(MPI) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành bốn Nghị quyết quan trọng tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
|
Ảnh: MPI |
Nghị quyết đưa ra mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết nêu rõ kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước.
Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tập thể.
Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên.
Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Nghị quyết đưa ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.
Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5 nghìn hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Nghị quyết quy định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể như: Quy định về các loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện; quy định về hợp tác xã, phát triển thành viên, về nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; quy định về phát triển doanh nghiệp trong tổ chức kinh tế tập thể. Bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý về kiểm toán, các quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành; về nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng xác định các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng). Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ với một số chính sách cụ thể như chính sách về phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Theo đó, tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong phạm vi cả nước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương.
Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức đối với việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Chính phủ kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết và pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể; chủ động, tích cực mở rộng quan hệ với các tổ chức, cơ quan hữu quan của các nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài nhằm học tập kinh nghiệm, tranh thủ các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật dành cho kinh tế tập thể trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Khẩn trương sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quy định pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về kinh tế tập thể, tiến hành triển khai thí điểm những nội dung của Nghị quyết khác với quy định hiện hành./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư