(MPI) - Ngày 09/12/2022, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (Báo cáo ĐMC) quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện quy định của Luật Quy hoạch và Luật Bảo vệ môi trường, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về lập hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồng thời xây dựng Báo cáo ĐMC theo quy định, trình Hội đồng thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cho ý kiến.
Ông Đinh Thanh Tâm hy vọng Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định để giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Đồng Tháp tổng hợp đầy đủ và hoàn thiện Báo cáo ĐMC đảm bảo chất lượng. Đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung chính như khả năng tác động của quy hoạch đến môi trường; phạm vi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh: các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược được áp dụng và dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính khi thực hiện quy hoạch.
Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, thực hiện Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành và tuân thủ quy định của Luật quy hoạch, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai có hiệu quả việc lập hồ sơ quy hoạch tỉnh. Cùng với đó, Tỉnh đã tổ chức lập Báo cáo ĐMC theo đúng quy định, tham vấn các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học về đánh giá môi trường, lấy ý kiến cộng đồng dân cư và đã tiếp thu, chỉnh sửa ý kiến để hoàn thiện Báo cáo ĐMC của tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp thu các ý kiến, đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Báo cáo ĐMC và hồ sơ lập quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo đúng quy định và chất lượng cao.
|
Ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp phát biểu. Ảnh: MPI |
Theo dự thảo Báo cáo được trình bày tại Hội thảo, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hữu cơ gắn liền với cảnh quan thiên nhiên sông nước; đến năm 2050, trở thành một trong số các địa phương tiên phong trong đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở ra cơ hội phát triển cho các lĩnh vực kinh tế mới: kinh tế sinh thái, kinh tế nước ngọt, nông nghiệp thích ứng, vận tải đa phương thức, chăm sóc sức khỏe,…
Báo cáo ĐMC đưa ra đánh giá, dự báo xu hướng các vấn đề môi trường chính trong trường hợp không thực hiện quy hoạch (phương án 0) như về môi trường không khí, tiếng ồn có xu hướng tăng; môi trường nước mặt có xu hướng gia tăng ô nhiễm; môi trường đất có nguy cơ ô nhiễm đất các khu công nghiệp, làng nghề, các bãi chôn lấp, khu xử lý chất thải công nghiệp và dân sinh có xu hướng tắn, nguy cơ xói lở bờ sông,…; hệ sinh thái có thể suy giảm đa dạng sinh học do thu hẹp diện tích hệ sinh thái nông nghiệp, tăng diện tích đất bạc màu ở các khu vực canh tác nông nghiệp không hợp lý.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đã đưa ra các giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính trên địa bàn tỉnh như định hướng bảo vệ các vùng môi trường, quản lý nguồn tài nguyên nước và xử lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm từ bên ngoài, thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Tham gia cho ý kiến với dự thảo báo cáo, các đại biểu cho rằng, Báo cáo ĐMC tỉnh Đồng Tháp cơ bản đầy đủ, rõ ràng, tuy nhiên cần chỉnh sửa cấu trúc Báo cáo ĐMC tuân thủ theo đúng quy định; bổ sung rõ các vấn đề môi trường chính để nhận diện nguyên nhân, tác động, đánh giá quy mô tác động và dự báo tác động của quy hoạch; so sánh rõ phương án số “0” và phương án thực hiện quy hoạch để chứng minh tính ưu việt của việc thực hiện.
Các ý kiến cũng cho rằng tỉnh Đồng Tháp cần đưa ra định hướng và giải pháp chính về bảo vệ môi trường của quy hoạch như đưa ra đề xuất phân vùng môi trường như vùng hạn chế phát thải, vùng bảo vệ khác và định hướng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; cần bám các mô hình về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, trung hòa khí carbon và “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” để làm cơ sở xây dựng và lập hồ sơ quy hoạch tỉnh.
Về phạm vi đánh giá môi trường chiến lược, các đại biểu đề nghị tỉnh cần đánh tác tác động của các vùng tiếp giáp, lân cận để có quy mô thực hiện bao quát và cụ thể hơn. Ngoài ra, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư