(MPI) - Chiều ngày 13/02/2023, tại tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc về kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Hội nghị.
Đây là hội nghị thứ hai với các vùng trên cả nước nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, đại diện các Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo, đại diện các Bộ, ngành liên quan và đại diện các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang.
Trình bày báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Nghị định số 27/2022/NĐ-CP), tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ tham mưu cấp có thẩm quyền trình ban hành hoặc ban hành khoảng 17 văn bản quản lý, điều hành để thực hiện 11 nội dung.
Nhìn chung, hầu hết các tỉnh Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đã xây dựng tương đối đầy đủ các cơ chế, chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; làm căn cứ, cơ sở để giải ngân kế hoạch vốn cấp có thẩm quyền giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Kết quả phân bổ và sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao và 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã hoàn thành phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển là 44.185,172 tỷ đồng, chiếm 44,18% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.
Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng là 15.444,801 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022), chiếm 45,36% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho toàn quốc, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 11.284,974 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 4.159,827 tỷ đồng.
Về vốn địa phương, theo tổng hợp báo cáo, có 13/14 tỉnh trong Vùng bố trí ngân sách địa phương để thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng nguồn là 2.084,604 tỷ đồng.
Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương trong vùng là 10.874,152 tỷ đồng. Đến ngày 31/01, có 13/14 tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ vốn, còn Tuyên Quang đang khẩn trương hoàn thành thủ tục, dự kiến giao hết vốn trong tháng 02.
Theo Báo cáo, qua tổng hợp báo cáo từ địa phương, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách do trung ương ban hành đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như khó khăn, vướng mắc liên qua tới triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Khó khăn, vướng mắc liên qua tới triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do một số bộ, ngành chưa hướng dẫn cụ thể đối với một số nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí; Một số trình tự, thủ tục khó triển khai.
Báo cáo đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia cả nước nói chung và vùng Trung du và Miền núi phía Bắc nói riêng. Theo đó, giao các bộ, cơ quan khẩn trương ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền các nội dung hướng dẫn còn thiếu; tích cực rà soát, chủ động trao đổi với các cơ quan liên quan để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn đã ban hành còn quy định chưa thống nhất đối nhằm tạo sự đồng bộ, thông suốt giữa các quy định do trung ương ban hành.
Giao các cơ quan chủ chương trình chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ dự án thành phần và cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình; tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương kết quả xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương định kỳ hằng tháng.
Bên cạnh đó, phải sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách do địa phương cần phải ban hành theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và quy định của pháp luật; rà soát danh mục dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, lãng phí vốn ngân sách nhà nước; khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm được giao.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ với những khó khăn, thách thức rất lớn của các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đánh giá cao, biểu dương các tỉnh trong Vùng, dù còn điều kiện còn rất khó khăn, đã rất nỗ lực, trách nhiệm trong tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đạt tỷ lệ giải ngân bình quân trên 40,54%, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận ý kiến của các địa phương trong Vùng, giao các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ ý kiến; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo với các nội dung công việc, thời gian chi tiết của từng bộ, ngành, địa phương./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư