Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/05/2022-15:17:00 PM
Việt Nam tìm hiểu cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư tại Nam Phi

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi tặng sách giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh cho Tiến sỹ Zamani Saul, Thủ hiến tỉnh Northern Cape. (Ảnh: Hồng Minh/TTXVN)
Hợp tác khai thác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển các nguồn năng lượng sạch là những lĩnh vực tiềm năng giữa Việt Nam và tỉnh Northern Cape của Nam Phi.

Ngày 24/5, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi đã dẫn đầu đoàn công tác gồm các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi tham dự hội thảo về đầu tư ASEAN do Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Nam Phi phối hợp với chính quyền tỉnh Northern Cape tổ chức tại thành phố Kimberley.

Tham dự hội thảo có Thủ hiến tỉnh Northern Cape, Tiến sỹ Zamani Saul, Thứ trưởng Bộ Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Alvin Botes, Trưởng cơ quan đại diện 7 nước ASEAN tại Nam Phi, lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng nhiều nhà đầu tư, học giả, doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu của tỉnh Northern Cape.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, đây là sáng kiến của Ủy ban ASEAN tại Pretoria và là hội thảo về đầu tư ASEAN đầu tiên được tổ chức tại một địa phương của Nam Phi, mở đầu cho chuỗi sự kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và giao thương giữa các nước ASEAN với Nam Phi nói chung và tại tỉnh Northern Cape nói riêng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Alvin Botes nhấn mạnh việc tham gia vào hội thảo lần này là một minh chứng thực tế về cách Nam Phi hoàn thiện chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là trong hợp tác Nam-Nam.

Theo Thứ trưởng Botes, các đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi trong khối ASEAN là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Singapore.

Nam Phi chủ yếu xuất khẩu hóa chất hữu cơ, hóa chất vô cơ, quặng, sắt thép, và nhập khẩu chủ yếu hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử, các sản phẩm hóa dầu, phụ tùng ôtô, dầu cọ và một số loại nông sản từ các nước Đông Nam Á.

Thứ trưởng Botes nhấn mạnh: “Trong khi không ngừng củng cố và phát triển quan hệ song phương với từng quốc gia thành viên ASEAN, việc Nam Phi ký kết tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) đã mở đường cho việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và kinh tế chặt chẽ hơn giữa Nam Phi và ASEAN. Nam Phi sẽ tận dụng cam kết với khối này để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch cùng có lợi, đồng thời hỗ trợ phát triển và đào tạo kỹ năng cho người dân Nam Phi và xây dựng năng lực của nhà nước thông qua hợp tác với các đối tác trong khu vực.”

Phát biểu tại hội thảo, Thủ hiến Zamani Saul khẳng định Northern Cape là địa phương có nhiều cơ hội đầu tư, đồng thời nêu rõ: “Tỉnh chúng tôi có diện tích rộng lớn, giáp với Đại Tây Dương ở phía Tây và các quốc gia Namibia và Botswana ở phía Bắc sẽ giúp chúng tôi trở thành một cửa ngõ lý tưởng để đến Tây Phi và các thị trường quốc tế khác.”

Theo Thủ hiến tỉnh, lợi thế cạnh tranh Northern Cape có được so với các địa phương khác của Nam Phi là quy mô địa lý tuyệt đối, nguồn khoáng sản giàu có, dồi dào các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, thủy điện; các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

Lợi thế này kết hợp với cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần tốt là cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới đầu tư và thương mại với tỉnh.

Ông Saul cho biết tỉnh Northern Cape đang tập trung phát triển 6 lĩnh vực kinh tế chủ chốt, gồm: nông nghiệp và chế biến nông sản; khai thác và thương mại khoáng sản; chuyển đổi năng lượng bền vững và phát triển năng lượng sạch, hydro xanh; phát triển công nghiệp địa phương; vận tải, dịch vụ và hậu cần; công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hoàng Văn Lợi đã giới thiệu tổng quan tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là những thành tựu về kinh tế trong hai năm 2020-2021 và 3 tháng đầu năm 2022; những định hướng phát triển lớn cũng như các tiềm năng, cơ hội tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa Việt Nam và Nam Phi nói chung và với tỉnh Northern Cape nói riêng.

Đại sứ nhấn mạnh kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, có nhu cầu nhập khẩu lớn nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, nhất là các sản phẩm khai khoáng như than đá, quặng sắt... là những sản phẩm thế mạnh của tỉnh Northern Cape.

Ngoài ra, hợp tác khai thác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển các nguồn năng lượng sạch là một lĩnh vực tiềm năng giữa Việt Nam và Northern Cape.

Đại sứ cho biết cụ thể hóa những thỏa thuận đạt được trong Kỳ hợp lần thứ 5 Diễn đàn hợp tác liên Chính phủ Việt Nam-Nam Phi được tổ chức giữa tháng 4/2022 vừa qua, cùng với việc hai nước đã cơ bản thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, các hoạt động giao thương song phương dự kiến sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới.

Từ nay đến cuối năm 2022, Đại sứ quán Việt Nam có kế hoạch tổ chức một số đoàn doanh nghiệp từ Việt Nam sang Nam Phi để tìm kiếm cơ hội hợp tác về thương mại và đầu tư, tỉnh Northern Cape chắc chắn sẽ là một điểm đến trong chuỗi các hoạt động này.

Đại sứ Hoàng Văn Lợi nhấn mạnh: “Thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam và Cơ quan Thương vụ tại Nam Phi sẽ nỗ lực hết sức để làm cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước; sẵn sàng cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Nam Phi nói chung và doanh nghiệp tỉnh Northern Cape nói riêng trong giao thương với Việt Nam, cùng phấn đầu nâng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước lên mức 2 tỷ USD trước năm 2025.”

Northern Cape là tỉnh lớn nhất nhưng dân cư thưa thớt nhất trong số 9 tỉnh của Nam Phi.

Được thành lập vào năm 1994, Northern Cape nổi tiếng với các khu vực khai thác kim cương ở thủ phủ Kimberley cùng các loại khoáng sản khác như quặng, mangan, sắt. Cơ sở hạ tầng cho hoạt động giao thương đường sông và đường biển mở rộng. Đây cũng là địa phương sản xuất nho, các loại quả có múi và nổi tiếng với các sản phẩm thịt bò, nai, cừu./.


TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 533
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)