Theo tài liệu số 698/BC-BKHĐT ngày 28 tháng 01 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 29/01/2013)
1. Về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
- Về giá cả và lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2013 tăng 1,25% so với tháng 12/2012 (tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước), ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trước[1]; trong đó: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,4% (riêng dịch vụ y tế tăng 9,5%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,34% (thực phẩm tăng 1,96%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,3%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
CPI tháng 01 tăng chủ yếu do: (1) Việc điều chỉnh viện phí: Trong tháng 01 đã có 10 tỉnh[2] thực hiện giá dịch vụ y tế mới; (2) Nguồn cung bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc, những khó khăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thời gian qua cùng với tâm lý tăng giá trong dịp giáp Tết Nguyên đán đã góp phần làm tăng giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhất là thực phẩm; (3) Nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép trong dịp Tết cũng góp phần đẩy giá các mặt hàng này tăng cao.
-Về thu chi NSNN:Trong 15 ngày đầu tháng 01/2013, tổng thu NSNN ước đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 3,1% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 33,85 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán.
- Về xuất, nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2013 ước đạt 10,1 tỷ USD, giảm gần 2,5% so với tháng trước nhưng tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực có vốn ĐTNN (không kể dầu thô) tăng 48,8%. Kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2013 ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng khoảng 0,4% so với tháng trước và tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 01/2013 xuất siêu khoảng 200 triệu USD, bằng xấp xỉ 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức khá cao.
-Vốn đầu tư từ NSNN giải ngân lũy kế từ đầu năm đến 15/01/2013 ước đạt trên 5 nghìn tỷ đồng, bằng 2,9% kế hoạch năm. Trong tháng 01/2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012; vốn ODA giải ngân ước đạt 100 triệu USD, bằng 2,2% kế hoạch (có 4 dự án được ký kết với tổng trị giá là 187 triệu USD).
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- Sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2013 giảm 3,2% so với tháng trước nhưng tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:công nghiệp khai khoáng tăng 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạotăng26,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 20,7%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,3%.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số IIP tăng mạnh so với cùng kỳ: Sản xuất hàng may sẵn tăng 49,1%; sản xuất giày dép tăng 52,5%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 52,6%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 23,6%;…
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tháng 01/2013, các địa phương tập trung tập trung gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân và gieo trồng cây vụ đông. Tính đến ngày 15/01/2013, cả nước đã gieo cấy khoảng 1.943 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 4,6% so với cùng kỳ; riêng các tỉnh miền Bắc chỉ đạt 59 nghìn ha, bằng 65,6% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh kéo dài, trời rét đậm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm đang dần đi vào ổn định, chuẩn bị nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, rét đậm, rét hại kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến chăm sóc và sinh trưởng của đàn gia súc, gia cầm: Ước tính số lượng trâu, bò giảm khoảng 4%; đàn lợn giảm khoảng 1-2%; gia cầm giảm khoảng 2-3% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong tháng ước đạt 376,1 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: nuôi trồng ước giảm 0,8%; khai thác ước tăng 6,9%.
- Khu vực dịch vụ: Trong tháng 01/2013, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 209,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2012; vận tải hàng hóa tăng 9,6%; luân chuyển hàng hóa tăng 4,4%; vận chuyển hành khách tăng 12,5%; luân chuyển hành khách tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 6% so với tháng trước và tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2012.
3. Về an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác
- Về lao động việc làm: Trong tháng 01/2013, ước tạo việc làm khoảng 130 nghìn lao động, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 7 nghìn người.
- Về trật tự an toàn giao thông: Từ ngày 16/12/2012 đến 15/01/2013, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 972 vụ tai nạn giao thông, làm chết 890 người và làm bị thương 580 người. So với tháng 12/2012, số vụ tai nạn giao thông tăng 3,85%, số người chết tăng 3,97% và số người bị thương giảm 6,3%. Tuy nhiên, so với tháng cùng kỳ năm 2012, số vụ tai nạn giao thông giảm 6,18%, số người chết giảm 4,30%, số người bị thương giảm 23,98%.
- Công tác phòng chống cháy nổ: Trong tháng 01/2013, trên phạm vi cả nước xảy ra 182 vụ cháy, nổ, tăng 9,64% so với tháng trước, trong đó: xảy ra 180 vụ cháy, tăng 11,8% so với tháng trước, làm chết 9 người, bị thương 9 người, thiệt hại ước tính 25 tỷ đồng; xảy ra 2 vụ nổ, làm chết 2 người, bị thương 5 người.
- Công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục được quan tâm: Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tích cực và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: xuất cấp (không thu tiền) 18.999 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết nguyên đán và giáp hạt năm 2013 theo Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 18/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai các biện pháp hữu hiệu phòng chống rét đậm, rét hại, giảm thiệt hại về gia súc, gia cầm và sản xuất nông nghiệp;...
Đánh giá chung, trong tháng, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả bước đầu. Lãi suất tín dụng giảm góp phần hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng đã đem lại hiệu quả, giá vàng giảm, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,25% so với tháng trước là mức tăng trung bình so với cùng kỳ các năm trước, nếu không tính các biện pháp hành chính (tăng giá dịch vụ y tế của 10 địa phương) thì mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 còn thấp hơn nhiều. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, nhập khẩu được cải thiện, có xuất siêu. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển; hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ nhưng tồn kho vẫn ở mức cao.Vốn FDI thực hiện và đăng ký mới tăng so với cùng kỳ. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thắt chặt; công tác bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường;… bảo đảm cho người dân đón Tết vui Xuân an toàn, lành mạnh và đậm nét văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, trong tháng, rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán cục bộ tại một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn cung rau quả, thực phẩm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh trên người và ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn nhiều bức xúc./.
[1] So với tháng 12 năm trước, CPI tháng 01 từ năm 2003-2013 lần lượt: 0,9%; 1,1%; 1,1%; 1,2%; 1,05%; 2,38%; 0,32%; 1,36%; 1,74%; 1,0% và 1,25%.
[2] Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Bình Dương, Tiền Giang.
File đính kèm: BCChinhphu T1.13.pdf
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư