Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/12/2022-12:25:00 PM
Hội nghị tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP; kết quả và bài học kinh nghiệm (Xem tin ảnh)
(MPI) - Nhằm tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP; chia sẻ kinh nghiệm thực thi; nhận diện các vấn đề tồn tại và tìm kiếm các giải pháp để báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vào cuối năm và để xây dựng dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2023, ngày 09/12/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP; kết quả và bài học kinh nghiệm. Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế; đại diện các viện nghiên cứu, các trường đại học, các công ty tư vấn, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và với mục tiêu tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về môi trường kinh doanh, ngay sau Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Nghị quyết thể hiện rõ thông điệp về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp. Tiếp đó, trong 10 tháng năm 2022, Chính phủ đã ban hành hơn 10 văn bản có nội dung chỉ đạo về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó nhấn mạnh tới cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nội dung cải cách môi trường kinh doanh cũng tương thích các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/012022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhóm giải pháp thứ ba là Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, và nhóm giải pháp thứ năm là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nghị quyết số 02/NQ-CP và những chỉ đạo của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là gói hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn theo thông lệ quốc tế cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; đồng thời thực hiện vai trò đôn đốc, theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực thi của các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển.

Trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52). Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.

Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân; chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện.

Niềm tin về triển vọng phục hồi cũng được thể hiện qua những con số về thành lập doanh nghiệp như, tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178.485 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 gấp 1,46 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiêp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng và do đó kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh.

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).

“Nhìn chung, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận, trao đổi thẳng thắn về những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm. Từ đó đưa ra các kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo về tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP. Hội nghị cũng được nghe bài trình bày của một số bộ, ngành về tình hình và kết quả cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; đại diện một số địa phương trình bày về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương: thực tiễn tốt, những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị.

Đại biểu cũng tập trung thảo luận về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp: những bất cập trong quy định pháp luật, thực thi và đề xuất kiên nghị; Trao đổi, giải đáp của bộ, ngành về các vấn đề của Hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng. Những chia sẻ, đóng góp tại Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thông tin xây dựng Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP phục vụ Hội nghị Chính phủ với địa phương vào cuối năm và xây dựng dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2023./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1808
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)