Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/11/2021-18:16:00 PM
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê
(MPI) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 12/11/2021, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê với 462/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,59%.
Các đại biểu biểu quyết thông quaLuật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Ảnh: quochoi.vn

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Theo đó, trên cơ sở 177 lượt ý kiến tại Tổ và 26 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, xin báo cáo Quốc hội.

Về đề nghị sửa tên Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê” vì chủ yếu sửa đổi, bổ sung phần Danh mục chỉ tiêu kèm theo dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện như trong dự thảo Luật.

Về phạm vi, bố cục, nhiều ý kiến đề nghị sắp xếp thứ tự và nội dung các điều của dự thảo Luật cho phù hợp theo đúng quy định về hình thức ban hành văn bản luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện như trong dự thảo Luật, cụ thể như sau: chuyển Điều 2 thành khoản 3 của Điều 1, sửa Điều 3 thành Điều 2.

Có ý kiến đề nghị chỉ thực hiện đánh giá lại GDP trong trường hợp có sai số hoặc chênh lệch lớn, không nhất thiết theo định kỳ 5 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, căn cứ vào thực tiễn thống kê cũng như thông lệ thống kê quốc tế, việc quy định 05 năm thực hiện rà soát về việc đánh giá lại quy mô GDP là phù hợp, cần thiết. Tổng điều tra kinh tế sẽ được thực hiện theo kỳ 05 năm một lần, sau khi có kết quả Tổng điều tra kinh tế sẽ là thời điểm thích hợp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát quy mô GDP. Các giai đoạn rà soát, đánh giá lại quy mô GDP sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu sau khi Luật được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan chức năng sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đánh giá lại hay không đánh giá lại.

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định “phải thống nhất” thông tin trước khi tiến hành điều tra chứ không phải trước khi công bố (Khoản 2 dự thảo Luật). Có ý kiến cho rằng chỉ cần quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh về công bố thông tin thống kê, còn việc bảo đảm thống nhất với cơ quan thống kê trung ương nên quy định trong nguyên tắc thống kê. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu quy định rõ phải “thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê”. Quy định như dự thảo Luật là để bảo đảm thực hiện thống nhất về khái niệm, nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu; quy trình biên soạn, trình tự, thủ tục, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, trách nhiệm giữa cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh để bảo đảm tính đúng đắn, chính xác trước khi công bố.

Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ về hiệu lực thi hành của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Một số ý kiến đề nghị Khoản 2 điều khoản chuyển tiếp cần giải trình rõ lý do “Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê quốc gia theo quy định của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2022”, cần phải quy định rõ nội dung chuyển tiếp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, thể hiện tại khoản 2 Điều 2: “Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2022”.

Về quy định hiệu lực thi hành của Luật từ 01/01/2022, trong khi điều khoản chuyển tiếp quy định thời hạn đến 31/12/2022, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, việc quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm cho phép tiếp tục thực hiện những công việc còn đang dang dở theo quy định của Luật Thống kê hiện hành; trong đó, sang năm 2022 phải rà soát, đánh giá lại, công bố chính thức số liệu một số chỉ tiêu của năm 2021 (trước đó là ước tính); để thực hiện thu thập thông tin của chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê hiện hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 quy định Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 quy định Chương trình điều tra thống kê cấp quốc gia. Thực hiện việc thu thập thông tin cho năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Phương án điều tra năm 2022; dự toán kinh phí các cuộc điều tra năm 2022 và chuẩn bị các điều kiện khác để thực hiện thu thập thông tin phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13. Do vậy cần có quy định khoản chuyển tiếp.

Cần có đủ thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung, trong đó có việc ban hành Nghị định quy định cụ thể khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp…. của 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia mới. Bên cạnh đó, để thu thập thông tin theo Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới thì cần phải xây dựng Chương trình điều tra thống kê quốc gia (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (Nghị định của Chính phủ); 02 văn bản này dự kiến ban hành vào Quý 2 và Quý 3 năm 2022 để thực hiện từ 01/01/2023.

Ảnh: quochoi.vn

Về Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia; sửa đổi, bổ sung từ 20 thành 21 nhóm và từ 222 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu (bổ sung 10 chỉ tiêu, trong đó đã bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh về chất lượng; bỏ 04 chỉ tiêu và tách 02 chỉ tiêu thành các chỉ tiêu độc lập).

Trên cơ sở 5 nguyên tắc về Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu và bổ sung 10 chỉ tiêu vào Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, bên cạnh đó, đã tiếp thu, bổ sung phân tổ vào nội dung của 58 chỉ tiêu (sẽ được quy định cụ thể trong dự thảo Nghị định), trong đó có một số chỉ tiêu như: (1) Cơ cấu loại đất, diện tích từng loại đất, diện tích và cơ cấu mặt nước, diện tích và cơ cấu đất ở đô thị, diện tích và cơ cấu đất nông thôn, diện tích và cơ cấu đất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thống kê đất ở và đất sản xuất, tỷ lệ người cao tuổi, dân số trẻ em; (2) Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, số lao động trong độ tuổi thanh niên, người lao động dân tộc thiểu số thiếu việc làm, tỷ lệ người lao động thiểu số phi nông nghiệp, số lao động nữ có việc làm trong nền kinh tế, tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo, chỉ tiêu về bình đẳng giới, chỉ tiêu về bình đẳng giới trong các chỉ tiêu như tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm, tỷ lệ lao động được đào tạo, chỉ tiêu về nữ trong các thành phần kinh tế, tỷ lệ nữ tham gia việc làm bền vững; (3) Số liệu của các hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổng tài sản tích lũy của doanh nghiệp; (4) Tổng sản phẩm vùng; (5) Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, phân tách số lượng nam, nữ tham gia bảo hiểm; (6) Phân tổ tàu cá có động cơ đánh bắt xa bờ, gần bờ, phân tổ động cơ lớn, động cơ nhỏ, bổ sung chỉ tiêu diện tích rừng tự nhiên; (7) Doanh thu từ thương mại điện tử; (8) Cảng biển, hạ tầng cảng biển; số lượng, năng lực khai thác cảng biển; chiều dài đường thủy quốc gia; chiều dài một làn xe, nhiều làn xe (đường cao tốc, quốc lộ); (9) Doanh thu của công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (bao gồm sản xuất, dịch vụ và kinh doanh); (10) Số năm đi học bình quân hoặc trình độ văn hóa (giáo dục) của dân cư…

Hồ sơ dự án Luật qua 02 lần báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quộc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã đầy đủ nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Báo cáo đánh giá về tác động chính sách sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành đã được gửi kèm theo Tờ trình số 378/TTr-CP ngày 06/10/2021 của Chính phủ.

Hiện nay, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chỉ tiêu thống kê quốc gia sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật Thống kê “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mụcchỉ tiêu thống kê quốc giatheo thủ tục rút gọn”.

Nội dung của mỗi chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm: khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, có 130 chỉ tiêu có phân tổ vùng và có thể tổng hợp theo vùng. Thực tế, cơ quan Thống kê Trung ương hàng năm có phổ biến thông tin thống kê theo vùng qua Niên giám thống kê và các ấn phẩm thống kê khác. Về công bố dữ liệu theo vùng, tại Khoản 2 Điều 48 Luật Thống kê quy định “Thủ trưởng cơ quan thống kê Trung ương công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia”. Theo đó, tất cả các thông tin thống kê theo vùng sẽ do Thủ trưởng cơ quan thống kê Trung ương chịu trách nhiệm công bố.

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Cơ quan soạn thảo đã dự thảo Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn GDP, GRDP. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn, để khi dự thảo Luật được thông qua, có hiệu lực thi hành thì thực hiện được ngay, khắc phục tình trạng Luật chờ nghị định./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 942
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)