I. Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022
“Sự phục hồi đang ở rất gần”, “Bình thường mới, tương lai xán lạn” là những từ khóa nổi bật trong báo cáo mới nhất về chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố. Theo Báo cáo này, trong quý đầu tiên của năm nay, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã đạt 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021. Đây cũng là mức cao nhất kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Đà tăng này được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Sau 1 năm sóng gió, các doanh nghiệp rất hào hứng với trạng thái bình thường mới. Quyết định khôi phục các đường bay quốc tế và mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào tháng 3 vừa qua cũng được cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu hoan nghênh. Hơn 2/3 số doanh nghiệp được hỏi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý II/2022. Gần 66% số người tham gia khảo sát kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trong quý thứ 2 của năm, so với 52% của quý trước. Tương tự như vậy, hơn 46% số người được hỏi dự đoán số lượng nhân viên sẽ tăng trong quý tới[1].
Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các chính sách tái mở cửa du lịch của Chính phủ thực hiện vào tháng 3 và dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, với dự báo tăng 5,5%, đóng góp 2,3% vào tăng trưởng GDP trong năm nay. Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay, tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023 do tỉ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh các hoạt động thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng[2].
Cùng với đó, ngay trong quý I/2022, Quốc hội, Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều chính sách có tác động tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như làm minh bạch hóa môi trường kinh doanh[3].
Những yếu tố trên đã góp phần tạo nên những con số kỷ lục về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022.
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4/2022
Hiệu ứng tích cực lan tỏa từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cùng với tinh thần khởi sự kinh doanh mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp cho tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 4/2022 tiếp tục có những dấu ấn đậm nét trong bức tranh kinh tế nước ta.
Tháng 4/2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan về tình hình đăng ký doanh nghiệp với số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng cao, gấp hơn 2 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể có xu hướng giảm.
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tiếp tục đà phục hồi ấn tượng trong Quý I/2022, lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong một tháng vượt mốc 15 nghìn doanh nghiệp. Với 15.001 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tháng 4/2022 trở thành tháng có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục từ trước đến nay (cao hơn mức trung bình 13.043 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 của giai đoạn 2017-2021[4]).
Có 3/6 khu vực trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: Đồng bằng Sông Cửu Long (1.147 doanh nghiệp, tăng 12,5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2.165 doanh nghiệp, tăng 7,7%); Đồng bằng Sông Hồng (4.708 doanh nghiệp, tăng 2,8%). Các khu vực ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2021 gồm có: Đông Nam Bộ (5.904 doanh nghiệp, giảm 3,8%); Trung du và miền núi phía Bắc (643 doanh nghiệp, giảm 4,9%) và Tây Nguyên (434 doanh nghiệp, giảm 1,4%).
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4/2022 là 104.757 người, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Có 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 4/2022, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021.
2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Tháng 4/2022, cả nước có 10.380 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số doanh nghiệp giải thể và chờ làm thủ tục giải thể giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, có: 5.391 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021; 3.762 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2021; 1.227 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2021.
III. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2022
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 là 49.591 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký thành lập trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 635.282 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2022 là 1.980.804 tỷ đồng (tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2021). Có 17.092 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 4 tháng đầu năm 2022 (tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021) với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 1.345.522 tỷ đồng (tăng 69,7% so với cùng kỳ năm 2021). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 là 348.223 lao động, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021 trong đó các ngành có mức tăng lớn nhất là: Kinh doanh bất động sản; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (cùng tăng 32,2%); Vận tải kho bãi (tăng 21,2%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 19,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 16,2%).
Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 17.620 doanh nghiệp (chiếm 35,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 6.470 doanh nghiệp (chiếm 13%); Xây dựng có 5.684 doanh nghiệp (chiếm 11,5%).
Có 4/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2021: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 25,8%); Giáo dục và đào tạo (giảm 24,4%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 1,7%); Xây dựng (giảm 0,9%).
- Phân theo địa bàn hoạt động:
Trong 4 tháng đầu năm 2022, tất cả các khu vực trên cả nước đều có sự gia tăng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: Đồng bằng Sông Cửu Long (4.233 doanh nghiệp, tăng 21,6%); Tây Nguyên (1.570 doanh nghiệp, tăng 15,3%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (6.978 doanh nghiệp, tăng 14,3%); Đông Nam Bộ (19.979 doanh nghiệp, tăng 13,7%); Trung du và miền núi phía Bắc (2.349 doanh nghiệp, tăng 10,2%) và Đồng bằng Sông Hồng (14.482 doanh nghiệp, tăng 7,2%).
- Phân theo quy mô vốn:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở 04/05 quy mô vốn so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng là 44.225 doanh nghiệp (chiếm 89,2%, tăng 13%); từ 20 - 50 tỷ đồng là 1.611 doanh nghiệp (chiếm 3,2%, tăng 20,5%); từ 50 - 100 tỷ đồng là 763 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 22,7%) và trên 100 tỷ đồng là 676 (chiếm 1,4%, tăng 5,0%). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng là 2.316 (chiếm 4,7%, giảm 4,1%).
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 là 30.919 doanh nghiệp, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021, cũng là mức kỷ lục về số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm, cao gấp 2 lần mức bình quân 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021 (15.506 doanh nghiệp).
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm 2022 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (11.945 doanh nghiệp, chiếm 38,6%); Xây dựng (3.784 doanh nghiệp, chiếm 12,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.448 doanh nghiệp, chiếm 11,2%).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực sau: Hoạt động dịch vụ khác (868 doanh nghiệp, tăng 214,5%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (472 doanh nghiệp, tăng 198,7%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (11.945 doanh nghiệp, tăng 74,6%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.738 doanh nghiệp, tăng 74,0%); Kinh doanh bất động sản (1.034 doanh nghiệp, tăng 73,2%) và Giáo dục và đào tạo (703 doanh nghiệp, tăng 67,4%).
2. Tình hình doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể, đã giải thể
Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 61.536 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể, đã giải thể, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có sự gia tăng, tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn (khoảng 90%) và chủ yếu lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (41.001 doanh nghiệp, chiếm 66,6% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2022). Trong khi đó, các doanh nghiệp giải thể và chờ làm thủ tục giải thể lại có xu hướng giảm.
2.1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2022 là 41.001 doanh nghiệp, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2021 và chủ yếu tập trung vào thời điểm tháng 01/2022 (29.255 doanh nghiệp, chiếm 71,4% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 4 tháng đầu năm 2022).
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (14.612 doanh nghiệp, chiếm 35,6%); Xây dựng (5.733 doanh nghiệp, chiếm 14,0%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.714 doanh nghiệp, chiếm 11,5%).
Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 37.309 doanh nghiệp (chiếm 91,0%, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 2.041 doanh nghiệp (chiếm 5,0%, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 - 50 tỷ đồng có 1.015 doanh nghiệp (chiếm 2,5%, tăng 52,9% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 - 100 tỷ đồng có 385 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2021) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 251 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2021).
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 20.830 doanh nghiệp (chiếm 50,8%); 11.158 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 27,2%) và 9.013 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 22,0%).
2.2. Doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể
Trong 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 14.973 doanh nghiệp, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021.
So với cùng kỳ năm 2021, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể giảm ở 12/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có mức giảm mạnh nhất là: Khai khoáng (giảm 53%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 34,4%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 31,6%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 26,4%) và Vận tải kho bãi (giảm 25,4%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 13.293 doanh nghiệp (chiếm 88,8%, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng có 821 doanh nghiệp (chiếm 5,5%, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 - 50 tỷ đồng có 456 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 - 100 tỷ đồng có 192 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021); trên 100 tỷ đồng có 211 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, giữ nguyên so với cùng kỳ năm 2021).
2.3. Doanh nghiệp đã giải thể
Số doanh nghiệp đã giải thể trong 4 tháng đầu năm 2022 là 5.562 doanh nghiệp, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2021.
17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể giảm so với cùng kỳ năm 2021. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021 là: Khai khoáng; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Vận tải kho bãi; Xây dựng với tỷ lệ giảm lần lượt là 46,6%; 39,7%; 29% và 25%.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 4.061 doanh nghiệp (chiếm 73,0%); 977 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 17,6%) và 524 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 9,4%).
Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 4.841 doanh nghiệp (chiếm 87,0%, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2021). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 356 doanh nghiệp (chiếm 6,4%, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm 2021); từ 20 - 50 tỷ đồng có 203 doanh nghiệp (chiếm 3,6%, không thay đổi so với cùng kỳ năm 2021); từ 50 - 100 tỷ đồng có 83 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 79 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021). _______________________________________
[1] https://vtv.vn/kinh-te/doanh-nghiep-eu-tin-tuong-moi-truong-dau-tu-tai-viet-nam-20220418095908517.htm
[2] https://baochinhphu.vn/adb-viet-nam-se-tang-truong-65-trong-nam-2022-nho-cac-chuong-trinh-phuc-hoi-102220406140138342.htm
[3] Nghị quyết về số tăng số giờ làm thêm của người lao động trong 01 năm, 01 tháng; Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm giảm thiểu rủi ro lạm phát. Cả hai Nghị quyết này đều có hiệu lực thi hành kể từ 01/4/2022.
[4] Tháng 4 thường là thời điểm có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất trong năm.
File đính kèm: Tinhhinhdangkydoanhnghiepthang4va4thangdaunam2022.docx
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư