(MPI) – Ngày 03/3/2022 đã diễn ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Dự thảo chương trình phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn năm 2022-2023; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh;...
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu một số vấn đề trong nước, thế giới và cho biết, trong bối cảnh khó khăn, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực, phấn đấu nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc và tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là khôi phục thị trường lao động.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận thật kỹ, đánh giá chính xác tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng, dự báo tình hình tháng 3 và cả quý I để đề ra mục tiêu sát thực tế, có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo để quý I tiếp tục đà phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho cả năm 2022.
Trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2022 và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02/2022 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh; người dân đón năm mới an toàn, vui tươi và niềm tin, kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022.
Các kết quả đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tình hình doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tăng cường.
Tuy nhiên, nước ta đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do biến động khó lường của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát, giá dầu tăng cao, thiên tai, biến đổi khí hậu... Dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng. Điều này yêu cầu các cấp, các ngành cần tăng cường dự báo, chủ động trong công tác điều hành, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh; phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả, quyết liệt các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I/2022, để tạo đà phục hồi nhanh, bền vững trong cả năm 2022.
Về tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hầu hết các bộ, cơ quan và địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2021 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Cập nhật sơ bộ đến ngày 27/02/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được chương trình, kế hoạch hành động của 07 bộ, cơ quan, trong đó xác định thứ tự ưu tiên và thời hạn hoàn thành của nhiệm vụ, phân công, phân nhiệm rõ ràng gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 126/CĐ-TTg.
Đối với việc ban hành 11 văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình, nhìn chung các bộ, cơ quan đã chủ động xây dựng, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan để hoàn thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Nghị định hướng dẫn trình tự, thủ tục để triển khai thực hiện các nghiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Về rà soát, xây dựng danh mục nhiệm vụ, dự án, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình, phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án dự kiến bố trí vốn từ Chương trình. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Bộ tiếp tục có 02 văn bản và 01 Công điện gửi các bộ, cơ quan và địa phương rà soát, cập nhật danh mục nhiệm vụ, dự án, mức vốn đầu tư dự kiến bố trí thuộc Chương trình; báo cáo bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2022 cho đầu tư phát triển.
Cập nhật số liệu tổng hợp đến ngày 27/02/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được báo cáo của 20 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo nhiệm vụ, dự án và phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc Chương trình cho 120 nhiệm vụ, dự án; 47 bộ, cơ quan, địa phương báo cáo đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; 39 bộ, cơ quan, địa phương báo cáo không có nhu cầu bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong quý I/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023), bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến tình hình dịch bệnh. Trong đó, tập trung, ưu tiên toàn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023), coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022; chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp và xấu nhất để không bị động, bất ngờ; chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị trong nước;...
Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, biến động giá cả để có giải pháp kịp thời. Tăng cường quản lý thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối của nền kinh tế; thúc đẩy thương mại, xuất khẩu bền vững.
Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, trong đó khẩn trương ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật để triển khai thực hiện trong quý I/2022; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục nhiệm vụ, dự án, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021-2025, vốn đầu tư công thuộc Chương trình, bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao, tránh phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực.
Thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao từ đầu năm gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực; hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Chủ động rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư