Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/07/2022-20:12:00 PM
Bình tĩnh, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo với tầm nhìn và tư duy đột phá để vượt qua khó khăn
(MPI) - Phát biểu kết luận cuộc họp thảo luận về đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chống suy thoái và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều 30/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, cần hết sức bình tĩnh, bản lĩnh, giữ vững đoàn kết, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, linh hoạt và sáng tạo với tầm nhìn và tư duy đột phá để vượt qua khó khăn, trên cơ sở chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành và giám sát của Quốc hội, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: chinhphu.vn

Về một số định hướng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, tuyệt đối không chủ quan, phải nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong điều hành; linh hoạt, chủ động và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách để thực hiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn; củng cố và phát triển các loại thị trường vốn, bất động sản một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững; kiểm soát dịch bệnh, dự báo được rủi ro và đưa ra các giải pháp có khả năng chống chịu tốt. Đây là một mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, trong thời gian còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát các thị trường một cách an toàn, hiệu quả, bền vững trên nền tảng phải đảm bảo: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; phải có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; kết hợp sức mạnh thời đại và sức mạnh dân tộc; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Trong tư tưởng điều hành phải chủ động, thận trọng, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, hiệu quả, sát với tình hình của đất nước. Theo Thủ tướng, tình hình thay đổi thì tư duy phải thay đổi, linh hoạt, hiệu quả, có những vấn đề phải tập trung trọng tâm, trọng điểm như đầu tư công, có những vấn đề phải mở rộng như an sinh xã hội, có những vấn đề trước mắt cần phải giải quyết là giá cả, những vấn đề lâu dài cần quan tâm như nhân lực, đầu tư cho hạ tầng chiến lược.

Tài khóa và tiền tệ phải kết hợp hài hòa, hợp lý, bổ sung cho phát triển, chính sách tiền tệ phải tiếp cận “thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả” kết hợp với chính sách tài khóa “mở rộng hợp lý, đảm bảo hiệu quả”. Trong điều kiện lạm phát do chi phi đẩy thì chính sách tiền tệ càng phải thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Nếu thị trường thế giới thu hẹp thì phải đẩy mạnh thị trường trong nước, sử dụng phù hợp các công cụ tài khóa như thuế, phí, lệ phí, đầu tư công, ODA; tăng cường quản lý kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả; kiểm soát biên giới; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu Việt Nam, thúc đẩy phát triển bền vững…

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là thúc đẩy, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, huy động hợp tác công tư, huy động các nguồn vốn của xã hội. Thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, sự phối hợp và công tác điều phối chính sách kinh tế vĩ mô nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt giữa các công cụ chính sách.

Đồng thời, phải tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chú trọng hơn nữa đến phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội để bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế. Việt Nam đã có chính sách nhất quán, trong chính sách phục hồi và kinh tế - xã hội cũng dành nhiều nguồn lực cho lĩnh vực này. Xác định văn hóa là nguồn lực, là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa phát triển ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội; Đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng; tập trung cho công tác truyền thông minh bạch, kịp thời, truyền cảm hứng, truyền thông phải tạo sức mạnh, cảm hứng, niềm tin cho xã hội.

Trong bối cảnh tình hình mới biến đổi nhanh, phức tạp, khó dự báo nhiệm vụ đặt ra với công tác điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ ngành rất nặng nề, Thủ tướng Chính phủ mong muốn luôn luôn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan của Chính phủ tiếp tục cầu thị, lắng nghe các ý kiến./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1543
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)