(MPI Portal) - Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC) năm 2013, tại Hà Nội ngày 06.6 đã diễn ra Hội thảo quốc tế FEALAC với chủ đề “Kinh nghiệm của các nước FEALAC về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững”, đây là sự kiện trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao FEALAC lần thứ VI tại Bali- Indonesia (13-14/6/2013).
Tham dự Hội nghị về phía Việt Nam có Lãnh đạo Bộ, ngành, các cơ quan Chính phủ, đại diện các địa phương, các học giả, chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp lớn có tiềm năng và quan tâm hợp tác với khu vực Đông Á – Mỹ Latinh. Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các nước FEALAC, đại diện một số tổ chức quốc tế như ASEAN, UNDP, World Bank, Tổ chức Hợp tác Phát triển châu Âu (OECD), Ngân hàng Liên Mỹ (IADB)…
Kể từ khi thành lập vào tháng 9/1999 tại Singapore, Diễn đàn Hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC) ngày càng có tầm ảnh hưởng quan trọng, thể hiện qua sự mở rộng số lượng thành viên và phát triển các dự án, chương trình và hoạt động nhằm tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai khu vực. Với tư cách là thành viên sáng lập Diễn đàn FEALAC và là Đồng Chủ trì Nhóm Công tác Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 2011 – 2013 (cùng với Ecuador), Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội thảo Quốc tế “Kinh nghiệm của các nước FEALAC về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững”.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các quốc gia Đông Á và Mỹ Latinh trước là chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trong giai đoạn trước đây và sau là các thách thức phải đối mặt trong tiến trình tăng trưởng hiện nay cả về ngắn hạn (lạm phát, nợ xấu…) và dài hạn (bẫy thu nhập trung bình). Trước những khó khăn trên đòi hỏi nhu cầu tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.
Nền kinh tế của các nước Đông Á và Mỹ Latinh phần lớn là các nền kinh tế đang phát triển, còn cả một chặng đường dài để có thể đạt được sự bền vững cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Do vậy Hội thảo sẽ là cơ hội để các đại biểu trao đổi, đề xuất các định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và định hướng tăng cường hợp tác quốc tế của các nước FEALAC trong tiến trình quan trọng này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra nhận định.
|
Bà Lourdes Puma, Trưởng đoàn Ecuador tại Hội nghị. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Với tư cách là đồng Chủ trì nhóm Công tác Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 2011 – 2013, Trưởng đoàn Ecuador bà Lourdes Puma đã nhấn mạnh đến những đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống như nghèo đói, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và năng lượng làm nổi bật lên những sự khác biệt và mất cân bằng trong hệ thống quản lý kinh tế và toàn cầu.
Hội nhập kinh tế quốc tế và những thách thức đặt ra trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững tại các nước Đông Á và Mỹ Latinh.
Toàn cầu hóa và khủng hoảng kinh tế đã đặt ra những thách thức mới. Những thách thức này buộc Chính phủ các nước phải tìm ra mô hình phát triển mà quốc gia mình muốn hướng tới. Một trong những cuộc thảo luận lớn gần đây ở Liên Hợp quốc, OECD, G20, APEC và các diễn đàn kinh tế quốc tế khác là khủng hoảng kinh tế có thể là cơ hội để thay đổi mô hình tăng trưởng; cần kích hoạt lại các nền kinh tế và phải thực hiện theo hướng bền vững. Xuất phát từ khái niệm phát triển bền vững, ý tưởng về sự cần thiết cân bằng phát triển kinh tế với việc bao gồm cả gìn giữ, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội đã lan ra toàn thế giới.
Các tổ chức quốc tế cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thương mại quốc tế. Một hệ thống thương mại đa phương và phổ quát, có nguyên tắc, mở cửa, không phân biệt đối xử và công bằng có thể đóng vai trò cơ bản cho sự tăng trưởng bền vững của các quốc gia và sự tăng trưởng này là nhân tố quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo.
Gắn với các thách thức trong tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, một số quốc gia FEALAC điển hình như Myanmar, Trung Quốc, Chile và Peru…. đã có những cải cách mang tính đột phá từ hệ thống chính trị cho đến kinh tế - xã hội và môi trường. Kinh nghiệm của các quốc gia nói trên cho thấy cần thiết phải đặt ra một chiến lược dài hạn có trọng tâm hướng tới phát triển toàn diện và bền vững. Trong đó cần tăng cường thúc đẩy phát triển thương mại đầu tư thông qua việc khuyến khích và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, xem xét và áp dụng các mô hình hợp tác ưu việt dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công, thúc đẩy thương mại tự do và hợp tác thương mại khu vực cũng như quốc tế.
Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các quốc gia càng chú trọng hơn đến ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn. Kiên trì lấy con người làm gốc, thúc đẩy sự tiến bộ toàn diện của nhân dân, nỗ lực giải quyết vấn đề bất công và không hài hòa trong phát triển xã hội.
Đặc biệt vấn đề môi trường hết sức được quan tâm, các quốc gia đều đặt mục tiêu chủ động thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy mạnh phát triển các công cụ có khả năng thúc đẩy và hỗ trợ nền kinh tế bền vững về môi trường trong phạm trù tiêu dùng và sản xuất bền vững. Một trong những định hướng quan trọng là việc ký kết các hiệp định môi trường đa phương, liên quan đến trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới trong việc gìn giữ các di sản chung của thiên nhiên.
Một trong những thách thức về dài hạn đối với hầu hết các nước FEALAC là đối phó với bẫy thu nhập trung bình. Theo kinh nghiệm của Indonesia, để tránh bẫy thu nhập trung bình, cần phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu dựa vào tài nguyên và sản xuất dựa vào nông nghiệp, phát triển những trung tâm tài nguyên mới của sự tăng trưởng, giải quyết thu nhập trung bình và tăng cường phát triển thông qua các chiến lược về sản xuất, lao động và vấn đề cơ sở hạ tầng, giảm thiểu quan liêu tham nhũng, mở rộng khu vực dịch vụ tài chính nhằm tác động lan tỏa đến sự tăng trưởng rộng khắp nền kinh tế.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Tăng cường hợp tác quốc tế giữa các nước FEALAC trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Những năm gần đây, sự trỗi dậy của những chủ thể mới đã tác động đến quan hệ kinh tế giữa Đông Á và Mỹ Latinh, đưa đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại liên khu vực, tạo ra những cơ hội mới cho đầu tư và việc ký kết các hiệp định thương mại. Đó là những nhân tố đã góp phần cải thiện vị thế của các nước FEALAC trên thế giới.
Nhằm tăng cường gắn kết, củng cố mối liên kết giữa các nước FEALAC vì mục tiêu phát triển bền vững cho cả hai khu vực, các nước thành viên FEALAC cần tăng cường hợp tác dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau có tính tới đa dạng văn hóa và truyền thống cũng như sự khác biệt trong trình độ phát triển. Chia sẻ kinh nghiệm, các phương pháp và bài học hay về phát triển bền vững, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm về cách quản lý hiệu quả kinh tế vĩ mô để duy trì tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Đồng thời, hai khu vực có thể tăng cường hợp tác để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu đạt được các mục tiêu MDGs, phát triển nguồn nhân lực và xóa nghèo của các nước kém phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư nước ngoài giữa các nước thành viên FEALAC bằng cách chia sẻ thông tin về luật và quy định, các biện pháp kích thích đầu tư.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Đặc biệt, nhằm duy trì hoạt động hợp tác và phát triển của các quốc gia FEALAC nói chung và các diễn đàn khu vực và quốc tế nói riêng không thể không kể đến những hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực như World Bank, Tổ chức Hợp tác Phát triển châu Âu (OECD), Ngân hàng Liên Mỹ (IADB)… Do đó, thu hút sự trợ giúp của các tổ chức này cũng là một trong những mục tiêu mà FEALAC đặt ra trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu bền vững.
Những thảo luận tại Hội thảo có thể là nguồn tham khảo có giá trị cho tất cả các nền kinh tế Đông Á và Mỹ Latinh, gợi mở những hợp tác về kinh tế - phát triển trong Khuôn khổ Diễn đàn Đông Á – Mỹ Latinh, củng cố mối liên kết giữa các nước FEALAC vì mục tiêu phát triển bền vững cho cả hai khu vực, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư