(MPI) - Để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Hội đồng thẩm định thông qua, ngày 21/11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành liên quan về quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 03/7/2020 với mục tiêu lập quy hoạch là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.
Phấn đấu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư tỉnh Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, thực hiện quy định về lập quy hoạch cũng như xác định vị trí và tầm quan trọng của công tác quy hoạch, khởi nguồn của sự phát triển, tỉnh Hậu Giang xác định, quy hoạch là “nghị quyết” của Trung ương, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng để xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do vậy, Tỉnh đã nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng để xây dựng quy hoạch phù hợp với tình hình mới và theo hướng tích hợp.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh đã nghiên cứu kỹ, xác định định vị của tỉnh với điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đó là vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được quan tâm, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, các tuyến đường cao tốc; có lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương lớn, tạo luồng gió mới cho Vùng phát triển. Với vị trí của mình, tỉnh Hậu Giang được hưởng lợi từ các hạ tầng giao thông trong Vùng nên có cơ hội thực hiện khát vọng thành công trong giai đoạn tới.
Bí thư tỉnh Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh, tỉnh Hậu Giang đã đề ra các đột phá chiến lược với các giải pháp cụ thể để biến tiềm lực thành động lực; đoàn kết thống nhất, đồng lòng thực hiện khát vọng; phải tận dung tiềm năng để phát triển, trong đó quy hoạch tỉnh thời kỳ tới đóng vai trò quan trọng. Do vậy, tỉnh Hậu Giang mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu, giúp tỉnh sớm hoàn thiện quy hoạch với chất lượng cao nhất.
Theo dự thảo quy hoạch được trình bày tại Hội thảo, tỉnh Hậu Giang đưa ra tầm nhìn phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đề xuất là “Phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng”.
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên quan điểm là: “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”, trong đó: Một tâm là: Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. Hai tuyến là: Tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.
Ba thành là: Ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Bốn trụ là: Phát triển 4 trụ cột theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Năm trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chích sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Định hướng phát triển phải tạo được những đột phá thực sự đối với lĩnh vực công nghiệp trong thời gian trung và dài hạn, để có thể bứt phá về tăng trưởng kinh tế, thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra; đồng thời, phát triển công nghiệp phải hài hòa với mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm lâu dài, để mọi khu vực đều phát triển và mọi người dân đều được hưởng lợi.
Tham gia ý kiến, các đại biểu đánh giá dự thảo quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được xây dựng công phu, chi tiết; định hướng quy hoạch tuân thủ quy định; quy trình, các bước lập quy hoạch tuân thủ hướng dẫn. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, bổ sung, tích hợp rõ hơn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xem xét việc bố trí nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là trong biến đổi khí hậu; làm rõ hơn giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài; kết nối thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.
Xây dựng quan điểm, thiết lập tầm nhìn và xác định mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt, độc đáo của Hậu Giang so với các địa phương khác trong Vùng, chú trọng những mô hình phát triển mới, năng động, phù hợp với lợi thế sẵn có của lưu vực sông Hậu như phát triển các vùng nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, phát triển công nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại và du lịch sinh thái.
Tham gia ý kiến, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh đến chuyển đổi đất rừng; về diện tích đất nông nghiệp công nghệ cao, cần bám sát quy định đã ban hành và đánh giá kỹ hiện trạng sử dụng, phù hợp với Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Về thủy sản, Hậu Giang có tiềm năng, lợi thế, do vậy cần đánh giá lại hiện trạng, bổ sung nguồn lợi thủy sản. Đồng thời nhấn mạnh đến phòng chống thiên tai; danh mục ưu tiên, bổ sung các dự án về sạt lở bờ sông và có phương án cụ thể.
Ý kiến đại diện của Bộ Công Thương đánh giá cao dự thảo quy hoạch và đề nghị cần rà soát, bổ sung các chiến lược phát triển ngành đã được ban hành; về công nghiệp, cần xây dựng tiêu chí và luận chứng xác định dự án ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển. Cùng với đó, cần đánh giá về tỷ lệ lấp đầy của khu, cụm công nghiệp; đánh giá thực trạng hạ tầng thương mại; năng lượng; các dự án đầu tư, xác định danh mục dự án trong thời kỳ quy hoạch để xác định quỹ đất một cách chính xác.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Định Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, báo cáo quy hoạch của tỉnh Hậu Giang thể hiện được khát vọng phát triển; được nghiên cứu, xây dựng công phu, thể hiện quyết tâm của toàn tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo cần lưu ý về vấn đề biến đổi khí hậu; về tài nguyên nước và có các phương án cụ thể trong thời gian tới; bám sát quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác các địa phương trong cả nước, trước hết là kết nối giữa Hậu Giang với các tỉnh trong vùng;…
|
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cảm ơn ý kiến quý báu, thiết thực, tâm huyết của các đại biểu và nhấn mạnh, tỉnh Hậu Giang xác định công tác lập quy hoạch là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; là cơ sở quan trọng, định hướng phát triển, sắp xếp không gian, bố trí nguồn lực để phát triển trong gian tới.
Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế của tỉnh có chuyển biến tích cực, từ tỉnh một tỉnh thuần nông có xuất phát điểm thấp, tỉnh đã xây dựng những nền tảng sản xuất công nghiệp ban đầu. Dựa trên những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, thách thức, tỉnh Hậu Giang đưa ra ba kịch bản phát triển và thực hiện phân tích, đánh giá từng kịch bản cụ thể và đưa ra lựa chọn ưu tiên.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh khẳng định, trên cơ sở các ý kiến góp ý, tỉnh Hậu Giang tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện để trình Hội đồng thẩm định thông qua; phát tối đa tiềm năng, lợi thế của Tỉnh; Kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển hiệu quả, bền vững, tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là Tỉnh công nghiệp phát triển, đạt mức thu nhập khá trong vùng; đến năm 2050 trở thành Tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư