Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/08/2007-09:33:00 AM
Việt Nam - Hoa Kỳ ký Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư
Ngày 21/6/2007, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức ký Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) tại Washington DC, Hoa Kỳ. Trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos Guitierez, Thứ trưởng thương mại Nguyễn Cẩm Tú và Phó đại diện thương mại Mỹ (USTR) Karan Bhatia đã ký thỏa thuận này.

Hiệp định này được đánh giá là cột mốc mới trong hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo Hiệp định TIFA hai bên sẽ thành lập một Hội đồng hợp tác song phương mà đứng đầu hai bên đã được nâng lên lãnh đạo cấp Bộ trưởng để có những thẩm quyền và trách nhiệm lớn hơn trong việc bàn những định hướng và chính sách lớn, những sáng kiến hợp tác mới thúc đẩy quan hệ song phương cũng như các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại hai bên bao gồm cả những khó khăn, kiến nghị hiện nay của doanh nghiệp hai nước.

Hai nước đã bắt đầu thảo luận về TIFA kể từ đầu năm 2007, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. TIFA tạo dựng một nền tảng để hai nước có thể phát triển quan hệ thương mại đầu tư sâu rộng hơn qua WTO và BTA, và giải quyết những tranh chấp thương mại song phương. TIFA sẽ trở thành một diễn đàn để hai nước đánh giá việc thi hành quy chế WTO và BTA, đặc biệt việc thực hiện những cam kết về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng thị trường dịch vụ, minh bạch về hành chính và luật pháp.

Trong 2 ngày, 18 và 19.6.2007, phiên họp hàng năm Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam – Hoa kỳ về phát triển kinh tế thương mại song phương trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã được tổ chức, cả hai bên cùng nhận định rằng BTA là một hiệp định thành công của cả hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong quan hệ hai nước, hợp tác kinh tế, thương mại luôn là lĩnh vực trọng tâm và cũng là lĩnh vực đạt nhiều kết quả tích cực nhất. Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ được ký kết vào tháng 7/2000 và có hiệu lực vào tháng 12/2001 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư. Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2005 đạt 8,7 tỉ USD, tăng gấp 5 lần năm 2001 và năm 2006 kim ngạch đã đạt 9,7 tỉ USD, đưa Hoa Kỳ trở thành bạn hàng lớn của Việt Nam. Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và có hơn 1.000 doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam. Cho tới cuối năm 2006, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt 4,5 tỉ USD đứng thứ 6 trong 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Kết quả phiên họp Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam – Hoa Kỳ và ký hiệp định TIFA đã chứng minh một thực tế là hợp tác kinh tế sẽ luôn là động lực chính thúc đẩy sự phát triển quan hệ đối tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời kỳ mới.

Hiệp định này cũng là bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam- Hoa Kỳ, sẽ giúp hai bên hiểu biết và có sự đồng thuận sâu sắc hơn trong những vấn đề kinh tế thương mại mà hai nước cùng quan tâm. Thông qua TIFA, quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam- Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển mạnh như trong năm năm vừa qua. Hiệp định này được xem là bước phát triển tiếp theo trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, nâng mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa 2 nước lên một tầm cao mới để tiến tới những quan hệ thương mại và đầu tư sâu sắc và ổn định hơn.

Cùng với sự phát triển kinh tế năng động, sự ổn định chính trị và an toàn ở Việt Nam, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam và Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC-14 đã góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của Việt Nam, làm cho thị trường Việt Nam càng hấp dẫn hơn đối với giới kinh doanh các nước đặc biệt đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Báo Sankei của Nhật Bản đã đánh giá chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã mang lại cơ hội tốt cho sự chuyển đổi tích cực trong quan hệ hai nước. Đây cũng là cơ hội lớn nhất sau 12 năm kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1995. Báo Sankei nhấn mạnh quan hệ Việt-Mỹ được thúc đẩy bởi sự thống nhất về tư duy trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã đi đúng quỹ đạo tăng trưởng kinh tế sau khi áp dụng chính sách đổi mới, cải cách kinh tế và đang hy vọng thu hút các nhà đầu tư Mỹ, nước Mỹ cũng đánh giá Việt Nam với số dân hơn 80 triệu người là một thị trường đầy triển vọng.

Theo Washington Post, với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam đã trở thành một đối tác đầy đủ trong cộng đồng kinh doanh thế giới và hoan nghênh các cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và là một trong những thị trường có nhiều hứa hẹn nhất thế giới. Từ thực tế kinh doanh ở Việt Nam, Việt Nam sẽ tiếp tục con đường đổi mới, mở cửa hơn nữa và góp phần mang lại thịnh vượng cho người dân Việt Nam.

11 tỷ USD giá trị các hợp đồng được ký trong chuyến đi Mỹ của Chủ tịch nước, so với mức dự kiến ban đầu 5 tỷ là một thành công vượt trên mong đợi. Đằng sau con số lớn này, Việt Nam kỳ vọng hơn nhiều là Mỹ, nước đang dẫn đầu nền kinh tế thế giới với nền khoa học công nghệ hiện đại sẽ sớm vượt qua các nhà đầu tư khác để trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Điều đáng mừng là những hợp đồng trị giá nhất lại nằm ở các ngành công nghệ và dịch vụ hàng đầu của Mỹ, cũng là những ngành Việt Nam bắt đầu mở cửa và cần thu hút vốn đầu tư nhất: ngân hàng, tài chính với hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD của Agribank với Wachovia và Standard Chartered, chứng khoán với thoả thuận của SSI với NYSE, HASTC với NASDAQ ...v.v.


Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế

    Tổng số lượt xem: 4365
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)