Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/01/2013-10:03:00 AM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các ngành thương mại – dịch vụ tháng 1 năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 01 năm 2013
Tổng quan
Những thông tin tích cực từ các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc là những nhân tố chính tác động tới thị trường hàng hóa thế giới tháng 01/2013. Giá hầu hết các hàng hóa thiết yếu (dầu thô, bột giấy, sữa bột, thức ăn chăn nuôi...) có xu hướng tăng nhẹ do dự báo nhu cầu tăng trong năm 2013. Bên cạnh đó, giá một số hàng hóa (phân bón, gạo, phôi thép, đường…) có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ so với tháng 12.
Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ dao động quanh mức 95 USD/thùng (18/1); dầu Brent trên thị trường London ở mức 111,8 USD/thùng (18/1) nguyên nhân do IEA đã nâng dự báo triển vọng tiêu thụ dầu thô toàn cầu trong năm 2013 thêm 240.000 thùng/ngày, lên mức 90,8 triệu thùng/ngày, với lý do nhu cầu tại Trung Quốc tăng cao; giá chào gạo 100% B Thái Lan giảm nhẹ mức 560-570 USD/tấn, FOB (16/1 thị trường Đông Nam Á); gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng nhẹ lên 405 – 415USD/tấn, FOB (16/1); giá phân bón Urê tại thị trường Yuzhnyy giảm nhẹ, ở mức 375 – 390 USD/tấn (7/1); giá đường giao kỳ hạn tại London ở mức 499 USD/tấn (19/1).
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 1 NĂM 2013
1. Tình hình phát triển ngành dịch vụ
Trong tháng 1 năm 2013 ước tính có gần 652 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam (tăng khoảng 6% so với tháng 12 năm 2012, và tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó cógần 397 nghìn lượt khách đi du lịch, nghỉ ngơi (tăng 5,6% so với tháng 12 năm 2012, và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2012); 111 nghìn lượt đi vì mục đích công việc (tăng 3,2% so với tháng 12 năm 2012, và chỉ tăng 0,9so với cùng kỳ năm 2012); 111,6 nghìn lượt khách đi thăm thân nhân (tăng 8,8% so với tháng 12 năm 2012, nhưng giảm 7% so với cùng kỳ năm 2012); và 31 nghìn lượt khách đến với mục đích khác (giảm 7,8% so với cùng kỳ). Nguyên nhân sự sụt giảm của số lượt khách thăm thân nhân, tháng 1 năm 2013 là đúng dịp tết Nguyên đán.
Trong tháng 1/2013, khách đến từ một số thị trường có sự tăng mạnh so với tháng trước như khách đến từ Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Niu-Di-Lân, Ý(tăng trên 150%), khách từ Hàn Quốc, Inđônêsia, Canada, Úc, Thụy Sĩ (tăng từ 130-150%), một số thị trường có sự giảm nhẹ như Đài Loan, Nhật bản, Thái Lan ...
Cũng trong tháng 01năm 2013 nhân dịp Tết dương lịch, Chính phủ có chủ trương cho phép nghỉ nối các ngày cuối tuần với ngày nghỉ Tết và làm bù vào ngày thứ 7 tiếp theo, do đó cũng góp phần gia tăng lượng khách du lịch trong nước. Trong tháng 1/2013, ước có khoảng 3 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2012 và tháng 1/2013, có thể đặt ra kế hoạch cho ngành du lịch năm 2013 với 7,2 triệu lượt khách quốc tế (tăng khoảng 5,2% so với năm 2012) và khoảng 35 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 9%).
Nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước, trong năm 2013, ngành du lịch và các tỉnh/thành phố, dự kiến sẽ tổ chức nhiều sự kiện như năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2013, hội chợ hoa tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2013, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – năm 2013, Carnaval Hạ Long 2013, Fesstival nghề truyền thống Huế lần thứ 5, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Hội chợ Du lịch biển quốc tế Nha Trang – Việt Nam 2013, Festival biển Nha Trang 2013, Festival - Hành trình di sản Quảng Nam năm 2013, Triển lãm Du lịch quốc tế ITE Hồ Chí Minh.
2. Về xuất, nhập khẩu
a. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 1 năm 2013 đạt 10,1 tỷ USD, tăng 43,2%so với tháng 1 năm 2012; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 48,8%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 1 năm 2013 so với tháng 1 năm trước: dầu thô ước đạt 844 ngàn tấn, tăng 45,8% về lượng và tăng 35,8% về kim ngạch; than đá ước đạt gần 800 ngàn tấn, tăng 17,1% về lượng và giảm 22,9% về kim ngạch; dệt may đạt 1,35 tỷ USD, tăng 28,4%; da giày đạt 730 triệu USD, tăng 35,8%; gỗ và sản phẩm gỗ 420 triệu USD, tăng 50,3%; điện thoại các loại và linh kiện 1,5 tỷ USD, tăng 105,5%; linh kiện điện tử đạt 820 triệu USD, tăng 94,9%; thuỷ sản 420 triệu USD, tăng 20,6%; cao su 100 ngàn tấn, tăng 43% về lượng và tăng 39,3% về kim ngạch; gạo 400 ngàn tấn, tăng 57,2% về lượng và tăng 24,8% về kim ngạch; cà phê 200 ngàn tấn, tăng 70% về lượng và tăng 68,8% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu tháng 1 năm 2013, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 41% và chiếm tỷ trọng 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 51,8% và chiếm tỷ trọng 19,9%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 44,7% và chiếm tỷ trọng 14%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 20% và chiếm tỷ trọng 10,4%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 54% và chiếm tỷ trọng 10,5%.
b. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 năm 2013 ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 42,3%so với tháng 1 năm 2012, trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,55 tỷ USD, tăng 52,7%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 1 năm 2013 so với tháng 1 năm trước như sau: xăng dầu 450 nghìn tấn, giảm 21,9% về lượng và giảm 25% về kim ngạch; sắt thép các loại 600 nghìn tấn, tăng 19,6% về lượng và tăng 11,1% về kim ngạch; phân bón 280 nghìn tấn, tăng 72% về lượng và tăng 55,8% về kim ngạch; giấy các loại 120 nghìn tấn, tăng 94,5% về lượng và tăng 63,5% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 250 nghìn tấn, tăng 54,2% về lượng và tăng 51,8% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 1,4 tỷ USD, tăng 41,7%; máy tính và linh kiện 1,4 tỷ USD, tăng 76,7%; vải đạt 600 triệu USD, tăng 52,5%; nguyên phụ liệu dệt may 250 triệu USD, tăng 49,7%...
Tháng 1 năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 59%, tỷ trọng ước đạt 26,6%), ASEAN (tăng 24,1%, tỷ trọng 16,5%), Hàn Quốc (tăng 42,8%, chiếm tỷ trọng 14,6%), Nhật Bản (tăng 45,2%, chiếm tỷ trọng 9,6%) và EU (tăng 56,6%, chiếm tỷ trọng 8,6%).
Tháng 1 năm 2013, cả nước xuất siêu 200 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn với các nước/khối nước như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1 Tình hình thị trường trong nước
Nhu cầu về hàng hóa dịch vụ thời gian trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ tăng; sức mua có khả năng thanh toán của các tầng lớp dân cư trong dịp này cũng tăng do tiền thưởng Tết, lượng kiều hối chuyển về cũng tăng mạnh, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Việt Kiều về quê ăn Tết tăng … Tình hình đó làm cho quỹ tiêu dùng xã hội tăng, là nhân tố chính gây sức ép lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, thị trường tháng 01/2013 cũng có các yếu tố tác động góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế tăng giá, như: cân đối cung – cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững; các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang tích cực triển khai thực hiện công tác bình ổn giá trong dịp Tết Quý Tỵ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012; Thông báo số 386/TB-VPCP ngày 22/11/2012 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình chuẩn bị hàng hoá cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 2/11/2012 của Bộ Tài chính về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và tết Nguyên Đán Quý Tỵ năm 2013...
Từ các yếu tố trên, giá thị trường tháng 01/2013 tăng theo xu thế chung vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên Đán (nhất là Nhóm hàng Ăn và dịch vụ ăn uống, Nhóm đồ uống và thuốc lá; Nhà ở và vật liệu xây dựng, Giao thông, Văn hóa thể thao giải trí); tuy nhiên, sẽ không xảy ra tăng giá đột biến lớn.
Công tác chuẩn bị Tết:. Tới nay, đã có 53/63 địa phương có báo cáo về Bộ Công Thương về kế hoạch chuẩn bị Tết, đặc biệt có nhiều địa phương triển khai chương trình dự trữ hàng bình ổn thị trường trong dịp Tết (có 27 địa phương có kế hoạch hoặc đang triển khai chương trình bình ổn với số vốn được hỗ trợ ước khoảng 1.340 tỷ đồng). Nhiều doanh nghiệp, địa phương đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên 10 – 15% so với dịp Tết năm ngoái.Ngoài lượng hàng dự trữ được vay vốn ưu đãi, nhằm góp phần bình ổn thị trường, lượng hàng được các doanh nghiệp chuẩn bị trong dịp Tết lớn hơn nhiều so với số vốn được vay ưu đãi, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Theo báo cáo của các địa phương, ước tính lượng hàng chuẩn bị phục vụ Tết đạt khoảng 180 nghìn tỷ đồng (trong đó lượng hàng tiêu thụ dự kiến tăng 20 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, nhiều địa phương đang tổ chức đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có kế hoạch tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, tăng thời gian phục vụ vào thời điểm cận Tết và mở cửa phục vụ sớm trong Tết nhằm bảo đảm hàng hóa cung ứng kịp thời tới tay người tiêu dùng.
3.2. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 1 ước đạt 209.526 tỷ đồng, tăng 2,15% so với tháng 12/2012và tăng 8,11% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 47,6%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 37,3 % và 10,7 %. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,1%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,3%.
Phân theo ngành kinh tế, thương nghiệp chiếm tỷ trọng 76,5%; khách sạn nhà hàng chiếm 12%; du lịch chiếm 0,8%; dịch vụ chiếm 10,7%.
3.3. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 ước tăng khoảng 1,25% so với tháng 12/2012, trong đó mhóm tăng nhiều nhất trong tháng 1 là dịch vụ y tế, thực phẩm và may mặc do nhu cầu tiêu dùng dịp Tết tăng cao.
3.4. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a. Lương thực
- Thế giới: Giao dịch gạo trong tháng 1/2013 trầm lắng do nhu cầu yếu và tồn kho ở mức cao. giá chào gạo xuất khẩu của Thái Lan hiện phổ biến ở mức: tại Thái Lan, gạo 100%B là 560-570 USD/tấn. Riêng Việt Nam, giá chào gạo tăng nhẹ, dao động quanh mức: 405 – 415 USD/tấn, FOB (đối với gạo 5% tấm).
- Trong nước: Mặc dù nguồn cung không tăng, nhưng nhu cầu đang ở mức thấp và chịu tác động từ thị trường xuất khẩu nên giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục giảm nhẹ. Tại miền Bắc, giá các loại gạo chất lượng cao và gạo nếp tăng nhẹ. Giá lúa gạo trong tháng hiện phổ biến ở mức:
+ Phía Bắc: 7.000-7.500 đ/kg (lúa tẻ thường) và 12.000 - 13.400 đ/kg (gạo tẻ thường), ổn định so với tháng trước.
+ Phía Nam: 5.350 - 5.800 đ/kg (lúa tẻ thường), giảm 100-150 đ/kgvà 7.400 - 8.200 đ/kg (gạo tẻ thường), giảm 400 đ/kg, tùy chất lượng và địa phương.
Về sản xuất, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến cuối tháng 12, các tỉnh miền Bắc đã thu hoạch xong lúa mùa với tổng diện tích thu hoạch đạt khoảng 1.140,2 nghìn ha; các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống vụ Thu đông được 760/600 nghìn ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được 660 nghìn ha, năng suất bình quân 5 tấn/ha, ước sản lượng cả vụ đạt 3,75 triệu tấn lúa. Vụ Đông xuân 2012-2013 đã xuống giống được 75% diện tích kế hoạch, ước thu hoạch vào tháng 2/2013.
Về xuất khẩu, tính đến 22/01/2013 cả nước đã xuất được 400.000 tấn, đạt giá trị khoảng 182 triệu USD.
b. Thực phẩm
Rau, củ quả: Giá các mặt hàng rau, củ, quả tiếp tục có xu hướng tăng do thời tiết chuyển mùa làm nguồn cung rau bị hạn chế, giá một số mặt hàng tăng khoảng 10 - 15% so với tháng trước. Cụ thể: xu hào từ 2.000-3.000/củ, bắp cải từ 2.000-3.000đồng/kg, khoai tây từ 2.000-3.000đ/kg, rau cải tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/mớ, cải xoong tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/mớ, rau cần tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, dưa chuột tăng từ 2.000 -3.000 đồng/kg...
Thực phẩm tươi sống: Do các hộ chăn nuôi trữ hàng cho dịp Tết nên nguồn cung giảm nhẹ, giá thực phẩm tươi sống tăng so với tháng trước.
Giá thịt lợn: Giá thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng tăng khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng trước (miền Bắc dao động ở mức 44.000 – 48.000 đồng/kg, miền Nam ở mức 42.000 – 46.000 đồng/kg). Tuy nhiên giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường chỉ tăng nhẹ so với tháng trước, hiện phổ biến ở mức:
Lợn hơi (đ/kg)
Lợn mông sấn (đ/kg)
Miền Bắc
44.000 - 48.000
85.000 - 95.000
Miền Nam
42.000 - 46.000
80.000 - 90.000
Giá thịt bò và gia cầm tăng nhẹ (5.000 – 10.000 đ/kg), phổ biến ở mức: thịt gà ta từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp làm sẵn từ 55.000 - 75.000 đồng/kg, giá thịt bò ở mức 190.000 - 230.000 đồng/kg (tùy từng loại). Giá mặt hàng thủy, hải sản cũng tăng nhẹ: trong đó tôm sú loại lớn (30 con/kg) có giá 180.000 đồng/kg, tôm sú loại nhỏ (40 con/kg) có giá 160.000 đồng/kg; Các loại cá cũng tăng giá, mức tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng đầu gia súc, gia cầm đến ngày 01 tháng 10 năm 2012 là: tổng đàn lợn cả nước đạt 26,5 triệu con, giảm 2,08% so với cùng kỳ 2011; tổng đàn gia cầm đạt 308,5 triệu con, giảm 4,37% so với cùng kỳ 2011; tổng đàn trâu đạt 2,63 triệu con, giảm 3,1% so với cùng kỳ 2011; tổng đàn bò thịt, đạt 5,03 triệu con, giảm 4,45% so với cùng kỳ 2011; tổng đàn bò sữa cả nước đạt gần 167 ngàn con, tăng hơn 17,0% so với cùng kỳ 2011.
Tình hình dịch bệnh:Theo Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 21 tháng 12 năm 2012 cả nước đã không còn tỉnh nào có dịchtai xanh trên lợn chưa qua 21 ngày.
c. Xăng dầu
- Thế giới:
Tháng 1/2013: Thị trường dầu thô thế giới tăng nhẹ do dự báo nhu cầu tăng trong năm 2013. Giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường New York giao dịch phổ biến trong khoảng 89–95USD/thùng, hiện đang giao dịch ở mức 95,1USD/thùng (22/01). Giá dầu Brent cũng có xu hướng ổn định và giảm nhẹ từ 112,5 xuống 111,88 USD/thùng , hiện giao dịch ở mức 111,88 USD/thùng (22/01).
Tại thị trường trong nước:Trên cơ sở diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây và căn cứ đăng ký giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối; sau khi thống nhất với Bộ Công Thương; Bộ Tài chính có công văn số 807/BTC-QLG ngày 15/01/2013 gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về điều hành giá xăng dầu tháng 01/2013 không tăng giá; giữ ổn định giá bán, mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các chủng loại xăng dầu như hiện hành.
+ Mặt hàng khí hóa lỏng (LPG)
LPG thế giới và Việt Nam trong năm 2013 được dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, dự báo tình hình kinh tế nước ta vẫn còn khó khăn, dự kiến mức tăng trưởng nhu cầu của thị trường trong năm 2013 sẽ không biến động nhiều so với năm 2012, khoảng 1,275 triệu tấn.
Trong năm 2013, chưa có dự án sản xuất LPG mới đi hoạt động, do vậy LPG sản xuất trong nước vẫn chỉ do 02 nhà Dinh Cố và Dung Quất, với sản lượng khoảng 640.000 tấn, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường, 50% nhu cầu còn lại của thị trường tiếp tục dựa vào nguồn LPG nhập khẩu.
Mức giá bán LPG trong nước được điều chỉnh giảm từ 10.560 đồng - 12.000 đồng/bình 12kg tùy từng doanh nghiệp, thời gian thực hiện từ 01/12/2012. Tuy nhiên đến ngày 01/01/2013 giá Gas tiếp tục được Saigon Petroxem xét giảmthêm 7.000 đồng/bình 12kg. Mức giá đăng ký giảm được Bộ Tài chính đánh giácơ bản phù hợp với mức giảm giáLPG trên thị trường thế giới.
Theo đó, với mức giảm tương ứng là 583 đồng/kg so với đầu tháng 12/2012, giá gas của Saigon Petro tới tay người tiêu dùng khu vực Tp.HCM là 422.000 đồng/bình 12kg. Khu vực Hà Nội bình quân 444.000đ/bình 12kg; giảm 11.400 đ/bình (giảm 2,5% so vớitháng 12/2012).
Việc điều chỉnh giảm giá bán lần này được Saigon Petro lý giải là do giá gas thế giới trong tháng đã giảm 25 USD/tấn so với đầu tháng 11/2012, xuống còn 955 USD/tấn.
Dự báo giá bán lẻ trong nước trong tháng 2/2013 có xu hướng tăng nhẹ nhưng không đột biến.
d. Thép xây dựng
Tháng 1/2013:Theo Hiệp hội Thép sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng đều giảm mạnh so với tháng trước. Cụ thể: ước lượng thép xây dựng sản xuất tháng 1 đạt 380.000 tấn; Ước lượng thép tiêu thụ đạt 330.000 tấn; Ước tồn thép thành phẩm là 385.000 tấn.
- Nhập khẩu: ước nhập khẩu thép các loại trong tháng 1/2013 đạt 650.000 tấn, giá trị đạt khoảng 460 triệu USD.
- Về giá bán: Giá nguyên liệu tại thị trường Đông Nam Á trong tháng 1 vẫn giữ ổn định so với cuối tháng 12. Hiện giá chào thép phế hàng cont loại HMS 1/2 80:20 ở mức 370 – 390 USD/tấn CFR Đông Nam Á, và giá chào phôi thép hiện ở mức 570 – 575 USD/tấn CFR Đông Nam Á.
Tình hình tiêu thụ thép xây dựng trên thị trường nội địa tháng 1/2013 khá chậm, chủ yếu do các đơn vị thương mại đã tập trung lấy hàng trong những tháng trước nên tháng này chỉ tập trung tiêu thụ hàng tồn kho; đồng thời đây cũng đang là thời điểm cuối năm, các đơn vị thương mại tập trung vào công tác thu hồi công nợ nên tình hình kinh doanh cũng chậm hơn. Do sức tiêu thụ yếu, nên hầu hết các đơn vị sản xuất đều chọn giải pháp cắt giảm công suất và điều chỉnh giảm giá bán.
Nhìn chung, giá niêm yết giảm từ 100.000 – 800.000 đồng/tấn, còn giá bán đầu nguồn thực tế tùy theo quy cách, chủng loại sản phẩm, tùy theo khu vực và nhà sản xuất thì giảm từ 100.000 – 500.000 đồng/tấn.
Hiện giá bán niêm yết (chưa VAT, chưa trừ chiết khấu) của các đơn vị trực thuộc và liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam ở mức: tại miền Bắc: Thép cây phổ biến từ 13,55 – 14,65 triệu đồng/tấn; Thép cuộn phổ biến từ 13,7 – 14,65 triệu đồng/tấn; tại miền Nam: Thép cây ở mức từ 16,32 – 16,97 triệu đồng/tấn; Thép cuộn ở mức từ 16,32 – 16,61 triệu đồng/tấn. Giá bán đầu nguồn (chưa VAT) thực tế ở mức: tại miền Bắc từ 13,1 – 14,1 triệu đồng/tấn đối với thép cây và thép cuộn, tại miền Nam hiện phổ biến từ 13,5 – 14,2 triệu đồng/tấn đối với thép cây và từ 13,5 – 13,9 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn.
Giá bán lẻ tại các địa phương ổn định so với tháng trước. Cụ thể: tại miền Bắc từ 16,6 – 17,8 triệu đồng/tấn, tại miền Nam giá từ 17,0 – 18,0 triệu đồng/tấn.
e. Xi măng
- Sản xuất và tiêu thụ:Dự kiến sản xuất và tiêu thụ xi măng trong tháng 1 xấp xỉ tháng trước và gần bằng so với cùng kì năm trước. Theo Bộ Xây dựng:
+ Sản xuất: Ước lượng xi măng sản xuất tháng 1/2013 đạt 4,4 triệu tấn (TCT: 1,45 triệu tấn.
+ Tiêu thụ: Ước lượng xi măng tiêu thụ tháng 1/2013 đạt 4,3 triệu tấn (TCT: 1,45 triệu tấn.
+ Tồn kho cuối tháng 1: Xi măng: 0,65 triệu tấn, Clinker: 2,1 triệu tấn, tương đương so với tháng trước.
f. Phân bón
Tháng 1/2013:
- Thế giới: Nhu cầu phân bón tại các nước khu vực Châu Á bắt đầu tăng nên giá phân bón xuất khẩu tăng nhẹ tại hầu hết các thị trường Châu Á, tuy nhiên tại các thị trường khu vực Châu Âu và Trung Đông giá tương đối ổn định. Giá chào phân Urê ở mức: tại Yuzhnyy là 375-390 USD/tấn, FOB; tại Trung Đông là 400 USD/tấn, FOB (ổn định); tại Trung Quốc 385-395 USD/tấn, FOB.
- Trong nước: Nhu cầu phân bón tại các tỉnh phía Bắc cũng bắt đầu tăng cho cây vụ Đông và một số nơi gieo vụ Đông Xuân nhưng không nhiều; nhu cầu tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên đang tiếp tục trong thời kỳ cao điểm. Nguồn cung phân bón dồi dào và do có sự cạnh tranh giữa các Nhà sản xuất nên mặt hàng phân bón quan trọng như Urê tiếp tục ổn định đã tác động rất tích cực đến các mặt hàng phân bón khác. Mặc dù sản xuất trong nước đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước, tuy nhiên theo Tổng Cục Hải quan trong tháng 01/2013 các doanh nghiệp đã nhập khoảng 280.000 tấn, giá trị đạt 110 triệu USD.
Giá bán lẻ phân bón hiện phổ biến ở mức: Urê là 9.600-10.000 đ/kg (giảm 100đ/kg so với tháng trước); Kali 11.400-12.000 đ/kg (tăng 100đ/kg); DAP là 14.000-14.300 đ/kg (ổn định); NPK từ 11.300-11.700 đ/kg (ổn định).
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NGÀNH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ NĂM 2013
1. Về phát triển ngành du lịch
- Tập chung khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trọn gói các điểm, khu du lịch có quy mô lớn tổng hợp kết hợp với vừa và nhỏ, liên kết vùng tạo thành các tour và tuyến du lịch đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Khai thác có hiệu quả các Hiệp định đã ký kết hợp tác về du lịch với các nước, thúc đẩy ký kết một số hiệp định mới, phát huy mạnh mẽ các thị trường chính đã được Nhà nước cho phép miễn visa và nghiên cứu đề xuất Nhà nước mở thêm diện miễn visa ở một số thị trường chính trên cơ sở tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quảng bá tại các thị trường chính để thu hút khách đến Việt Nam, nơi đang được xem là điểm đến an toàn, thân thiện.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2013
Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng không hạn chế về khả năng sản xuất, dùng nhiều nguyên liệu trong nước. Tăng nguồn kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
- Khai thác chiều sâu, chiều rộng thị trường truyền thống cùng với thị trường có chung biên giới. Ðẩy mạnh công tác thông tin, dự báo với thị trường ngoài nước, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
3. Một số giải pháp điều hành và phát triển thị trường trong nước năm 2013
3.1. Giải pháp chung
- Các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
- Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Minh bạch, công khai hóa chi phí, giá sản xuất, tiêu thụ điện, than, xăng dầu, dịch vụ công. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước còn duyệt giá, những mặt hàng sản xuất theo đơn đặt hàng từ ngân sách nhà nước.
- Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định về quản lý giá. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý giá, lợi dụng tăng giá tùy tiện, trái pháp luật.
- Các Bộ, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá đối với các dịch vụ công chủ trì, phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp thực hiện lộ trình giá theo cơ chế thị trường; trong đó chú trọng dự báo tác động do biến động giá của các mặt hàng này đối với chỉ số giá tiêu dùng để có lộ trình, giải pháp phù hợp. Thực hiện cơ chế, chính sách thích hợp để giá các dịch vụ giáo dục, y tế từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường gắn với chính sách hỗ trợ hợp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Chủ động tổ chức, thực hiện các biện pháp phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương để bình ổn giá; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bảo đảm gắn với thực tiễn, hoạt động thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh thực thi có hiệu quả Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
+ Phối hợp với các Bộ: Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án về mức độ điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát như: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Các Bộ, cơ quan, địa phương hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin, truyền thông phổ biến, tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách; cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tiền tệ, giá cả, thị trường kịp thời, chính xác, đầy đủ, rõ ràng để các doanh nghiệp, nhân dân hiểu, tích cực ủng hộ và tham gia thực hiện.
3.2. Các giải pháp nhằm bảo đảm cung – cầu hàng hóa
- Nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường, dự báo đúng và sớm các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
- Các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá các mặt hàng trọng yếu đặc biệt là trong dịp tết Nguyên Đán 2013.
-Thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời và nghiêm minh các trường hợp vi phạm trong hoạt động thương mại.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép…
3.3. Các giải pháp nhằm bình ổn giá
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012; Thông báo số 386/TB-VPCP ngày 22/11/2012 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình chuẩn bị hàng hoá cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 2/11/2012 của Bộ Tài chính về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và tết Nguyên Đán Quý Tỵ năm 2013, đặc biệt chống hiện tượng hàng giả, hàng nhái và mất an toàn vệ sinh thực phẩm...
- Tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn giá, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hai thành phố có quyền số tính chỉ số giá lớn nhất trong cả nước, vì vậy, công tác bình ổn của hai thành phố này sẽ góp phần quyết định trong việc bình ổn giá trong phạm vi cả nước.
- Quản lý chặt chẽ việc cung cấp thông tin, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân, tạo biến động giá xấu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.4. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Liên Bộ Tài chính - Công Thương cần phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là trong và sau dịp tết Nguyên đán cũng như trong năm 2013.
- Chuẩn bị trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo hướng minh bạch hơn về giá bán lẻ xăng dầu các loại, tạo sự đồng thuận hơn của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân – doanh nghiệp và Chính phủ.
b) Sắt thép
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh được với thép kém chất lượng nhập từ nước ngoài.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép và hạn chế nhập siêu.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch và hạn chế nhập khẩu phân bón từ nước ngoài./.

File đính kèm:
BCKTDichvu T1.13.pdf

Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1323
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)