Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/01/2022-15:47:00 PM
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 01 năm 2022 thành phố Cần Thơ

Năm 2022 là năm đầu tiên thành phố Cần Thơ nhận được cơ chế đặc thù, đây cũng là điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển kinh tế nhanh hơn khi nhận được các khoản đầu tư từ Trung ương, từ doanh nghiệp trong và ngoài nước… Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng quy mô sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp quyết tâm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, thích ứng với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021 - 2025. Trên tinh thần đó, thành phố Cần Thơ xác định chủ đề năm 2022 đó là "Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố".

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngay từ những ngày đầu năm thành phố đã khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chương trình, kế hoạch đề ra. Tình hình kinh tế - xã hội một số ngành, lĩnh vực trong tháng 01 năm 2022 cụ thể như sau:

1. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố trong tháng 01 năm 2022, tập trung vào gieo trồng, chăm sóc cây lúa và các loại cây hàng năm khác vụ đông xuân 2021 - 2022. Chăn nuôi tiếp tục đà phục hồi, phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống phục vụ Tết trồng cây. Thời tiết ngư trường tháng Một nhìn chung thuận lợi, sản lượng thủy sản tăng hơn so với cùng kỳ.

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

+ Cây hàng năm

Tính đến thời điểm giữa tháng 01 năm 2022, toàn thành phố đã xuống giống được 76.039 ha lúa đông xuân, đạt 100% so với kế hoạch và giảm 1,41% cùng kỳ. Đến nay, vụ đông xuân có 131 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 39.391 ha với tổng số hộ tham gia là 23.486 hộ. Vụ đông xuân 2022 có xuất hiện rầy nâu, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, muỗi hành, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá rải rác ở các huyện nhưng mức độ ảnh hưởng không đáng kể trên cây lúa. Hiện nay, lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng đến chín, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Đây là giai đoạn quan trọng ảnh hưởng đến năng suất lúa nên ngành Nông nghiệp cần tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ lịch thời vụ, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, đến trung tuần tháng Một thành phố gieo trồng được 3.646 ha rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày. Trong đó, ngô 236 ha, giảm 1,67% so cùng kỳ; 2.857 ha rau đậu các loại, tăng 9,55% cùng kỳ năm trước, ...

Trong thời gian bắt đầu trồng mùa hoa Tết, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16, đa số nông dân không nhập được vật liệu và lo ngại dịch hại nên một số hộ đã hạn chế sản xuất. Vì thế, các mặt hàng hoa kiểng năm nay kém đa dạng hơn, chủ yếu ở phân khúc trung bình, đơn giản, có khoảng 638.347 chậu hoa kiểng được gieo trồng để chuẩn bị phục vụ cho dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với sản lượng chiếm tỷ lệ khoảng 50% so với năm 2021. Ước giá thành sản xuất hoa kiểng tăng trung bình từ 10 - 15% do chi phí giống, giá thể và vật tư phân bón đều gia tăng. Dự kiến giá các loại hoa, kiểng tăng trung bình từ 10.000 - 20.000 đồng/chậu.

+ Cây lâu năm

Tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn thành phố đầu năm 2022 đạt 24.933 ha, tăng 7,56% (+1.753 ha) so cùng kỳ. Do được hỗ trợ đầu tư đê bao khép kín bảo vệ vườn cây ăn quả, vận động nông dân cải tạo vườn tạp và đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển vườn cây ăn trái. Hiện nay, diện tích cây ăn quả 23.416 ha, chiếm 93,91% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 8,29% so cùng kỳ.

- Chăn nuôi

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh trên gia súc; gia cầm, chăn nuôi trong tháng nhìn chung ổn định. Đàn trâu hiện có 309 con, giảm 22,56% so với cùng kỳ; đàn bò 4.556 con, tăng 11,15%, trong đó bò sữa 1.559 con, giảm 5,74%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong tháng ước tính đạt 3 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò đạt 26 tấn, tăng 4% so cùng kỳ.

Tại thời điểm tháng 01/2022, tổng đàn heo có 127.119 con, tăng 5% so cùng kỳ, với số đầu con 13.265 con lợn xuất chuồng, ước sản lượng đạt 1.285 tấn, tăng 2,31% so cùng kỳ. Đàn gia cầm 2.174 nghìn con, tăng 2,23% so cùng kỳ, với sản lượng thịt gà xuất chuồng 186 tấn, tăng 10 tấn so cùng kỳ; sản lượng trứng gà 465 nghìn quả, tăng 0,87% so với cùng kỳ.

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống phục vụ phong trào “Tết trồng cây”. Hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn. Từ đầu năm 2022, toàn thành phố đã trồng được 73.000 cây phân tán.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản đến giữa tháng 01 năm 2022 ước tính đạt 7.321 tấn, tăng 2,16% so với cùng kỳ, bao gồm cá đạt 7.276 tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 45 tấn, tăng 11,25% so cùng kỳ.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 7.144 tấn, tăng 2,12% so với cùng kỳ. Tháng Một là thời điểm người dân nuôi cá tra chuẩn bị cho vụ mới nhưng giá con giống hiện ở mức cao, dao động từ 30.000 – 34.000 đồng/kg tăng từ 5.000 – 6.000 đồng/kg so với tháng trước, trong khi giá cá tra nguyên liệu vẫn chỉ dao động ở mức 23.500 – 24.000 đồng/kg (kích cỡ 700 – 900 g/con) tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước, giá thành bình quân 22.000 – 23.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, một số hộ nuôi không còn vốn để thả nuôi lại vì năm trước thua lỗ, trong khi giá thức ăn tăng cao nên họ e dè trong việc thả nuôi tiếp tục. Ước sản lượng cá tra nuôi công nghiệp tháng 01/2022 đạt 6.746 tấn, tăng 2,37% so với cùng kỳ.

Khai thác thủy sản nội địa chủ yếu từ lưới, chài, lú, ghe cào…tại các con sông, kênh, mương. Những năm gần đây, chính quyền các cấp vận động bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hạn chế một số công cụ đánh bắt và có chính sách thả nuôi, nhân giống thủy sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Vì vậy sản lượng khai thác thủy sản nội địa tháng 01/2022 ước đạt 177 tấn, tăng 3,51% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Thành phố đang dần kiểm soát được dịch bệnh, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần khôi phục, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 01 năm 2022 ước tăng 12,12% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 tăng 4,67% so với tháng trước và tăng 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 13,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,44%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,72% so với cùng kỳ và tăng lần lượt 4,46%, 5,38%, 10,88% so với tháng 12/2021.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Một tăng cao, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 93,24%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 33,23%; sản xuất kim loại tăng 24,03%; sản xuất trang phục tăng 18,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 16,95%; sản xuất đồ uống tăng 11,52%; dệt tăng 10,59%, … Riêng ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 100,04%, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.

Do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên hầu hết các doanh nghiệp tập trung sản xuất để đưa hàng hóa ra thị trường phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán sắp đến. Một số sản phẩm công nghiệp vẫn duy trì được sản lượng và có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như: Thức ăn gia súc tăng 88,58%; dược phẩm dạng viên tăng 42,38%; phi lê đông lạnh tăng 32,76%; sắt thép tăng 24,03%; sản phẩm thức ăn cho thủy sản tăng 23,54%; gạo (xay xát) tăng 15,11%; nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng 18,38%; sản phẩm bia đóng lon tăng 8,54%; ...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, nên chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 01/2022 tăng 8,30% so tháng trước và giảm 7,68% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết Nguyên đán, các nhà phân phối và đại lý đã bắt đầu nhập hàng, trữ hàng; các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều hình thức chiêu thị và khuyến mãi để kích cầu người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, giúp sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn. Đồng thời, doanh nghiệp đã cải tiến bao bì mẫu mã các mặt hàng, thiết kế đẹp và bắt mắt, nhờ đó mà khối lượng sản phẩm tiêu thụ được tăng lên đáng kể. Một số Ngành có mức tiêu thụ ước tháng 01/2022 tăng như: May trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 94,55%; sản xuất thuốc tây tăng 39,39%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 26,69%; chế biến, bảo quản thủy sản tăng 13,68% so với cùng kỳ; sản xuất thuốc lá tăng 13,92%; sản xuất bia lon tăng 8,51%; ...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/01/2022 giảm 46,08% so với tháng cùng kỳ và giảm 11,96% so với tháng trước. Một số nhóm ngành có chỉ số tồn kho giảm khá sâu nhờ đẩy mạnh đơn hàng xuất; giảm giá thành tiêu thụ hàng hóa tồn kho để tập trung sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mới như: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản, giảm 49,43% so cùng kỳ; xay xát, giảm 38,82%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, giảm 90,54%; sản xuất sản phẩm thuốc lá, giảm 78,11%; sản xuất thuốc trừ sâu, giảm 15,75%; sản xuất xi măng, giảm 77,78%; sản xuất máy lâm nghiệp, nông nghiệp, giảm 73,33%; …

Nhìn chung, nhu cầu sử dụng lao động đang dần được cải thiện sau thời gian thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19. Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2022 tăng 3,91% so với tháng trước, nhưng giảm 18,04% so cùng kỳ. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 13,58% so cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 25,39%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, tăng 44,91% so cùng kỳ năm trước. Tình hình lao động đang làm việc tại doanh nghiệp ít biến động so với tháng trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động.

Theo số liệu của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, tính đến 15 giờ ngày 19/01/2022, có 1.034/1.195 (tương đương 86,53%) số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại (tăng 724 doanh nghiệp so với thời điểm ngày 18/10/2021). Còn lại 161/1.195 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch tái hoạt động sản xuất (tương đương 13,47%). Tổng số lao động hiện có là 79.017, trong đó số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 58.440, tương đương 73,96% lao động; số lao động đang tạm nghỉ là 20.577 tương đương 26,04%.

3. Đầu tư phát triển và tình hình đăng ký doanh nghiệp

Hoạt động đầu tư trong tháng 01/2022 tập trung chủ yếu thi công các công trình chuyển tiếp từ năm 2021. Các công trình mới có kế hoạch năm 2022, hiện nay đang thực hiện các thủ tục ban đầu.

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện ước tháng 01 năm 2022 đạt 305,06 tỷ đồng, giảm 1,82% so cùng kỳ, đạt 4,63% kế hoạch năm.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố đạt 206,81 tỷ đồng, giảm 4,62% so cùng kỳ, đạt 4,23% kế hoạch năm, cụ thể: (1) vốn cân đối ngân sách thành phố ước thực hiện được 33,57 tỷ đồng, đạt 3,36% kế hoạch năm; (2) vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước thực hiện được 26,85 tỷ đồng, đạt 2,32% kế hoạch năm; (3) vốn nước ngoài ODA ước thực hiện đạt 46,83 tỷ đồng, đạt 5,52% kế hoạch năm; (4) vốn xổ số kiến thiết ước thực hiện đạt 58,9 tỷ đồng, đạt 7,43% kế hoạch năm; (5) nguồn vốn khác ước thực hiện đạt 40,66 tỷ đồng, đạt 3,72% kế hoạch năm. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 98,25 tỷ đồng, tăng 4,63% so cùng kỳ, đạt 5,80% kế hoạch năm.

Một số dự án chủ yếu trên địa bàn thành phố Cần Thơ như: Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), tổng mức đầu tư 7.843,19 tỷ đồng; Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, tổng mức đầu tư là 1.727,9 tỷ đồng; Kè Sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, tổng mức đầu tư là 1.095 tỷ đồng; Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 195,85 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Ước tháng 01/2022, thành phố chưa thu hút được dự án mới. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài do thành phố quản lý, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.052 triệu USD, ước vốn thực hiện khoảng 533,8 triệu USD, đạt 26,01% tổng vốn đăng ký.

Tình hình đăng ký kinh doanh: Trong tháng, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 112 doanh nghiệp các loại hình, đạt 8% kế hoạch và vốn đăng ký mới 494 tỷ đồng, đạt 3,08% kế hoạch. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký mới bằng 84,84% và số vốn bằng 37,56%.

4. Thương mại, dịch vụ, du lịch

Mặc dù, thành phố phải chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thế nhưng thành phố đã sẵn sàng đón chào xuân Nhâm Dần 2022 sắp đến. Không khí mua sắm của người dân tại một số chợ trên địa bàn thành phố Cần Thơ được diễn ra rất sôi nổi, cũng như thị trường hàng hóa phục vụ cho đợt mua sắm cuối năm và tết Nguyên đán cũng rất đa dạng, từ hàng hóa thiết yếu đến không thiết yếu.

Do dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các cơ sở kinh doanh đã hoạt động bình thường ở hầu hết các ngành nghề kinh doanh, tình hình thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn thành phố Cần Thơ những ngày đầu năm 2022 có những chuyển biến khá tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01 năm 2022 ước đạt 10.802,68 tỷ đồng, tăng 10,26% so với tháng trước, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm trước.

- Bán lẻ hàng hóa: Nhìn chung tình hình buôn bán của doanh nghiệp và hộ cá thể đang phục hồi nhanh, ước doanh thu bán lẻ trên địa bàn thành phố Cần Thơ phát triển tương đối tốt do nhu cầu mua sắm trước Tết tăng cao. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01 năm 2022 ước đạt 8.743,1 tỷ đồng, tăng 11,10% so với tháng trước, tăng 10,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đa số các ngành hàng đều có doanh thu ước tính tăng cao so với tháng trước, cụ thể: ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm ước đạt 2.610,36 tỷ đồng tăng 15,7% so với tháng trước và tăng 12,89% so với cùng kỳ; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 1.200,37 tỷ đồng tăng 8,47% so với tháng trước và tăng 19,63% so với cùng kỳ; gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.368,32 tỷ đồng tăng 12,64% so với tháng trước và tăng 18,72% so với cùng kỳ; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi ước đạt 1.078,19 tỷ đồng, tăng 5,82% so với tháng trước và tăng 25,73% so với cùng kỳ; đá quý, kim loại quý và sản phẩm ước đạt 573 tỷ đồng, tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 14,05% so với cùng kỳ, …

- Lưu trú, ăn uống: Đến nay, các doanh nghiệp thương mại hoạt động 100%, doanh nghiệp sản xuất hoạt động hơn 85%. Vì vậy, đầu năm 2022 doanh thu ăn uống dần phục hồi so với năm trước. Doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 01 năm 2022 ước đạt 904,14 tỷ đồng, tăng 16,90% so với tháng trước, tăng 15,17% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 22,75 tỷ đồng, tăng 8,01% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 881,39 tỷ đồng, tăng 15,36% so với cùng kỳ.

- Du lịch lữ hành: Ngay từ những ngày đầu năm 2022, nhiều điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang mở cửa trở lại đón khách, sau một thời gian dài bị "đóng băng". Tuy nhiên, du lịch là một trong những Ngành bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 nên vẫn chưa thể phục hồi nhanh. Doanh thu du lịch lữ hành tháng 01 năm 2022 ước đạt 8,21 tỷ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước, giảm 35,76% so với cùng kỳ.

Ước tháng 01 năm 2022, thành phố Cần Thơ đón 27.000 lượt khách tham quan du lịch (chủ yếu là khách nội địa: khách đi công vụ, khách địa phương), giảm 94% so với cùng kỳ, đạt 0,4% kế hoạch năm. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế không tổ chức đón và đưa khách đi quốc tế trong tháng 01 năm 2022. Lữ hành nội địa ước phục vụ 250 lượt khách, giảm 94% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ khác: Các cơ sở dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ sau khi thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 12/2021. Hầu hết các ngành dịch vụ đều đã hoạt động lại. Doanh thu dịch vụ ước tháng 01/2022 đạt 1.147,23 tỷ đồng, tăng 3,87% so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao có đà tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ kinh doanh bất động sản có doanh thu ước tháng 01/2022 đạt 320,4 tỷ đồng, tăng 10,33%, do nhiều dự án, nhiều tuyến đường quan trọng trong nội ô cũng như liên tỉnh được thực hiện để hoàn thành trước Tết; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Cần Thơ đã phát hành 4 kỳ vé trong tháng, nâng doanh thu dịch vụ vui chơi giải trí đạt 330,3 tỷ đồng, giảm 13,12% so với tháng trước, nhưng tăng 4,42% so với cùng kỳ, …

5. Giá cả thị trường

Tháng 01/2022 là tháng giáp Tết, nên thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng trên địa bàn thành phố diễn ra khá sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, lượng hàng nhập vào tại các cửa hàng, các điểm bán hàng gia tăng nên không xảy ra tình trạng khan hàng, sốc giá.

Không khí mua bán tại siêu thị, hệ thống cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích,… bắt đầu sôi động. Sức mua tăng dần, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2022 giảm 0,24% so với tháng trước, nhưng tăng 3,18% so với cùng kỳ.

Trong mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), có 7/11 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ. Trong đó:

+ Nhóm giao thông tăng cao nhất với 1,47% so với tháng trước và tăng 18,10% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm (ngày 11/01/2022 và 21/01/2022) làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 2,41% so tháng trước và tăng 38,98% so cùng kỳ; bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm và sửa chữa phương tiện cuối năm tăng nên giá một số loại xe và giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện tăng.

+ Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,41% so với tháng trước, tăng 2,57% so cùng kỳ chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng để chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán sắp tới (lương thực tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 6,77% so cùng kỳ; thực phẩm giảm 0,74% so với tháng trước và tăng 0,22% so cùng kỳ; ăn uống ngoài gia đình ổn định so với tháng trước và tăng 5,37% so cùng kỳ).

+ Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,57% so với tháng trước, tăng 3,81% so với cùng kỳ. Chủ yếu do giá mặt hàng đồ uống không cồn như nước khoáng, nước giải khát có ga tăng do nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng mạnh, một phần do chi phí vận chuyển tăng khiến giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng.

+ Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,25% so với tháng trước, tăng 6,08% so với cùng kỳ, do gần tết Nguyên đán nhiều doanh nghiệp, hộ dân đã và đang xây sửa nhà cửa để đón năm mới khiến cho thị trường vật liệu xây dựng sôi động trở lại, cầu mua sắm vật liệu hoàn thiện và nội thất tăng cao đã tác động lên giá các loại vật liệu xây dựng (vật liệu xây dựng tăng 13,47% so cùng kỳ).

+ Chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,65% so với tháng trước, tăng 1,59% so với cùng kỳ, do tác động tăng giá của một số mặt hàng (máy giặt, tăng 0,49% so cùng kỳ; máy hút bụi tăng 2,76%; đồ dùng trong nhà tăng 2,21%; ...) do các hệ thống siêu thị, cửa hàng đã ngưng chương trình khuyến mãi giảm giá.

+ Chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 0,08% so với cùng kỳ. Nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc trong nước bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá nguyên liệu sản xuất thuốc trên thị trường thế giới cũng có xu hướng tăng lên, kéo theo giá nhập hàng các loại thuốc tân dược tăng.

+ Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 2,17% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do tác động của nhóm dịch vụ phục vụ cá nhân (cắt tóc, gội đầu và dịch vụ chăm sóc cá nhân) trong những ngày cận Tết năm nay cao hơn năm trước (tăng 13,18% so cùng kỳ).

Trong tháng Một, có 4/11 nhóm hàng chủ yếu có chỉ số giá tương đối ổn định so tháng trước, nhưng giảm so với cùng kỳ. Trong đó: (1) Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 4,06% so với tháng trước, giảm 3,38% so với cùng kỳ; (2) Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giữ ổn định so với tháng trước, giảm 0,93% so với cùng kỳ; (3) Chỉ số giá nhóm giáo dục giữ ổn định so với tháng trước, giảm 7,04% so với cùng kỳ; (4) Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02% so với tháng trước, giảm 0,48% so với cùng kỳ. Một số nguyên nhân làm giảm chỉ số giá tiêu dùng của các nhóm hàng trên là do: ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu, chủ yếu chỉ mua những mặt hàng cần thiết nhu yếu phẩm, ít mua sắm quần áo. Tháng Một cũng là thời điểm giáp Tết nên các siêu thị, cửa hàng thời trang triển khai nhiều chương trình giảm giá khuyến mãi để kích cầu mua sắm; để tăng doanh số bán dịp cuối năm, các nhà mạng tiếp tục đưa ra nhiều gói hỗ trợ, ưu đãi giảm giá cước viễn thông trong dịp Tết nhằm thu hút sức mua từ khách hàng; chính sách miễn, giảm học phí năm học 2021 - 2022 được áp dụng đã tác động làm chỉ số giá nhóm này giảm mạnh so với cùng kỳ, ...

Chỉ số giá vàng: Chỉ số giá vàng tăng 1,05% so với tháng trước và giảm 4,16% so với cùng kỳ. Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới khi những lo lắng xung quanh vấn đề lạm phát và căng thẳng ở Ukraine diễn ra, theo đó giá vàng trong nước cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng cộng với sự suy yếu của USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ cũng khiến giá vàng tăng lên.

Chỉ số giá đô la Mỹ: Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,24% so với tháng trước và giảm 1,17% so với cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm do đồng USD trong nước diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế lao dốc sau khi ông chủ Fed khẳng định lạm phát đang vượt xa mục tiêu trong khi không thay đổi chính sách thắt chặt tiền tệ như đã hoạch định.

6. Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông

Thành phố xây dựng phương án tổ chức giao thông, hướng dẫn chi tiết các hoạt động vận tải đáp ứng theo từng giai đoạn, từng mức độ, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Lĩnh vực bưu chính, viễn thông tiếp tục phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tháng Một nằm ngay thời điểm gần sát tết Nguyên đán nên các hoạt động vận tải có xu hướng tăng so với tháng trước, do nhu cầu đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa tăng. Tuy nhiên, dịch vụ vận tải hành khách tiếp tục giảm so với cùng kỳ do hậu quả của dịch bệnh kéo dài của năm 2021. Ước tính tháng 01 năm 2022, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 321,1 tỷ đồng, giảm 3,53% so với cùng kỳ. Trong đó: Vận tải hành khách đạt 64,3 tỷ đồng, giảm 24,47%; vận tải hàng hóa đạt 156,37 tỷ đồng, tăng 5,38%; dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 72,56 tỷ đồng, giảm 2,56%; riêng dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 27,87 tỷ đồng, tăng 12,06% do các địa phương dần chuyển sang “trạng thái bình thường mới” cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để dịch vụ bưu chính, chuyển phát đẩy nhanh quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Vận tải hành khách: Số lượt hành khách vận chuyển trong tháng 01/2022 ước đạt 5.528,74 nghìn hành khách, tăng gấp 1,22 lần tháng trước nhưng giảm 13,55% so với cùng kỳ. Số lượt hành khách luân chuyển đạt 78.632,94 nghìn hành khách.km, tăng 22,68% so với tháng trước, giảm 23,28% so với cùng kỳ. Do tâm lý của hành khách và người dân vẫn còn sợ dịch Covid-19, nên vận tải hành khách hiện nay chưa đạt kết quả như mong muốn. So với thời điểm cuối năm 2021 có tăng nhưng so với cùng kỳ thì vẫn còn giảm.

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Một ước tính đạt 857,32 nghìn tấn, giảm 1,33% so với tháng trước và tăng 4,78% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 135.347,75 nghìn tấn.km, tăng 1,53% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ. Hoạt động vận tải hàng hóa có xu hướng tăng so với cùng kỳ do các địa phương đang tích cực đẩy mạnh hoạt động lưu thông hàng hóa bằng đường bộ.

Bưu chính, viễn thông: Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện xử lý kịp thời đối với những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn thông tin Trung tâm dữ liệu thành phố.

Các doanh nghiệp Bưu chính triển khai thực hiện đảm bảo các tuyến đường thư phục vụ chỉ đạo của thành phố về quốc phòng, an ninh và các chỉ đạo điều hành trong dịp Tết; xây dựng kế hoạch, phương án dự phòng sẵn sàng thay thế kịp thời khi có sự cố, tăng cường công tác phòng gian, bảo mật, xử lý và ứng cứu thông tin kịp thời, đảm bảo thông suốt hệ thống đường thư.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp Viễn thông đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt, an toàn trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sắp tới; có chính sách hỗ trợ, miễn cước phí cho các thuê bao của người dân khi gọi đến đầu số 02921022; ủng hộ số thuê bao di động dễ nhớ để đấu giá gây quỹ Chương trình truyền thông “Chung tay vì Cần Thơ khỏe mạnh”; hỗ trợ nhắn tin tuyên truyền đến tất cả thuê bao di động của từng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về phòng, chống Covid-19. Phối hợp với VNPT, nhóm Thầy thuốc đồng hành thực hiện giải pháp kết nối tổng đài Thầy thuốc đồng hành và 1022 nhánh 3 để gọi vào - ra phục vụ công tác hỗ trợ bệnh nhân F0.

7. Tài chính, ngân hàng

Tháng 01/2022 là thời điểm mới bước vào đầu năm và chưa đến kỳ hạn kê khai nộp thuế nên nhiều khoản thu nội địa đạt mức thấp; chi ngân sách địa phương đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong tháng ổn định; vốn huy động đến cuối tháng 01/2022 ước tăng 0,46% so với đầu năm, đáp ứng được 77,06% nguồn vốn cho vay.

a) Thu, chi ngân sách

Thu ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế thực hiện đến 20 ngày tháng 01 năm 2022 đạt 491,43 tỷ đồng, bằng 2,91% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 48,61% so với cùng kỳ. Cụ thể một số khoản thu chính như sau:

- Thu nội địa đạt 475,89 tỷ đồng, bằng 4,48% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 96,84% tổng thu và giảm 48,18% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 123,3 tỷ đồng, đạt 9,55% dự toán, giảm 27,82% so với cùng kỳ; thu từ khu vực ngoài nhà nước đạt 80,67 tỷ đồng, đạt 3,88% dự toán, giảm 60,74% so với cùng kỳ; thu từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 36,71 tỷ đồng, đạt 3,55% dự toán, giảm 64,53% so với cùng kỳ.

- Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 15,52 tỷ đồng, bằng 3,1% so với dự toán HĐND thành phố giao, chiếm 3,16% tổng thu và giảm 59,09% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương: Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế thực hiện đến 20 ngày tháng 01 năm 2022 đạt 459,87 tỷ đồng, bằng 3% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 33,82% so với cùng kỳ. Trong đó:

- Chi cho đầu tư phát triển đạt 68,18 tỷ đồng, đạt 0,81% dự toán, chiếm 14,83% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 258,87% so với cùng kỳ;

- Chi thường xuyên đạt 391,69 tỷ đồng, bằng 6,04% dự toán, chiếm 85,17% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 20,65% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề đạt 113,85 tỷ đồng, bằng 4,63% so với dự toán và giảm 17,38% so với cùng kỳ; Chi cho sự nghiệp y tế đạt 16,22 tỷ đồng, bằng 4,36% so với dự toán và giảm 0,91% so với cùng kỳ.

b) Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế và trong điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của ngân hàng đồng thời bám sát vào chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế của Chính phủ.

Nhìn chung, trong tháng 01 năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã tổ chức triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bảo đảm sự ổn định, an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong tháng ổn định. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 và những ngày cận Tết nên nguồn vốn huy động đến cuối tháng 01/2022 chỉ tăng 0,46% so với đầu năm, đáp ứng được 77,06% nguồn vốn cho vay. Tổng dư nợ cho vay tăng 0,48% so với tháng trước. Nợ xấu chiếm 1,49% trên tổng dư nợ cho vay, giảm so với đầu năm.

Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 01/2022, ước đạt 93.400 tỷ đồng, tăng 0,46% so với đầu tháng. Trong đó, Vốn huy động VNĐ là 91.400 tỷ đồng, chiếm 97,86%, tăng 0,46%, ngoại tệ là 2.000 tỷ đồng, chiếm 2,14%, tăng 0,50% so với đầu tháng.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến cuối tháng 01/2022, tổng dư nợ cho vay ước đạt 121.200 tỷ đồng, tăng 0,48% so đầu tháng. Nợ xấu là 1.800 tỷ đồng, chiếm 1,49% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay VNĐ 114.400 tỷ đồng, tăng 0,48% so với đầu tháng, chiếm 94,39%, dư nợ cho vay ngoại tệ 6.800 tỷ đồng, tăng 0,49% so với đầu tháng, chiếm 5,61% tổng dư nợ cho vay.

8. Các vấn đề xã hội

a) Giáo dục và Đào tạo

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức, phát động các cuộc thi, kỳ thi thu hút đông đảo học sinh tham gia và đạt một số thành tích tiêu biểu.

Ban hành văn bản triển khai nghị quyết của HĐND thành phố.

Tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi năm học 2020-2021 bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Sở.

Xây dựng triển khai Phương án tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đến trường và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường của các cơ sở giáo dục.

b) Y tế và chăm sóc sức khỏe người dân

Tình hình dịch bệnh ổn định, không có vụ dịch nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên trong tháng một số bệnh như: sốt xuất huyết ghi nhận 19 trường hợp mắc, giảm 01 trường hợp so với tháng trước (20 trường hợp), không có tử vong; tay chân miệng ghi nhận 02 trường hợp mắc, tăng 01 trường hợp so với tháng trước (01 trường hợp), không có tử vong; sởi và sốt phát ban nghi sởi: không ghi nhận trường hợp mắc, không tăng không giảm so với tháng trước (0 trường hợp). Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 01 trường hợp mắc, giảm 20 trường hợp so cùng kỳ (21 trường hợp); tiêu chảy: 145 trường hợp, tăng 23,93% so với tháng trước.

Trong tháng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố. Lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện được là 6.892 trường hợp. Trong đó, tử vong 2.560 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.332 trường hợp. Điều trị ARV cho 4.398 trường hợp, điều trị Methadone cho 320 trường hợp.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp do thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của vi rút và sự gia tăng giao thương đi lại trong dịp lễ tết cuối năm, nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới; bên cạnh đó, còn tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số đơn vị, người dân trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch sau một thời gian dài nới lỏng giãn cách xã hội. Tại Cần Thơ, từ 15/12/2021 đến ngày 14/01/2022, ghi nhận 13.730 ca bệnh, trong đó có 41 ca tại cộng đồng, 7.575 ca tầm soát tại cơ sở y tế, 1.162 ca tại khu cách ly, 17 ca tại khu phong tỏa và 4.935 ca là trường hợp đang cách ly tại nhà.

Ngành Y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, cụ thể: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, thực hiện tiêm trả mũi 2 cho các trường hợp đến hạn, triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tính đến ngày 14/01/2022, có 2.386.709 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm cho người dân trên địa bàn (đạt 99% số liều được nhận), tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đạt 98,48% (trong đó 96,41% tiêm đủ 02 mũi); tỷ lệ trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm đạt 95,76% (trong đó 87,24% tiêm đủ 02 mũi); đã tiêm được 226.496 mũi bổ sung và 100.803 mũi nhắc lại.

c) Văn hóa, thể dục, thể thao

Thực hiện công tác tuyên truyền Chào năm mới 2022 trên các phương tiện tuyên truyền cổ động trực quan: pano, băng rôn, màn hình LED.

Dự tổng kết Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền tại tỉnh Lâm Đồng, đạt huy chương Vàng toàn đoàn, 01 huy chương Vàng tiết mục, 02 huy chương Bạc tiết mục. Nhà hát Tây Đô: tổ chức biểu diễn 02 suất và phục vụ khoảng 1.000 lượt người xem.

Ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” kết hợp tổ chức tháng hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2022”, Kế hoạch tổ chức và Điều lệ Giải Xe đạp thể thao thành phố Cần Thơ mở rộng “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Nhâm Dần” 2022.

d) Chính sách lao động - xã hội

Trong tháng, thành phố Cần Thơ giải quyết việc làm 2.925 lao động (cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 13 người), đạt 5,8% kế hoạch năm, tăng 24,42% so với cùng kỳ. Đến nay trên địa bàn thành phố có 76 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề cho 14.027 lượt người, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho 2.746 lượt người, cung ứng lao động trong và ngoài nước 88 người. Số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong kỳ báo cáo là 1.285 hồ sơ, tăng 60.42% so với tháng báo cáo liền trước đó (801 hồ sơ), tăng 54,26% so với tháng cùng kỳ năm 2021 (833 hồ sơ). Số lượng nộp hồ sơ tăng do tình hình dịch bệnh phức tạp, số lượng người lao động mất việc làm tăng, bên cạnh đó người lao động trong thành phố đi làm việc ở một số địa phương khác sau khi nghỉ việc trở về địa phương sinh sống nên số lượng lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tăng.

Thực hiện chính sách với người có công

Toàn thành phố hiện có 5.688 đối tượng, Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 32 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng.

Ban hành kế hoạch chăm lo cho Người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 2022. Trình Ủy ban nhân dân thành phố về việc chi gộp 02 tháng trợ cấp (tháng 01 và tháng 02 năm 2022) cho Người có công với cách mạng.

Công tác Bảo trợ xã hội

Chi trả trợ cấp xã hội cho 43.096 đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng với tổng số kinh phí 21,568 tỷ đồng. Phối hợp cùng các quận, huyện trợ cấp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022 cho các đối tượng thụ hưởng, bao gồm: 43.096 đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng; 317 đối tượng sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; 1.349 đối tượng sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập; 2.901 hộ nghèo; 207 người cao tuổi từ 100 tuổi trở lên, với tổng số kinh phí hơn 43,163 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (tại Nghị quyết số 68/NQ-CP)

Tính đến ngày 20/01, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 3.728 người sử dụng lao động, 657.375 lượt người, kinh phí trên 1.269 tỷ đồng; Đã chi hỗ trợ cho 3.728 người sử dụng lao động, 560.053 lượt người với tổng kinh phí trên 1.076 tỷ đồng, đạt 85,20% so với số lượng được duyệt.

* Nhóm chính sách Bảo hiểm xã hội (gồm các chính sách: 1, 2, 3 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP):

- Chính sách 1, 2 (Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất): đã hỗ trợ 3.700 người sử dụng lao động với 94.989 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 45 tỷ đồng và chính sách 3 (Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động): Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2758/SLĐTBXH-LĐ ngày 11 tháng 8 năm 2021 tổ chức triển khai thực hiện việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

* Nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt (gồm các chính sách: 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã phê duyệt hỗ trợ 521.586 lượt người, kinh phí trên 1.067 tỷ đồng; đến nay đã chi hỗ trợ cho 424.264 lượt người, kinh phí trên 873 tỷ đồng, đạt 81,68% so với số lượng được phê duyệt

Chính sách 12 (Hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố):

+ Hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động: 09/09 quận, huyện đã được phê duyệt hỗ trợ lần 1 (mức 1.200.000 đồng/ người) và lần 2 (mức 800.000 đồng/người); Đến nay đã chi hỗ trợ 7.689/8.280 người với kinh phí trên 15,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92,86% (số chưa chi là các trường hợp trùng danh sách, không còn ở địa phương, mới phê duyệt...).

+ Hỗ trợ 04 nhóm đối tượng còn lại: 09/09 quận, huyện được phê duyệt hỗ trợ 415.429 người, kinh phí trên 830 tỷ đồng; đã chi hỗ trợ 362.291 người, kinh phí trên 724 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 87,21%.

* Nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã giải ngân cho 28 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 40.800 lượt người lao động với số tiền cho vay là 157,31 tỷ đồng.

đ) Tình hình tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/12/2021 đến 14/01/2022) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông, làm chết 04 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ giảm 03 vụ, số người chết giảm 03 người, số người bị thương tương đương (0/0 người)./.


Website Cục Thống kê thành phố Cần Thơ

    Tổng số lượt xem: 454
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)