hướng dẫn, giám sát nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm được cung cấp, hỗ trợ từ các tổ chức và các nhân trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.
4. Chính sách lao động - xã hội
Trong tháng, thành phố Cần Thơ giải quyết việc làm cho 204 lao động. Lũy kế từ đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 23.503 lao động (trong đó cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 165), đạt 46,72% kế hoạch năm; giảm 45,19% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 77 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong tháng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề cho 3.296 người. Lũy kế từ đầu năm, đã tuyển mới và đào tạo 29.498 người, đạt 59% kế hoạch năm, giảm 28,48% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ đã thực hiện tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề cho 9.231 lượt người, giới thiệu việc làm trong nước cho 524 lượt người; thông qua các hoạt động chính như: tổ chức Buổi truyền thông trên mạng xã hội Facebook của Trung tâm với hình thức Truyền phát trực tiếp, đẩy mạnh tư vấn và giới thiệu việc làm, học nghề, chính sách pháp luật thông qua các hình thức: tổng đài Call - Center, mạng xã hội Zalo và Facebook của Trung tâm, cổng thông tin việc làm Cần Thơ www.vieclamcantho.vn. Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trung tâm tạm ngưng tổ chức các khóa đào tạo nghề và đào tạo kỹ năng. Dự kiến, các khóa đào tạo này sẽ được tổ chức lại trong tháng tiếp theo.
Số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 525 hồ sơ, tăng 48,73% so với tháng báo cáo liền trước đó (353 hồ sơ), giảm 60,91% so với tháng cùng kỳ năm 2020 (1.343 hồ sơ). Số lượng nộp hồ sơ giảm đáng kể do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thành phố Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm gần như chỉ tiếp nhận hồ sơ mới qua bưu điện nên lượt hồ sơ gửi đến không cao.
Chính sách người có công với cách mạng: toàn thành phố hiện có 5.818 đối tượng, người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 34 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Thực hiện chế độ trợ cấp phương tiện dụng cụ chỉnh hình và ưu đãi giáo dục cho Người có công và con của họ.
Trung tâm Bảo trợ xã hội hiện đang quản lý 605 đối tượng. Khám và điều trị bệnh thông thường cho 1.200 lượt đối tượng, trong đó điều trị theo toa 371 lượt, khám và chỉnh liều thuốc tâm thần cho 47 lượt đối tượng. Phát thuốc điều trị bệnh tâm thần cho 29.600 lượt đối tượng. Điều trị bệnh động kinh cho 28 lượt đối tượng, khám chỉnh liều cho 28 lượt đối tượng, theo dõi chỉ số HA cho đối tượng lên cơn động kinh hàng ngày.
Kịp thời can thiệp 51 trường hợp đối tượng đánh nhau, phối hợp với nhân viên phòng Y tế ngăn chặn đối tượng lên cơn kích động, nhắc nhở 07 trường hợp đối tượng vi phạm nội quy. Bố trí cho đối tượng tắm nắng sáng, tập thể dục, vui chơi giải trí, ca hát, buổi chiều hóng mát; theo dõi đối tượng yếu cần chăm sóc đặc biệt; tăng cường công tác vệ sinh, khử khuẩn khu nhà ở đối tượng nhằm phòng, chống dịch bệnh; tăng cường chăm sóc, vệ sinh hàng ngày cho đối tượng yếu và kích động.
Trung tâm Công tác xã hội nuôi dưỡng 96 đối tượng ở độ tuổi 02 tháng đến 53 tuổi. Trong tháng khám và điều trị tại chỗ cho 172 lượt trẻ với các bệnh thông thường. Đưa 03 lượt đối tượng đi khám bệnh, điều trị tại các bệnh viện. Hỗ trợ trẻ Trung tâm sản xuất 1090 khung giấy khen theo đơn đặt hàng. Phối hợp đơn vị hỗ trợ kỹ thuật tổng đài và tham mưu xây dựng phương án chuyển cuộc gọi trong thời gian ngoài giờ hoặc thời gian thực hiện giãn cách khi dịch bệnh vào điện thoại cá nhân hoặc tổng đài 111 khi không trực tiếp tiếp nhận cuộc gọi tổng đài. Tiếp tục thực hiện các Mô hình Công tác xã hội trong trường học; Công tác xã hội trong bệnh viện; Chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Quản trị Quyền trẻ em - Trẻ em và thanh thiếu niên LGBT Việt Nam tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và dịch vụ xã hội”.
* Kết quả thực hiện 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP
Tính đến ngày 24/10/2021, toàn thành phố đã hỗ trợ cho 3.676 người sử dụng lao động, 207.300 lượt người với tổng kinh phí trên 303 tỷ đồng, đạt 70,54% so với số lượng được duyệt, cụ thể:
Nhóm chính sách Bảo hiểm xã hội (gồm các chính sách: 1, 2, 3 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP):
- Chính sách 1, 2 (Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất): đã hoàn thành hỗ trợ 3.659 người sử dụng lao động với 80.976 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 40 tỷ đồng (số liệu biến động khi có sự tăng/giảm lao động).
- Chính sách 3 (Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động): Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2758/SLĐTBXH-LĐ ngày 11 tháng 8 năm 2021 tổ chức triển khai thực hiện việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai mở các lớp đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động, trong đó có lực lượng lao động là người Cần Thơ về từ vùng dịch.
Nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt (gồm các chính sách: 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã phê duyệt hỗ trợ 210.571 lượt người, kinh phí trên 435 tỷ đồng (trong ngày phê duyệt hỗ trợ 1.756 người); đến nay đã chi hỗ trợ cho 124.012 lượt người, kinh phí trên 253 tỷ đồng, đạt 59,39% so với số lượng được phê duyệt (trong ngày chi hỗ trợ 4.136 người):
- Chính sách 4 (Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương): Có 09/09 địa phương đã được phê duyệt (các quận: Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn, Cái Răng, Thốt Nốt; các huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Thới Lai); Có 07/09 quận, huyện đã chi hỗ trợ (các quận: Bình Thủy, Ô Môn, Ninh Kiều, Thốt Nốt; các huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền).
- Chính sách 5 (Hỗ trợ người lao động ngừng việc): có 02/09 quận, huyện (Ninh Kiều, Ô Môn) được phê duyệt.
- Chính sách 6 (Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp): đã hoàn thành chi hỗ trợ so với số lượng được phê duyệt.
- Chính sách 7 (Hỗ trợ bổ sung người lao động đang mang thai; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi; trợ trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế): được thực hiện đồng thời với các chính sách 4, 5, 6 và 8.
- Chính sách 8 (Hỗ trợ tiền ăn đối với người là F0 và F1): Có 08/09 địa phương đã được phê duyệt (các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Ninh Kiều; các huyện: Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai; Có 05/09 địa phương đã chi hỗ trợ (các quận: Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy; các huyện: Cờ Đỏ, Phong Điền).
- Chính sách 9 (Hỗ trợ một lần đối với viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch): đã chi hỗ trợ 87/138 người được phê duyệt (đang thực hiện thủ tục chi hỗ trợ các trường hợp còn lại).
- Chính sách 10 (Hỗ trợ hộ kinh doanh): Có 08/09 địa phương đã được phê duyệt: các quận: Thốt Nốt, Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng; các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền. Có 02/09 địa phương đã chi hỗ trợ (quận Thốt Nốt, huyện Cờ Đỏ).
- Chính sách 12 (Hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố):
+ Hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động: 09/09 quận, huyện đã được phê duyệt hỗ trợ lần 1 (mức 1.200.000 đồng/ người) và lần 2 (mức 800.000 đồng/người); Đến nay đã chi hỗ trợ 7.527/7.888 người với kinh phí trên 13,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95,42%.
+ Hỗ trợ 04 nhóm đối tượng còn lại: 09/09 quận, huyện được phê duyệt hỗ trợ 175.812 người, kinh phí trên 351,6 tỷ đồng; Có 09/09 quận, huyện (Ninh Kiều, Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy; Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh) đã chi hỗ trợ 106.916 người, kinh phí trên 213,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60,81%.
Nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã giải ngân cho 17 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 2.312 lượt người lao động với số tiền cho vay là 9 tỷ 022,86 triệu đồng.
5. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/9/2021 đến 14/10/2021) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông, làm chết 01 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 03 vụ, số người chết giảm 03 người. Trong 10 tháng năm 2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39 người, bị thương 06 người. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ giảm 20 vụ, số người chết giảm 19 người, số người bị thương giảm 01 người./.
Website Cục Thống kê thành phố Cần Thơ