(MPI) – Trong hai ngày 23 - 24/6/2022, tại Khánh Hòa đã diễn ra Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã có bài tham luận về Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Hội nghị.
|
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa
Nguyễn Hải Ninh chủ trì Hội nghị. Ảnh: baokhanhhoa.vn |
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, về các giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 6 nhóm giải pháp.
Một là, hoàn thiện thể chế điều phối vùng. Các tỉnh trong vùng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trong vùng miền Trung chủ động phối hợp, tạo liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng miền Trung với các vùng khác trong cả nước, nhằm tạo sự thống nhất đồng bộ trong thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển bền vững vùng miền Trung, trong đó có tiểu vùng Nam Trung Bộ. Chủ tịch Hội đồng Vùng do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch; một số Bộ trưởng là Phó Chủ tịch Hội đồng; một số lãnh đạo Bộ ngành trung ương và chủ tịch các tỉnh thuộc vùng là thành viên. Cơ chế hoạt động là tạo cơ chế đồng thuận đa số với sự định hướng, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, góp ý của các Bộ ngành trung ương sẽ tạo sự đồng thuận vì mục tiêu phát triển chung của Vùng.
Hai là, đẩy mạnh phối hợp trong việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, trong đó các địa phương xác định cụ thể các lĩnh vực cần liên kết; hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng, xác định đúng tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và nhận diện cơ hội hợp tác giữa các địa phương.
Ba là, phối hợp huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển thông qua việc tổ chức chung Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng, trong đó chú trọng hình thức PPP hoặc liên doanh trong thu hút FDI phát triển cơ sở hạ tầng tại các Khu kinh tế ven biển, Khu công nghiệp, cảng biển, đường bộ, đường sắt, năng lượng tái tạo, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, phát triển đô thị thông minh, sản xuất trang thiết bị y tế, công nghiệp chế biến phục vụ liên kết vùng. Phối hợp đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, phù hợp với quy hoạch các địa phương lân cận.
Bốn là, thúc đẩy liên kết trong đào tạo và sử dụng lao động. Đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng nhằm phát huy thế mạnh của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Năm là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho vùng bao gồm cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ, huy động vốn đầu tư để áp dụng cho vùng, tiểu vùng; Cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển khu công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin; khu công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; cơ sở hạ tầng trong khu du lịch quốc gia; phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và công nghệ trực tiếp sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nghề bậc cao, chính sách thu hút nhân tài.
Sáu là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng. Các địa phương cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, thiết lập hệ thống thông tin vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nói chung tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng phục vụ phát triển bền vững, kết nối thông suốt, hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đề nghị thời gian tới, Khánh Hòa cần tập trung triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm. Bên cạnh đó, Tỉnh cần chú trọng tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa, một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, Nam Khánh Hòa - Bắc Ninh Thuận và Khánh Hòa - Tây Nguyên.
Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW, Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng của vùng. Những năm qua, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển; duy trì tốc độ tăng trưởng khá và liên tục. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng sang các ngành dịch vụ, chế biến chế tạo.
Mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng, lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư