Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/07/2013-12:36:00 PM
Khu vực ASEAN hấp dẫn các doanh nghiệp Anh
Mặc dù nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự phục hồi bền vững, song các doanh nghiệp Anh vẫn có nhiều cơ hội thuận lợi khi quyết định hợp tác làm ăn hay đầu tư vào khu vực Đông Nam Á giàu tiềm năng.

Các diễn giả tại hội thảo. (Ảnh: Lê Phương/Vietnam+)

Đó là khẳng định của hầu hết các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo mang tên "Cơ hội ASEAN" do tổ chức Nhà châu Á (Asia House) đăng cai ngày 10/7 tại London, với sự bảo trợ của Hội đồng Thương mại Anh-ASEAN (UKABC).
Trong phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Lim Hong Hin - Phó Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết ASEAN đang nỗ lực hoàn tất tiến trình thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
Là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, AEC sẽ đánh dấu thời điểm các nước Đông Nam Á đạt được mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế được đề ra trong "Tầm nhìn ASEAN 2020".
Khi hàng hóa, dịch vụ, lao động và vốn được tự do dịch chuyển, AEC sẽ hình thành một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có năng lực cạnh tranh cao, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển. Hiện việc áp dụng cơ chế một cửa ASEAN (ASW) đang được thúc đẩy để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động mậu dịch.
Theo đánh giá của ông Lim Hong Hin, ASEAN có nhiều lợi thế cạnh tranh như sự ổn định về xã hội, lao động tay nghề cao, dân số trẻ, chi phí thấp... để hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu và Anh.
Trao đổi mậu dịch giữa ASEAN và châu Âu vẫn trên đà tăng trưởng. Hiện Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ 3 và ngày càng trở nên quan trọng của ASEAN.
Vì vậy, ông Hin dự báo hợp tác thương mại giữa ASEAN với EU nói chung và Anh nói riêng sẽ phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi AEC chính thức được hình thành. Các nước thành viên ASEAN sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp Anh trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh ở khu vực.
Trao đổi tại hội thảo, các diễn giả cho rằng không phải ngẫu nhiên mà số lượng quan chức Anh tới thăm Đông Nam Á năm 2012 lại đông đảo nhất trong vòng 20 năm qua. Thực tế này phản ánh chính sách đối ngoại can dự tích cực của Chính phủ Anh, đặc biệt chú trọng đến ngoại giao kinh tế, đối với khu vực.
Xét về tổng thể, ASEAN là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì vậy, tăng cường quan hệ với Đông Nam Á sẽ mang lại lợi ích quan trọng cho các doanh nghiệp và cả chính giới Anh.
Theo số liệu của UKABC, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Đông Nam Á đã vượt qua mức 15 tỷ USD. Giới chức Anh hy vọng có thể tăng gấp đôi kim ngạch trao đổi mậu dịch với ASEAN trong vòng 3-5 năm tới.
Đề cập tới AEC, Giáo sư Christopher Dent thuộc Đại học Leeds cho rằng kinh tế ASEAN sẽ phát triển mạnh mẽ sau năm 2015. Không chỉ thúc đẩy AEC, một số nước ASEAN như Việt Nam, Singapore... còn tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ.
Thực tế này chứng tỏ sự năng động của Đông Nam Á trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và trao đổi mậu dịch. Theo ông Dent, trong tương lai, thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển và kinh tế mới nổi (G20) sẽ được mở rộng với sự tham gia của Đông Nam Á. Như vậy, EU và Anh sẽ ngày càng gắn bó về lợi ích ở khu vực năng động này.
Tuy vậy, các diễn giả cũng thừa nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra đối với ASEAN. Đó có thể là những thách thức chung của toàn cầu như biến đổi khí hậu, chu kỳ suy thoái của nền kinh tế... Thách thức cũng có thể bắt nguồn từ tình trạng chênh lệch về thu nhập, trình độ phát triển, tốc độ tăng GDP...
Theo ông Michael Lawrence - Giám đốc điều hành tổ chức Nhà châu Á, ASEAN có thể vượt qua được những thách thức này khi hoàn thiện quá trình hội nhập bằng việc hình thành AEC trong thời gian tới./.
Lê Phương/London
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1071
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)