Ngày 27/8 tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei đã diễn ra Hội thảo chuyên đề về kết nối ASEAN lần thứ tư, với chủ đề “Hợp tác khu vực tư nhân đối với kết nối ASEAN,” tập trung vào vai trò của quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC).
Hội thảo đã dành ưu tiên thảo luận các vấn đề như tạo lập môi trường chính sách thuận lợi và khuôn khổ pháp lý cho PPP, các bài học thực tiễn về PPP từ các khu vực khác trên thế giới, và khai thác tiềm năng cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong các dự án Kết nối ASEAN.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã trao đổi về các biện pháp ASEAN cần và có thể thực hiện để tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi cho PPP ở mỗi nước thành viên.
Phát biểu khai mạc, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư khu vực tư nhân trong khu vực để giải quyết các yêu cầu tài chính không nhỏ cho các dự án Kết nối ASEAN.
Theo ông, thông qua PPP, chính phủ có thể làm việc với khu vực tư nhân để xóa bỏ khoảng cách tài trợ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và chất lượng cao. Ông cho rằng chính phủ các nước thành viên cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra môi trường thuận lợi cho PPP, thông qua đó sẽ nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho Chương trình Kết nối ASEAN của khối.
Phát biểu tại Hội thảo, Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei, Dato Lim Jock Hoi, đã chia sẻ với quan điểm của Tổng thư ký ASEAN, đồng thời cho biết một số nước thành viên đã có những bước tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng từ những năm 1980.
Ông nhấn mạnh ASEAN cần có một sự sắp xếp sáng tạo hơn trong PPP, nhất là đối với các dự án xuyên biên giới, bởi việc xây dựng cơ sở hạ tầng còn là cho cả các thế hệ tiếp theo và là nền tảng cho sự phát triển kinh tế và xã hội tương lai trong khu vực.
Tại hội thảo, Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đã chỉ ra rằng PPP sẽ là một trong những giải pháp để thúc đẩy kết nối ASEAN, bao gồm cả sự phát triển của hành lang kinh tế Mekong - Ấn Độ (MIEC).
Ông khẳng định tầm quan trọng của việc có được một hướng dẫn PPP mang bản sắc riêng của ASEAN, trong đó có việc thành lập Trung tâm PPP khu vực với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu để có thể cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực, trao đổi kiến thức giữa các bên liên quan và thúc đẩy các dự án xuyên biên giới.
Hội thảo Kết nối ASEAN hàng năm là dịp để các bên liên quan thảo luận các bước cụ thể và quan điểm về việc thực hiện các MPAC.
Hội thảo năm nay thu hút sự tham gia của trên 140 đại biểu bao gồm quan chức chính phủ, các nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp và khu vực tư nhân từ các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác đối thoại, cũng như các tổ chức quốc tế./.