Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/04/2022-10:11:00 AM
Nền kinh tế tiếp tục phục hồi theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”
(MPI) – Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra ngày 05/4/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022 và triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2022 có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn. Chính phủ, các bộ, cơ quan đã quyết tâm, nỗ lực vừa hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên, xử lý các tình huống bất ngờ phát sinh, vừa tập trung giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng, kéo dài.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 3 và 3 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo đà cho quá trình phục hồi KTXH trong cả năm 2022 và các năm tiếp theo. Tiếp tục củng cố niềm tin, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp vào chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022-2023. Yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động theo dõi, dự báo tình hình, có phương án điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời theo các biến động của kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn về năng lượng, lao động - việc làm, đầu tư…; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu phát triển KTXH cả năm được Quốc hội, Hội đồng nhân dân thông qua.

Nguyên nhân là do, trong tháng 3 và quý I, nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tăng trưởng, lạm phát, giá dầu, ổn định tài chính; dịch Covid-19 lây lan nhanh trong cộng đồng; năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, sản xuất thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch khi có tình huống bất ngờ phát sinh; một bộ phận cán bộ, người dân còn chủ quan, lơ là khi nước ta có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cao và mở cửa hoàn toàn các hoạt động kinh tế, xã hội.

Từ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các bài học kinh nghiệm như theo dõi chặt chẽ biến động của tình hình thế giới và khu vực để chủ động dự báo, kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ; tập trung nguồn lực đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng; tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng chống chịu với tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Các cấp, các ngành phải tổ chức thực hiện quyết liệt, phát huy trách nhiệm, bám sát thực tiễn, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ trong điều hành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; Tiếp tục kiên định, quán triệt, thực hiện quyết tâm, thống nhất quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; chủ động sẵn sàng thuốc, vật tư y tế để ứng phó với tình huống dịch bệnh phát sinh; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố đoàn kết, thống nhất nội bộ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, trong tháng 02 và tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các Công điện: 126/CĐ-TTg, 252/CĐ-TTg và 290/CĐ-TTg, đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương bảo đảm tiến độ công việc được giao.

Nhìn chung, các bộ, cơ quan và địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm, có thể tác động đến hiệu quả thực hiện Chương trình. Yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ nêu trên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của bộ, cơ quan và địa phương trong năm 2022.

Hội nghị tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Về tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, đến ngày 30/3/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết là 466,123,313 tỷ đồng, đạt 90% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Đến nay, còn 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 với số vốn là 51.982,582 tỷ đồng (bằng khoảng 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, cơ quan và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư (Quyết định đầu tư) cho các dự án vừa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, lý do giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra là do có một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, việc giải ngân chậm là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp. Bên cạnh đó, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, thi công theo kiểu “cầm chừng” để chờ giảm giá vì nếu thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 06 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng cho rằng, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục nêu cao tinh thần chủ đề điều hành năm 2022 “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, 11/NQ-CP, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023), cũng như các kế hoạch, đề án phát triển KTXH, ngành, lĩnh vực của địa phương; theo dõi chặt chẽ, chủ động nghiên cứu, dự báo, có phương án ứng phó phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn.

Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung, ưu tiên toàn lực kiểm soát dịch bệnh, triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023); chỉ đạo tổ chức tiêm vắc-xin hiệu quả cho trẻ em từ 5-12 tuổi; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị trong nước; bảo đảm nguồn cung, tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.

Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác; tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính. Có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp, giữ vững các cân đối lớn, nhất là điện, xăng dầu trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án vận hành hệ thống điện giữa các vùng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.

Các bộ, ngành khẩn trương ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP; người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương coi việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần có các giải pháp quyết liệt ngay để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn…; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm giải ngân, gây lãng phí.

Kiến nghị biểu dương 4 cơ quan trung ương và 05 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch, đồng thời có tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm trên 25%. Phê bình 13/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương đến ngày 30/3/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao và 29 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022. Yêu cầu các bộ, địa phương này nghiêm túc tự kiểm điểm, chỉ ra hạn chế, bất cập, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, xem xét các tổ chức, cá nhân còn trì trệ có biện pháp xử lý phù hợp.

Rà soát, điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Đến hết ngày 31/3/2022 chưa phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 được giao; Đến hết ngày 31/5/2022 chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao (tỷ lệ giải ngân 0% kế hoạch); Đến hết ngày 31/5/2022 chưa làm thủ tục thanh toán toàn bộ số vốn ứng trước và nợ đọng xây dựng cơ bản được giao trong năm 2022.

Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4518
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)