Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/11/2013-14:27:00 PM
Phát triển kinh tế tư nhân là động lực và lối thoát

“Tình hình kinh tế xã hội trong 11 tháng cho thấy, những mục tiêu đề ra cho cả năm về cơ bản là đạt, với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 5,3-5,4% và mức lạm phát khoảng 6,2-6,3%. Tuy nhiên nền sản xuất nội địa thì chưa thể hồi phục ngay trong một sớm một chiều, ” ông Nguyễn Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo.
Theo Báo cáo tổng cục thống kê, kinh tế vĩ mô đã được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười một tăng 0,34% và 11 tháng tăng 5,5%.
Ổn định, kiềm chế lạm phát: Điểm sáng
Báo cáo từ Bộ phận Thống kê Asean (Asean Stats) cho rằng, kiềm chế lạm phát thành công là điểm sáng của Việt Nam.
“Mặc dù lạm phát của Việt Nam vẫn được coi là khá cao trong khu vực Asean, nhưng nhìn tổng thể trong giai đoạn 2011-2013 điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc kiểm soát giá cả,” theo Asean Stats.
Về sản xuất công nghiệp, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, hoạt động sản xuất đã có tín hiệu phục hồi và ấn tượng nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ tại nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo nguồn Tổng cục Thống Kê,“chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Mười một tăng 5,7% và11 tháng tăng 5,6%.”
Cùng nhận xét củaAsean Stats, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, năm 2013 là năm thứ ba điều kiện kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục cải thiện và tương đối ổn định.
Theo WB, các biện pháp ổn định tiến hành trong các năm 2011 và 2012 đã giúp Việt Nam giảm lạm phát, cải thiện tài khóa, cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá.
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, bà đánh giá cao quyết tâm và các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong năm 2013 và tin tưởng rằng chiến lược cải tổ tổng thể đang được thực thi.
“Việt Nam sẽ vừa đạt được sự ổn định, vừa hy vọng tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức 5% như hiện nay,” bà Christine Lagarde dự báo.
Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tình hình dư nợ tín dụng đến hết tháng 11 tăng khoảng 9%, có khả năng cả năm đạt 11 - 12%, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.
Xuất khẩu 11 tháng đạt gần 120 tỷ USD, tăng 15%, nhập khẩu đạt khoảng 120 tỷ USD, tăng 15,9%.
Vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt trên 20 tỷ USD, tăng 49%, vốn thực hiện đạt khoảng 10,55 tỷ USD, tăng 6%.
Vốn ODA ký kết đạt 4,6 tỷ USD, tăng 14,1%, giải ngân đạt 4,04 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 11 tháng tăng 9,3%, có hơn 12,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Tạo việc làm cho trên 1,4 triệu người, đạt gần 88% kế hoạch năm.
Cần quyết tâm, kiên trì chính sách, hành động cải cách
Nhìn chung ý kiến các chuyên gia trong nước đều tin tưởng khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội đặt ra.
Tiến sĩ, Nguyễn Minh Phong cho rằng, năm 2013 là năm thách thức nhất trong những năm qua, nền kinh tế khó khăn sâu, rộng, các khu vực, ngành nghề kinh tế đều bị ảnh hưởng và kết quả đạt được là đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, cả chuyên gia trong nước và quốc tế cũng khuyến cáo, các kết quả Việt Nam đạt được là chưa vững chắc và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Đình Ánh nhận định, về cơ bản kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định như năm 2013. Tuy nhiên với mô hình tăng trưởng cũ, tiếp tục dựa vào đầu tư công, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên… thì tương lai Việt Nam sẽ không có một cú hích thực sự.
Về vấn đề này, Asean Stats khuyến cáo, tốc độ tăng CPI hầu hết các nhóm hàng của Việt Nam đều cao hơn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế, nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch là hai nhóm có chỉ số lạm phát cao nhất so với khu vực.
“Trong thời gian tới để phát triển một cách bền vững, Việt Nam không những cần phải kiểm soát được lạm phát mà còn phải tập trung nâng cao mức tăng trưởng kinh tế của mình,” Asean Stats phân tích.
Quan sát kỹ các mục tiêu đạt được, cho thấy khối đầu tư nước ngoài có hoạt động thành công nhất trong năm, trong khi cả khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân đều vẫn rất khó khăn.
“Tính chung mười một tháng, cả nước nhập siêu 96 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,3 tỷ USD song khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu 12,2 tỷ USD.
Về đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp lớn vào khu vực sản xuất công nghiệp trong nước.
Theo nguồn Tổng cục Thống kê thì "vốn FDI trong mười một tháng qua tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 16,1 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng vốn đăng ký, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2 tỷ USD, chiếm 9,8%, các ngành còn lại đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 13%.”
Theo các chuyên gia,những năm trở lại đây và đặc biệt là năm 2013 cả Chính phủ và doanh nghiệp đã nhìn nhận hoạt động tái cơ cấu là vấn đề bức thiết và nghiêm túc. Như vậy, cơ sở cải cách đã có nhưng đòi hỏi quyết tâm và kiên trì.
“Dấu hiệu tích cực và quyết tâm của Chính phủ được thể hiện rất rõ nét tại Nghị định 01, Nghị định 02 và Thông tư 09/TT-NHNN, cho thấy sự sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho kinh tế tư nhân phát triển.
Có thể nói, đây là động lực và lối thoát lớn nhất trong hoạt động khôi phục nền kinh tế nội địa,” ông Phong tin tưởng và nhấn mạnh./.
Hạnh Nguyễn
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 818
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)