I. CÔNG NGHIỆP
Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ước tháng 11/2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn những tháng trước, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phồ đã hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại sau thời gian dài phải tạm dừng hoạt động vì không đáp ứng đủ điều kiện phòng dịch theo quy định của cơ quan y tế. Đến nay, số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động là 984/1.168 doanh nghiệp, tương đương 84,25% (tăng 676 doanh nghiệp so với thời điểm ngày 18/10); 184 doanh nghiệp chưa xây dựng Kế hoạch tái hoạt động sản xuất (tương đương 15,75%). Tổng số lao động hiện có là 78.710, trong đó số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 51.897, tương đương 65,93% lao động; số lao động đang tạm nghỉ là 26.813, tương đương 34,07%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 11 năm 2021 tăng 6,77% so tháng trước và giảm 12,99% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 12,50%; ngành phân phối điện giảm 26,67%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 38,66% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 10,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 10,50%, ngành phân phối điện giảm 11,24%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải giảm 4,07%. Nhiều sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ, cụ thể: sản phẩm phi lê đông lạnh giảm 11,09%; tôm đông lạnh giảm 3,33%; xay xát gạo giảm 19,96%; thức ăn cho gia súc giảm 21,51%; dược phẩm dạng viên giảm 25,81%; xi măng giảm 31,35%; sản phẩm đinh, đinh mũ, ghim dập, đinh vít giảm 43,50%… Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải sản xuất kinh doanh theo phương án 3 tại chỗ và hoạt động không hết công suất, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất của doanh nghiệp.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 11/2021 đạt 82,82% so với tháng cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ 11 tháng năm 2021 đạt 82,04% so với cùng kỳ năm trước. Mức tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố nhìn chung đạt thấp, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của thành phố. Qua 11 tháng, nhiều ngành có mức tiêu thụ đạt thấp so với cùng kỳ, cụ thể: xay xát đạt 84,09%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đạt 87,16%; sản xuất bia đạt 85,59%; sản xuất đồ uống không cồn đạt 80,93%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) đạt 73,17%; sản xuất giấy đạt 56,13%; sản xuất thuốc tây đạt 74,33%; sản xuất sản phẩm từ plastic đạt 77,94%; sản xuất xi măng đạt 68,65%. Bên cạnh những ngành có mức tiêu thụ thấp, cũng có một số ngành có mức tiêu thụ tăng như: sản xuất thuốc lá tăng 14,15% so với cùng kỳ; sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động tăng 34,73%. Các ngành trên có mức tiêu thụ tăng là do doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định phòng chống dịch bệnh của cơ quan y tế, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất kịp thời cung ứng sản phẩm cho khách hàng và đối tác kinh doanh ngay khi doanh nghiệp mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/11/2021 tăng 28,97% so với tháng cùng kỳ. Qua chỉ số trên cho thấy lượng hàng tồn kho đã giảm bớt được một phần so với tháng trước là nhờ nhiều doanh nghiệp có đơn đặt hàng, tuy nhiên sản lượng sản phẩm thời điểm hiện tại đạt thấp hơn so với bình thường do các doanh nghiệp phải thực hiện việc sản xuất kinh doanh 3 tại chỗ theo quy định vừa sản xuất vừa phòng dịch của cơ quan y tế. Từ đó, khối lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp đã được giải phóng. Mặt khác, nhiều đại lý bắt đầu nhập hàng, chuẩn bị hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết dương lịch 2022 sắp tới.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tháng 11/2021 tăng 1,23% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,21%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,85% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 15,46%. Tình hình lao động đang làm việc tại doanh nghiệp ít biến động so với tháng trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo phương án 3 tại chỗ, vì vậy lực lượng lao động tham gia làm việc giảm so với cùng kỳ.
II. NÔNG LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN
Trong tháng, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản thuận lợi. Tình hình tiêu thụ nông sản ổn định, sản lượng cá tra tồn đọng trong các hộ nuôi trồng thủy sản giảm do các doanh nghiệp chế biến đã mở cửa hoạt động trở lại.
1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
- Cây lúa: tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2021 đã xuống giống 222.376 ha, vượt 7,47% so với kế hoạch. Sản lượng lúa 3 vụ đạt 1.412.615 tấn, tăng 1% so cùng kỳ, vượt 12% kế hoạch.
- Lúa đông xuân 2021 - 2022: đã xuống giống 3.787 ha do, năm nay nông hộ xuống giống sớm hơn cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu ở huyện Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn.
Lúa đông xuân đang chuẩn bị xuống giống tập trung, hiện nay tình hình mưa bão diễn biến khá phức tạp. Ngành nông nghiệp địa phương nhắc nhở bà con theo dõi tình hình thời tiết hằng ngày, gia cố đê bao đề phòng nước dội đồng, vận động nông dân làm đất đánh bùn kỹ, dọn cỏ dại, tu sửa bờ, tăng cường đánh nhiều rãnh sâu để quản lý ốc, cỏ dại và hạn chế chết giống nếu xảy ra mưa to… hướng dẫn nông dân không dùng thuốc gốc Abamectin để trừ ốc, nhằm giảm thiệt hại cho cây lúa.
Đến nay, vụ đông xuân có 131 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 39.391 ha; vụ hè thu và thu đông có 136 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 32.833 ha, tổng số hộ tham gia là 23.486 hộ.
Giá lúa khô hiện tại cụ thể như sau: IR 50404: 5.800 - 5.900 đồng/kg; OM 5451: 6.400 - 6.500 đồng/kg; Đài Thơm 8: 6.800 - 6.900 đồng/kg; Jasmine85: 8.200 - 8.300 đồng/kg.
- Cây hàng năm khác: vụ đông xuân 2022, tổng diện tích gieo trồng rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày là 449 ha cao hơn 23 ha so với cùng kỳ. Trong đó:
Cây rau: đã gieo trồng được 309 ha cao hơn 10 ha so với cùng kỳ tập trung tại Bình Thủy, Thốt Nốt,…
Cây bắp: đã gieo trồng được 17 ha thấp hơn so với cùng kỳ 34 ha.
Cây đậu: đã gieo trồng được 7 ha cao hơn so với cùng kỳ 1 ha.
Dịch bệnh có xảy ra trên một số cây trồng và được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
- Cây lâu năm: diện tích cây ăn trái ước đạt 23.639 ha, chiếm 93,92% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 9,32% so cùng kỳ năm 2020. Ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh.
Tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và thời tiết hạn hán, trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành đã thực hiện chuyển đổi được 774 ha diện tích trồng cây ăn quả (các loại cây ăn quả chuyển đổi từ nền đất trồng lúa như xoài, mít, sầu riêng, chanh,...) và trong vụ hè thu 2021 trên nền đất lúa kém hiệu quả đã chuyển đổi sang trồng mè với diện tích 1.046 ha.
Trong tháng, dịch bệnh có xảy ra trên một số cây trồng (bệnh rệp sáp, ruồi đục trái, chổi rồng...), tuy nhiên đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
Hiện nay, toàn thành phố có 124 cơ sở, hộ sản xuất và cung ứng lúa giống với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm; 58 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái với năng lực cung ứng 650.000 cây/năm, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đạt hiệu quả.
Thành phố Cần Thơ hiện có 360 ha lúa; 23 ha rau màu và 303 ha cây ăn trái sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và 100 ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện đang hỗ trợ tư vấn, đánh giá, chứng nhận 02 HTX sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP (HTX Hiệp Mỹ Phát xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ 13 hộ, 36 ha và HTX Tân Mỹ Phát xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ 04 hộ; 13,2 ha).
b) Chăn nuôi
Tại thời điểm tháng 11/2021, tổng đàn heo 129.536 con, tăng 8,66% so cùng kỳ, với số đầu con 199.080 con lợn xuất chuồng, ước sản lượng đạt 19.680 tấn (cao hơn cùng kỳ 3.805 tấn); đàn bò 4.325 con, đàn gia cầm 1.951.000 con, tăng 1,72% so cùng kỳ.
Sản lượng thịt gà xuất chuồng 2.057 tấn, tăng 259 tấn so cùng kỳ; sản lượng trứng gà 5.599.000 quả, tăng 6,03% so cùng kỳ 2020.
Toàn thành phố hiện có 67 cơ sở sản xuất và mua bán sản phẩm giống vật nuôi. Trong đó, có 42 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống, 16 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất tinh, 05 cơ sở chăn nuôi heo vừa sản xuất con giống và tinh heo, 04 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống. Với khả năng cung cấp khoảng 40.000 con heo giống/năm, 350.000 con vịt giống/năm và 109.000 liều tinh heo/năm.
Sản lượng chăn nuôi của thành phố cung ứng 50-70% nhu cầu thị trường, số lượng còn lại nhập từ các tỉnh thành khác để cung ứng đủ cho người tiêu dùng. Giá heo hơi có sự biến động nhẹ và dao động ở mức từ 42.000 - 45.000 đồng/kg; giá trâu, bò hơi ổn định ở mức từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; giá gà ta duy trì ở mức từ 85.000 - 90.000 đồng/kg; giá vịt hơi từ 42.000 - 47.000 đồng/kg; sữa bò tươi dao động từ 10.000 - 14.000 đồng/kg; trứng gà công nghiệp từ 1.700 - 2.500 đồng/quả; trứng gà ta: 3.000 - 3.500 đồng/quả; trứng vịt dao động từ 2.500 - 3.000 đồng/quả.
2. Lâm nghiệp
Với vị trí địa lý và đặc điểm tình hình kinh tế của Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn. Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân ở các quận, huyện chăm sóc các cây đã trồng trong những năm trước, vận động xã hội hóa trồng cây nhân dân năm 2021. Đến nay, ước tính trồng được 783.000 cây phân tán.
3. Thủy sản
Đến giữa tháng 11/2021, diện tích nuôi trồng thủy sản (không bao gồm diện tích sản xuất giống) ước đạt 8.253 ha (+322 ha so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 706 ha (-4,08% so cùng kỳ 2020), luỹ kế sản lượng cá tra nuôi công nghiệp ước đạt 162.606 tấn (-5,03% so cùng kỳ 2020).
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động di chuyển, vận chuyển bị hạn chế đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra. Do đó, người nuôi cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải cố gắng duy trì cầm chừng, chờ thu hoạch hết mới tính toán chuyện thả nuôi lứa sau. Số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%. Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đã giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết. Hiện tại, các nhà máy chế biến thủy sản ở Cần Thơ đã hoạt động trở lại, tuy nhiên chỉ đạt khoảng 30% công suất do phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù sản lượng cá tra tồn đọng đang từng bước được giải quyết nhưng số lượng chưa nhiều do lực lượng nhân công thu hoạch chưa được tiêm vaccine đầy đủ, nhân công tương đối nhiều và đến từ nhiều địa phương khác.
Hiện nay, giá bán cá tra nguyên liệu dao động 22.500 - 23.000 đồng/kg (kích cỡ 700 - 900 g/con) tăng 500 đồng/kg so với tháng trước, giá thành bình quân 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Giá cá tra giống dao động từ 29.000 - 33.000 đồng/kg tăng khoảng 10.500 đồng/kg so với tháng trước, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân - mẫu 30 con/kg giá từ 29.000 - 30.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân - mẫu 70 con/kg giá từ 32.000 - 33.000 đồng/kg.
Khai thác thủy sản nội địa chủ yếu từ lưới, chài, lú, ghe cào…tại các con sông, kênh, mương với sản lượng khai thác 50 kg đến 100 kg/hộ/ngày đối với các hộ ghe cào, chính quyền các cấp vận động bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hạn chế một số công cụ đánh bắt và có chính sách thả nuôi, nhân giống thủy sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Vì vậy, sản lượng khai thác thủy sản nội địa luỹ kế đến tháng 11/2021 ước đạt 6.059 tấn, tăng 219 tấn so cùng kỳ năm 2020.
III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý từ đầu năm đến nay đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu không ổn định, thiếu mặt bằng để bố trí tái định cư, cũng như mặt bằng để thi công cũng ảnh hưởng trực tiếp tiến độ thi công của các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 11 năm 2021 được 575,56 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố ước thực hiện được 83,25 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước thực hiện được 98,05 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) ước thực hiện được 55,65 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết ước thực hiện được 59,60 tỷ đồng, nguồn vốn khác ước thực hiện được 84,86 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện được 194,15 tỷ đồng.
Ước thực hiện 11 tháng năm 2021, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý được 3.562,20 tỷ đồng đạt 50,85% kế hoạch năm. Trong đó, vốn cân đối ngân sách thành phố ước thực hiện được 501,20 tỷ đồng đạt 52,72% kế hoạch năm, vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước thực hiện được 352,35 tỷ đồng đạt 64,23% kế hoạch năm, vốn nước ngoài (ODA) ước thực hiện được 538,58 tỷ đồng đạt 28,19% kế hoạch năm, vốn xổ số kiến thiết ước thực hiện được 376,25 tỷ đồng đạt 51,74% kế hoạch năm, nguồn vốn khác ước thực hiện được 602,03 tỷ đồng đạt 65,79% kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện được 1.191,79 tỷ đồng đạt 61,02% kế hoạch năm. Đến ngày 19/11/2021 đã giải ngân 3.228,45 tỷ đồng, đạt 40,70% kế hoạch năm, trong đó ngân sách địa phương là 2.024,70 tỷ đồng đạt 32% kế hoạch năm.
Tình hình thực hiện một số dự án chủ yếu trên địa bàn thành phố:
Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), dự án có tổng mức đầu tư 7.843,19 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2021 được giao 1.546,44 tỷ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư và nhà thầu đang khẩn trương thực hiện một số hạng mục công trình để đạt kế hoạch đề ra, cụ thể, dự án đường Hoàng Quốc Việt (thuộc dự án 3) chủ đầu tư và nhà thầu đang khẩn trương thực hiện để dự án sớm hoàn thành phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; dự án cầu Cầm Thi (thuộc dự án 3) .
Dự án Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 1.727,94 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Sở Y tế thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 759,83 tỷ đồng. Tháng 10/2021 dự án được hoạt động xây dựng bình thường trở lại, chủ đầu tư và nhà thầu đang khẩn trương thực hiện để đạt kế hoạch đề ra.
Dự án Đường tỉnh 922 (xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ quốc lộ 91B đến Cờ Đỏ), dự án có tổng mức đầu tư là 1.494,93 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư thành phố làm chủ đầu tư, dự án có tổng chiều dài khoảng 29 km. Kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 147,58 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành trên 95% khối lượng, riêng phần cầu và đường dân sinh lên cầu còn vướng mặt bằng. Chủ đầu tư và nhà thầu đang khẩn trương thực hiện để có thể thông xe vào cuối tháng 12/2021.
Dự án Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, dự án có tổng mức đầu tư là 195,85 tỷ đồng do Chi cục Thủy lợi thành phố làm chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2021 được giao là 90 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án mới có vốn kế hoạch thực hiện trong năm 2021. Hiện nay, chủ đầu tư và nhà thầu đã bắt đầu triển khai những hạng mục công trình đầu tiên, và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng đúng kế hoạch đề ra.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: ước 11 tháng năm 2021, thành phố đã phê duyệt cấp mới 05 dự án FDI, vốn đăng ký thực hiện khoảng 1.316,8 triệu USD (ước tháng 11, cấp mới 01 dự án, vốn đăng ký 17.621 USD). Có 01 dự án chuyển thành dự án trong nước (Dự án Trung tâm bảo dưỡng xe, bán lẻ xe ô tô và cao ốc văn phòng chi thuê, vốn đăng ký 6 triệu USD). Luỹ kế, trên địa bàn thành phố có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài do thành phố quản lý, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.043 triệu USD, ước vốn thực hiện đạt khoảng 531,58 triệu USD, chỉ đạt khoảng 26% so với tổng vốn đăng ký.
IV. THƯƠNG MẠI
1. Giá cả thị trường
Sau gần hai tháng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để phục hồi sản xuất kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh một số mặt hàng vẫn chưa quay lại mức giá ổn định như các tháng đầu năm do nhiều yếu tố tác động. Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến giá cả thị trường và cung cầu hàng hóa; chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 có chiều hướng bắt đầu giảm nhưng với việc giá xăng, dầu và gas liên tục tăng cao đã tạo áp lực rất lớn lên giá hàng hoá làm ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất cũng cao lên, làm cho giá một số mặt nhóm hàng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 giảm 0,08% so với tháng trước; tăng 3,72% so với cùng tháng năm 2020, tăng 3,58% so với tháng 12 năm 2020. Chỉ số giá bình quân 11 tháng tăng 2,54% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: đồ uống và thuốc lá tăng 2,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,55%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; giao thông tăng 4,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,48%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%.
Trong tháng có 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,85%; giáo dục giảm 7,27%; bưu chính viễn thông giảm 0,11%.
Nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
Các nguyên nhân tác động đến CPI tháng 11/2021
Sức mua từ thị trường vẫn chưa được hồi phục trong khi đó nhu cầu mua sắm giảm cũng làm cho nhiều mặt hàng nông sản giảm do cung vượt cầu. Đối với mặt hàng thịt gia súc đặc biệt là giá thịt heo liên tục giảm do lượng heo cung ứng ra thị trường vẫn cao hơn nhiều so với nhu cầu tiêu dùng khiến giá heo hơi xuống thấp, mặt khác do lượng heo bán chạy dịch cũng dồn ra thị trường rất nhiều trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp do gần đây số ca nhiễm Covid-19 tại Cần Thơ tăng cao trở lại. Điều này dẫn đến sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường giảm, khiến giá thịt heo đi xuống.
Từ ngày 01/11, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng đội thêm 17.000 đồng, người dùng phải trả thêm 1.417 đồng cho mỗi kg gas so với tháng trước và giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Kể từ tháng 6 đến tháng 11, giá nhiên liệu này đã tăng 9.792 đồng/kg, tương đương mức tăng 117.500 đồng một bình 12 kg và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do tác động của nguồn cầu thế giới. Nguyên nhân giá gas tháng 11 tăng vọt là nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu bình quân đạt 850 USD một tấn, tăng 52,5 USD một tấn so với tháng trước.
Từ 15 giờ ngày 10/11/2021, mỗi lít xăng tăng 550-660 đồng lên sát 25.000 đồng; dầu hoả và diesel giữ nguyên giá trong khi dầu mazut giảm. Theo điều chỉnh giá bán lẻ trong nước của liên Bộ Công Thương - Tài chính ngày 10/11, giá xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng một lít (tăng 550 đồng); RON 95 là 24.990 đồng một lít (tăng 660 đồng). Nguyên nhân tăng là do thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước chuyển đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh Covid-19 theo hướng sống chung với dịch bệnh, bên cạnh đó, việc thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại một số khu vực và việc Mỹ phê duyệt gói đầu tư hạ tầng hơn 1.000 tỷ USD, Ả Rập Xê Út tăng lượng bán dầu thô cho khu vực Châu Á… đã gây áp lực làm tăng giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong giai đoạn vừa qua. Từ đó, kéo theo giá xăng dầu trong nước cũng điều chỉnh tăng.
Ngày 29/10/2021 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành công văn số 5554/UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TPCT ngày 15/10/2021 về việc không thu học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 theo quy định. Bên cạnh đó, mức học phí của các điểm trường giáo dục phổ thông ngoài công lập và học phí sau đại học cũng được giảm một phần nhằm đảm bảo công bằng với các điểm trường công lập đã tác động làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục giảm mạnh.
Trong tháng có nhiều chương trình giảm giá được triển khai ở các cửa hàng, các siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn thành phố đặc biệt là các nhóm hàng lương thực thực phẩm được giảm giá mạnh nhân các ngày như ngày 11/11, ngày 20/11, ngày BlackFriday và các ngày cuối tuần nhằm thu hút nhu cầu mua sắm của người dân.
- Chỉ số giá vàng tăng 2,08% so với tháng trước, giảm 3,01% so với cùng tháng năm trước, giảm 2,56% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá vàng tăng do giá vàng thế giới nóng lên vì thị trường lo ngại lạm phát tại các nền kinh tế lớn và do lợi tức trái phiếu Mỹ xuống mức thấp làm cho giá vàng trong nước tăng cao. Giá vàng đang đi lên bởi ảnh hưởng từ thông tin lạm phát nên các nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn quen thuộc. Giá vàng nhẫn sjc ngày 21/11/2021 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 5.325.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,26% so với tháng trước, giảm 2,02% so với cùng tháng năm trước, giảm 1,86% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm do giá vàng tăng mạnh và do giá USD trên thị trường quốc tế giảm kéo giá USD trong nước đi xuống. Cụ thể, ngày 21/11/2021 tỷ giá trung tâm được NHNN đưa ra ở mức 23.112 VND/USD, tại ngân hàng Vietcombank có giá mua - bán là 22.525 - 22.755 VND/USD, tại ngân hàng Vietinbank có giá mua - bán là 22.538 - 22.758 VND/USD, tại ngân hàng BIDV có giá mua - bán là 22.555 - 22.755 VND/USD và tỷ giá chợ đen có giá mua - bán là 23.380 - 23.430 VND/USD. Giá đô la Mỹ ngày 21/11/2021 dao động quanh mức 22.755 đồng/USD.
2. Nội thương
Tình hình dịch bệnh covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ tương đối phức tạp, khi số ca nhiễm liên tục tăng lên đã ảnh hưởng đến một số ngành kinh doanh dịch vụ và ăn uống. Để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19” thành phố Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch, phương án cho phép một số ngành sản xuất, kinh doanh hoạt động lại. Kết quả là hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong tháng 11/2021 đều tăng mạnh so với tháng trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Ước tháng 11/2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 12.339,23 tỷ đồng, tăng 6,57% so với tháng trước, giảm 3,26% so với cùng kỳ. Ước 11 tháng năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 120.127,71 tỷ đồng, giảm 5,62% so với cùng kỳ. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tháng 11/2021 đạt 11.188,22 tỷ đồng, tăng 6,50% so với tháng trước, tăng 4,54% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 7,71%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 1,68%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 46,70%, xăng dầu tăng 18,44%; nhiên liệu khác (gas) tăng 27,29%. Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ như: hàng may mặc giảm 53,74%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 54,39%; ô tô giảm 39,62%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 11,38%.
Ước 11 tháng năm 2021, danh thu bán lẻ hàng hóa đạt 104.073,85 tỷ đồng, giảm 2,65% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ như: hàng may mặc giảm 12,38%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 14,04%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 6,53%; ô tô giảm 34,38%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 19,32%. Tuy nhiên vẫn có những nhóm hàng có doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 6,24%; xăng dầu tăng 10,09%; nhiên liệu khác (gas) tăng 7,60%.
- Ước tháng 11/2021 doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ đạt 1.151,02 tỷ đồng, tăng 7,35% so với tháng trước, giảm 43,92% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 480,65 tỷ đồng, giảm 43,73% so cùng kỳ; dịch vụ đạt 670,37 tỷ đồng, giảm 42,83% so cùng kỳ.
Hầu hết các ngành dịch vụ đều đã mở cửa hoạt động lại, tuy nhiên các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch mới được phép hoạt động và một số dịch vụ hoạt động không quá 30-50% tùy theo ngành. Do đó, doanh thu ngành dịch vụ tuy có tăng cao so với tháng trước, chủ yếu do xổ số đã hoạt động trở lại, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2020. Các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn đều được phép hoạt động lại, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế. Cụ thể như các khách sạn nhà nghỉ mặc dù đã hoạt động lại nhưng số khách vẫn chưa nhiều cũng như số phòng được phép hoạt động vẫn còn hạn chế; các nhà hàng, quán ăn gia đình vẫn chưa hoạt động lại hết công suất, chủ yếu bán mang về là chính.
Ước 11 tháng năm 2021 doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ đạt 16.053,86 tỷ đồng, giảm 21,20% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 6.170,19 tỷ đồng giảm 25,15% so cùng kỳ, du lịch lữ hành đạt 104,34 tỷ đồng giảm 54,37% so cùng kỳ, dịch vụ đạt 9.779,33 tỷ đồng giảm 17,83% so cùng kỳ.
V. GIAO THÔNG VẬN TẢI
Hoạt động ngành vận tải, kho bãi trong tháng 11/2021 trên địa bàn thành phố Cần Thơ gặp nhiều thách thức và khó khăn do dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nên việc đi lại, du lịch của người dân hạn chế nhiều hơn làm cho doanh thu vận tải giảm sâu so với cùng kỳ.
- Vận tải hàng hoá: tháng 11/2021, ước vận chuyển 0,51 triệu tấn hàng hoá, tăng 2,26% so với tháng trước, giảm 34,97% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 83,58 triệu tấn.km đạt 69,15% so cùng kỳ. Ước 11 tháng năm 2021 vận chuyển 6,65 triệu tấn hàng hoá, giảm 22,70% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 1.057,47 triệu tấn.km đạt 79,06% so cùng kỳ.
Chia ra: đường bộ tháng 11/2021, ước vận chuyển đạt 0,20 triệu tấn giảm 33,51% so cùng kỳ; luân chuyển 39,54 triệu tấn.km đạt 72,63% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển đạt 0,30 triệu tấn giảm 36,52% so cùng kỳ; luân chuyển 32,37 triệu tấn.km đạt 60,97% so cùng kỳ. Đường biển ước vận chuyển đạt 0,01 triệu tấn giảm 12,48% so cùng kỳ; luân chuyển 11,67 triệu tấn.km đạt 87,52% so cùng kỳ.
- Vận tải hành khách: tháng 11/2021, ước vận chuyển 4,33 triệu lượt hành khách, tăng 18,70% so với tháng trước, giảm 28,93% so cùng kỳ; luân chuyển 60,55 triệu lượt hành khách.km đạt 68,03% so cùng kỳ. Ước 11 tháng năm 2021 vận chuyển 45,50 triệu lượt hành khách giảm 22,37% so cùng kỳ; luân chuyển 644,22 triệu lượt hành khách.km đạt 79,47% so cùng kỳ.
Chia ra: đường bộ tháng 11/2021, ước vận chuyển 3,25 triệu lượt hành khách giảm 16,83% so cùng kỳ; luân chuyển 59,27 triệu hành khách.km đạt 68,92% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển 1,08 triệu lượt hành khách giảm 50,50% so cùng kỳ; luân chuyển 1,28 triệu hành khách.km đạt 42,46% so cùng kỳ.
- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: tháng 11/2021 ước thực hiện 182,04 tỷ đồng, tăng 12,35% so với tháng trước, giảm 40,72% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 47,08 tỷ đồng giảm 41,01% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 87,35 tỷ đồng, giảm 36,49% so cùng kỳ; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 26,29 tỷ đồng, giảm 61,82% so cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát thực hiện 21,32 tỷ đồng, tăng 2,06% so cùng kỳ.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước 11 tháng năm 2021 thực hiện 2.445,57 tỷ đồng, giảm 21,23% so cùng kỳ.Trong đó, vận tải hành khách thực hiện 546,35 tỷ đồng, giảm 26,45%; vận tải hàng hóa thực hiện 1.152,89 tỷ đồng, giảm 20,42%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 525,70 tỷ đồng, giảm 21,54% so cùng kỳ; bưu chính, chuyển phát thực hiện 220,64 tỷ đồng, giảm 9,22% so cùng kỳ.
VI. NGÀNH TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG
1. Tài chính ngân sách
- Thu ngân sách: lũy kế thực hiện đến 20 ngày tháng 11 năm 2021, tổng thu NSNN 11.972,52 tỷ đồng đạt 65,09% dự toán HĐND giao, trong đó: thu nội địa là 8.240,09 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 1.700,46 tỷ đồng đạt 73,93% dự toán, thu từ doanh nghiệp nhà nước 1.110,29 tỷ đồng đạt 72,76% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 985,82 tỷ đồng đạt 90,44% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 719,18 tỷ đồng đạt 91,04% so dự toán. Tính đến 20/11/2021 hoạt động thu thuế hải quan ước thực hiện đạt 576,68 tỷ đồng đạt 67,85% so dự toán.
- Chi ngân sách: lũy kế thực hiện đến 20 ngày tháng 11 năm 2021 ngân sách đã chi 9.292,68 tỷ đồng chiếm 51,35% dự toán, trong đó hoạt động chi đầu tư phát triển 3.826,72 tỷ đồng, chi thường xuyên 5.319,93 tỷ đồng.
2. Tín dụng ngân hàng
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm so với đầu năm. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho nền kinh tế nên đã ảnh hưởng nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay, ước thực hiện trong tháng 11/2021, nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay chỉ tăng nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nợ xấu chiếm 1,55% trên tổng dư nợ cho vay.
Vốn huy động đến cuối tháng 11/2021 ước đạt 89.200 tỷ đồng, tăng 0,54% so với đầu tháng. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 87.500 tỷ đồng, chiếm 98,09%, tăng 0,56%, vốn huy động ngoại tệ là 1.700 tỷ đồng, chiếm 1,91%, giảm 0,76% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 61.500 tỷ đồng, chiếm 68,95%, tăng 0,61%, vốn huy động trên 12 tháng là 27.700 tỷ đồng, chiếm 31,05%, tăng 0,38% so với đầu tháng.
Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 11/2021 ước đạt 116.300 tỷ đồng, tăng 0,61% so với đầu tháng, tăng 12,08% so với tháng 12/2020. Trong đó, dư nợ cho vay VNĐ đạt 109.600 tỷ đồng, tăng 0,52% so đầu tháng, chiếm 94,24% trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 6.700 tỷ đồng, tăng 2,15% so với đầu tháng, chiếm 5,76% trong tổng dư nợ cho vay; phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 63.800 tỷ đồng, tăng 0,72% so đầu tháng, chiếm 54,86%, dư nợ cho vay trung dài hạn 52.500 tỷ đồng, tăng 0,49% so đầu tháng, chiếm 45,14% tổng dư nợ cho vay.
Nợ xấu đến cuối tháng 11/2021 ước là 1.800 tỷ đồng, chiếm 1,55% trong tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn hiện nay phổ biến như sau:
- Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,1% - 0,2%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3,4% - 4,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 4,0% - 6,0%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 5,6% - 6,5%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.
- Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 5,5% - 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 8,0% - 10,0%/năm đối với trung, dài hạn.
- Lãi suất USD: lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 3,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 4,5% - 6,0%/năm.
VII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI
1. Văn hóa - Thể thao
- Văn hóa: Hệ thống thư viện công cộng toàn thành phố bổ sung 10.253 bản sách, nâng tổng cộng bổ sung 11 tháng đầu năm 34.253 bản (đạt 118,1% kế hoạch năm); phục vụ 336.337 lượt người (trong đó có 310.264 lượt người truy cập website Thư viện), nâng tổng cộng phục vụ 11 tháng đầu năm là 2.824.479 lượt (đạt 95% kế hoạch năm); phục vụ 657.891 lượt tài liệu (trong đó có 620.529 lượt truy cập website Thư viện). Tham dự 02 Hội nghị trực tuyến tập huấn “Triển khai các văn bản pháp luật mới trong lĩnh vực thư viện” và “Nâng cao năng lực chuyển đổi số và quản trị thư viện số” do Bộ VHTTDL tổ chức (20 viên chức tham dự).
Tổ chức Chương trình nghệ thuật truyền thông trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phát trực tiếp trên kênh Truyền hình và sóng phát thanh FM 97.3MHz của Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố; trực tuyến trên Fanpage “Truyền hình Cần Thơ” có 17.578 lượt tiếp cận, thu hút hơn 7.000 lượt xem, 158 lượt like, 92 lượt chia sẻ; Kênh Youtube “Cần Thơ TV” thu hút 2.100 lượt xem; Trực tuyến trên trang Web: Canthotv.vn; Canthoradio.vn; App: Cantho Plus; Fanpage Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Fanpage Trung tâm Văn hóa thành phố; Fanpage Du Lịch Cần Thơ - Can Tho Tourism.
- Thể dục, thể thao: Cử 01 huấn luyện viên và 02 vận động viên tham dự Giải đấu tranh đai WBO từ ngày 18/10 đến ngày 28/10/2021 tại Hàn Quốc, kết quả VĐV Boxing Nguyễn Thị Thu Nhi tham gia giải đấu tranh đai Quyền anh (WBO) tại Hàn Quốc, kết quả đã đạt đai WBO vô địch thế giới, hạng minifly dành cho nữ. Tuyển chọn lực lượng cầu thủ chuẩn bị tham dự giải Bóng đá hạng Nhất Quốc gia và giải Bóng đá Cúp Quốc gia năm 2022.
2. Giáo dục
Phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn ngành giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học”.
Triển khai lịch phát sóng bài giảng Toán, Tiếng Việt trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ từ ngày 01 tháng 11 năm 2021; giới thiệu các nguồn video bài giảng nhằm hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học tại nhà cho học sinh cấp tiểu học. Tiếp tục xây dựng các video bài giảng các môn học/Hoạt động giáo dục học kỳ I cấp tiểu học. Nắm tình hình các trường mầm non, mẫu giáo chuẩn bị nhận trẻ trở lại trường và tình hình công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo dõi, đôn đốc các trường tham dự Cuộc thi trực tuyến; Tổ chức thi chọn đội tuyển học sinh giỏi thành phố dự thi cấp quốc gia và Tổ chức Tổng kết Hội thi Giáo viên dạy giỏi THCS cấp thành phố năm học 2020 - 2021; Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; Lễ vinh danh danh hiệu danh dự Nhà nước Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021).
Trong năm 2021, ước công nhận thêm 09 trường đạt chuẩn quốc gia; tính lũy kế đến hết năm 2021, thành phố có 330/444 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 74,32%.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDTX theo kế hoạch. Theo dõi việc triển khai kế hoạch tập huấn lại với nội dung “Nâng cao năng lực dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình cho giáo viên tiểu học” tại các địa phương.
3. Về Y tế - khám chữa bệnh
Tình hình dịch bệnh: trong tháng, sốt xuất huyết ghi nhận 19 trường hợp mắc, giảm 10 trường hợp so với tháng trước (29 trường hợp), không có tử vong; lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 763 trường hợp mắc, giảm 241 trường hợp so cùng kỳ (1.004 trường hợp), không có tử vong. Tay chân miệng không ghi nhận trường hợp mắc, giảm 03 trường hợp so với tháng trước (03 trường hợp), không có tử vong; lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.110 trường hợp mắc, tăng 452 trường hợp so cùng kỳ (658 trường hợp), không có tử vong. Sởi và sốt phát ban nghi sởi lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 01 trường hợp mắc, giảm 20 trường hợp so cùng kỳ (21 trường hợp). Tiêu chảy 228 trường hợp, tăng 6,54% so với tháng trước.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19: tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp; số ca mắc mới gia tăng trong những ngày qua, trong đó, có nhiều ca bệnh được phát hiện qua sàng lọc tại các cơ sở y tế; nhiều ổ dịch mới phát sinh tại các hẻm nhỏ, khu vực đông dân cư, bệnh viện, công ty... Từ ngày 25/10/2021 đến nay, thành phố Cần Thơ ghi nhận số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng mạnh, trung bình khoảng 300 ca mỗi ngày. Ngành Y tế tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể:
Phối hợp Công an thành phố tổ chức truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 liên quan bệnh nhân Covid-19, đồng thời tiến hành phun khử khuẩn theo quy định. Rà soát, chấn chỉnh quy trình xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 để đạt hiệu quả cao nhất. Ban hành Hướng dẫn tạm thời số 5919/HD-SYT ngày 11 tháng 11 năm 2021 về việc truy vết và xử lý ổ dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố
Cập nhật cấp độ dịch trên địa bàn thành phố hàng tuần để kịp thời tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 theo lộ trình, từng bước, chắc chắn nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 14/11/2021, có 1.256.578 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm cho người dân trên địa bàn (đạt 90,2% số liều được nhận), tỷ lệ người được tiêm đạt 72,8% dân số (trong đó 28% tiêm đủ 02 mũi).
Tại Cần Thơ, lũy tích từ 01/01/2021 đến ngày 14/11/2021, ghi nhận 12.540 ca bệnh, trong đó đã điều trị khỏi 7.783 trường hợp, 129 ca tử vong; có 14.990 người đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung; 120.940 người đã hoàn thành thời gian cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà và cơ sở lưu trú.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS: lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện được là 6.828 trường hợp. Trong đó, tử vong 2.548 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.280 trường hợp. Điều trị ARV cho 4.317 trường hợp, điều trị Methadone cho 344 trường hợp.
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: trong tháng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cho người lao động, cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, khu cách ly. Giám sát an toàn thực phẩm tại 04 cơ sở, gồm: 02 căn tin bệnh viện Phụ sản; Tổ dinh dưỡng và căn tin bệnh viện Ung Bướu cơ sở 1 và căn tin bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 và giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động tại 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc 4 quận (Thốt Nốt: 1; Ô Môn: 1; Ninh Kiều: 1 và Bình Thủy: 1).
4. Chính sách lao động - xã hội
Trong tháng, thành phố Cần Thơ giải quyết việc làm cho 3.400 lao động (trong đó cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 01), đạt 6,75% kế hoạch đề ra. Lũy kế đến tháng 11/2021, đã giải quyết việc làm cho 26.903 lao động, đạt 53,48% so với kế hoạch đề ra, giảm 44,57% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 77 cơ sở giáo dục nghề nghiệp .Trong tháng các cơ sở sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề cho 4.729 người, Lũy kế đến tháng 11/2021, đã tuyển mới và đào tạo 34.227 người, đạt 68,45% so với kế hoạch đề ra, giảm 28,24% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ: đã thực hiện tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề cho 12.059 lượt người, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho 4.304 lượt người; Cung ứng lao động trong và ngoài nước cho 262 người; thông qua các hoạt động chính như: tổ chức Buổi truyền thông trên mạng xã hội Facebook của Trung tâm với hình thức Truyền phát trực tiếp, đẩy mạnh tư vấn và giới thiệu việc làm, học nghề, chính sách pháp luật thông qua các hình thức: điện thoại, tổng đài Call - Center, mạng xã hội Zalo và Facebook của Trung tâm, Cổng thông tin Việc làm Cần Thơ; đồng thời tổ chức các sự kiện như: Ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng dành cho người thất nghiệp, Phiên giao dịch việc làm (GDVL) trực tuyến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương.
Thực hiện thu thập thông tin người tìm việc của 374 người thông qua những người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp và người lao động để lại nhu cầu tìm việc khi đến trực tiếp Trung tâm hoặc thông qua các kênh như: Cổng thông tin việc làm Cần Thơ, mạng xã hội Zalo, Facebook của Trung tâm. Đối với nội dung thu thập thông việc làm trống (753 lượt) cũng thực hiện chủ yếu thông qua các kênh đã nêu. Tổ chức 11 lớp đào tạo kỹ năng với hình thức trực tuyến cho 2.620 lượt người.
Số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong kỳ báo cáo là 772 hồ sơ, tăng 32% so với tháng báo cáo liền trước đó (525 hồ sơ), giảm 47,18% so với tháng cùng kỳ năm 2020 (994 hồ sơ). Số lượng nộp hồ sơ tăng so với tháng báo cáo liền trước đó, do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thành phố Cần Thơ dần hoạt động trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó, người lao động trong thành phố đi làm việc ở một số địa phương khác sau khi nghỉ việc trở về địa phương sinh sống nên số lượng lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tăng.
Chính sách người có công với cách mạng: toàn thành phố hiện có 5.818 đối tượng, Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 34 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Đã tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết chế độ chính sách 94 hồ sơ. Thực hiện chế độ trợ cấp phương tiện dụng cụ chỉnh hình và ưu đãi giáo dục cho Người có công và con của họ.
Trung tâm Bảo trợ xã hội: hiện đang quản lý 604 đối tượng. Khám và điều trị bệnh thông thường cho khoảng 620 lượt đối tượng, trong đó điều trị theo toa 261 lượt, khám và chỉnh liều thuốc tâm thần cho 39 lượt đối tượng. Phát thuốc điều trị bệnh tâm thần cho khoảng 31.434 lượt đối tượng. Điều trị bệnh động kinh cho 27 đối tượng, khám chỉnh liều cho 27 đối tượng, theo dõi chỉ số HA cho đối tượng lên cơn động kinh hàng ngày.
Trung tâm Công tác xã hội: nuôi dưỡng 92 đối tượng ở độ tuổi 02 tháng đến 53 tuổi. Trong tháng khám và điều trị tại chỗ cho 160 lượt trẻ với các bệnh thông thường. Đưa 07 lượt đối tượng đi khám bệnh, điều trị tại các bệnh viện, 03 lượt trẻ nhập viện. Duy trì công tác tiếp nhận cuộc gọi qua tổng đài 18008065 kết nối trợ giúp cộng đồng. Phối hợp đơn vị hỗ trợ kỹ thuật tổng đài (Cục Trẻ em) thực hiện bảo trì và khắc phục sự cố mất kết nối và không báo cuộc gọi đến khi khách hàng/thân chủ thực hiện kết nối đến tổng đài.
Thực hiện các Mô hình Công tác xã hội trong trường học; Công tác xã hội trong bệnh viện; Chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Công tác xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm. Thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Quản trị Quyền trẻ em - Trẻ em và thanh thiếu niên LGBT Việt Nam tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và dịch vụ xã hội”. Hoạt động Dự án “Học bổng cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo tại thành phố Cần Thơ”.
* Kết quả thực hiện 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP
Tính đến ngày 23/11/2021 đã phê duyệt hỗ trợ 3.686 người sử dụng lao động, 441.326 lượt người, kinh phí trên 793 tỷ đồng; Đã chi hỗ trợ cho 3.686 người sử dụng lao động, 385.818 lượt người với tổng kinh phí trên 674 tỷ đồng, đạt 87,42% so với số lượng được duyệt, cụ thể:
Nhóm chính sách Bảo hiểm xã hội (gồm các chính sách: 1, 2, 3 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP):
- Chính sách 1, 2 (Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất): đã hoàn thành hỗ trợ 3.661 người sử dụng lao động với 92.432 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 43 tỷ đồng (số liệu biến động khi có sự tăng/giảm lao động).
- Chính sách 3 (Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động): Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2758/SLĐTBXH-LĐ ngày 11 tháng 8 năm 2021 tổ chức triển khai thực hiện việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai mở các lớp đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động, trong đó có lực lượng lao động là người Cần Thơ về từ vùng dịch.
Nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt (gồm các chính sách: 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã phê duyệt hỗ trợ 333.024 lượt người, kinh phí trên 688 tỷ đồng (trong ngày phê duyệt hỗ trợ 1.254 lượt người); đến nay đã chi hỗ trợ cho 277.516 lượt người, kinh phí trên 569 tỷ đồng, đạt 83,37% so với số lượng được phê duyệt (trong ngày chi hỗ trợ 695 lượt người):
- Chính sách 4 (Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương): Có 09/09 địa phương đã được phê duyệt; Có 08/09 quận, huyện đã chi hỗ trợ (các quận: Bình Thủy, Ô Môn, Ninh Kiều, Thốt Nốt, Cái Răng; các huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền).
- Chính sách 5 (Hỗ trợ người lao động ngừng việc): có 05/09 quận, huyện (Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt, Bình Thủy, Cái Răng) được phê duyệt.
- Chính sách 6 (Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp): đã hoàn thành chi hỗ trợ so với số lượng được phê duyệt.
- Chính sách 7 (Hỗ trợ bổ sung người lao động đang mang thai; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi; trợ trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế): được thực hiện đồng thời với các chính sách 4, 5, 6 và 8.
- Chính sách 8 (Hỗ trợ tiền ăn đối với người là F0 và F1): Có 08/09 địa phương đã được phê duyệt (các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Ninh Kiều; các huyện: Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai; Có 05/09 địa phương đã chi hỗ trợ (các quận: Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy; các huyện: Cờ Đỏ, Phong Điền).
- Chính sách 9 (Hỗ trợ một lần đối với viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch): đã chi hỗ trợ 137/247 người được phê duyệt (đang thực hiện thủ tục chi hỗ trợ các trường hợp còn lại).
- Chính sách 10 (Hỗ trợ hộ kinh doanh): Có 09/09 địa phương đã được phê duyệt. Có 06/09 địa phương đã chi hỗ trợ (các quận: Thốt Nốt, Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy; các huyện: Cờ Đỏ, Phong Điền).
- Chính sách 12 (Hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố):
+ Hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động: 09/09 quận, huyện đã được phê duyệt hỗ trợ lần 1 (mức 1.200.000 đồng/người) và lần 2 (mức 800.000 đồng/người); Đến nay đã chi hỗ trợ 7.569/8.031 người với kinh phí trên 15,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 94,25% (số chưa chi là các trường hợp trùng danh sách, không còn ở địa phương,..).
+ Hỗ trợ 04 nhóm đối tượng còn lại: 09/09 quận, huyện được phê duyệt hỗ trợ 270.962 người, kinh phí trên 541 tỷ đồng; đã chi hỗ trợ 231.050 người, kinh phí trên 462 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 85,27%.
Nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP): đã giải ngân cho 25 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 15.870 lượt người lao động với số tiền cho vay là 61 tỷ 384 triệu đồng.
5. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ (từ ngày 15/10/2021 đến 14/11/2021) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông, làm chết 05 người, bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm 2020, số người chết giảm 01 người. Trong 11 tháng năm 2021, đã xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 44 người, bị thương 07 người. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ giảm 20 vụ, số người chết giảm 20 người, số người bị thương giảm 01 người./.
Website Cục Thống kê thành phố Cần Thơ