Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/04/2023-17:00:00 PM
Xây dựng Ninh Bình là nơi đáng sống, an toàn và thân thiện
(MPI) - Tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều ngày 06/4/2023, sau khi thảo luận, cho ý kiến, các thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định đã xem xét, biểu quyết vào phiếu đánh giá với kết quả 100% đồng ý thông qua (30/30 thành viên Hội đồng) quy hoạch tỉnh Ninh Bình với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.

Tham gia ý kiến đối với quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng, các chuyên gia phản biện đánh giá quy hoạch được xây dựng công phu, thể hiện hiện khá nghiêm túc quy trình lập quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, môi trường; đồng thời đã quan tâm, chỉ đạo sát sao Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo các ý kiến thẩm định.

Nội dung quy hoạch đã thể hiện khá rõ nét về sự khát vọng phát triển; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội; về cơ bản, nội dung quy hoạch đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Để tỉnh Ninh Bình tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào các nhóm vấn đề chính của quy hoạch.'

Chuyên gia Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Theo chuyên gia Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch tỉnh Ninh Bình được xây dựng công phu, cơ bản đã tiếp thu các ý kiến góp ý; quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và phương pháp lập quy hoạch cơ bản đã trình bày đầy đủ theo Quyết định số 1413/QĐ-TTg ngày 15/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời cho rằng, cần cân nhắc định vị Ninh Bình nằm ở vị trí nào trong vùng Đồng bằng sông Hồng theo phân vùng tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung khái quát mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030; xem xét, điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế số; thể hiện một cách cô đọng nhất khát vọng phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2050. Để xây dựng Ninh Bình là nơi đáng sống, an toàn và thân thiện cần quan tâm thêm đến sự tiếp cận tiêu chí về môi trường chính trị xã hội; môi trường kinh tế; môi trường văn hóa xã hội; y tế và chăm sóc sức khỏe; giáo dục và đào tạo; vui chơi giải trí; cung cấp sản phẩm tiêu dùng; nhà ở; môi trường tự nhiên.

Tham gia ý kiến, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến vấn đề kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế; về định hướng phát triển và tổ chức không gian trong từng ngành, trong đó về nông nghiệp định hướng 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp gồm: Vùng đồi, núi, bán sơn địa; vùng trũng; vùng ven đô thị; vùng đồng bằng; vùng ven biển; Về công nghiệp với 3 vùng (khu vực công nghiệp thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; Khu vực công nghiệp thành phố Tam Điệp và 02 huyện Nho Quan, Gia Viễn; Khu vực các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và Yên Mô); trong tổng số 11 KCN, đề xuất bổ sung thêm 04 KCN.

Đối với ngành dịch vụ, theo ý kiến một số đại biểu, cần phân tích tổng quan về lĩnh vực dịch vụ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung, cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu nội bộ lĩnh vực dịch vụ (Hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu; du lịch và vận tải logistics, bưu chính viễn thông); Bổ sung đánh giá hiện trạng đóng góp của ngành du lịch vào tổng GRDP; thị trường khách du lịch; các địa bàn phát triển du lịch trọng điểm; các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh cũng như hoạt động liên kết phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Tiếp tục rà soát để các chỉ tiêu đánh giá hiện trạng sử dụng đất tương thích với các chỉ tiêu quy định tại điểm b, điểm c khoản 7 Điều 28 Nghị đinh số 37/2019/NĐ -CP và theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia năm 2021-2025.

Bổ sung so sánh về hiện trạng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của Ninh Bình với một số tỉnh lân cận và tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng để đánh giá khả năng liên kết; bổ sung đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ phục vụ hai ngành tác động trực tiếp đến phân bố không gian, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là công nghiệp, du lịch; tiêu chí lựa chọn một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, có khả năng thu hút đầu tư, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, giải quyết việc làm, đảm bảo ổn định an ninh trật tự xã hội; rà soát, lồng ghép kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong định hướng, phương án, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực.

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cảm ơn ý kiến xác đáng, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu và khẳng định, với tinh thần cầu thị tỉnh Ninh Bình sẽ nghiêm túc tiếp thu hoàn thiện quy hoạch; đáp ứng yêu cầu phát triển Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vào phát triển chung của vùng và của đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng nhấn mạnh thêm các nội dung được đại biểu nêu như số liệu so sánh để định hình vị trí của tỉnh Ninh Bình so với các tỉnh trong khu vực; cách tính tỷ lệ đô thị hóa; chỉ số về chuyển đổi số; xử lý chất thải rắn; chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất;…

Bí thư tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Bí thư tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, với tinh thần cầu thị lắng nghe, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến; đồng thời nhấn mạnh, qua các ý kiến góp ý không chỉ gợi mở được nhiều vấn đề liên quan đến công tác xây dựng quy hoạch mà còn ý nghĩa thực tiễn trong tổ chức thực hiện; mong muốn quy hoạch tỉnh sớm được phê duyệt, là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã, đồng thời triển khai các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương; thực hiện các mục tiêu của mình, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy các lợi thế so sánh.

Bên cạnh việc thẩm định, tỉnh Ninh Bình mong muốn các thành viên Hội đồng, chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành ở các khâu tiếp theo để quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch hiện quả, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao tinh thần là việc của các thành viên Hội đồng; Thống nhất một số nội dung được Hội đồng nêu và cho rằng, qua các ý kiến cho thấy, hồ sơ quy hoạch được cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đúng quy định; thực hiện nghiêm túc quy trình; nội dung thể hiện khá rõ nét khát vọng phát triển trong thời gian tới.

Để sớm hoàn thiện nội dung trình Thủ trướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Ninh Bình nghiêm túc tiếp thu, giải trình, làm rõ các nội dung bằng văn bản, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng quy định và thời hạn trong vòng 1 tháng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh hoàn thiện quy hoạch tỉnh; Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 547
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)