Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/08/2022-13:12:00 PM
Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030
(MPI) - Ngày 09/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 (Đề án 06). Đề án đã xác định 07 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên và 52 nhiệm vụ cụ thể.

Chính phủ đã có các cuộc làm việc, chỉ đạo triển khai nội dung của Đề án 06 như tổ chức 01 Hội nghị trưc tuyến toàn quốc; đưa thực hiện Đề án vào nội dung các phiên họp Chính phủ thường kỳ và đã ban hành 04 Nghị quyết có nội dung chỉ đạo Đề án; ban hành 01 Chỉ thị, 01 Công điện, 07 Thông báo với 49 nhóm nhiệm vụ giải pháp thực hiện. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đề án 06 ảnh hưởng trực tiếp tới người dân với vai trò cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực chuyển đổi số; người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Đề án 06 đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực lớn cùng với hành động quyết liệt, đổi mới tư duy của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân để đạt được những kết quả tốt. Những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, để hoàn thành các mục tiêu tiếp theo của Đề án còn nhiều khó khăn và nhiệm vụ phải làm. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá thẳng thắn những kết quả thực hiện được trong 6 tháng qua; chia sẻ kinh nghiệm, chỉ rõ nội dung còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Theo Báo cáo của Bộ Công an, Đề án 06 xác định 05 nhóm tiện ích lớn, 13 nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ cụ thể; các bộ, ngành đã rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều văn bản liên quan; đẩy mạnh xây dựng các văn bản quan trọng, cần ưu tiên xây dựng để phục vụ Đề án.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị đã đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, công tác trọng tâm để thúc đẩy việc triển khai Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số quốc gia trong những tháng cuối năm 2022 và thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác triển khai Đề án 06 với sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời khẳng định, việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả cả trong trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc chỉ đạo, điều hành; nhiều lãnh đạo các cấp, các ngành chưa quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng. Hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa được nâng cấp.

Để triển khai hiệu quả Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra một số quan điểm, định hướng chỉ đạo lớn. Đó là, phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, hướng tới mục tiêu lâu dài để tránh lãng phí nguồn lực. Phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả để phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số hiện đại, văn minh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cùng với việc phân bổ nguồn lực phù hợp. Có sự hài hòa, lợi ích giữa Nhà nước, người dân để người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực.

Thủ tướng đề nghị người đứng đầu các cấp phải quyết tâm chỉ đạo Đề án để tạo sự lan tỏa, do đây là Đề án của cả hệ thống chính trị và của người dân, cùng với sự tham gia của các cơ quan, địa phương để triển khai, hướng đến mục tiêu là lợi ích chung của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1204
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)