Ngày 17/9, Ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã công bố báo cáo “Hệ thống Theo dõi Tiến bộ Cộng đồng ASEAN (ACPMS) 2012,” trong đó nêu rõ những thành tựu và tiến bộ của các nước thành viên trong khu vực trong nỗ lực hội nhập hướng tới “Một Tầm nhìn - Một Bản sắc - Một Cộng đồng ASEAN” vào năm 2015.
Theo báo cáo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế tính theo đầu người của ASEAN đã tăng gần gấp đôi, từ 2.882 USD năm 2000 lên 5.581 USD năm 2011, trong đó đã có tính đến sự khác biệt về sức mua tương đương giữa các nước thành viên.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ đã diễn ra ở cả hai nhóm là ASEAN 6 (gồm sáu nước thành viên ban đầu của khối là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và các nước CLMV (gồm bốn nước thành viên gia nhập sau là Campuchia , Lào, Myanmar và Việt Nam).
Các nước CLMV đã đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, thu hẹp được khoảng cách với các nước ASEAN 6. Chênh lệch về mức tăng thu nhập bình quân đầu người (đã tính đến sức mua tương đương) giữa các nước ASEAN 6 và các nước CLMV được thu hẹp từ 3,4 lần năm 2000 xuống 2,6 lần năm 2011.
Thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nước thành viên đã tăng hơn gấp hai lần, từ 260,9 tỷ USD năm 2004 lên 598,2 tỷ USD năm 2011. Cùng kỳ, thương mại ASEAN với bên ngoài cũng tăng từ 428,1 tỷ USD lên 914,8 tỷ USD. Khoảng cách giữa các nước ASEAN 6 và các nước CLMV đã giảm.
Thương mại dịch vụ đã tăng nhanh chóng trong các lĩnh vực truyền thông, dịch vụ máy tính và thông tin, dịch vụ lữ hành và du lịch, dịch vụ kinh doanh, bản quyền và giấy phép.
Thương mại trong dịch vụ giao thông vận tải đã phục hồi từ sự suy giảm đáng kể trong năm 2008 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi đó.
Thâm hụt thương mại dịch vụ của ASEAN đã giảm 37%, từ khoảng 22 tỷ USD năm 2005 xuống còn chưa đầy 9 tỷ USD năm 2011.
Báo cáo nhấn mạnh ASEAN đã trở thành một điểm đến phổ biến của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và đã tăng hơn bốn lần, từ 21,81 tỷ USD năm 2000 lên 114,08 tỷ USD năm 2011. Cùng kỳ, FDI nội khối ASEAN cũng tăng từ 3,9% lên 23%.
Điều kiện sống ở các nước thành viên ASEAN được cải thiện với tỷ lệ số người nghèo có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày (tính theo sức mua tương đương) trong khối đã giảm, từ 45% năm 2000 xuống 16% năm 2011 ở các nước CLMV, và từ 29% xuống 15% ở các nước ASEAN 6.
Tiến bộ của khu vực ASEAN còn được thể hiện rõ nét qua Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Liên Hợp quốc, khi đã tăng từ 0.635 điểm năm 2005 lên 0,657 điểm năm 2010, trong đó sự chênh lệch cùng kỳ giữa các nước ASEAN 6 và các nước CLMV cũng được thu hẹp từ 25% xuống 23%.
Báo cáo ACPMS 2012 được Ban Thư ký ASEAN và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thực hiện trong khuôn khổ dự án "Xây dựng năng lực cho Ban Thư ký ASEAN" với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Đức./.