Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/12/2022-16:48:00 PM
Họp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
(MPI) – Chiều ngày 08/12/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo thẩm tra Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Mục tiêu đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhằm cụ thể hóa Chiến lược và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải nói chung và giao thông vận tải đường sắt nói riêng, tạo sự đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước. Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên hành lang Bắc - Nam với định hướng cơ sở hạ tầng cho tương lai lâu dài.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

Họp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo thẩm tra
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: MPI

Về phân tích lựa chọn khung tiêu chuẩn cho dự án, tư vấn thẩm tra đã phân tích lựa chọn khung kỹ thuật của Dự án bao gồm một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hoàn chỉnh để thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đến thiết kế, xây dựng và vận hành khai thác. Kiến nghị áp dụng bộ tiêu chuẩn châu Âu (EN) cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với các lý do đảm bảo tính phổ biến, tính cạnh tranh, tính kết nối, tính thích hợp, tiêu chuẩn EN đã áp dụng tại Việt Nam, phù hợp với các quy định pháp lý.

Báo cáo cũng phân tích lựa chọn khung tiêu chuẩn cho dự án, kiến nghị sử dụng khổ đường ray tiêu chuẩn 1435 mm với các mục tiêu đảm bảo tính thông dụng trên toàn cầu; đảm bảo tính đồng bộ, cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu kết nối liên vận quốc tế, phân tích lựa chọn chiều dài ke ga, tải trọng trục thiết kế.

Tham gia ý kiến, đại diện các bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích, đánh giá về hướng tuyến, sự phù hợp của Dự án với thực tế địa phương, hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn, …

Phát biểu kết luận, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp và đề nghị, trên cơ sở các ý kiến đó, Bộ Giao thông vận tải cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới cho phù hợp tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Dự án để trình trong phiên họp sắp tới. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau sẽ báo cáo Hội đồng.

Cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Thủy điện Sơn La. Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ, ngành là thành viên Tổ thẩm định và đại diện lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam cùng đại diện các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

Họp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành điều chỉnh tổng mức đầu tư
Dự án Thủy điện Sơn La. Ảnh: MPI

Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg ngày 15/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Dự án thủy điện Sơn La do Tổng công ty Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư với mục tiêu cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa cạn cho đồng bằng Bắc Bộ; Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Tại phiên họp, đại diện Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã báo cáo tổng quát về tổng mức đầu tư Dự án; đại diện UBND các tỉnh liên quan gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã báo cáo các nội dung liên quan và các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành cho ý kiến để làm rõ thêm một số nội dung để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định theo đúng quy định./.

Tùng Linh - Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 802
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)