Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/12/2021-14:31:00 PM
Kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Sáng ngày 08/12/2021, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ (SDGCW) Việt Nam 2020-2021.

Đây là cuộc điều tra nằm trong chương trình điều tra toàn cầu đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ toàn cầu (MICS), cung cấp dữ liệu thống kê và có thể so sánh quốc tế cho 35 chỉ tiêu phát triển bền vững thuộc khung hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Kết quả điều tra đưa ra bức tranh tổng thể về trẻ em và phụ nữ Việt Nam với nhiều chỉ tiêu tổng hợp nhằm cung cấp thông tin, bổ sung khoảng trống về số liệu, phục vụ cho đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam theo chuẩn quốc tế và không thay thế các nguồn dữ liệu có sẵn khác của Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, thực hiện điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021, Tổng cục Thống kê đã nhận được sự hỗ trợ của UNICEF và ủng hộ từ UNFPA từ cuối năm 2019. Sự đồng hành, phối hợp của các chuyên gia quốc tế, các chuyên gia trong nước, UNICEF đã giúp Tổng cục Thống kê thực hiện cuộc điều tra theo tiêu chuẩn của Chương trình Điều tra MICS từ thiết kế mẫu phiếu hỏi, sổ tay đến chương trình thu thập thông tin.

Kết quả điều tra phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Bên cạnh các chủ đề về sức khỏe sinh sản phụ nữ, dinh dưỡng cho trẻ em, giáo dục, y tế, tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông bình đẳng, phát triển toàn diện, báo cáo phản ánh thêm một số chủ đề mới đang được quan tâm như lao động sớm, khuyết tật trẻ em và các chỉ tiêu khác có liên quan.

Kết quả điều tra cung cấp thông tin về 38 chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu và 35 chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; cập nhật số liệu đảm bảo độ tin cậy và so sánh quốc tế, đồng thời kết quả điều tra làm bằng chứng hỗ trợ các nhà hoạch định xây dựng chính sách, các chương trình phục vụ cho đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia của Việt Nam và cam kết toàn cầu về trẻ em, phụ nữ.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương tin tưởng, kết quả điều tra sẽ được sử dụng hiệu quả và phổ biến tới đông đảo người dùng thông tin nói chung, các nhà hoạch định chính sách nói riêng. Đây cũng là thông tin hỗ trợ việc thiết lập các chương trình, các chính sách, đặc biệt là các chính sách tập trung vào trẻ em và phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi như là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, các hộ nghèo và người khuyết tật.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers phát biểu. Ảnh: MPI

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho rằng, những thông tin của cuộc điều tra rất quý giá, là những cơ sở khoa học để các nhà nghiên cứu, lập chính sách đối sánh các dữ liệu hiện có với nhau, đồng thời gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ về chính sách cùng hệ thống bảo trợ xã hội, về những đầu tư mà các cơ quan Chính phủ đang thực hiện, từ đó có thể tăng cường cho các dịch vụ xã hội ở những nơi mà người dân cần nhất, nhằm đảm bảo không phụ nữ và trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers đã chỉ ra những điểm nổi bật của kết quả điều tra và nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam đã có sự phát triển nói chung ở nhóm phụ nữ và trẻ em nhưng với những nhóm đối tượng dân tộc thiểu số này vẫn còn có một khoảng cách so với cả các nhóm đối tượng khác trong xã hội, đặc biệt xét về tiếp cận với cơ hội được tiêm chủng, điều kiện vệ sinh, nước sạch; những rủi ro của trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp phải; việc thiếu tiếp cận với Internet và đặc biệt là thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin của trẻ em trai, trẻ em gái, nam giới và phụ nữ trên khắp Việt Nam…

Theo bà Rana Flowers, cần phải có đầu tư dài hạn về mặt bảo trợ, trợ giúp xã hội để có thể đảm bảo tiếp cận công bằng cho tất cả các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có phụ nữ và trẻ em với các dịch vụ xã hội nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Kết quả điều tra phản ánh bức tranh chân thực gồm các khoảng sáng, tối trong đời sống trẻ em và phụ nữ trong các hộ gia đình ở Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2020-2021 gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, cuộc sống của người dân nói chung, trẻ em và phụ nữ nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực. Tuy nhiên, khó khăn không ngăn cản được sự lạc quan với bằng chứng có 64,3% phụ nữ và 69,8% nam giới từ 15-49 tuổi cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2065
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)