Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/06/2022-14:14:00 PM
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh Cao Bằng

Tại thời điểm tháng 6 năm 2022, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định sau hơn hai năm đại dịch Covid-19 cùng với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022. Ngoài xung đột, việc thực hiện các biện pháp phong tỏa thường xuyên và trên phạm vi rộng ở Trung Quốc có thể gây ra những tắc nghẽn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Áp lực giá cao hơn dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia. Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được dự báo sẽ giảm khoảng một nửa trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2022.

Các tổ chức kinh tế thế giới dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2022 duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt, mở rộng thương mại và đặc biệt là việc ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm nay như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát ở những tháng đầu năm theo chiều hướng phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh và những tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine, lệnh trừng phạt kinh tế của các nước đối với Nga. Trước những khó khăn đó nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng là thắng lợi của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,44%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,16%, đóng góp 2,26 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,12%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành đạt 9.581 tỷ đồng, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.104 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1.923 tỷ đồng, chiếm 20,08%; khu vực dịch vụ đạt 5.169 tỷ đồng, chiếm 53,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 385 tỷ đồng, chiếm 4,01%.

II. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, quý I/2022 thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều địa phương xuất hiện băng giá làm cho đàn trâu bò bị chết rét, quý II/2022 xảy ra nhiều đợt mưa lớn và ngập úng. Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó kịp thời vì vậy kết quả sản xuất nông nghiệp đạt khá, sản lượng lương thực có hạt, sản lượng cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển tốt, tăng cả về số lượng đầu con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò cơ bản đã được khống chế; sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước.

1. Nông nghiệp

Cây hàng năm

Trong tháng, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là chăm sóc và thu hoạch một số cây trồng chính vụ Đông xuân, đồng thời làm đất gieo mạ cấy lúa vụ mùa. Nhìn chung, thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho cây trồng phát triển. Ước tính đến ngày 15/6 toàn tỉnh thu hoạch được như sau:

Lúa đông xuân thu hoạch được 27 ha, tăng 8% hay tăng 2 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 111 tấn, tăng 4,72%. Ngô thu hoạch được 6.117 ha, giảm 6,48% hay giảm 424 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 23.375 tấn, giảm 4,47%. Thuốc lá thu hoạch được 3.225 ha, tăng 6,12% hay tăng 186 ha; sản lượng ước đạt 8.225 tấn, tăng 12,55%. Đậu tương thu hoạch được 291 ha, giảm 8,78% hay giảm 28 ha; sản lượng ước đạt 248 tấn, giảm 4,98%. Lạc thu hoạch được 44 ha, giảm 24,14% hay giảm 14 ha; sản lượng ước đạt 45 tấn, giảm 25%. Rau các loại thu hoạch được 1.747 ha, tăng 0,75% hay tăng 13 ha; sản lượng ước đạt 13.188 tấn, giảm 1,75%.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết gây ra, giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và các ban ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực của nhân dân khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đề ra, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh lương thực - thực phẩm.

Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 37.931 ha, tăng 0,7% hay tăng 264 ha so chính thức vụ đông xuân năm 2021. Diện tích tăng chủ yếu ở cây lúa, thuốc lá và cây hàng năm khác (ớt cay, gừng, nghệ, cỏ voi)... Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2022 ước đạt 125.228 tấn, tăng 0,13% hay tăng 166 tấn so cùng vụ năm trước, tăng 4,93% hay tăng 5.879 tấn so với kế hoạch. Cụ thể một số cây trồng chính như sau:

Diện tích lúa đông xuân gieo trồng được 3.712 ha, tăng 2,17% hay tăng 79 ha so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,49% so với kế hoạch; diện tích tăng chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Hòa An, Bảo Lâm… do đầu vụ mưa nhiều và đều nên bà con chủ động làm đất, lấy nước để gieo cấy, bên cạnh đó một số hệ thống thủy lợi đã khơi thông như thủy lợi Khuổi Khoán… nhiều diện tích không đủ nước gieo trồng từ những năm trước đã được gieo trồng lúa trở lại. Năng suất bình quân ước đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 19.188 tấn, tăng 2,27% hay tăng 425 tấn và đạt 102,96% so với kế hoạch.

Cây ngô trồng được 25.802 ha, giảm 0,23% hay giảm 60 ha so cùng vụ năm trước và tăng 1,96% so với kế hoạch; cây ngô là loại cây dễ trồng, sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh do đó bà con nông dân thường gieo trồng hết diện tích; tuy nhiên đầu vụ thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, mưa nhiều nên khó khăn trong khâu làm đất, nhiều diện tích gieo trồng xong không mọc được vì vậy diện tích giảm so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ước đạt 41,08 tạ/ha, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 106.006 tấn, giảm 0,26% hay giảm 274 tấn và đạt 105,26% so với kế hoạch.

Thuốc lá trồng được 3.291 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,76% hay tăng 237 ha và tăng 7,68% so với kế hoạch; diện tích thuốc lá tăng chủ yếu ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình… do năm nay việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân được cải thiện, một số xã đã xây dựng được mô hình thuốc lá chất lượng cao. Năng suất ước đạt 25,51 tạ/ha, tăng 0,24% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 8.396 tấn, tăng 8,03% hay tăng 624 tấn và đạt 110,71% so với kế hoạch.

Cây đậu tương trồng được 500 ha, giảm 8,76% hay giảm 48 ha do đậu tương hiệu quả kinh tế không cao, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình nên nhiều hộ chuyển sang trồng các loại cây khác như sắn, cỏ voi. Năng suất ước tính đạt 8,40 tạ/ha, giảm 0,47% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 420 tấn, giảm 9,09% hay giảm 42 tấn và đạt 74,25% so với kế hoạch.

Cây lạc trồng được 296 ha, giảm 1,99% hay giảm 6 ha, diện tích giảm là do đầu vụ mưa nhiều, một số nơi bị ngập úng không trồng được nên chuyển sang trồng cây hàng năm khác. Năng suất ước đạt 11,95 tạ/ha, giảm 0,17% so cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 353 tấn, giảm 2,22% hay giảm 8 tấn và đạt 92,92% so với kế hoạch.

Cây lâu năm

Trong tháng 6 chủ yếu tập trung thu hoạch một số cây ăn quả phục vụ thị trường và hộ gia đình như: Dứa, chuối, xoài, vải, mận, mít... đồng thời tiếp tục chăm sóc các loại cây trồng vừa thu hoạch xong và trồng mới một số diện tích cây ăn quả thay thế phần diện tích các cây già cỗi, năng suất thấp.

Trong 6 tháng đầu năm khá thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây lâu năm vì vậy diện tích và sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu được bà con trồng phân tán mang tính chất tự cung tự cấp, chưa hình thành vùng nguyên liệu trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Những năm gần đây các huyện đã lựa chọn ra những cây trồng phù hợp với với điều kiện tự nhiên của từng vùng để trồng tập trung như: cam, quýt trồng nhiều ở Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An, Thạch An…; thanh long tập trung ở Nguyên Bình, Hòa An, Thành phố Cao Bằng…; lê được trồng chủ yếu ở Thạch An, Trùng Khánh… và một số loại cây có giá trị kinh tế cao đang được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng chưa có sản phẩm thu hoạch như: mác ca, hồ đào, sâm…

Ước tính tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có là 9.123 ha, tăng 13,29% hay tăng 1.070 ha so cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu ở nhóm cây dược liệu, đặc biệt là cây hồi. Trong đó: cây gia vị, cây dược liệu lâu năm diện tích hiện có 5.759 ha, tăng 19,31% hay tăng 932 ha; cây ăn quả hiện có 2.753 ha, tăng 5,4% hay tăng 141 ha so với cùng kỳ; cây lâu năm khác diện tích hiện có 399 ha, giảm 0,25% hay giảm 1 ha so với cùng kỳ; chè và cây lấy quả chứa dầu diện tích hiện có 212 ha, giảm 0,93% hay giảm 2 ha. Sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính 6 tháng đầu năm như sau: cây chuối thu hoạch đạt 1.533 tấn, tăng 3,09% hay tăng 46 tấn so với cùng kỳ năm trước; cây thanh long thu hoạch đạt 155 tấn, tăng 46,23% hay tăng 49 tấn; cây dứa thu hoạch đạt 291 tấn, tăng 43,35% hay tăng 88 tấn; ổi thu hoạch đạt 48 tấn, tăng 4,34% hay tăng 2 tấn; mận thu hoạch đạt 453 tấn, tăng 1,57% hay tăng 7 tấn; chè búp thu hoạch đạt 167 tấn, tăng 9,15% hay tăng 14 tấn; hồi thu hoạch đạt 1.095 tấn, tăng 10,05% hay tăng 100 tấn…

Tình hình dịch bệnh

Tính đến ngày 15/6 thời tiết mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng ở tất các huyện, thành phố như: bệnh đạo ôn lá, rày nâu, khô vằn gây hại trên cây lúa; bệnh sâu keo, sâu gai, sâu xám gây hại trên cây ngô; sâu xanh, rệp, bệnh thối nhũn gây hại trên cây rau; bệnh khảm lá virus gây hại trên cây thuốc lá. Cây ăn quả bị nhiễm bệnh rệp muội, rệp sáp, ruồi đục quả, bọ xít, ngoài ra còn bệnh chảy gôm, bệnh greening, bệnh sẹo, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng... gây hại nhẹ. Ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.

Chăn nuôi

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, tăng cả về số lượng đầu con hiện có và sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan.

Tổng đàn trâu hiện có 106.334 con, tăng 4,42% hay tăng 4.497 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 939 tấn, tăng 2,18% hay tăng 20 tấn so với cùng kỳ năm 2021 (quý I tăng 1,63%, quý II tăng 3%). Tổng đàn bò ước tính 105.929 con, giảm 2,89% hay giảm 3.157 con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 1.110 tấn, tăng 1,28% hay tăng 14 tấn (quý I tăng 0,51%; quý II tăng 2,19%).

Tổng số lợn hiện có 310.133 con, tăng 5,7% hay tăng 16.735 con so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước tính đạt 13.821 tấn, tăng 3,79% hay tăng 505 tấn so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,82%, quý II tăng 2,61%). Đàn lợn đang trong đà khôi phục do dịch tả lợn Châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, giá lợn hơi ổn định, đồng thời giá con giống có xu hướng hạ vì vậy các hộ chăn nuôi tiếp tục đầu tư mở rộng dẫn đến tổng đàn lợn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng.

Ước tính tổng đàn và sản lượng thịt gia cầm tiếp tục tăng, tổng số gia cầm hiện có 3.048,11 nghìn con, tăng 1,09% hay tăng 32,97 nghìn con so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 3.075 tấn, tăng 1,25% (quý I tăng 1,42%, quý II tăng 1,06%); sản lượng trứng gia cầm đạt 19.574 nghìn quả, giảm 0,15% (quý I tăng 2,52%, quý II giảm 3,05%).

Từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra rải rác tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, làm mắc và buộc tiêu hủy 423 con lợn với trọng lượng trên 17 tấn ở các huyện: Hạ Lang, Bảo Lâm,... (riêng tháng 6 làm mắc và buộc tiêu hủy 07 con). Các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 48 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi... (riêng tháng 6 chết 14 con trâu, bò); 139 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng... (riêng tháng 6 chết 44 con); 1.571 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng... (riêng tháng 6 chết 350 con).

2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp tháng 6 tập trung kiểm tra, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các dự án trồng cây lâm nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình. Tính từ đầu năm đến ngày 14/6/2022 trên địa bàn tỉnh có 11,41 ha diện tích rừng bị cháy tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An…(riêng tháng 6 không phát sinh vụ cháy); 23,26 ha diện tích rừng bị chặt phá tại các huyện: Hà Quảng, Thạch An, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Hòa An...( riêng tháng 6 thiệt hại 8,77 ha)

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 1.423,58 ha (trong đó, dân tự mua giống cây về trồng 1.150,28 ha), tăng 11,35% hay tăng 145,09 ha so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 18,18%, quý II tăng 21,86%); sản lượng gỗ khai thác ước đạt 9.548 m3, giảm 26,09% (quý I giảm 34,42%, quý II giảm 18,5%); sản lượng củi khai thác ước đạt 398.115 ste, tăng 0,6% (quý I tăng 1,01%, quý II tăng 0,19%). Số cây lâm nghiệp trồng phân tán trồng được 290,73 nghìn cây (riêng tháng 6 trồng được 21 nghìn cây).

3. Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản trong tháng 6 phát triển ổn định, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản tập trung vào chăm sóc diện tích nuôi trồng hiện có và thu hoạch các loại thủy sản thả gối vụ từ cuối năm 2021. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp, chủ yếu phục vụ gia đình, sản lượng trao đổi trên thị trường không nhiều.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh ít chịu tác động của thời tiết; mực nước trên các ao, hồ, sông, suối tương đối ổn định tạo điều kiện cho các loại thủy sản phát triển, bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các loại thủy sản ngày càng lớn, giá bán ổn định. Vì vậy, đã khuyến khích các hộ nuôi trồng mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô nuôi thủy sản bằng lồng bè, bể, bồn, tận dụng mọi khả năng sẵn có địa phương như sông, suối, ao, hồ để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tận thu thêm nguồn thủy sản khai thác ở các sông, suối góp phần tăng thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Tổng diện tích nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 364,52 ha, tăng 1,44% so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 265,28 tấn, tăng 1,17% hay tăng 3,07 tấn so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 2,5%, quý II giảm 0,39%) trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 213,28 tấn, giảm 0,48% hay giảm 1,02 tấn (quý I tăng 2,17%, quý II giảm 3,66%); sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 52 tấn, tăng 8,54% hay tăng 4,09 tấn (quý I tăng 4,08%, quý II tăng 13,2%) so với cùng kỳ năm trước.

III. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực và dần lấy lại tốc độ phát triển (IIP năm 2021 giảm 2,06%, IIP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 12,28% so với cùng kỳ năm trước) trong đó: ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng là 2 ngành chủ lực với tốc độ tăng cao; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; ngành chế biến, chế tạo giảm so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 6/2022 ước tính tăng 11,39% so với tháng trước và tăng 26,12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành sản xuất và phân phối điện tăng 38,23%; ngành khai khoáng tăng 30,62%; ngành chế biến, chế tạo tăng 14,31%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,44% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,28% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 13,28%, quý II tăng 11,31%), số tăng chủ yếu là ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 54,03% (quý I tăng 62,07%, quý II tăng 48,84%) do thời tiết mưa nhiều và đều, dung lượng nước lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy thủy điện hoạt động có hiệu quả hơn, sản lượng tăng so với cùng kỳ; ngành khai khoáng tăng 20,28% (quý I tăng 20,87%, quý II tăng 19,69%), chỉ số tăng ở ngành khai thác quặng kim loại, tăng 37,93% do một số đơn vị khai thác mỏ được cấp phép hoạt động trở lại và khai thác với công suất lớn hơn; ngành chế biến, chế tạo giảm 13,71% (quý I giảm 8,34%, quý II giảm 20,36%), chủ yếu giảm ở ngành sản xuất kim loại giảm 19,9% (chiếm trên 60% giá trị sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) do Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng gặp sự cố lò, thời gian bảo dưỡng định kỳ kéo dài hơn năm trước vì vậy sản lượng phôi thép trong 6 tháng đầu năm đạt thấp; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,73% (quý I giảm 0,42%, quý II giảm 2,92%).

Các sản phẩm sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021: điện sản xuất tăng 64,91%; nước tinh khiết tăng 56,96%; manggan và các sản phẩm của manggan tăng 52,55%; quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 37,93%; gạch xây tăng 19,28%; điện thương phẩm tăng 18,70%; đường tăng 8,78%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: chiếu trúc, chiếu tre giảm 65,82%; cát tự nhiên các loại giảm 30,84%; sắt, thép không hợp kim (phôi thép) giảm 28,78%; xi măng giảm 24,48%; đá xây dựng giảm 20,26%; sản phẩm in khác giảm 4,71%; nước uống được giảm 2,75%.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 năm 2022 giảm 29,08% so với cùng kỳ năm trước và tăng 202,19% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ 6 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại đúc sẵn giảm 76,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 64,55%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 32,84%... Riêng ngành sản xuất đồ uống có chỉ số tiêu thụ tăng 67,44%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 6 năm 2022 tăng 204,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với cùng kỳ năm trước: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 205,84%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 105,06%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 79,61%; sản xuất kim loại tăng 65,39%... Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 26,63%; sản xuất đồ uống giảm 2,68%...

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 6 năm 2022 giảm 3,39% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 4,58%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 1,7%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 giảm 4,12%, số giảm chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 5,82%.

IV. HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

Sau một thời gian dài chịu tác động dai dẳng của dịch Covid-19 khu vực doanh nghiệp đã từng bước khắc phục được những khó khăn, thay đổi hình thức sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường và đạt nhiều kết quả tích cực khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng, số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 khả quan hơn quý II/2022 với 72,22% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính đầu năm đến ngày 16/6/2022, có 88 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 418,97 tỷ đồng, tăng 27,53% về số doanh nghiệp và tăng 32,41% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021; số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, số dự án được cấp mới Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư là 12 dự án với tổng vốn đăng ký 1.754 tỷ đồng, tăng 100% số dự án và tăng 265% về vốn đăng ký. Trong 6 tháng đầu năm, có 39 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 63% và 15 doanh nghiệp giải thể, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.

2. Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 33,33% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2022 khó khăn hơn quý I/2022; 66,67% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn. Dự kiến quý III/2022 so với quý II/2022, có 72,22% doanh nghiệp đánh giá xu hướng ổn định và tốt hơn; 27,78% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Về khối lượng sản xuất, có 44,44% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2022 giảm so với quý I/2022; 55,56% doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất ổn định và tăng lên. Xu hướng quý III/2022 so với quý II/2022, có 72,22% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất ổn định và tăng; 27,78% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Về đơn đặt hàng mới, có 35,29% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng mới quý II/2022 giảm so với quý I/2022; 64,71% có đơn đặt hàng mới ổn định và tăng. Xu hướng này được các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục ở quý tiếp theo.

Về giá bán bình quân, có 38,89% doanh nghiệp có giá bán bình quân quý II/2022 tăng so với quý I/2022; 55,56% doanh nghiệp giữ nguyên giá bán bình quân. Xu hướng quý III/2022 so với quý II/2022, có 44,44% doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân tăng; 50% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên giá bán bình quân.

V. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư tăng ở cả ba khu vực và tăng nhiều vào quý II năm 2022 khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dần được nới lỏng.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước thực hiện được 3.517,68 tỷ đồng, tăng 13,75 % so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đầu tư khu vực Nhà nước 1.755,62 tỷ đồng, tăng 9,20% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 1.761,87 tỷ đồng, tăng 18,67%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 0,19 tỷ đồng, tăng 405,26%.

Trong 830,15 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước có 792,98 tỷ đồng vốn địa phương quản lý, tăng 4,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 728,77 tỷ đồng, tăng 5,09%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 64,21 tỷ đồng giảm 2,61%.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 nhìn chung có nhiều khởi sắc. Trong quý I, các doanh nghiệp tập trung đầu tư sửa chữa, bổ sung vốn lưu động để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh. Quý II, hoạt động xây dựng tại các công trình diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn do dịch Covid-19 mặc dù giá nguyên vật liệu xây dựng vẫn đang ở mức cao theo xu hướng chung của thị trường. Nhờ các cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh được triển khai kịp thời nên các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn.

Về tình hình triển khai kế hoạch giải ngân, thực hiện vốn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022: Đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Cao Bằng đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư thực hiện là 2.461,05/3.739,71 tỷ đồng, bằng 65,8%, chưa phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư thực hiện là 1.278,66 tỷ đồng, chiếm 34,2% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu chưa phân bổ là do dồn lực cho dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) chưa đủ điều kiện giao vốn theo quy định.

VI. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ

Từ quý II năm 2022, công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện để các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ hồi phục; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch.

1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 năm 2022 đạt 746,88 tỷ đồng, tăng 4,87% so với tháng trước, tăng 22,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 619,22 tỷ đồng, tăng 21,85%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 86,71 tỷ đồng, tăng 29,6%; du lịch lữ hành ước đạt 0,55 tỷ đồng tăng 89,13%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 40,4 tỷ đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.916,33 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 3.272,84 tỷ đồng, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng doanh thu tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 2,21%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 20,51%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 19,77%; xăng, dầu các loại tăng 49,89%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 0,72%; đá quý, kim loại và sản phẩm tăng 6,3%; dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 10,95%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 439,88 tỷ đồng, tăng 9,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu lưu trú giảm 3,27%; doanh thu ăn uống tăng 11,29%.

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tính đạt 2,0 tỷ đồng, giảm 11,96%.

Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 201,61 tỷ đồng, giảm 8,97% so với cùng kỳ năm trước.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, từ ngày 15/3/2022 ngành du lịch cả nước chính thức mở cửa trở lại, các tỉnh, thành phố chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tỉnh Cao Bằng đã có những dấu hiệu khởi sắc, hứa hẹn nhiều triển vọng tích cực trong năm 2022.

2. Hoạt động xuất, nhập khẩu

Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 423 triệu USD, bằng 101,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 67% KH. Trong đó: kim ngạch nhập khẩu đạt 381 triệu USD, bằng 687,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 304,8% KH; kim ngạch xuất khẩu đạt 15 triệu USD, bằng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5% KH; kim ngạch hàng giám sát, tạm nhập tái xuất đạt 27 triệu USD, bằng 23,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 13,2% KH năm.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu so với cùng kỳ năm 2021: Hàng rau quả đạt 0,533 triệu USD bằng 3,2%; nhân hạt điều đạt 0,729 triệu USD bằng 1,4%; cà phê đạt 0,259 triệu USD bằng 71,5%; mặt hàng hạt tiêu đạt 1,3 triệu USD bằng 11,2%.

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu so với cùng kỳ năm 2021: Ô tô vận tải đạt 39,4 triệu USD tăng 100%, ô tô tải tự đổ đạt 105,8 triệu USD tăng 100%, Ô tô đầu kéo đạt 79,3 triệu USD tăng 100%; Than các loại đạt 13,5 triệu USD tăng 160%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,7 triệu USD tăng 35%; Vải các loại 6 triệu USD bằng 45%.

3. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2022 tăng 0,73% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 05 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, 03 nhóm hàng giảm giá và 03 nhóm chỉ số giá ổn định, không tăng, không giảm. Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng bao gồm: nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,45% do giá xăng, dầu trong tháng có 3 đợt liên tiếp điều chỉnh tăng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,0% do giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng; nhóm may mặc, mũ nón giày dép tăng 0,88%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,3%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,14%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2022 tăng 1,59% so với tháng 6 năm 2021, tăng 3,03% so với tháng 12 năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm 2022 giảm 0,31% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá vàng tháng 6 năm 2022 giảm 1,21% so với tháng trước, tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng năm 2022 tăng 2,33% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 6 năm 2022 tăng 1,57% so với tháng trước, tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 6 tháng năm 2022 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

4. Hoạt động vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải tháng 6/2022 ước đạt 27,7 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 6,04%, so với cùng kỳ năm trước tăng 19,24%.

Ước tính doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng năm 2022 đạt 137,33 tỷ đồng, giảm 10,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu hoạt động vận tải hành khách đạt 36,7 tỷ đồng, giảm 3,19%; doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa đạt 97,3 tỷ đồng, giảm 13,3%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 3,33 tỷ đồng, tăng 17,83% so với cùng kỳ năm 2021.

Vận tải hành khách

Vận tải hành khách tháng 6/2022 ước tính đạt 81,3 nghìn hành khách, tăng 5,04% so với tháng trước; hành khách luân chuyển đạt 5,83 triệu lượt HK.Km, tăng 5,98%. Trong 6 tháng năm 2022, vận tải hành khách ước tính đạt 517,4 nghìn hành khách và đạt 30,74 triệu lượt HK.Km, so với cùng kỳ năm trước giảm 28,91% số hành khách vận chuyển và giảm 28,46% số hành khách luân chuyển.

Vận tải hàng hoá

Ước tính vận tải hàng hóa tháng 6/2022 đạt 110,2 nghìn tấn và đạt 3,45 triệu tấn.km, so với tháng trước tăng 11,43% hàng hóa vận chuyển và tăng 4,82% hàng hóa luân chuyển.

Vận tải hàng hóa trong 6 tháng năm 2022 ước tính đạt 608,0 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 43,07%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 19,29 triệu tấn.km, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

VII. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG

1. Thu chi ngân sách Nhà nước

Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/6/2022 đạt 2.378.852 triệu đồng, bằng 342,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 540.588 triệu đồng, bằng 91,15% (chiếm 22,73% tổng thu); thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1.837.764 triệu đồng, bằng 1.840,25% (chiếm 77,25% tổng thu)

Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/6/2022 đạt 2.615.754 triệu đồng, bằng 91,67% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi thường xuyên đạt 2.306.926 triệu đồng, bằng 90,58%; chi đầu tư phát triển 306.266 triệu đồng, bằng 100,62%; chi trả nợ lãi 662 triệu đồng, bằng 74,13%; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 1.300 triệu đồng, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước; các nhiệm vụ chi khác 600 triệu đồng.

2. Hoạt động tín dụng ngân hàng

Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Nguồn vốn huy động dồi dào sẵn sàng phục vụ hoạt động cho vay phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được duy trì ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm, lãi suất tiền gửi online cao hơn tại quầy giao dịch từ 0,2-0,4% trên năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-11,65%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào từng kỳ hạn

Tổng vốn huy động và quản lý trên địa bàn ước tính đến 30/6/2022 đạt 25.475 tỷ đồng, tăng 1,42% hay tăng 357 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 22.175 tỷ đồng, tăng 1,23% hay tăng 269 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 0,16% hay tăng 88 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 30/6/2022 ước đạt 13.090 tỷ đồng, tăng 1,8% hay tăng 231 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 143 tỷ đồng, chiếm 1,09% tổng dư nợ.

Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, các ngân hàng điều chỉnh tỷ giá USD trên cơ sở tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày và biến động của thị trường; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ thông qua các tổ chức tín dụng.

Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng. Từ đầu năm đến nay, giá vàng có xu hướng tăng, giảm theo biến động của thị trường, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao.

VIII. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động việc làm

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành chức năng đã rà soát nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm năm 2022, 2023; tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Một số hoạt động đã thực hiện: tổ chức 37 hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách việc làm, Quỹ quốc gia về việc làm, thông tin thị trường lao động với trên 1.400 người tham dự. Trung tâm Dịch vụ việc làm tham gia 05 phiên giao dịch việc làm online kết nối người lao động với doanh nghiệp; khai thác và cung ứng thông tin thị trường lao động cho 259 doanh nghiệp, tổ chức; giới thiệu việc làm cho 300 lao động (trong nước: 272; ngoài nước: 28); 450 người được giới thiệu việc làm, cung ứng thông qua kênh thông tin của Trung tâm (đạt 37,5% kế hoạch); tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 130.000 người lao động và người sử dụng lao động.

2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Đời sống dân cư

Tình hình đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong 6 tháng đầu năm 2022 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giá một số hàng hóa thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng, dầu đã tạo áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đời sống của nhân dân.

Đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách cơ bản ổn định; tuy nhiên một số công nhân, người lao động trong lĩnh vực dịch vụ như vận tải, du lịch, giải trí... đời sống gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đời sống dân cư ở khu vực nông thôn không bị ảnh hưởng quá nhiều của dịch Covid-19, nhưng các hộ nông dân gặp nhiều khó khăn do một số mặt hàng như: phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... đều tăng giá. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài, trong năm xảy ra mưa lũ tại một số địa phương trong tỉnh đã gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Đảm bảo an sinh xã hội

Trong dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã thành lập các đoàn đi thăm, chúc tết và tặng 16.725 suất quà cho các hộ nghèo với số tiền 8.751,8 triệu đồng; tặng quà cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác với số tiền 6.115,7 triệu đồng; tặng quà cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công là 19.860 suất quà với tổng số tiền 8.177,8 triệu đồng.

Công tác cấp phát gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và đói giáp hạt năm 2022 đã thực hiện kịp thời: Đã cấp phát 1.718,025 tấn gạo cứu đói cho 27.606 hộ với 114.535 nhân khẩu tại 10/10 huyện, thành phố.

Cấp BHYT/sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng là 359.321 thẻ.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách, tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 150 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với số tiền 5.019 triệu đồng.

3. Tình hình giáo dục đào tạo

Triển khai Kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn các huyện, thành phố; chuẩn bị các điều kiện thực hiện PCGD mầm non cho trẻ mẫu giáo; tiếp tục duy trì, giữ vững đạt chuẩn PCGD tiểu học đối với các đơn vị đã đạt mức độ 3; tiếp tục duy trì nâng cao kết quả PCGD THCS đã đạt được của năm 2021, duy trì và giữ vững các xã, huyện đạt mức độ 2, mức độ 3; củng cố, duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên.

Tiếp tục thực hiện rà soát, quy hoạch hệ thống trường, lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. So với năm học 2020-2021, toàn tỉnh giảm thêm 06 cơ sở giáo dục bao gồm: 03 trường mầm non, 03 trường tiểu học. Đến nay, toàn tỉnh có 529 cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó có: 178 trường Mầm non, 340 cơ sở giáo dục phổ thông; 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 01 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh; 01 trường Cao đẳng sư phạm.

Quan tâm, đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 169/518 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có: 62 trường mầm non, 55 trường tiểu học, 34 trường trung học cơ sở, 11 trường tiểu học và trung học cơ sở, 07 trường trung học phổ thông.

Ban hành các văn bản chỉ đạo công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 10 năm học 2022-2023; tổ chức Hội thảo trực tuyến “Giới thiệu Sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022.

Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong toàn ngành giáo dục, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong các trường học.

4. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm

Hiện nay tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát. Để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra. Tiếp tục tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ việc tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, xây dựng kế hoạch, tổ chức, triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4).

Đến ngày 14/6/2022, tỉnh Cao Bằng (toàn bộ 100% các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện) được phân loại, đánh giá, xác định cấp độ dịch Covid-19 là Cấp độ I.

Từ ngày 05/11/2021 đến 17h00 ngày 16/6/2022, tỉnh Cao Bằng ghi nhận, phát hiện 95.450 trường hợp dương tính với SARS-COV-2; có 95.329 người đã khỏi bệnh, 59 ca tử vong (chủ yếu là các trường hợp tuổi cao, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin), chuyển tỉnh khác 03 ca; có 49 bệnh nhân điều trị tại nhà, 10 bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở thu dung điều trị của tỉnh.

Về hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Tính từ ngày 16/4/2021 đến 09h00 ngày 17/6/2022: tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin chiếm 95,5%; tiêm mũi 2 chiếm 91,8%; liều bổ sung 20,5 %; liều nhắc lại lần 1 là 56,7%; liều nhắc lại lần 2 là 4,3%; trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin chiếm 100%, tiêm mũi 2 chiếm 92,2%; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin 42,9%; tiêm mũi 2 chiếm 7,4%.

Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác trong 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021, các trường hợp mắc bệnh được phát hiện và điều trị, xử lý kịp thời, không có tử vong.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 6 tháng năm 2022. Triển khai công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022; Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tổ chức các hoạt động truyền thông Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; triển khai thực hiện đề tài "Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô Đen tỉnh Cao Bằng" năm 2022. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức Liên hoan hát then - đàn tính tỉnh Cao Bằng lần thứ 3; tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Quan tâm, đẩy mạnh phong trào thể dục - thể thao trên địa bàn; tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao cấp tỉnh và tham gia các giải khu vực và toàn quốc năm 2022. Chuẩn bị tổ chức Đại hội TDTT tỉnh Cao Bằng lần thứ IX; tổ chức thành công Ngày chạy Olympic Vì sức khỏe toàn dân tỉnh Cao Bằng năm 2022 tại huyện Nguyên Bình với trên 950 người tham gia. Tổ chức Giải Cờ vua Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Cao Bằng; duy trì công tác đào tạo, bồi dưỡng 200 vận động viên, học sinh thể thao; tiếp tục quan tâm công tác phát triển các môn thể thao dân tộc; tổ chức Giải đua xe đạp Cao Bằng mở rộng; phối hợp khảo sát, tổ chức Giải chạy Marathon tại tỉnh Cao Bằng.

6. Tình hình trật tự, an toàn xã hội

Tình hình an toàn giao thông

Từ ngày 15/5/2022 đến ngày 14/6/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 01 người bị thương. Lũy kế từ đầu năm, tổng số vụ tai nạn giao thông là 35 vụ (tăng 09 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm chết 15 người (tăng 02 người), bị thương 18 người (tăng 12 người).

Tình hình an toàn cháy, nổ

Tháng 6 năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ cháy, nổ xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xảy ra 05 vụ cháy, tổng giá trị thiệt hại ước tính 921 triệu đồng.

Vi phạm môi trường

Trong tháng 6/2022 phát hiện 17 vụ vi phạm môi trường, xử lý hành chính 13 vụ, phạt tiền 105,5 triệu đồng, so với tháng trước số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện tăng 03 vụ, số vụ xử lý giảm 01 vụ.

Trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 96 vụ vi phạm môi trường, xử lý 60 vụ, số tiền xử phạt 1.066 triệu đồng.

7. Tình hình thiệt hại do thiên tai

Trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 10 vụ thiên tai do rét đậm, rét hại, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở lún đất. Thiên tai đã làm chết 03 người, 97 nhà bị hư hại; 1.068 con gia súc, 250 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 741,17 ha lúa và hoa màu bị hư hại, các thiệt hại khác như: diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, 400kg cá lồng bị cuốn trôi, đường giao thông bị sạt lở, đổ cột điện hạ thế... Ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 28.931 triệu đồng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã kịp thời đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ đối với những gia đình bị thiệt hại./.


Website Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng

  • Tổng số lượt xem: 483
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)