I. CÔNG NGHIỆP
Tháng 5 năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều có những biện pháp sản xuất kinh doanh phù hợp trong bối cảnh cả nước và thế giới đang đối phó với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp hướng đến sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu của người dân trong nước và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 5/2021 tăng 4,87% so tháng trước và tăng 17,31% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,75%; ngành phân phối điện tăng 14,89%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 8,73%.
Ước thực hiện 5 tháng tăng 9,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,14%, ngành phân phối điện tăng 10,45%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải giảm 0,53%. Trong đó, có một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: tôm đông lạnh tăng 34,60%; thuốc lá tăng 11,35%; bao và túi để đóng gói tăng 21,59%; quần áo không dệt kim hoặc đan móc tăng 21,08%; dược phẩm tăng 5,83%; bao bì từ plastic tăng 24,96%.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu còn nhiều thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Thị trường xuất khẩu gạo tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn đang gặp khó khăn, sản phẩm gạo Việt Nam đang cạnh tranh với sản phẩm gạo Ấn Độ và Thái Lan, gạo xay xát ước 5 tháng/2021 giảm 11,40% so với cùng kỳ; thức ăn gia súc giảm 27,50%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 5/2021 là 118,15% so với tháng cùng kỳ. Nhìn chung, 5 tháng chỉ số tiêu thụ đạt 101,34% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có mức tiêu thụ 5 tháng/2021 tăng cao so với cùng kỳ, cụ thể: ngành chế biến bảo quản thủy sản tăng 11,82%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 17,29%; sản xuất thuốc trừ sâu tăng 102%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 22,78%. Với chỉ số tiêu thụ trên cho thấy một số sản phẩm có mức tiêu thụ tăng cao, như sản phẩm thuốc trừ sâu, hiện nay đang vào mùa vụ, nông dân cần sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo năng suất và chất lượng của cây trồng cho đến ngày thu hoạch; thị trường xuất khẩu thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đã không ngừng tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng ở nhiều phân khúc thị trường.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/5/2021 là 130,4% so với tháng cùng kỳ. Một số ngành có mức tồn kho cao như sản xuất thức ăn thủy sản, sản xuất đồ uống, sản xuất kim loại…
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2021 tăng 2,51% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,14%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,08% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 17,20%. Nhìn chung, số lao động ở các doanh nghiệp vẫn ổn định không biến động nhiều.
Tình hình đăng ký kinh doanh: trong tháng 5, ước cấp mới đăng ký kinh doanh cho 78 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký hơn 1.194 tỷ đồng, lũy kế trong 5 tháng/2021, ước cấp mới đăng ký kinh doanh cho 610 doanh nghiệp các loại hình, đạt 38,2% KH; tổng vốn đăng ký 9.409 tỷ đồng, đạt 72,4% KH; so với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 8,5% và số vốn đăng ký tăng 3,2 lần.
II. NÔNG LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
- Cây lúa: đến giữa tháng 5/2021, Cần Thơ đã xuống giống được 75.166 ha lúa hè thu, cao hơn 332 ha so với cùng kỳ, đạt 104,1% so với kế hoạch, tỷ lệ cơ giới hóa trong gieo sạ đạt trên 95% diện tích.
Trong vụ hè thu 2021, các giống được nông dân sử dụng trong gieo sạ chủ yếu như: giống OM5451 chiếm tỷ lệ 73,2% tập trung tại các quận, huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Thốt Nốt; Giống IR50404 chiếm tỷ lệ 9,5%, tập trung chủ yếu tại quận, huyện Thới Lai, Phong Điền, Bình Thủy…; giống OM380 chiếm tỷ lệ 5,9% tập trung tại huyện Thới Lai; giống OM18 chiếm tỷ lệ 2,9% tập trung tại huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.
Ngoài ra, Đài Thơm 8 chiếm tỷ lệ 1,1% tập trung tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Phong Điền, các giống khác (OM4218, Jasmine85, nếp) chiếm khoảng 7,4%.
Đến cuối tháng 4/2021, nông dân thành phố Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm diện tích lúa đông xuân 2020-2021 với kết quả được mùa, được giá. Bình quân mỗi ha lúa, nông dân Cần Thơ lãi từ 40-50 triệu đồng, tương đương với tỷ lệ lợi nhuận đạt gần 50%.
Lúa hè thu 2021 chủ yếu ở giai đoạn đòng đến trổ, sinh trưởng và phát triển tốt. Diện tích nhiễm dịch hại trên lúa 1.020 ha (chuột 167 ha, bệnh đạo ôn lá 737 ha, nhện gié 69 ha...). Các đối tượng dịch hại xuất hiện như bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, chuột... với tỷ lệ bệnh thấp, ít ảnh hưởng đến năng suất lúa giai đoạn chín, phân bố rải rác tại các quận/huyện.
Ngành Nông nghiệp địa phương đã phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi và thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra thực tế để kịp thời chỉ đạo vận hành hệ thống thủy lợi, đảm bảo cấp đủ nước tưới cho lúa; đồng thời, các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật tổ chức thăm đồng, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh và tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài phát thanh, truyền hình,…. kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng tránh kịp thời trong vụ hè thu 2021.
Theo dự báo của ngành nông nghiệp, vụ lúa hè thu năm nay ở Cần Thơ không bị ảnh hưởng nặng nề của tình hình khô hạn và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của bà con nông dân hiện nay là giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao sẽ làm cho chi phí sản xuất vụ này tăng cao hơn các năm.
Giá lúa khô thời điểm hiện tại như sau: giống Jasmine85: 8.000-8.100 đồng/kg; Đài Thơm 8: 8.000-8.100 đồng/kg; OM các loại: 7.700-7.800 đồng/kg; IR50404: 7.300-7.400 đồng/kg.
- Cây hàng năm khác: lũy kế đến giữa tháng 5/2021, diện tích gieo trồng rau và đậu các loại như sau:
+ Cây đậu các loại: diện tích gieo trồng là 611 ha cao hơn 15 ha so với cùng kỳ và đã thu hoạch được 546 ha.
+ Cây rau: diện tích gieo trồng là 6.597 ha thấp hơn 832 ha so với cùng kỳ và đã thu hoạch được 4.540 ha.
+ Cây bắp: diện tích gieo trồng là 655 ha cao hơn 175 ha so với cùng kỳ và đã thu hoạch được 353 ha.
Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo xây dựng và mở rộng vùng rau an toàn tập trung chủ yếu ở quận Bình Thủy và huyện Phong Điền. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn đã giảm chi phí, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó tăng hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ.
Đến giữa tháng 5/2021, có 154 ha nhiễm dịch hại trên rau màu, cao hơn 69 ha so với cùng kỳ năm 2020, các đối tượng dịch hại xuất hiện trong tuần như bọ trĩ/bầu bí dưa 54 ha, bệnh cháy lá, bệnh phấn trắng/bầu bí dưa 70 ha,... phân bố tại huyện Phong Điền, quận Cái Răng. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
- Cây lâu năm: diện tích cây ăn quả ước đạt 22.762 ha, chiếm 93,77% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 1.951 ha so cùng kỳ năm 2020. Ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn quả tập trung, chuyên canh.
Nguyên nhân: diện tích cây ăn quả tăng so cùng kỳ 2020 là do thời gian qua các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ được các cấp chính quyền, ngành Nông nghiệp và phát triển Nông thôn hỗ trợ đầu tư đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn quả, vận động nông dân cải tạo vườn tạp và đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển vườn cây ăn quả, nông dân đã tích cực chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây ăn quả để tăng thêm hiệu quả kinh tế. Ngoài ra nhà vườn còn được các ngành chức năng trợ giá cây giống nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và thời tiết hạn hán, trong 5 tháng đầu năm 2021, ngành đã thực hiện chuyển đổi được 774 ha diện tích trồng cây ăn quả (các loại cây ăn quả chuyển đổi từ nền đất trồng lúa như xoài, mít, sầu riêng, chanh,...) và trong vụ hè thu 2021 trên nền đất lúa kém hiệu quả đã chuyển đổi sang trồng mè với diện tích 1.046 ha. Đồng thời, tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 94% để nâng cao giá trị gạo và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” 131 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 39.391 ha, cao hơn 443 ha so với năm 2020; đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP.
Hiện tại một số vườn cây ăn quả trên địa bàn thành phố Cần Thơ như nhãn, bưởi da xanh, bưởi Năm roi, xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan, mãng cầu, na, vú sữa, mít thái, thanh long, mận... đang vào giai đoạn mang trái và thu hoạch.
Trong tháng, dịch bệnh có xảy ra trên một số cây trồng (bệnh rệp sáp, ghẻ nhám, chổi rồng...), tuy nhiên đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
Hiện nay có 58 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn quả (32 cơ sở vừa sản xuất và kinh doanh và 26 cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả) với năng lực cung ứng 650.000 cây/năm, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đạt hiệu quả.
b) Chăn nuôi
Đến tháng 5/2021, trên địa bàn thành phố Cần Thơ không xảy ra dịch bệnh tai xanh ở heo, lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi trên gia súc và dịch cúm gia cầm.
Tình hình chăn nuôi của Cần Thơ tại thời điểm tháng 5/2021, tổng đàn heo 123.029 con, tăng 5,86% so cùng kỳ, với số đầu con 82.544 con heo xuất chuồng (2,76%), ước sản lượng đạt 8.285 tấn (cao hơn cùng kỳ 6,68%); đàn bò 4.420 con, giảm 7,57% so cùng kỳ; đàn gia cầm 1.937 nghìn con, tăng 7,13% so cùng kỳ.
Sản lượng thịt gia cầm 3.392 tấn, tăng 3,10% so cùng kỳ; sản lượng trứng 35.164 nghìn quả, tăng 3,91% so cùng kỳ.
Toàn thành phố hiện có 56 cơ sở sản xuất và mua bán sản phẩm giống vật nuôi. Trong đó, có 32 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống, 15 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất tinh, 05 cơ sở chăn nuôi heo vừa sản xuất con giống và tinh heo, 04 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống. Với khả năng cung cấp khoảng 40.000 con heo giống/năm, 350.000 con vịt giống/năm và 100.000 liều tinh heo/năm.
Đến nay, giá heo giống dao động khoảng 1.800.000 - 2.500.000 đồng/con (10kg/con), giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 300 - 800 đồng/kg so với tháng trước. Giá vịt ta hơi ở mức từ 35.000 - 42.000 đồng/kg, vịt xiêm 70.000 - 80.000 đồng/kg; gà thả vườn dao động khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg.
2. Lâm nghiệp
Với vị trí địa lý và đặc điểm tình hình kinh tế của Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn. Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân ở các quận, huyện chăm sóc các cây đã trồng trong những năm trước, vận động xã hội hóa trồng cây nhân dân năm 2021. Phối hợp địa phương chuẩn bị tổ chức lễ phát động và thực hiện kế hoạch xã hội hóa tổ chức lễ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” 19/5/2021.
3. Thủy sản
Trong tháng 5 năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.321 ha, (+1,36% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 591 ha (-0,05% so cùng kỳ); Lồng bè 353 cái, ổn định so cùng kỳ năm 2020.
Trên địa bàn Cần Thơ có 199 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản cung cấp nhu cầu nuôi của thành phố và các tỉnh lân cận. Trong tháng 5/2021, giá cá tra giống giảm so với tháng trước do nguồn cung nhiều. Cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân - mẫu 30 con/kg giá từ 25.000 - 26.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân - mẫu 70 con/kg giá từ 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Hiện nay các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn Cần Thơ có khuynh hướng xây dựng vùng nuôi tập trung để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến. Ngành Nông nghiệp đang chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản. Đến nay, có 03 HTX nuôi cá tra với diện tích 39,7 ha; 35 hộ tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy với diện tích 95 ha; 20 vùng nuôi của 08 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 49 ha và tổng diện tích nuôi thủy sản ATTP theo tiêu chuẩn đạt 339 ha, bao gồm 325,2 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP+ASC) và 13,8 ha BAP+ASC.
III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Ước thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2021 được 312,07 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được là 38,92 tỷ đồng, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 20,54 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA 50,20 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết thực hiện được 33,76 tỷ đồng, nguồn vốn khác thực hiện được 56,90 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện thực hiện được 111,75 tỷ đồng.
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 được 1.523,68 tỷ đồng đạt 25,47% kế hoạch năm. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được 186,76 tỷ đồng đạt 29,10% kế hoạch năm, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 100,90 tỷ đồng đạt 24,39% kế hoạch năm, vốn nước ngoài ODA 301,40 tỷ đồng đạt 16,95% kế hoạch năm, vốn xổ số kiến thiết 162,46 tỷ đồng đạt 39,02% kế hoạch năm, nguồn vốn khác thực hiện được 278,34 tỷ đồng đạt 35,93% kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện được 493,83 tỷ đồng đạt 25,24% kế hoạch năm. Đến ngày 20/5/2021 đã giải ngân 1.060,82 tỷ đồng, đạt 14,30% kế hoạch năm, trong đó ngân sách địa phương là 652,57 tỷ đồng đạt 10,90% kế hoạch năm.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý từ đầu năm đến nay đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ; một số dự án có thay đổi phần thiết kế so với thiết kế cơ sở và thiết kế thi công; một số dự án không quyết toán kịp thời thêm vào đó năng lực tài chính các nhà thầu chưa đáp ứng nhu cầu đề ra; giá cả nguyên vật liệu xây dựng trong thời gian gần đây biến động, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi công các công trình xây dựng. Ngày 31/3/2021 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định 690/QĐ-UBND về việc giao kế hoạch nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 các dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai (lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất) thành phố Cần Thơ với số vốn bổ sung là 120 tỷ đồng; đến ngày 01/4/2021 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ giao chi tiết kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư và vốn ngân sách Trung ương năm 2021 (đợt 2) với tổng số vốn là 25,48 tỷ đồng.
Tình hình thực hiện một số dự án chủ yếu trên địa bàn thành phố:
Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), dự án có tổng mức đầu tư 7.843,19 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2021 được giao 1.546,44 tỷ đồng. Ngày 28/4, Ban quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ tổ chức lễ thông xe tuyến đường Trần Hoàng Na, đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến cầu Trần Hoàng Na (quận Ninh Kiều), tuyến đường này thuộc dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, có tổng chiều dài hơn 2,6 km với giá trị hợp đồng gần 192 tỷ đồng. Công trình đường Trần Hoàng Na hoàn thiện và đưa vào sử dụng giúp giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh (Quốc lộ 91B).
Dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ có tổng mức đầu tư là 1.727,9 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 759,83 tỷ đồng. Hiện nay, nhà thầu đang triển khai công tác xây, trát tường, thi công lắp đặt hệ thống đường ống điện âm tường, cấp thoát nước, ống gió hệ điều hòa không khí nhà A, nhà B và nhà C. Riêng khối lượng nhà 1D đang lắp dựng ván khuôn sàn mái.
Dự án Đường tỉnh 922 (xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ quốc lộ 91B đến Cờ Đỏ), dự án có tổng mức đầu tư là 1.494,62 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 147,58 tỷ đồng. Hiện nay dự án đã xây dựng cơ bản hoàn thành nền hạ, tuy nhiên dự án còn một vài vướng mắc, một số cầu trên tuyến đường còn vướng khâu giải phóng mặt bằng xây dựng dốc cầu và đường dân sinh dọc theo cầu; một số hộ khiếu nại, chưa nhận bồi thường thiệt hại, bàn giao mặt bằng và yêu cầu nâng giá bồi hoàn, di dời nhà cửa, xét cấp tái định cư…
IV. THƯƠNG MẠI
1. Giá cả thị trường
Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp nên đã ít nhiều tác động đến giá cả thị trường nhất là đối với những mặt hàng nhu yếu phẩm. Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có biến động mạnh và tăng giảm bất thường. Nguyên nhân là do một số nhà hàng, bếp ăn tập thể và bếp ăn trường học (do học sinh được nghỉ học và học online tại nhà) bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu tiêu dùng bị hạn chế. Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng trong tháng 5 tăng giá là do các chương trình khuyến mãi, đẩy hàng tồn kết thúc khiến mặt bằng giá trở về mức giá cũ (giá gốc ban đầu), tình trạng thiếu hụt nguồn cung và gián đoạn trong hoạt động vận chuyển hàng hoá do dịch bệnh có thể buộc nhiều nhà sản xuất phải tăng giá và do giá nguyên liệu tăng đã làm cho thị trường lập mặt bằng giá mới. Trước tình hình tăng giá của một số mặt hàng, Siêu thị Co.opmart phối hợp nhà cung cấp giảm giá ngay 10.000 sản phẩm nhu yếu phẩm như: sữa, dầu ăn, đường, mì gói, thịt heo, thuỷ hải sản, rau củ quả, đồ dùng gia đình… để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, thành phố chủ động dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung ứng đầy đủ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu (gạo, thịt, trứng và thực phẩm chế biến) và các hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn,... không để xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá, tăng giá đột biến khi tình hình dịch bệnh xảy ra. Tình hình chuẩn bị hàng hóa tại các nhà cung cấp lớn tại TP Cần Thơ, lượng hàng rất dồi dào, đảm bảo đủ cung ứng ngay cả khi thị trường có đột biến sức mua.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2021 tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 3,81% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,85% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá bình quân 5 tháng tăng 0,91% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, có 05 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá tăng so với tháng trước: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,32%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,04%; giao thông tăng 0,80%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%.
Có 03 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá giảm so với tháng trước: đồ uống và thuốc lá giảm 0,01%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,25%; bưu chính viễn thông giảm 0,25%.
Có 03 nhóm có chỉ số giá không thay đổi so với tháng trước: thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục và văn hóa, giải trí và du lịch.
Các nguyên nhân tác động đến CPI tháng 5 năm 2021
Dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại nên việc kinh doanh của các cơ sở gặp khó khăn, người dân, công nhân lao động cũng gặp khó trong việc mưu sinh nên nhiều chủ nhà trọ, cho thuê mặt bằng đã giảm giá cho thuê để hỗ trợ người thuê. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu cũng có nhiều biến động đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng. Hiện nay tại các chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại khá dồi dào hàng hoá được bày bán đa dạng, giá cả ổn định, tuy nhiên việc mua bán diễn ra khá chậm. Nhiều mặt hàng thiết yếu được giảm giá do các chương trình khuyến mãi, đồng thời các đơn vị cũng chủ động dự trữ nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.
Từ sau Tết giá thịt heo hơi giảm mạnh kéo theo giá thịt heo bán lẻ tại các chợ giảm đáng kể từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg. Giá thịt heo hiện nay có nhiều biến động, lên xuống bất thường.
Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 12/5/2021. Cụ thể: giá xăng A95 tăng 370 đồng/lít, xăngE5 tăng 438 đồng/lít, dầu diezel 0,05S tăng 446 đồng/lít, dầu hỏa tăng 566 đồng/lít so với đợt điều chỉnh trước (ngày 27/4/2021). Nguyên nhân là do giá mặt hàng xăng, dầu thế giới tiếp tục tăng trong 15 ngày qua đã ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước. Việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 83) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 83 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Từ 1/5 giá gas trong nước được điều chỉnh giảm 19.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ gas trong nước phổ biến trong khoảng từ 360.000 - 384.000 đồng/bình 12kg tuỳ loại. Nguyên nhân giá gas trong nước giảm liên tục trong 2 tháng gần đây là do bình quân giá gas thế giới giảm 65 USD/tấn trong tháng 4 và giảm 60 USD/tấn trong tháng 5. Đây là tháng thứ 2 giá gas được điều chỉnh giảm. Như vậy, sau 2 lần giảm (tháng 4 và tháng 5), giá gas đã giảm gần 40.000 đồng/bình 12kg.
Giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát, đá tăng mạnh nhiều loại vật liệu đứng trước nguy cơ khan hiếm. Nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng không còn nguồn hàng dự trữ bởi nguồn cung gần khan hiếm. Trong đó, biến động mạnh nhất và khan hàng là cát xây dựng ngoài ra một số loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng, nguồn hàng nhỏ giọt từ đó nhiều cơ sở chấp nhận kinh doanh cầm chừng chờ thị trường ổn định. Giá xi măng cũng được điều chỉnh với mức giá bán ra tăng, gạch men, thiết bị vệ sinh cũng tăng từ 5 - 15%, giá thép gần đây tăng đột biến không theo quy luật thông thường đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.
- Chỉ số giá vàng
Chỉ số giá vàng tăng 2,25% so với tháng trước, tăng 11,89% so với cùng kỳ năm trước, giảm 2,28% so với tháng 12 năm trước, giá vàng trong nước tăng theo giá của giá vàng thế giới và bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, số người nhiễm bệnh và tử vong vẫn tăng mỗi ngày, khả năng kiểm soát tình hình ở nhiều nước còn gặp nhiều khó khăn như tại Ấn Độ, Brazil... Dịch bệnh, khủng hoảng và hỗn loạn lâu nay vốn vẫn là yếu tố truyền thống đẩy giá vàng lên cao như một biện pháp tích trữ tài sản an toàn nhất. Giá vàng ngày 21/5/2021 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 5.295.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,08% so với tháng trước, giảm 1,43% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,35% so với tháng 12 năm trước. Giá đô la Mỹ giảm là do lạm phát gia tăng đi cùng với báo cáo mức giá cao kỷ lục trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã mang lại lợi ích cho các đồng tiền rủi ro hơn. Giá đô la Mỹ ngày 21/5/2021 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 23.150 đồng/USD.
2. Nội thương
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang diễn ra hết sức phức tạp vào đầu tháng Năm tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước làm cho việc sản xuất kinh doanh của một số ngành gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung tình hình thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố Cần Thơ tháng 5/2021 có xu hướng giảm so với tháng trước do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn tăng ở mức khá tốt, do Thành phố Cần Thơ chưa xuất hiện ca bệnh nào nên các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, chỉ tạm ngưng hoạt động một số ngành vui chơi giải trí để kiểm soát dịch bệnh. Ước tháng 5/2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 11.786,51 tỷ đồng, giảm 3,72% so với tháng trước, tăng 12,10% so với cùng kỳ. Ước 5 tháng đầu năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 63.125,49 tỷ đồng, tăng 14,96% so với cùng kỳ. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tháng 5/2021 đạt 10.050,59 tỷ đồng, giảm 0,30% so với tháng trước, tăng 12,09% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: hàng may mặc tăng 51,66%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,47%; xăng dầu tăng 12,22%; nhiên liệu (gas) tăng 19,48%...
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước 5 tháng đầu năm 2021 đạt 52.629,64 tỷ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: hàng may mặc tăng 41,83%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 47,10%; xăng dầu tăng 15,76%; nhiên liệu (gas) tăng 14,72%...
- Ước tháng 5/2021 doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ đạt 1.735,92 tỷ đồng, giảm 19,68% so với tháng trước, tăng 12,20% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 700,11 tỷ đồng, giảm 26,32% so với tháng trước, tăng 15,56% so cùng kỳ; du lịch lữ hành đạt 5,13 tỷ đồng, giảm 49,09% so với cùng kỳ; dịch vụ đạt 1.030,69 tỷ đồng, giảm 13,05% so với tháng trước, tăng 10,68% so cùng kỳ.
Ước 5 tháng đầu năm 2021 doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ đạt 10.495,85 tỷ đồng, tăng 27,77% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.538,68 tỷ đồng tăng 41,03% so cùng kỳ, du lịch lữ hành đạt 94,35 tỷ đồng tăng 0,10% so cùng kỳ, dịch vụ đạt 5.862,81 tỷ đồng tăng 19,59% so cùng kỳ.
Vào cuối tháng 4/2021 trước khi dịch bùng phát trở lại, tình hình kinh doanh các ngành lưu trú, ăn uống và du lịch có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Đặc biệt vào dịp lễ 30/4 và Quốc tế lao động 1/5, số lượt khách đăng ký tour du lịch tăng rất cao tại các công ty du lịch lữ hành. Các chương trình kích cầu du lịch được nhiều địa phương triển khai nhằm phục hồi lại ngành du lịch nhưng đến đầu tháng 5/2021 khi một số địa phương trên cả nước xuất hiện các ca bệnh và tình hình dịch bệnh hiện vẫn còn đang diễn ra hết sức phức tạp; đến nay ngành du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều tour du lịch, chuyến bay đều được hoãn hoặc hủy, một số ngành dịch vụ (karaoke, massage, các hoạt động vui chơi giải trí không thiết yếu khác) phải tạm ngưng hoạt động để thực hiện an toàn phòng chống dịch bệnh.
V. GIAO THÔNG VẬN TẢI
Tháng 5/2021, tình hình hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố ổn định, đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên việc đi lại, du lịch của người dân hạn chế nhiều hơn làm cho doanh thu vận tải hành khách giảm so với tháng trước.
- Vận tải hàng hoá: tháng 5/2021, ước vận chuyển 0,78 triệu tấn hàng hoá, tăng 1,77% so với tháng trước, tăng 13,07% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 133,84 triệu T.Km đạt 114,51% so cùng kỳ. Ước 5 tháng đầu năm 2021 vận chuyển 4,05 triệu tấn hàng hoá tăng 8,69% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 656,12 triệu T.Km đạt 111,91% so cùng kỳ.
Chia ra: đường bộ tháng 5/2021, ước vận chuyển đạt 0,28 triệu tấn tăng 8,48% so cùng kỳ (luân chuyển 60,85 triệu T.Km đạt 127,31% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển đạt 0,49 triệu tấn tăng 18,84% so cùng kỳ (luân chuyển 56,33 triệu T.Km đạt 128,86% so cùng kỳ). Đường biển ước vận chuyển đạt 0,02 triệu tấn giảm 34,29% so cùng kỳ (luân chuyển 16,67 triệu T.Km đạt 65,69% so cùng kỳ).
- Vận tải hành khách: tháng 5/2021, ước vận chuyển 5,37 triệu lượt hành khách, giảm 10,01% so với tháng trước, tăng 13,34% so cùng kỳ; (luân chuyển 82,68 triệu lượt HK.Km đạt 133,98% so cùng kỳ). Ước 5 tháng đầu năm 2021 vận chuyển 30,18 triệu lượt hành khách tăng 22,82% so cùng kỳ; (luân chuyển 462,77 triệu lượt HK.Km đạt 127,50% so cùng kỳ).
Chia ra: đường bộ tháng 5/2021, ước vận chuyển 3,14 triệu lượt hành khách (HK) tăng 27,75% so cùng kỳ (luân chuyển 79,83 triệu HK.Km đạt 135,92% so cùng kỳ). Đường sông ước vận chuyển 2,23 triệu lượt HK giảm 2,18% so cùng kỳ (luân chuyển 2,85 triệu HK.Km đạt 95,69% so cùng kỳ).
- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: tháng 5/2021 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện 306,31 tỷ đồng, tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 24,26% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 69,33 tỷ đồng tăng 25,91%; vận tải hàng hóa thực hiện 144,18 tỷ đồng, tăng 22,08%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 68,13 tỷ đồng, tăng 27,09% so cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát thực hiện 24,67 tỷ đồng, tăng 25,07% so cùng kỳ.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước 5 tháng đầu năm 2021 thực hiện 1.556,12 tỷ đồng, tăng 12,53% so cùng kỳ.Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 398,26 tỷ đồng tăng 26,24%; vận tải hàng hóa thực hiện 719,51 tỷ đồng tăng 8,41%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 321,91 tỷ đồng, tăng 10,27% so cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát thực hiện 126,44 tỷ đồng, tăng 4,83% so cùng kỳ.
VI. NGÀNH TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG
1. Tài chính ngân sách
- Thu ngân sách: thực hiện đến 20 ngày tháng 5/2021, tổng thu NSNN 5.436,52 tỷ đồng đạt 33,84% dự toán HĐND giao, trong đó thu nội địa là 4.728,90 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 993,93 tỷ đồng đạt 43,21% dự toán, thu từ doanh nghiệp Nhà nước 655,90 tỷ đồng đạt 42,98% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 508,36 tỷ đồng đạt 46,64% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 454,08 tỷ đồng đạt 57,48% so dự toán. Tính đến 20/5/2021 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 158,06 tỷ đồng đạt 18,60% so dự toán.
- Chi ngân sách: ước đến 20 ngày tháng 5/2021 ngân sách đã chi 4.162,50 tỷ đồng chiếm 28,43% dự toán, trong đó hoạt động chi đầu tư phát triển 2.109,69 tỷ đồng, chi thường xuyên 2.050,77 tỷ đồng.
2. Tín dụng ngân hàng
Vốn huy động đến cuối tháng 5/2021 ước đạt 88.500 tỷ đồng, tăng 0,54% so với đầu tháng. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 87.000 tỷ đồng, chiếm 98,31%, tăng 0,59%, vốn huy động ngoại tệ là 1.500 tỷ đồng, chiếm 1,69%, giảm 1,90% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 60.200 tỷ đồng chiếm 68,02%, tăng 0,53%, vốn huy động trên 12 tháng là 28.300 tỷ đồng chiếm 31,98%, tăng 0,56% so với đầu tháng.
Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 5/2021 ước đạt 112.500 tỷ đồng, tăng 0,73% so với đầu tháng, tăng 8,42% so với tháng 12/2020. Trong đó, dư nợ cho vay VNĐ đạt 106.300 tỷ đồng, tăng 0,67% so đầu tháng, chiếm 94,49% trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 6.200 tỷ đồng, tăng 1,79% so với đầu tháng, chiếm 5,51% trong tổng dư nợ cho vay; Phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 60.900 tỷ đồng, tăng 0,72% so đầu tháng, chiếm 54,13%, dư nợ cho vay trung dài hạn 51.600 tỷ đồng, tăng 0,75% so đầu tháng, chiếm 45,87% tổng dư nợ cho vay.
Nợ xấu đến cuối tháng 5/2021 ước là 1.200 tỷ đồng, chiếm 1,07% trong tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn hiện nay ổn định, phổ biến như sau:
- Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,2%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3,5% - 4,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 4,2% - 6,2%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,0% - 7,0%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.
- Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 5,5% - 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 8,0% - 10,0%/năm đối với trung, dài hạn.
- Lãi suất USD: lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 3,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 4,5% - 6,0%/năm.
VII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI
1. Văn hóa - Thể thao
- Văn hóa
Tuyên truyền trên pano, băng rôn, màn hình LED về kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), ngày Quốc tế Lao động (01/5) và 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021); tập trung cao điểm tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa: tổ chức phục vụ 43.555 lượt khách tham quan tại các di tích lịch sử - văn hóa và công trình tưởng niệm trọng điểm. Tổ chức Lễ an vị bát hương, bài vị và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021 tại Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ. Thực hiện công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2020 - 2021.
Hệ thống thư viện công cộng thành phố bổ sung 3.000 quyển sách mới; phục vụ 292.385 lượt bạn đọc (trong đó có 167.297 lượt bạn đọc trên website Thư viện thành phố) và 468.660 lượt tài liệu. Tổ chức triển lãm hình ảnh “Ngày hội non sông” và triển lãm sách “Hiền tài đất Việt” tại Thư viện thành phố. Phục vụ xe thư viện lưu động tại 21 trường tiểu học thuộc quận Thốt Nốt và huyện Phong Điền.
Hoạt động nghệ thuật (liên hoan, hội thi, hội diễn): Nhà hát Tây Đô tổ chức biểu diễn 04 suất và phục vụ 1.600 lượt người xem.
- Hoạt động thể dục, thể thao
Thể dục, Thể thao quần chúng: đến thời điểm hiện tại có 36 xã, phường, thị trấn của 7/9 quận, huyện tổ chức đại hội Thể dục thể thao cấp xã, phường, thị trấn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Đại hội Thể dục thể thao cấp xã, phường, thị trấn tạm dừng tổ chức kể từ ngày 06/5/2021.
Tổ chức Giải vô địch Cờ vua đồng đội quốc gia năm 2021 từ ngày 29/4 - 10/5 tại Khách sạn Ninh Kiều 2.
Thể thao thành tích cao: Giải Bóng đá hạng nhất Quốc gia LS năm 2021, trận thi đấu vòng 6 giữa Đội Cần Thơ – Capital và Đội Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 30/4/2021, tại sân vận động Cần Thơ và trận thi đấu vòng 7 giữa Đội Cần Thơ - Capital và Đội Phù Đổng vào ngày 05/5/2021, tại sân vận động Cần Thơ (thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19 Ban Tổ chức giải không mở cửa đón khán giả vào sân).
2. Giáo dục
Các cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập cho học sinh, học viên lớp 12. Tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên mầm non, phổ thông.
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và đảm bảo hoàn thành chương trình theo khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021, từ ngày 10 tháng 5 năm 2021 trẻ mầm non nghỉ học, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức kiểm tra cuối học kì 2. Tiếp tục tuyên truyền trong toàn ngành giáo dục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022: tổ chức tư vấn online và livestream kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 dành cho cha mẹ học sinh và học sinh đang học lớp 9; các cơ sở giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự cho kỳ thi; kiểm tra công tác chuẩn bị của các cơ sở giáo dục nhằm kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn khắc phục những hạn chế, khó khăn đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy định; hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp chương trình song ngữ tiếng Pháp năm học 2021-2022.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021: tổ chức Hội nghị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021; Hội nghị tư vấn trực tuyến tuyển sinh đại học, cao đẳng; hướng dẫn các đơn vị triển khai Quy chế thi và nghiệp vụ coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đến toàn thể giáo viên, học sinh lớp 12 và cha mẹ học sinh; tổ chức kỳ thi thử cho học sinh lớp 12 và tiếp tục tổ chức ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng đồng thời đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
3. Về Y tế - khám chữa bệnh
Tình hình dịch bệnh: trong tháng, Sốt xuất huyết ghi nhận 122 trường hợp mắc, giảm 05 trường hợp so với tháng trước (127 trường hợp), không có tử vong, lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 468 trường hợp mắc, tăng 158 trường hợp so cùng kỳ (310 trường hợp), không có tử vong; Tay chân miệng ghi nhận 422 trường hợp mắc, tăng 203 trường hợp so với tháng trước (219 trường hợp), không có tử vong, lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 954 trường hợp mắc, tăng 857 trường hợp so cùng kỳ (97 trường hợp), không có tử vong; Sởi và sốt phát ban nghi sởi không ghi nhận trường hợp mắc, lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 01 trường hợp mắc, giảm 20 trường hợp so cùng kỳ (21 trường hợp). Tiêu chảy 996 trường hợp, giảm 13,69% so với tháng trước.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19:
Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, trong khu vực và một số nước láng giềng đang rất phức tạp. Tại Việt Nam, đã xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng tại một số tỉnh thành. Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc kịp thời, nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp đã được triển khai. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hành phố Cần Thơ đã tăng cường hoạt động của các đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19, cụ thể:
Thành phố ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Lực lượng y tế, công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ dân phố tại địa phương đã thành lập các tổ kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở việc đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 của người dân trên địa bàn thành phố; kết quả đã tuyên truyền, nhắc nhở trên 7.000 trường hợp; cấp phát trên 10.200 khẩu trang miễn phí và 3.700 tờ rơi truyền thông, đồng thời xử phạt 92 trường hợp không chấp hành việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng theo Nghị định 117/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Triển khai tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn TP Cần Thơ cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn. Tính đến ngày 14/5/2021, thành phố đã triển khai tiêm 7.759 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm cho đối tượng ưu tiên trên địa bàn. Thành phố đã thực hiện hoàn tất đợt tiêm đầu tiên với lượng vắc xin tiếp nhận từ Bộ Y tế, hiện tại chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Hệ thống phản ứng nhanh phòng, chống dịch và các Tổ Covid-19 cộng đồng hoạt động liên tục để rà soát người mới đến lưu trú trên địa bàn thành phố để phát hiện sớm và giám sát các trường hợp có nguy cơ, tăng cường quản lý người từ địa phương khác về thành phố Cần Thơ sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 01/5.
Tổ chức giám sát, khai báo y tế với tất cả hành khách đến thành phố qua Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ. Danh sách các hành khách đến lưu trú trên địa bàn thành phố được Tổ thông tin phòng, chống dịch Covid-19 tổng hợp và triển khai đến tất cả xã, phường để tiến hành rà soát và hướng dẫn khai báo y tế, theo dõi sức khỏe.
Tại Cần Thơ, lũy tích đến ngày 14/5/2021, ghi nhận 34 trường hợp mắc Covid-19, đã điều trị khỏi 24 trường hợp, có 3.605 người đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung; 41.748 người đã hoàn thành thời gian theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS: lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện được 7.099 trường hợp; Trong đó, tử vong 2.546 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.553 trường hợp. Điều trị ARV cho 4.170 trường hợp, điều trị Methadone cho 349 trường hợp.
Công tác khám chữa bệnh: các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm Covid-19, nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện, đồng thời nghiêm túc thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế.
Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt quy chế chuyên môn, đảm bảo các quy trình kỹ thuật trong khám chữa bệnh đồng thời tăng cường công tác khám chữa bệnh và quản lý quỹ BHYT, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Triển khai các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, viêm gan vi rút C, hướng dẫn sàng lọc và điều trị dự phòng tiền sản giật của Bộ Y tế.
4. Chính sách lao động - xã hội
Giải quyết việc làm cho 3.851 lao động (trong đó cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 10), tăng 3.142 lao động so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế từ đầu năm đến Tháng 5/2021, đã giải quyết việc làm cho 17.399 lao động, đạt 34,59% so với kế hoạch đề ra, tăng 8,18% so với cùng kỳ năm 2020.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tuyển mới và đào tạo nghề cho 5.666 người (trong đó nữ: 2.118 người) đạt 11,33% so với kế hoạch đề ra, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế đến tháng 5/2021, đã tuyển mới và đào tạo 20.407 người, đạt 40,81% so với kế hoạch đề ra, tăng 217,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 76 cơ sở GDNN, trong đó 13 trường cao đẳng (trong đó có 04 trường cao đẳng đặt cơ sở tại Cần Thơ), 10 trường trung cấp (trong đó có 01 phân hiệu), 21 trung tâm GDNN và 32 cơ sở khác có dạy nghề.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề cho 8.257 lượt người (lũy kế từ đầu năm là 47.046 lượt người, đạt 31,37% kế hoạch năm). Cung ứng lao động trong nước 27 người (lũy kế từ đầu năm là 361 người, đạt 24,07% kế hoạch năm), lao động ngoài nước 10 người (lũy kế từ đầu năm là 116 người, đạt 41,42% kế hoạch năm).
Số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong kỳ báo cáo là 1.356 hồ sơ, tăng 29,95% so với tháng trước (1.225 hồ sơ), giảm 2,80% so với tháng cùng kỳ năm 2020 (1.395 hồ sơ).
Thực hiện chính sách người có công với cách mạng: toàn thành phố hiện có 5.945 đối tượng, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng; trong đó có 35 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Bàn giao 24/25 căn xây mới và sửa chữa 23/24 căn nhà tình nghĩa.
Công tác Bảo trợ xã hội: chi trả trợ cấp xã hội cho 41.767 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí 16,062 tỷ đồng.
Triển khai Chương trình “Vươn cao Việt Nam” năm 2021, do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ sữa miễn phí cho 497 trẻ em sống tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, trường dạy trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.
Tổ chức các lớp tuyên truyền về công tác Phòng, chống tệ nạn xã hội do địa phương tổ chức (10 lớp, 1.156 đại biểu tham dự). Quận Ninh Kiều tuyên truyền phòng chống TNXH cho học sinh trong trường học (11 cuộc với 1.320 học sinh).
Trung tâm Bảo trợ xã hội quản lý 583 đối tượng. Khám, điều trị bệnh thông thường cho 1.029 lượt, trong đó điều trị theo toa 302 lượt, khám và chỉnh liều thuốc tâm thần 76 đối tượng. Phát thuốc điều trị bệnh tâm thần cho 24.720 lượt. Bệnh viện TTKCT khám và kết luận cho 09 đối tượng. Điều trị bệnh động kinh 28 đối tượng.
Trung tâm Công tác xã hội nuôi dưỡng 89 đối tượng ở độ tuổi 02 tháng đến 53 tuổi. Xây dựng đề xuất dự án hỗ trợ trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ tại thành phố Cần Thơ gửi cho tổ chức Saigonchildren (tổ chức phi chính phủ nước ngoài của Anh) hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tham vấn nhóm cho 16 em thiếu nhi nam, tham vấn cá nhân cho 01 em thiếu nhi nữ tại Trung tâm với Mô hình Giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Khám và điều trị tại chỗ cho 275 lượt trẻ với các bệnh thông thường. Đưa 08 lượt đối tượng đi khám bệnh, điều trị tại các bệnh viện, 02 lượt trẻ nhập viện. Tiếp tục duy trì tập vật lý trị liệu cho 28 đối tượng.
5. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/4/2021 đến 14/5/2021) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông, làm chết 04 người, bị thương 04 người; so với cùng kỳ năm 2020, số vụ giảm 06 vụ, số người chết giảm 06 người, số người bị thương tăng 04 người. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, bị thương 9 người; so với cùng kỳ năm 2020, số vụ giảm 03 vụ, số người chết giảm 01 người, số người bị thương tăng 06 người./.
Website Cục Thống kê thành phố Cần Thơ