(MPI) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30/5/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham gia thảo luận tại Tổ 12.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho Thành phố mà còn tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách, gồm: các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến; cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.
Tham gia ý kiến tại Tổ 12, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, sự cần thiết xây dựng Nghị quyết đã rõ; việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho Thành phố mà còn tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước. Các chủ trương đường lối của Đảng đã được thể hiện qua các Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa ra mục tiêu rất lớn, phải là đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa, đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế - xã hội; phải trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách theo hướng vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, phải đột phá, xứng đáng để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Nghị quyết đưa ra 44 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó có 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa. Các cơ chế, chính sách tập trung vào các vấn đề như tạo nguồn lực lớn hơn, phân cấp phân quyền, rút gọn thủ tục nhằm tạo điều kiện cho Thành phố phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ quan điểm thống nhất với ý kiến của các đại biểu và nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, đồng thời tích hợp một số chính sách mới tương đồng với chính sách đặc thù của các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép áp dụng và nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách nêu trên sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới, xứng tầm hơn nữa với giá trị, sứ mệnh mới.
Tham gia thảo luận ý kiến của các đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết vì những lý do như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã đề cập; cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, đồng thời có thể tạo cơ chế, chính sách vượt trội để thành phố Hồ Chí Minh phát triển với những quy định thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đặc biệt…
Bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thành Trung ̣(đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) cho rằng, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền Thành phố nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị quyết có 02 nhóm chính sách với 44 nội dung cụ thể. Dự thảo Nghị quyết đã kế thừa các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54/2014/QH14 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội. Các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo Nghị quyết với 04 nhóm vấn đề gồm đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, cần rà soát, bổ sung danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, cũng như có các cơ chế ưu đãi đủ mạnh và phù hợp cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về thời điểm xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết và tính hợp lý, khả thi của các chính sách mới. Qua thảo luận cho thấy, đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư