Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/03/2014-21:05:00 PM
Không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với các loại hình doanh nghiệp khác
(MPI Portal) – Chiều 13/3, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cho ý kiến đối với dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Tham dự có đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo một số Bộ, ngành và các đơn vị liên quan.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Luật doanh nghiệp 2005 đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp trong hơn 7 năm qua cũng đã gặp phải không ít vướng mắc, hạn chế đối với hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng.

Mục tiêu sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này nhằm làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó, tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc sửa Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp; đối xử bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí cho tổ chức quản trị doanh nghiệp và, cơ cấu lại doanh nghiệp; Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của nhà đầu tư; Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Về cơ cấu của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bao gồm 10 chương và 229 điều. So với Luật Doanh nghiệp 2005 thì về cơ bản Dự thảo Luật này vẫn giữ nguyên các chương; tăng thêm 01 chương (Chương VII) về doanh nghiệp nhà nước. Về số lượng điều, khoản, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tăng 57 điều mới; có 130 điều được sửa đổi, bổ sung; có 41 điều được giữ nguyên và bãi bỏ 5 điều.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua quá trình tham vấn về dự thảo Luật này đã nhận được sự nhất trí cao của các Bộ, cơ quan nhà nước liên quan, của cộng đồng doanh nghiệp và các bên có quan tâm khác về hầu hết các nội dung được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề còn có những ý kiến khác nhau.

Thứ nhất, Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đối với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp chủ động ghi ngành nghề kinh doanh dự kiến kinh doanh sau khi doanh nghiệp được thành lập.

Ý kiến khác cho rằng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước và đồng thời giúp doanh nghiệp nhận thức được rằng kinh doanh hợp pháp các ngành, nghề đó, họ phải có đủ điều kiện theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ là một bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng được cơ hội kinh doanh; giấy đăng ký kinh doanh sẽ có các phụ lục ghi các ngành nghề bị cấm và các ngành nghề có điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp đối chiếu theo đó để hoạt động.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Điều quan trọng là chế độ “hậu kiểm”. Nghĩa là sau 1 năm hoạt động, doanh nghiệp phải quay lại cơ quan cấp phép để báo cáo về tình hình hoạt động, số lượng lao động và các yêu cầu khác. Nếu thấy doanh nghiệp hoạt động vi phạm pháp luật, cơ quan cấp phép sẽ báo cho cơ quan có trách nhiệm để xử lý.

Việc “hậu kiểm” hoạt động của doanh nghiệp sẽ công khai để toàn xã hội giám sát thì sẽ hiệu quả hơn là chỉ có Nhà nước giám sát.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề doanh nghiệp nhà nước, có ý kiến khác cho rằng không nên có thêm chương về doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Vì Luật Doanh nghiệp quy định hình thức pháp lý của doanh nghiệp, không phân biệt sở hữu, nếu bổ sung chương về doanh nghiệp nhà nước, sai lệch kết cấu của Luật. Mặt khác, một Chương về doanh nghiệp nhà nước sẽ không bao quát hết được hoạt động đầu tư và bản chất của doanh nghiệp nhà nước.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không nên quy định Chương về doanh nghiệp nhà nước mà chuyển nội dung này sang Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, vẫn có thể thiết kế Chương về doanh nghiệp nhà nước tại dự thảo Luật này. Theo đó, chỉ cần quy định vấn đề quản trị đặc thù chứ không có quy định về quyền lợi cho doanh nghiệp nhà nước.

Theo dựthảo Luật, các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Chương VII gồm 31 điều khoản với các nội dung: xácđịnh vai tròvàchức năngcủa doanh nghiệp nhà nước vàtừng doanh nghiệp nhà nước; xácđịnh nguyên tắc bảo toàn vàphát triển vốn Nhànước trong doanh nghiệp; quy định cụthểvềtổchức thực hiện quyền chủsởhữu vốn Nhànước trong doanh nghiệp; nguyên tắc quản trịđối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên; quy định về yêu cầu công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước theo thông lệ quốc tế; doanh nghiệp nhà nước sẽ phải công khai hóa thông tin một cách định kỳvàbất thường.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý cần phải làm rõ hơn vai trò quản lý của Nhà nước với các loại hình doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài thì không cần phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng với doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài thì cần kiểm soát chặt chẽ.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh hoan nghênh tư tưởng làm luật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này thể hiện ở việc các dự thảo Luật đều thể hiện tinh thần đổi mới, tiếp cận với thông lệ quốc tế; đảm bảo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước song vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Về nội dung một số vấn đề được bổ sung, sửa đổi trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cơ bản được Phó Thủ tướng đồng tình và đánh giá cao. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật này cũng đã nhận được sự đồng thuận cao từ đại diện các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của Phó Thủ tướng nói riêng và các đại biểu tham dự nói chung. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để sớm hoàn thiện dự thảo Luật. Hiện dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến rộng rãi. Sắp tới, Chính phủ sẽ họp để cho ý kiến, trước khi chuyển sang các cơ quan của Quốc hội thảo luận./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1716
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)