Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/05/2023-18:25:00 PM
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
(MPI) - Chiều ngày 25/5/2023, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Kỳ học thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 04 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và đã cơ bản đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là triển khai đồng bộ với Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ. Bổ sung, điều chỉnh các nội dung về 08 chính sách từ 01 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 08 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhất là hoàn thiện quy định các chính sách đất đai, tiếp cận vốn, bảo hiểm, thuế, phí và lệ phí… Bổ sung 01 điều (Điều 28) quy định về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bổ sung tại khoản 2 Điều 17 về việc Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm bảo đảm tính khả thi, đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.

Về thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, dự thảo Luật đưa ra các quy định về điều kiện, quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với 03 loại thành viên gồm thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn; quy định hợp tác xã phải do ít nhất 05 thành viên chính thức, liên hiệp hợp tác xã do ít nhất 03 hợp tác xã là thành viên chính thức tự nguyện thành lập, nhằm tạo điều kiện khuyến khích, thuận lợi trong việc thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cũng phù hợp với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo tổ chức quản trị rút gọn.

Để khuyến khích phát triển thành viên, dự thảo Luật không hạn chế số lượng thành viên tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quy định tạo điều kiện mở rộng số lượng thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn; chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng ưu tiên hơn cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có chính sách phát triển thành viên, có số lượng thành viên nhiều hơn; quy định nghĩa vụ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải kết nạp thành viên khi thành viên đó đáp ứng đủ điều kiện; cho phép hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sáp nhập, hợp nhất lại với nhau, phù hợp với trình độ quản trị và nhu cầu sản xuất, kinh doanh ở từng thời kỳ trong quá trình hoạt động. Bên cạnh việc phát triển về số lượng thì quy định tại dự thảo Luật cũng chú trọng đến phát triển chất lượng của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên như các chính sách phát triển của Nhà nước đối với khu vực này; tăng cường liên kết giữa các thành viên; giữa các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực; giữa khu vực hợp tác xã với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, điều kiện về tổng số thành viên chính thức, số lượng thành viên Hội đồng quản trị, vốn góp tối đa và điều kiện thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Về tổ chức quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý tại khoản 4 Điều 56 quy định trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động theo tổ chức quản trị rút gọn phát triển thành hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn, liên hiệp HTX từ 10 thành viên trở lên thì Đại hội thành viên gần nhất phải quyết định việc chuyển sang tổ chức quản trị đầy đủ; quy định tại Điều; tại khoản 5 Điều 65; khoản 7 Điều 59; bổ sung tại Điều 68 và Điều 71 về trách nhiệm của Giám đốc (Tổng giám đốc) trong hoạt động mua chung, bán chung sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp (Điều 83), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xãđược thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và giao Chính phủ quy định điều kiện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập doanh nghiệp, điều kiện góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: MPI

Báo cáo thẩm tra cũng làm rõ thêm các nội dung về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam; tổ chức quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tài sản góp vốn; Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp; hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ; Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia; kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và xét thực tế năng lực hiện tại của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và có lộ trình phù hợp trong việc xác định kiểm toán hợp tác xã là một loại hình dịch vụ công và giao cho hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam thực hiện đối với các HTX quy mô siêu nhỏ và nhỏ theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Tại phiên thảo luận đã có 15 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận, trong đó ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về: việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; Liên đoàn hợp tác xã; liên hiệp hợp tác xã; Tổ hợp tác; tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam; thành viên hợp tác xã; tổ chức quản trị hợp tác xã; tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (tài sản góp vốn; chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đồng thời thảo luận, cho ý kiến về việc thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp; tín dụng nội bộ của hợp tác xã; hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia); kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chính sách của Nhà nước về phát triển Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (tiêu chí thụ hưởng chính sách; chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm); các hành vi bị nghiêm cấm.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đánh giá cao dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, bố cục hợp lý, bám sát tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW và có kế thừa các nội dung phù hợp của luật hiện hành. Đại biểu nêu rõ một số góp ý về các điều khoản cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; ghi nhận dự thảo Luật đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ nhiều ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội. Liên quan đến thể chế hóa chính sách phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của Đảng đã được tiếp thu nhiều, trong đó có điều khoản dành riêng cho hợp tác xã nông nghiệp. Đại biểu cho rằng nên quy định thêm cơ chế để giúp hợp tác xã nông nghiệp tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Đại biểu đã tham gia ý kiến cụ thể về các nội dung liên quan đến Quỹ phát triển hợp tác xã; chuyển nhượng phần vốn góp đối với thành viên của hợp tác xã; hoạt động cho vay nội bộ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Thái Quỳnh Mai Dung đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; cho rằng dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được các quan điểm, mục tiêu đề ra.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị tiếp tục rà soát và hoàn thiện các quy định liên quan đến cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài trong việc thành lập, trở thành thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đề nghị bổ sung thêm các tiêu chí cụ thể để quy định tiêu chí thụ hưởng chính sách; bổ sung thêm trách nhiệm của hợp tác xã có nghĩa vụ xây dựng và thực hiện cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao qua chế độ tiền lương, thưởng...

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Hà Hồng Hạnh đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về trường hợp giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; về nguyên tắc tổ chức, quản lý và hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đại biểu cho rằng chỉ nên quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nâng cao tay nghề của thành viên chứ không nên quy định bắt buộc nâng cao tay nghề kỹ thuật cho thành viên, người lao động. Về phân loại hợp tác xã, cần nghiên cứu làm rõ hơn nội dung này và đề xuất quy sang số lượng thành viên hợp tác xã để phân loại.

Về chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu nhất trí việc bổ sung việc cho các hợp tác xã , liên hiệp hợp tác xã tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất ở các địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải Phát biểu kết thúc phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng đã tham gia nhiều ý kiến có chất lượng, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự án Luật như về các quy định nhằm thể chế hóa các chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW, các quy định về tổ hợp tác, tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh Hợp tác xã, quy định về thành viên hợp tác xã, tổ chức quản trị hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; vấn đề tài chính, tài sản và quỹ không chia; điều lệ và các nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; việc huy động vốn từ các thành viên, cho vay nội bộ, góp vốn mua cổ phần; chuyển nhượng vốn góp của thành viên; điều kiện về số vốn, số lượng thành viên chính thức của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trong hợp tác xã.

Đồng thời nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Mục đích sửa đổi Luật Hợp tác xã là để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên. loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật cũng hướng đến mục đích bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh; giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 289
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)