(MPI) - Ngày 07/4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học về xây dựng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Duy Đông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng tham dự Hội thảo.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Lắk sớm xây dựng trình Quốc hội đề án cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong nước.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk để xây dựng các cơ chế, chính sách cho Thành phố. Đây là cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố thuộc tỉnh, dư địa đề xuất các cơ chế gặp khó khăn, ranh giới quy mô không lớn; được xây dựng trong bối cảnh các địa phương xây dựng cơ chế, đặc thù cho tỉnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu để có thêm thông tin đầu vào cho việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Hội thảo được nghe Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng thông tin về đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố; điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế, quy mô dân số, các ngành, lĩnh vực ưu tiên để xây dựng Thành phố trở thành đô thị xanh, sinh thái, bản sắc và thông minh.
Kết luận số 67-KL/TW đã đề ra phương hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Thành phố; Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch, nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trình bày một số nội dung chủ yếu của các đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở định hướng của Kết luận số 67-KL/TW; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KL/TW và tiềm năng, lợi thế của Thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các cơ chế, chính sách về mức dư nợ vay; định mức phân bổ chi thường xuyên; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đối với các dự án đầu; về quy hoạch; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến, các đại biểu thống nhất và đánh giá cao đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bám sát và phù hợp với các quy định, có sức thuyết phục về chủ trương và pháp lý; đồng thời nhấn mạnh thêm về chính sách đất đai, quy hoạch, thu hút nhân tài, ưu đãi đầu tư; có ý kiến cho rằng có thể xem xét mở rộng thêm đối tượng, phạm vi ưu đãi; tiếp tục rà soát câu chữ đảm bảo tính chặt chẽ hơn. Các ý kiến cũng thể hiện mong muốn dự thảo Nghị quyết sớm được hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền thông qua nhằm phát triển Thành phố nhanh và bền vững, trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cảm ơn, đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, thể hiện mong muốn sớm có cơ chế chính, sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và xây dựng, phát triển Thành phố trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả, tiềm năng lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Các ý kiến đề xuất mở rộng phạm vi, tăng tính ưu đãi cho doanh nghiệp, có chính sách về hỗ trợ lãi suất, thị trường, tính kết nối;… Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, bổ sung để sớm hoàn thiện Dự thảo, trình cấp có thẩm quyền./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư