1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Sản xuất nông nghiệp
a) Trồng trọt
Cây lúa mùa: Diện tích gieo cấy ước thực hiện 23.680 ha, tăng 8 ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa mùa đang phát triển tốt; lúa 1 vụ vùng cao, trà sớm đang ngậm sữa - thu hoạch; trà chính vụ, muộn đang đứng cái - trỗ đòng; riêng diện tích trà cực sớm tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát đã cho thu hoạch với 355 ha. Lúa mùa vùng thấp, trà sớm đang đẻ nhánh rộ - đứng cái; trà chính vụ và muộn đang đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ.
Cây ngô mùa: Ước tính đã gieo trồng được 22.590 ha, tăng 2,42% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, ngô mùa sớm ở vùng cao, trà sớm đang trỗ cờ, phun râu; trà muộn đang vươn đốt - xoáy nõn.
Cây rau các loại: Hiện nay, các địa phương đang tập trung làm đất, gieo trồng và chăm sóc rau đậu các loại vụ mùa. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 2.370 ha, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước.
Cây chuối: Đã chuẩn bị đủ giống để trồng 430 ha theo kế hoạch. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 3.714 tấn, lũy kế 8 tháng ước đạt 50.797 tấn, tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước; giá bán trung bình từ 3.000-3.500đ/kg.
Cây chè: Hiện nay, các địa phương đang tập trung làm đất, đào rạch và chuẩn bị chè giống cho kế hoạch trồng mới trong năm, đảm bảo đủ giống trồng 860 ha chè theo kế hoạch giao. Sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 3.871 tấn, lũy kế đạt 28.869 tấn. Tình hình tiêu thụ ổn định, giá thu mua chè thường dao động từ 6.000-8.000đ/kg; đối với chè chất lượng cao (Kim Tuyên) giá thu mua giao động từ 16.000 -17.000đ/kg.
b) Chăn nuôi
Trong tháng, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ổn định, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát; công tác phòng, chống dịch bệnh được chủ động, tích cực triển khai thực hiện; dịch tả lợn Châu phi được phát hiện, xử lý kịp thời; công tác tiêm phòng được triển khai đồng bộ trên đàn gia súc, gia cầm; trong tháng triển khai tiêm phòng được 2.429 liều vắc xin Dại, lũy kế 1.520.129 liều vắc xin các loại, đạt 51% kế hoạch năm.
1.2. Sản xuất lâm nghiệp
Trồng và chăm sóc rừng: Hiện nay các địa phương đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch. Trong tháng, trồng rừng mới tập trung ước đạt 296 ha; lũy kế 8 tháng đạt 5.719,32 ha, tăng 9,93% so với cùng kỳ và tăng 4,94% so với kế hoạch năm.
Khai thác lâm sản: Sản lượng gỗ khai thác tháng 8 ước đạt 11.412 m3, tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 31.368 ste, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước.
Quản lý bảo vệ rừng: Công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản được đẩy mạnh tại các địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong tháng, phát hiện 13 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (vận chuyển lâm sản trái pháp luật 8 vụ; khai thác rừng trái phép 4 vụ; lấn chiếm rừng 1 vụ).
1.3. Sản xuất thuỷ sản
Trong tháng, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định. Hiện nay, các địa phương đang tập trung thu hoạch và chăm sóc đàn cá, tập trung chỉ đạo sản xuất thuỷ sản theo kế hoạch, tăng cường công tác quản lý giống thuỷ sản trên địa bàn; hướng dẫn Nhân dân tu sửa, nạo vét ao, khử trùng đảm bảo các yêu cầu vệ sinh cho việc nuôi thả mới. Dự ước, diện tích thủy sản đang nuôi có đến tháng 8 năm 2022 là 2.530,13 ha; sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 754 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm thủy sản nuôi trồng chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính,... và một số cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 năm 2022 tăng 8,09% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất với mức tăng 17,52% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,20%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,22%; ngành chế biến, chế tạo có chỉ số tăng thấp nhất với mức tăng 1,99%, nguyên nhân chính do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến kim loại không nhập được nguyên liệu đầu vào (than cốc) để sản xuất nên đã ngừng sản xuất (Công ty TNHH luyện kim Việt Trung); ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất vẫn gặp khó khăn trong việc xả thải đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 6,90% so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 8,82%, làm giảm 3,04 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,26%, đóng góp 4,75 điểm phần trăm; ngành điện và phân phối điện tăng 18,41%, đóng góp 5,04 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021 như: Ngành khai thác quặng kim loại tăng 15,03%; sản xuất kim loại tăng 2,54%; sản xuất và phân phối điện tăng 18,41%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 26,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,95 lần; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 42,97%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 20,95%,... Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ngành khai khoáng khác giảm 33,55%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 29,88%; sản xuất đồ uống giảm 41,42%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 9,93%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 26,77%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 19,75%,...
2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ như: Quặng sắt tăng 20,3%; quặng đồng và tinh quặng đồng tăng 14,25%; quặng Felspar tăng 163,49%; dứa đóng hộp tăng 46,7%; ván ép từ gỗ tăng 41,37%; phốt pho vàng tăng 29,34%; axit sunfuric tăng 11,03%; axit photphoric tăng 18,67%; photphat (DCP) tăng 17,85%; phân lân nung chảy tăng 29,61%; dược phẩm khác (cao atiso) tăng 42,97%; đồng ka tốt tăng 75,59%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 92,65%; thùng, bể chứa và các vật bằng sắt thép có dung tích >300 lít tăng 11,2%; điện sản xuất tăng 21,03%; điện thương phẩm tăng 8,32%; nước uống được tăng 1,78%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2021 như: Quặng Apatit giảm 34,14%; tinh bột sắn giảm 54%; bia hơi giảm 58,25%; nước tinh khiết giảm 15,24%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 92,36%; gỗ lạng hoặc bóc giảm 100%; gỗ cốp pha giảm 74,93%; phân bón NPK giảm 10,27%; phân lân P2O5% giảm 25,49%; phân bón DAP giảm 24,1%; gạch xây dựng giảm 14,69%; bê tông tươi giảm 42,74%; xi măng giảm 100%; phôi thép giảm 57,93%.
2.3. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 8 năm 2022 tăng 0,01% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,09%. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 53,12%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 3,4%; doanh nghiệp nhà nước tăng 0,47%.
Tính chung 8 tháng, chỉ số sử dụng lao động tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước tăng 1,49%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 13,29%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,05% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành công nghiệp, công nghiệp khai khoáng tăng 3,38%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,49%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 2,98%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,16%.
3. Vốn đầu tư phát triển
Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng Tám ước đạt 417,02 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 246,69 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 170,33 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2.865,9 tỷ đồng, đạt 61,97% kế hoạch năm và tăng 17,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.634,04 tỷ đồng, đạt 35,33% kế hoạch năm và tăng 5,25% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.231,86 tỷ đồng, tăng 38,07% so với cùng kỳ.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, sau lỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP cùng với các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vắc xin, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động bình thường; các cấp, các ngành trong tỉnh đã cố gắng nỗ lực trong việc triển khai kế hoạch đầu tư, các nhà đầu tư tích cực giải quyết những tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh hoàn thiện các thủ tục đầu tư và giải ngân vốn đầu tư các công trình dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong năm 2022. Nhìn chung, các nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện đảm bảo kế hoạch. Một số dự án đã và đang đẩy nhanh tiến độ như: Dự án phụ trợ cho thi công Cảng hàng không Sa Pa tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; cầu Phú Thịnh nối Quốc lộ 4E với khu đô thị Vạn Hòa thành phố Lào Cai tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng; cầu biên giới tại xã Bản Vược huyện Bát Xát tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng; đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa; Dự án khu nhà ở thương mại và các công trình hỗn hợp - dịch vụ, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Trường Quốc tế Canada - Lào Cai với tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng; tiểu khu đô thị Sa Pa tổng mức đầu tư 122,7 tỷ đồng,…
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước đạt 1.785,36 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.294,55 tỷ đồng, tăng 30,82%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 304 tỷ đồng, tăng 78,92%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 2,07 tỷ đồng, tăng 1,46%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 184,62 tỷ đồng, tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 13.549,38 tỷ đồng, tăng 26,27% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động như sau:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 9.838,95 tỷ đồng, chiếm 72,62% tổng mức và tăng 24,60% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Lương thực, thực phẩm tăng 28,07%; hàng may mặc tăng 5,47%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 15,9%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 6,73%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 28,42%; ô tô các loại tăng 16,49%; phương tiện đi lại (trừ ô tô con, kể cả phụ tùng) tăng 18,78%; xăng dầu các loại tăng 58,75%; nhiên liệu khác tăng 42,51%; đá quý, kim loại quý tăng 6,49%; hàng hóa khác tăng 13,36%;
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.306,99 tỷ đồng, chiếm 17,03% tổng mức và tăng 44,68% so với cùng kỳ năm trước, tăng do các cơ sở hoạt động lưu trú và ăn uống hoạt động ổn định, các lễ tiệc được tổ chức tại các nhà hàng tăng, chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch và các Lễ hội được tổ chức sôi động như: Lễ hội đường phố Sa Pa, Lễ hội tình yêu và hoa hồng tại huyện Bắc Hà, Tuần văn hóa Du lịch Bảo Yên,... thu hút được nhiều du khách đến với tỉnh Lào Cai;
- Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 14,36 tỷ đồng, chiếm 0,10% tổng mức và đạt 82,21% so với cùng kỳ năm trước;
- Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 1.389 tỷ đồng, chiếm 10,25% tổng mức và tăng 13,63% so với cùng kỳ năm 2021.
4.2. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách (HK) tháng Tám ước đạt 733,6 nghìn HK, tăng 108,96% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt trên 30 triệu HK.Km, tăng 71,10%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, vận tải hành khách đạt trên 5 triệu HK, tăng 42.03% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 225,6 riệu HK.Km, tăng 29,09%.
Vận tải hàng hóa tháng Tám ước đạt 991 nghìn tấn, tăng 57,14% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt gần 45 triệu tấn.km, tăng 62,99%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, vận tải hàng hóa đạt 7,6 triệu tấn, tăng 21,09% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 347 triệu tấn.km, tăng 28,86%.
Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ tháng Tám ước đạt 363,96 tỷ đồng, tăng 81,01% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu ước đạt 2.661,53 tỷ đồng, tăng 38,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vân tải hành khách đạt 671,4 tỷ đồng, tăng 68,19%; vận tải hàng hóa đạt 1.335,68 tỷ đồng, tăng 31,78%; dịch vụ hỗ trợ vân tải đạt 654,44 tỷ đồng, tăng 29,35% so với 8 thnags đầu năm 2021.
4.3. Chỉ số giá
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh Lào Cai tháng Tám giảm so với tháng trước; nguyên nhân chính làm giảm chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước là do giá xăng dầu, sắt thép xây dựng giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng thực phẩm (thịt lợn, thịt gia cầm, rau củ quả cuối vụ thu hoạch) tăng làm hạn chế tốc độ giảm của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng.
CPI trên địa bàn tỉnh Lào Cai tháng Tám giảm 0,23% so với tháng trước và tăng 3,78% so với cùng tháng năm trước; tính chung 8 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng Tám, có 05 nhóm tăng giá, 05 nhóm giảm giá và chỉ có 01 nhóm giữ giá ổn định so với tháng trước, cụ thể:
- Nhóm có chỉ số ổn định: Thuốc và dịch vụ y tế (CPI = 100%).
- Các nhóm có chỉ số tăng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19%; nhóm giáo dục tăng 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,91%.
- Các nhóm có chỉ số giảm: Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,03%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,11%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%; nhóm giao thông giảm 4,09%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,1%.
Các nguyên nhân chính làm CPI tháng Tám tăng là do: (1) Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67%, làm tăng CPI chung khoảng 0,20 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu là do, giá thịt lợn, thịt gia cầm, thịt chế biến, trứng các loại, mỡ lợn tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi nguồn cung hạn chế; giá các mặt hàng rau củ quả như bắp cải, su hào, rau muống, xoài tăng do, cuối vụ thu hoạch, sản lượng ít. (2) Giá bia lon, nước giải khát có ga tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng trong thời tiết nắng nóng, làm chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19%, đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 0,01 điểm phần trăm. (3) Giá nước sinh hoạt tăng do, sản lượng tiêu thụ tăng, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,01 điểm phần trăm. (4) Giá điện sinh hoạt tăng do, vào mùa hè nhu cầu tiêu dùng điện tăng, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,04 điểm phần trăm. (5) Giá dịch vụ phục vụ cá nhân tăng do, nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng, làm chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,91%, đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 0,03 điểm phần trăm.
Các yếu tố làm CPI giảm đó là: (1) Giá các mặt hàng rau củ quả như bắp cải, su hào, rau muống, nho, nhãn giảm do, vào vụ thu hoạch và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều, sản lượng cung trên thị trường tăng, làm hạn chế mức tăng CPI chung. (2) Giá các mặt hàng thép xây dựng giảm do, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm nên giá thành sản xuất giảm; giá gas, dầu hỏa giảm, làm chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,11%, góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,02 điểm phần trăm. (3) Giá xăng dầu giảm mạnh do, Bộ Công Thương điều chỉnh giá, làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm 4,09%, đóng góp vào mức giảm CPI chung khoảng 0,45 điểm phần trăm.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng bình quân tháng Tám là 5.239.491 đồng/chỉ (giảm 1,67%); giá đô la Mỹ bình quân là 23.523 đồng/1 USD (tăng 0,23%) do, ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới.
5. Một số vấn đề xã hội
5.1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội
Tháng 8/2022, giải quyết việc làm cho 1.032 lao động, trong đó có 680 lao động được vay vốn quỹ quốc gia về việc làm. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, giải quyết việc làm mới cho 12.071, đạt 94,5% kế hoạch[1]. Hỗ trợ tư vấn việc làm cho 100% lao động đến tư vấn và giải quyết đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ. Tỉnh đã tổ chức các đoàn thăm, tặng quà, viếng nghĩa trang liệt sĩ tại các tỉnh Điện Biên, Hà Giang và tại Công viên Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của tỉnh nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ. Kết quả vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa năm 2022 với tổng số tiền vận động được 4 tỷ đồng, đạt 82,5% kế hoạch. Thực hiện hỗ trợ làm mới 16 ngôi nhà cho các hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở với số tiền 800 triệu đồng từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh. Thực hiện thăm hỏi tặng quà của Chủ tịch nước cho Người có công, thân nhân Người có công nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 với 13.245 suất quà, trị giá 5,99 tỷ đồng.
5.2. Y tế
- Phòng chống dịch bệnh: Tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Tiếp tục triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn thể cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổng liều vắc xin đã tiếp nhận 2.164.404 liều; tổng liều vắc xin đã tiêm 2.051.339 mũi. Trong đó, đối tượng từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi là 487.324 người (đạt 99,13%), mũi 3 là 723.987 người; đối tượng từ 12-17 tuổi được tiêm 2 mũi là 82.135 người (đạt 98,56%); đối tượng từ 5-11 tuổi được tiêm mũi 1 là 99.571 trẻ (đạt 85,08% trẻ đủ điều kiện), mũi 2 là 62.983 trẻ (đạt 53,82%).
- Công tác khám chữa bệnh: Công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các cơ sở khám, chữa bệnh; duy trì các hoạt động khám chữa bệnh từ xa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân. Tổng số khám chữa bệnh chung trong tháng 8 là 151.346 lượt người, khám chữa bệnh BHYT là 67.749 lượt, trong đó người nghèo là 9.390, Dân tộc thiểu số là 36.124 người, trẻ em dưới 6 tuổi là 8.090 trẻ, công suất sử dụng giường bệnh đạt 105,54%.
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 132 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh, thực hiện đánh giá đối với 94 cơ sở, có 87/94 cơ sở đạt, chiếm 92,55%; 38 cơ sở chưa đánh giá chờ kết quả xử lý đối với các cơ sở có mẫu gửi kiểm nghiệm. Test nhanh 133 mẫu, 100% mẫu đạt; lấy 270 mẫu gửi kiểm nghiệm, 71/82 mẫu đạt, các mẫu còn lại đang chờ kết quả. Trong tháng không có ngộ độc thực phẩm cấp tính xảy ra.
5.3. Giáo dục
Trong tháng, công tác giáo dục và đào tạo chủ yếu tập trung vào các hoạt động: Tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng quản lý giáo dục và chất lượng dạy học; tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị tổ chức khai giảng và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường năm học 2022-2023, sẵn sàng áp dụng sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch covid-19, chống mưa, lũ, sạt lở đất; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và tài sản khi có mưa lớn xảy ra. Đặc biệt, theo kết quả công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ giáo dục Đào tạo, điểm trung bình tỉnh Lào Cai xét tốt nghiệp đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2021.
5.4. Văn hóa, thể thao
- Lĩnh vực văn hoá: Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình, đặc biệt các hoạt động lễ hội, tu bổ di tích, danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh; các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện: Trong tháng 8, các đội tuyên truyền lưu động thực hiện 95 buổi, lũy kế đạt 695 buổi, đạt 71,28% kế hoạch giao.
- Hoạt động thể thao: Hoàn thành tham dự 03 giải thể thao thành tích cao, kết quả: Vô địch quần vợt thanh thiếu niên toàn quốc 2022; Vô địch Bóng bàn trẻ, thiếu niên nhi đồng quốc gia năm 2022 (02 HCĐ) và Giải Cầu lông các cây vợt thiếu niên, nhi đồng trẻ xuất sắc quốc gia năm 2022 (01 HCĐ). Tổ chức Giải bóng đá thanh niên tỉnh Lào Cai, lũy kế đã tổ chức 15 giải, đạt 68,18% kế hoạch giao. Trong tháng 8, toàn ngành tập trung lực lượng chuẩn bị cho các hoạt động tại Hội thi Thể thao các Dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII tại tỉnh Lào Cai.
5.5. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong tháng Tám xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm 03 người chết và 4 người bị thương. So với tháng trước, số vụ và số người chết đều tăng 200%, số người bị thương tăng 33%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tăng 20%; số người chết giảm 25%; số người bị thương không đổi. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm 20 người chết và 47 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 9,76%, số người chết tăng 5,26%; số người bị thương tăng 20,51%.
Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, quá tải, xe khách chở quá số người quy định, kiểm tra nồng độ cồn. Trong tháng, đã lập biên bản xử lý 295 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 87 phương tiện các loại, tước 92 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 1,18 tỷ đồng./.