Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/11/2022-14:24:00 PM
Cần phải có những chính sách đặc thù, mạnh mẽ hơn, tạo đột phá cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
(MPI) - Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk diễn ra ngày 07/11/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 (Kết luận 67), Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia. Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiêp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng trên các quan điểm như đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp, phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố Buôn Ma Thuột tại Kết luận số 67-KL/TW; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã k‎ý kết. Chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của pháp luật hiện hành.

Đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột. Phát huy các tiềm năng, lợi thế của Thành phố, thu hút các nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phải bảo đảm tính thống nhất, tương đồng với các chính sách của một số tỉnh, thành phố lớn khác trong cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhìn chung hầu hết các đại biểu đều đồng tình, thống nhất với Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết ban hành cũng như các nhóm chính sách đã đề ra trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, các đại biểu đã nhấn mạnh là cần phải có những chính sách đặc thù, mạnh mẽ hơn, tạo đột phá cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có thể khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế của mình để trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên.

Về nội dung đề nghị bổ sung thêm số lượng, mở rộng phạm vi các chính sách ưu đãi, đồng thời đảm bảo không để lợi dụng trong việc trốn thuế, chuyển giá, bảo đảm các yếu tố về quốc phòng, an ninh, do đây là một vị trí hết sức quan trọng của vùng Tây Nguyên. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xin tiếp thu tất cả các ý kiến sâu sắc, xác đáng, tâm huyết, tình cảm và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện, tiếp thu dự thảo Nghị quyết, cũng như trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Báo cáo rõ hơn một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, thứ nhất, đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội một cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp thành phố và cấp huyện. Trong khi đó, từ trước đến nay đều là cấp tỉnh, nên đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, cho nên phải đảm bảo phù hợp với Kết luận 67 của Bộ Chính trị.

Thứ hai, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Thứ ba, thuộc phạm vi của một thành phố thuộc tỉnh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; phù hợp với cả những điểm nghẽn mà trong thu hút đầu tư của thành phố cũng như của vùng Tây Nguyên hay tỉnh Đắk Lắk trong thời gian vừa qua. Không phá vỡ hệ thống pháp luật chung đã được xây dựng và thống nhất. Do đó, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn một số chính sách mang tính đặc thù và tương đồng với các chính sách mà Quốc hội đã cho phép áp dụng đối với các địa phương khác, nhưng chỉ trong phạm vi của thành phố Buôn Mê Thuột sẽ đảm bảo được 2 nguyên tắc, đó là tính tương đồng, tương quan và áp dụng trên một địa giới hành chính cấp huyện.

Phạm vi và quy mô của các chính sách, căn cứ vào 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận 67, dự thảo Nghị quyết đã xây dựng 5 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội cho thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực khác mà các đại biểu có nêu là cần phải mở ra để tạo đột phá cho cả thành phố Buôn Ma Thuột nhưng lại nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của thành phố Buôn Ma Thuột.

Để thực hiện Kết luận 67, Chính phủ đã xây dựng một chương trình hành động cụ thể với 32 nhiệm vụ cụ thể và 17 dự án trọng điểm. Làm sao để các chính sách này không trùng vào các nhiệm vụ, các dự án đã nằm trong chương trình hành động của Chính phủ. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW cho vùng Tây Nguyên, sắp tới Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho cả vùng Tây Nguyên cũng như các vùng khác theo nghị quyết của Bộ Chính trị. Vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tham mưu để trình Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho Đắk Lắk nói chung và cho cả vùng Tây Nguyên để thực hiện trong thời gian tới.

Về các chính sách ưu đãi, bám sát vào Kết luận 67, dự thảo đưa ra 2 lĩnh vực là nông sản và cà phê, để trở thành một thành phố cà phê, thủ phủ cà phê, một thương hiệu quốc gia. Không có nghĩa là phải sản xuất ở ngay tỉnh Đắk Lắk mà có thể cả vùng Tây Nguyên hay của cả nước, chúng ta có thể đưa về đây để chế biến. Như vậy, chúng ta đảm bảo được mục tiêu là có tính lan tỏa cho tất cả các vùng miền của các chính sách này, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chính phủ sẽ theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thực hiện để các cơ chế, chính sách này đi vào cuộc sống và sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá để bổ sung những chính sách mới phù hợp. Chính phủ sẽ báo cáo lại Quốc hội trong quá trình sơ kết, tổng kết và đánh giá sau này./.

Để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đối với tỉnh Đắk Lắk nhưng phạm vi áp dụng các chính sách này sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, cụ thể như về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (Điều 3; Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 4); Về quản lý quy hoạch (Điều 5); Về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt (Điều 6).

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết và quy định hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 và thời gian thực hiện Nghị quyết trong 05 năm (Điều 7 và Điều 8).

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4227
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)