Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/05/2022-18:15:00 PM
Quốc hội thảo luận về công tác quy hoạch
(MPI) - Ngày 30/5/2022, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã phát biểu, trao đổi những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tại phiên thảo luận đã có 39 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận; đa số ý kiến đại biểu tán thành với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau: Thứ nhất, đánh giá về việc tham mưu cho Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật của công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và hiệu quả triển khai của Đoàn giám sát cũng như của các địa phương.

Thứ hai, những căn cứ chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn; sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành về việc ban hành Luật Quy hoạch 2019 và các luật liên quan. Hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật quy hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện lập quy hoạch.

Thứ ba, những hạn chế, bất cập về tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp, các ngành, về sự tồn tại song hành áp dụng cả 2 loại quy hoạch hiện nay; về nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; về khái niệm tích hợp quy hoạch; về sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch, trình tự, thủ tục; về quy định sử dụng vốn đầu tư công và các nguồn vốn xã hội hóa khác; về năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tư vấn, cơ chế quy định sử dụng các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong lập quy hoạch, để từ đó rút ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Thứ tư, về những đề xuất của Đoàn giám sát, bao gồm: Đề nghị Quốc hội cho phép triển khai 8 nội dung chưa có trong quy định của Luật Quy hoạch, hoặc khác với Luật Quy hoạch có liên quan, như giải thích khái niệm tích hợp, quy hoạch và đề nghị Chính phủ hướng dẫn quy trình, thủ tục lập quy hoạch để tích hợp quy hoạch; chỉ định thầu để lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; lập quy hoạch đồng thời và điều chỉnh quy hoạch cấp dưới mà không thực hiện quy trình lập quy hoạch; rút gọn quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; sử dụng kinh phí thường xuyên cho việc lập, thẩm định, phê duyệt công bố quy hoạch; tiếp tục thực hiện các quy hoạch được quy định ở Điểm c, Khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày 01/01/2019 cho đến khi quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành được phê duyệt; phân kỳ đầu tư lập quy hoạch gắn với kế hoạch 5 năm theo Điều 45 của Luật Quy hoạch; quy định bản đồ kèm theo khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch, xử lý các mâu thuẫn của các quy hoạch cùng cấp nhưng không mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên hoặc không đề cập ở quy hoạch cấp trên.

Đồng thời, đề nghị giao Chính phủ trong phạm vi, quyền hạn của mình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và xác định các giải pháp trước mắt, trong đó có 8 nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và về lâu dài các giải pháp trung và dài hạn, trong đó có việc giao Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật liên quan để sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, các đại biểu đã cho ý kiến trực tiếp vào nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, nhìn chung, nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, trách nhiệm, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đối với công tác quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm của Đoàn giám sát, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ giám sát chuyên đề của Quốc hội. Đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, cơ quan Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại biểu Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội, bước đầu tác động đã tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành.

Quốc hội phân tích sâu sắc những tồn tại, hạn chế thời gian qua do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập, còn do việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn hạn chế, chưa thật quyết liệt, trách nhiệm, có nơi, có lúc chưa cao.

Quốc hội cơ bản thống nhất với kiến nghị của Đoàn giám sát về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch với những nội dung đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, giải trình và hoàn thiện các nội dung của dự thảo Nghị quyết, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, có đầy đủ căn cứ chính trị pháp lý và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi khi triển khai tổ chức thực hiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 812
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)