Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/05/2023-19:44:00 PM
Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh
(MPI) - Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh được diễn ra chiều ngày 30/5/2023 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự và phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: VGP

Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh (Ban Chỉ đạo) đã được thành lập tại Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 05/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa hoạt động giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh; đồng thời đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện Chiến lược này.

Trình bày báo cáo về tình hình triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, kể từ khi Chiến lược tăng trưởng xanh được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Chiến lược và đã đạt được một số kết quả cụ thể về kế hoạch hành động và thiết lập cơ chế điều phối, triển khai; về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai các nhiệm vụ trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, quản lý chất thải, chất lượng không khí, tài nguyên nước, đất đai, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế biển xanh.

Về huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư, trong thời gian qua, các Bộ đã chủ động nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán, triển khai các cơ chế mới nhằm huy động tối đa các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ tăng trưởng xanh; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy tăng trưởng xanh; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút, triển khai các dự án bền vững và thân thiện với môi trường từ các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; Các Bộ, ngành tiếp tục theo sát các xu hướng hợp tác giữa các nước nhằm tranh thủ cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam; lồng ghép nội dung tăng trưởng xanh vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số công cụ tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh đã và đang được triển khai mạnh mẽ.

Về cơ hội, khó khăn và thách thức trong triển khai tăng trưởng xanh, theo đánh giá từ Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế, Việt Nam đứng trước những cơ hội rất lớn để thúc đẩy TTX nhờ những lợi thế từ khả năng dự trữ các-bon lớn từ nguồn tài nguyên rừng, tiềm năng lớn từ phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất về nền kinh tế số trong khu vực, với quy mô trị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025.

Về xã hội, sự tăng trưởng nhanh của người tiêu dùng với nhận thức ngày càng cao về kinh tế xanh, với hơn 80% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh, cũng tạo nên sự thúc đẩy cho tiềm năng tăng trưởng xanh quốc gia. Do đó, đây cũng là thời điểm phù hợp để Việt Nam tận dụng những lợi thế để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, việc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh đã được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó phải kể đến là những nỗ lực kêu gọi đầu tư cho các hành động khí hậu, thu hút nguồn tài chính xanh từ Hội nghị COP26, đáng chú ý là thu hút nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ về đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, mặc dù có cơ hội và tiềm năng lớn, song tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn, trong đó nổi lên là những khó khăn, thách thức như sự thiếu đồng bộ, chặt chẽ của hành lang pháp lý cho tăng trưởng xanh, chưa đảm bảo hài hòa giữa điều kiện quốc nội và tiêu chuẩn quốc tế, trong đó thiếu một hệ thống phân loại xanh quốc gia hoàn chỉnh, làm cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án thí điểm xanh.

Nhận thức về nhận thức về vai trò cũng như lợi ích của tăng trưởng xanh vẫn còn hạn chế; hoạt động giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm đề ra các cơ chế, chính sách khả thi đối diện với nhiều thách thức; nguồn lực dành cho cho tăng trưởng xanh còn hạn chế, trong đó nguồn ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công chưa đóng vai trò “vốn mồi”, làm đòn bẩy thúc đẩy huy động đầu tư tư nhân xanh.

Nhằm đảm bảo thúc đẩy triển khai thực hiện đúng tiến độ các mục tiêu đề ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đồng thời kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề quan trọng, liên ngành trong triển khai thực hiện tăng trưởng xanh, căn cứ Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu một số đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ đặt ra.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: VGP

Tại phiên họp, các đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan thảo luận về Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của một số ngành; Tình hình triển khai huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Các ý kiến tham gia thảo luận, tham luận để đi đến thống nhất đánh giá, ghi nhận kết quả triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đề ra Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo năm 2023.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến phát biểu và nhấn mạnh đến các nội dung cần tập trung triển khai thực hiện tăng trưởng xanh trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo. Theo đó, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó chú trọng tăng cường các giải pháp mang tính liên ngành, liên vùng trong các nhiệm vụ tăng trưởng xanh của các bộ, ngành và địa phương.

Về một số lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng xanh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần xác định một số dự án thí điểm mang tính liên ngành như pháp luật, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, làm cơ sở cho các lĩnh vực mũi nhọn về năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, một số lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn như nông nghiệp, giao thông, năng lượng hóa thạch… trong tương lai.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng bộ công cụ, tiêu chí, quy chuẩn có tính pháp lý để phân loại, đánh giá hiệu quả, khuyến khích, giám sát các hoạt động tăng trưởng xanh về kinh tế, môi trường, xã hội… hình thành nhận thức, văn hóa, đạo đức xã hội đối với tăng trưởng xanh.

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan căn cứ nội dung Chiến lược, chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược theo thẩm quyền, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo cấp tương ứng.

Tăng cường công tác thúc đẩy huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh; Các bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ động thúc đẩy các hoạt động huy động nguồn lực theo nhiệm vụ được phân công cụ thể tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực nghiên cứu, xây dựng, triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành và địa phương làm tiền đề để xây dựng lộ trình gắn kết các mục tiêu tăng trưởng xanh với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” của Việt Nam vào năm 2050. Đồng thời lưu ý vai trò quan trọng của kinh tế số trong dẫn dắt phát triển xanh, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế giúp giảm áp lực lên tài nguyên, môi trường./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 344
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)