Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/01/2013-09:21:00 AM
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu ngành công nghiệp tháng 01 năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 01 năm 2013
1. Tình hình chung:
Ước tháng 1 năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (tính theo năm gốc 2010 tăng 21,1% so với năm 2011 (ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,3%; sản xuất, phân phối điện tăng 20,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 10,3%).
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 3,4%; khai thác và thu gom than cứng tăng 6,7%; chế biến, bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 13,4%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 8,6%; sản xuất bia tăng 14,3%; sản xuất sợi tăng 30,1%; sản xuất phân bón tăng 66,6%; Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 50,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 52,6%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 93,6%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 20,7%; sản xuất giấy nhăn, bì nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 40,1%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác tăng 32,2%;...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012 như sau: than đá ước đạt 3,7 triệu tấn, tăng 10,6%; dầu thô khai thác ước đạt 1,4 triệu tấn, đạt 99,5% so với cùng kỳ; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 900 triệu m3, tăng 23,7%; khí hóa lỏng (LPG) đạt 67 nghìn tấn, giảm 2,8%; bia các loại đạt 195,9 triệu lít, tăng 14,8%; xi măng đạt 5,1 triệu tấn, tăng 60,7%; sắt, thép thô ước đạt 276,7 nghìn tấn, tăng 29,7%; thép cán ước đạt 224,5 nghìn tấn, tăng 46,1%; thép thanh, thép góc ước đạt 268,5 nghìn tấn, tăng 31%; điện sản xuất ước đạt 9,8 tỷ KWh, tăng 25,7%; ô tô ước đạt 7,4 nghìn chiếc, tăng 3,4%;... Nguyên nhân tăng cao so với cùng kỳ là do cùng kỳ năm 2012 là thời điểm tết nguyên đán.
3. Tình hình tồn khocủa một sốngành
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2013, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3% so với tháng 12/2012 và tăng 21,5% so với cùng kỳ. Tuy tồn kho cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ nhưng tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị đón tết như: sản xuất bia tăng 19,5% so với cùng kỳ; sản xuất đường tăng 18,2%; sản xuất thuốc lá tăng 19,1%; ngoài ra, may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 23,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 9,4%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 20,7%... Tuy nhiên, một số ngành tồn kho giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ như: sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 9%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 0,4%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 23,6%;...
4. Tình hình xuất nhập khẩu tháng 01 năm 2013
a. Tình hình xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 01 năm 2013 ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 5.900 tr USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao so với cùng kỳ là do cùng kỳ năm 2012 là thời điểm tết nguyên đán.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ như sau: dầu thô ước đạt 844 nghìn tấn, tăng 45,8%; than đá đạt 800 nghìn tấn, tăng 17,1%; hàng dệt may đạt 1,35 tỷ USD, tăng 28,4%; hàng dày dép đạt 730 tr USD, tăng 35,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 820 tr USD, tăng 94,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 400 tr USD, tăng 25,4%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,5 tỷ USD, tăng 105,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 350 tr USD, tăng 6,1%; hóa chất đạt 30 triệu USD, tăng 25%; sản phẩm nhựa đạt 140 tr USD, tăng 43,6%; cao su đạt 100 nghìn tấn, tăng 42,9%; sắt thép đạt 200 nghìn tấn, tăng 72,4% so với cùng kỳ.
Chỉ có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xăng dầu các loại đạt 100 nghìn tấn, giảm 46,4% so với cùng kỳ.
b. Tình hình nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 01 năm 2013 đạt 9.900 triệu USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 5.550 triệu USD, tăng 52,7% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như: xăng dầu các loại đạt 450 nghìn tấn, giảm 21,9% so với cùng kỳ; khí đốt hóa lỏng đạt 30 nghìn tấn, giảm 58,6%; ô tô nguyên chiếc đạt 2000 chiếc, giảm 27,2%; xe máy nguyên chiếc giảm 43,2% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng so với cùng kỳ như: giấy các loại đạt 120 nghìn tấn, tăng 94,5%; bông các loại đạt 45 nghìn tấn, tăng 152,8%; nguyên phụ liệu dệt may da tăng 49,7%; sắt thép các loại đạt 600 nghìn tấn, tăng 19,6%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 1,4 tỷ USD, tăng 76,8%; phân bón các loại đạt 280 nghìn tấn, tăng 71,8%; linh kiện phụ tùng ô tô tăng 46,1%.
5. Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ:
- Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 320/QĐ-BCT ngày 17/01/2013 về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, theo đó: đề nghị Các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động và tích cực góp phần vào sự nghiệp chung của toàn ngành nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013, với mục tiêu tổng quát là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”. Mục tiêu này được cụ thể hóa thành một số chỉ tiêu chủ yếu, trong đó liên quan đến ngành Công Thương bao gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp hơn năm 2012.
- Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 17/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, Công ty, các Sở Công Thương khẩn trương tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như sau:
a) Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ
b) Giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển
Tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia theo đúng quy định.
Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch của các chủ đầu tư, khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu và trong khâu nghiệm thu, thanh toán vốn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trên cơ sở tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng chủ động tích cực, bảo đảm hiệu quả. Có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước, sớm ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác. Thực hiện phê duyệt sớm các đề án xúc tiến thương mại ngoài nước năm 2013;
- Nắm bắt, cập nhật tình hình thị trường, bổ sung kịp thời các đề án có hiệu quả, xây dựng phương án hỗ trợ bổ sung, trong đó tập trung để mở rộng thị trường có tiềm năng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Nâng cao hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, xây dựng phương án cụ thể phù hợp với từng địa bàn, mặt hàng, đối tượng (cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển quốc tế; tuyến hàng không - bưu điện quốc tế; tuyến đường vận chuyển hàng hoá tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; phương tiện vận tải, hành khách quá cảnh). Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, hàng hoá xuất nhập khẩu vào khu phi thuế quan, hàng xách tay để ngăn chặn gian lận thương mại, trốn thuế.
- Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón…
- Theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước, thế giới để chủ động dự báo và có các biện pháp điều hành phù hợp. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ bằng nhiều hình thức thích hợp, bảo đảm tính khách quan, trung thực nhằm tạo sự đồng thuận xã hội; tăng cường công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về các vấn đề được xã hội quan tâm.
6.Về các giải pháp, kiến nghị:
a. Tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện quyết liệt Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2013về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Bộ Công thương cần thực hiện các giải pháp tập trung giải quyết vấn đề hàng hóa kém chất lượng, hàng lậu, đây là yếu tố quan trọng giúp sản xuất trong nước tồn tại và phát triển.
Mặt khác, bảo đảm hàng hóa phục vụ tết, kiểm soát giá cả hàng hóa ngay từ đầu năm, bảo đảm đủ hàng và thực hiện hàng hóa bình ổn.
b. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thông qua một số giải pháp:
Rà soát lại Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, đánh giá cụ thể và đưa ra các ngành công nghiệp mũi nhọn, đồng thời, xây dựng các chính sách ưu đãi để hỗ trợ đầu tư sản xuất.
Nâng cao vai trò doanh nghiệp nhà nước thông qua việc nâng cao chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công thương; đề nghị các doanh nghiệp nhà nước công khai, minh bạch giá cả, tài chính, đồng thời, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, tiết kiệm nhiên liệu xăng dầu, điện, than.
Tiếp tục giữ mức thuế cao đối với việc xuất khẩu khoáng sản thô chưa qua chế biến (bao gồm cả tinh quặng) để tăng thu ngân sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn chế biến sâu khoáng sản.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm đầu ra có chất lượng và giá trị gia tăng cao để tạo đà phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại./.

File đính kèm:
BCKTCongnghiepT1.13.pdf

Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3218
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)