(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 07/11/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho đơn vị cấp thành phố thuộc tỉnh, cấp huyện. Quốc hội đã thảo luận ở tổ về nội dung này và có 42 lượt ý kiến phát biểu, cơ bản các ý kiến thống nhất cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, cực tăng trưởng có tác dụng lan tỏa tới các tỉnh trong vùng.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Bộ Chính trị giao cụ thể cho Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo, xây dựng trình Quốc hội về Đề án cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước. Đây là lần đầu tiên Quốc hội nghiên cứu và ban hành một Nghị quyết về một mô hình cấp huyện, thị xã so với các mô hình đã áp dụng với các địa phương khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.
Đại biểu cơ bản đồng ý với nội dung dự thảo Nghị quyết; thống nhất cao các quy định tại Điều 3 do các nội dung này tương tự như cơ chế đã áp dụng đối với một số địa phương cấp tỉnh tại các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa. Đồng thời, tập trung vào các nội dung như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột; Về quản lý quy hoạch ở Điều 5; cơ chế đặc thù đầu tư đầu tư công trung hạn cho thành phố Buôn Ma Thuột, đặc biệt là cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thời gian sắp tới. Hai là về vai trò, thẩm quyền quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột với vai trò là chính quyền đô thị trong cơ sở được phân cấp, phân quyền theo nghị quyết này.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, dự thảo Nghị quyết có căn cứ chính trị và pháp lý đầy đủ và các cơ chế được đề xuất hiện khá đồng bộ, trọng tâm và hợp lý, với 5 nhóm chính sách nhưng tập trung vào 3 vấn đề: tiền, thời gian và con người.
Đối với cơ chế tài chính, Đại biểu bày tỏ đồng tình cao và thấy “an tâm” với tỷ lệ đề xuất mức dư nợ tăng thêm, phương thức quản lý và phương án trả nợ. Với cơ chế này thì không chỉ thành phố Buôn Ma Thuột mà cả tỉnh Đắk Lắk cũng được hưởng lợi, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ quyết định và giám sát theo danh mục những dự án đầu tư cụ thể, đúng quy hoạch và có phương án, khả năng cân đối ngân sách trả nợ. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả của cơ chế, Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát danh mục các dự án đảm bảo tính kết nối, có tác dụng lan tỏa tới các tỉnh trong vùng như tinh thần Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kết luận 67), làm nền tảng cho các cơ chế còn lại của Nghị quyết và thúc đẩy thành phố phát triển, đảm bảo các dự án phải sẵn sàng để khi có cơ chế tài chính thì có thể triển khai được ngay.
Đại biểu cũng đồng tình với cơ chế ủy quyền của địa phương điều chỉnh quy hoạch đô thị cục bộ để khắc phục những vướng mắc, bất cập về quy hoạch, giúp địa phương tiết kiệm thời gian, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả hạ tầng cơ sở; đồng tình với lĩnh vực và mức ưu đãi đầu tư như Tờ trình của Chính phủ có bám sát Kết luận 67.
Ngoài ra, để tăng tính khả thi của nghị quyết, Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp chế biến cà phê trong toàn tỉnh Đắk Lắk hoặc mở rộng cho cả vùng Tây Nguyên. Về cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học có tài năng đặc biệt, cần chú trọng đến cơ chế và môi trường làm việc, đồng thời cần xác định rõ, minh bạch và lượng hóa được các tiêu chí xác định.
Cũng liên quan đến chính sách khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học và thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, bên cạnh các chính sách chung để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có các cơ chế đặt hàng, giải thưởng bản quyền để khuyến khích việc nghiên cứu khoa học theo các lĩnh vực mà thành phố cần; cần phải mở rộng ra các lĩnh vực.
Tây Nguyên là một địa bàn riêng có ở bản sắc văn hóa vô cùng phong phú, vô cùng đặc sắc, muốn phát triển Tây Nguyên thì không thể bỏ qua yếu tố đầu tư cho văn hóa, kèm theo đó là liên kết chuỗi, xây dựng hạ tầng để khi đến Tây Nguyên người ta thấy thuận lợi, hấp dẫn, thu hút, khám phá được nhiều cái hay, cái mới, như vậy mới tạo được động lực và nguồn lực phát triển cho Tây Nguyên.
Theo Đại biểu, trong điều kiện nguồn lực có hạn, Chính phủ cần có chính sách tạo sự lan tỏa, thu hút đầu tư nước ngoài, liên kết chuỗi các vùng sản xuất trong và ngoài nước để đầu tư tại thành phố Buôn Ma Thuột, đảm bảo cho các doanh nghiệp cùng góp sức để tạo nên vùng nguyên liệu tốt, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thu hút được nhiều người tài, nhiều quốc gia đến với Buôn Ma Thuột, với Tây Nguyên và khuyến khích được người dân tham gia trên lĩnh vực này thì mới đạt được mong muốn mà cơ chế và mục tiêu đề ra.
|
Hình ảnh tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, việc nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương nhằm góp phần tạo thuận lợi trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng miền, đây là một chủ trương đúng đắn, góp phần khắc phục tình trạng cào bằng, bình đẳng một cách máy móc về cơ chế, chính sách để có thể phát huy cao nhất thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực. Thực tế cho thấy, với việc ban hành một số cơ chế riêng, chính sách đặc thù đã giúp những đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế bứt phá hết sức mạnh mẽ.
Đại biểu cho rằng, cơ chế đột phá về cải cách thủ tục hành chính, hành chính công và dịch vụ công là những nội dung quan trọng mà các địa phương cần thật sự quan tâm trong quá trình vươn lên. Nếu có các cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách nhưng không đồng hành cùng cải cách hành chính công, dịch vụ công, yếu tố con người để tạo điều kiện cho các nguồn lực được khơi dậy mạnh mẽ thì sẽ không thể mang lại nhiều kết quả thiết thực. Đại biểu cơ bản đồng tình với nghị quyết của Quốc hội và nhấn mạnh, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc ban hành nghị quyết đã phù hợp với Kết luận 67 ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng phù hợp với Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ, cũng phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, qua đó Trung ương xác định Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và đang tập trung đầu tư để đạt được các tiêu chí của đô thị trung tâm vùng.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù như dự thảo nghị quyết với 03 lý do. Thứ nhất, các chính sách đặc thù đề xuất chưa được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai, các chính sách dự thảo trong Nghị quyết có tính tương đồng với các chính sách đang thí điểm áp dụng tại một số tỉnh, thành phố. Thứ ba, các chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển theo Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm sự quản lý, kiểm soát của các cấp có thẩm quyền.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương theo Kết luận số 67 của Bộ Chính trị đối với thành phố này, đồng thời thực tiễn thành phố buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để Buôn Ma Thuột thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên là hết sức cần thiết. “Trong tương lai gần, tôi trân trọng đề nghị Trung ương cần nghiên cứu có cơ chế, chính sách đặc thù cho cả tỉnh Đắk Lắk như đang thực hiện đối với một số địa phương hiện nay để góp phần phát triển tỉnh Đắk Lắk xứng tầm với vị trí trung tâm chiến lược của khu vực, đặc biệt là tạo ra vùng động lực mới, một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước”, Đại biểu nói.
Đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương dự kiến các vấn đề tiếp thu, giải trình qua thảo luận tổ và đã có báo cáo bằng văn bản gửi tới các vị đại biểu Quốc hội. Những nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị là bảo đảm cơ sở chặt chẽ, đầy đủ và thuyết phục nên Đại biểu hoàn toàn nhất trí với những nội dung này, nhất trí với 5 nhóm chính sách được đề ra trong dự thảo Nghị quyết.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ chắt chiu, phát huy hiệu quả cao nhất các chính sách này, khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thực sự trở thành đô thị trung tâm, mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên, là cực tăng trưởng, tác động lan tỏa, tích cực cho tỉnh Đắk Lắk, cho cả các tỉnh khác trong vùng Tây Nguyên như tinh thần đề ra tại Kết luận số 67 của Bộ Chính trị”, đại biểu Ngô Trung Thành nói.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết ban hành nghị quyết. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm các chính sách để thực hiện được mục tiêu theo Kết luận số 67 của Bộ Chính trị.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về một số nội dung, như: mức tăng dư nợ vay tăng thêm so với Luật Ngân sách nhà nước, tăng thêm định mức chi thường xuyên theo định mức dân số; các chính sách ưu đãi về thuế cho một số lĩnh vực cần khuyến khích; các dự án đầu tư sản xuất và nông, lâm sản, chế biến cà phê và chuỗi dịch vụ có liên quan đến cà phê trên địa bàn Buôn Ma Thuột; quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, xây dựng khu chức năng quy hoạch chung đô thị thành phố Buôn Ma Thuột; chính sách ưu đãi đối với các chuyên gia, nhà khoa học tài năng, đặc biệt trong một số lĩnh vực cần thu hút làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột; chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối và phát triển văn hóa du lịch. Các đại biểu đề nghị rà soát thêm để đảm bảo tính khả thi, tính công bằng của các chính sách./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư