Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/11/2022-14:05:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Luật Đấu thầu (sửa đổi)
(MPI) - Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận ở Hội trường về Luật Đấu thầu (sửa đổi) diễn ra ngày 15/11/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao ý kiến của các đại biểu sâu sắc, tâm huyết, toàn diện, trách nhiệm và nhấn mạnh, đây là Luật tương đối khó, phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình về Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Hầu hết ý kiến của các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật cũng như Tờ trình của Chính phủ với các nội dung kèm theo; đánh giá cao về công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và cũng như báo cáo của cơ quan thẩm tra.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi xây dựng Luật Đấu thầu năm 2005 và sửa đổi 2013, chúng ta đã tiệm cận đến những vấn đề thông lệ rất tốt của quốc tế và được đánh giá rất cao, trên thực tế đã triển khai thực hiện được rất nhiều kết quả tốt, nhưng cũng còn những vướng mắc như các đại biểu nêu. Do vậy, việc sửa đổi Luật lần này không có nghĩa là mở hết ra theo hướng không quản lý chặt chẽ để trục lợi, để tiêu cực, để tham nhũng mà phải hài hòa giữa quyền lợi nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu.

Về việc áp dụng đối với đối tượng doanh nghiệp nhà nước,hiện Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được thiết kế theo quy định của khoản 1, Điều 88, Luật Doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ trên 50% vốn điều lệ trở lên. “Chúng ta thiết kế theo quy định đó để phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của Ban Chấp hành Trung ương về khái niệm doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng nói.

Nếu chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn như một số đại biểu nêu tức là 1% cho đến 99% lai không quản, lại buông hết. Còn nếu quy định65% trở lên thì không đúng với khái niệm của doanh nghiệp nhà nước là từ trên 50% và tạo ra một khoảng trống pháp luật cótừ 50-65%. Do vậy, đề nghị giữ như quy định là từ trên 50% vốn trở lên, còn dưới 50% thì thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Về khắc phục tình trạng gian lận, thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là nội dung quan trọng, được rất nhiều đại biểu quan tâm và dự thảo Luật đã bổ sung rất nhiều quy định để tránh hiện tượng này. Theo đó,thứ nhất,bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để làm sao chống hiện tượng cài cắm các tiêu chí để cạnh tranh, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ hai,đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch.Thứ ba,phải yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm có cả các chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Thứ tư,thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các nhà thầu và chất lượng của các hàng hóa cung cấp để có cơ sở xem xét.Thứ năm,nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đấy là các chế tài để xử lý vi phạm cũng như trách nhiệm xử lý của những người có thẩm quyền.

Ảnh: quochoi.vn

Về tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tán thành với rất nhiều ý kiến các đại biểu đã nêu và cho biết, dự thảo Luật đã thiết kế một chương nói về các quy định này và có một số điều khoản ở các chương khác cũng quy định những vấn đề về y tế. Nội dung này sẽ tiếp tục được rà soát đầy đủ, bao quát, thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế, thuận lợi cho quá trình thực hiện, tổ chức thực hiện.

Về thiết kế một chương riêng cho lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vấn đề cần phải cân nhắc để không phá vỡ kết cấu chung của bộ luật và hệ thống pháp luật. Bởi vì không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù, đặc biệt, mà có rất nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt, kể cả trong giáo dục, đào tạo, trong thiên tai, địch họa, chiến tranh, quốc phòng, an ninh,… “nếu mỗi một vấn đề, chúng ta lại thiết kế một chương thì chắc chắn sẽ không hợp lý”, Bộ trưởng nói và khẳng định tiếp tục rà soát bao quát, đầy đủ tất cả các vấn đề vướng mắc hiện nay trong ngành y tế để tạo thuận lợi.

Về vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí trong đấu thầu, dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng để rút ngắn thời gian. Đồng thời, cắt bỏ, loại bỏ các thủ tục cấp trung gian, như phê duyệt các danh sách nhà thầu đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hay danh sách xếp hạng nhà thầu; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số các hoạt động để chuẩn bị đấu thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Đấy là những cải tiến của Luật lần này nhằm rút ngắn được quy trình, tạo sự quản lý chặt chẽ nhưng thông thoáng, thuận lợi, rút ngắn thời gian, chi phí.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; các ý kiến mang tính kỹ thuật như phải đảm bảo cạnh tranh đấu thầu, quy trình, thủ tục đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hành vi bị cấm trong đấu thầu, giải quyết các kiến nghị,… sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, rà soát lại để không có sự chồng chéo, đảm bảo rõ ràng, chi tiết để thuận lợi trong thực hiện cũng như áp dụng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện, cùng với cơ quan thẩm tra của Quốc hội hoàn thiện chất lượng của luật tốt nhất, để báo cáo lại với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3514
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)