Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/12/2013-15:01:00 PM
Đầu tư vào khu công nghiệp: Cần tăng cường liên kết
Hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, thay vì thu hút đầu tư bằng mọi giá như thời gian trước, cần có định hướng thu hút mang tính chọn lọc các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng và có tính liên kết sản xuất cao.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư vào Khu công nghiệp Việt Nam” ngày 29/11
Cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng lớn
Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Các KCN, KKT Việt Nam cơ sở hạ tầng cứng tương đối tốt như tiện ích công cộng, công trình xử lý chất thải, tiện nghi tiện ích công cộng phục vụ doanh nghiệp thứ cấp. Một số địa phương đã và đang xây dựng các KCN chuyên sâu, phân khu công nghiệp hỗ trợ như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội... Ngoài ra, hệ thống hạ tầng mềm là các dịch vụ hành chính, “một cửa” tương đối phổ biến, các quy định ngày càng hoàn thiện và chi phí, ưu đãi đầu tư cạnh tranh so với nhiều nước. Cùng với đó là nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp.
Đại diện cho các nhà đầu tư, bà Somhatai Panichewa, Chủ tịch Ban Đầu tư, Tập đoàn Amata PCL, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Amata Việt Nam bày tỏ: Doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam được khích lệ bởi quyết tâm chính trị và hỗ trợ chính sách mạnh mẽ, vững vàng của Chính phủ Việt Nam, đây là một nhân tố quan trọng góp phần mang lại thành công cho nhà đầu tư, trong đó có Amata Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định chung, thực tế, đang có sự cạnh tranh ngày càng lớn với các nước trong khu vực trong việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT. Sau thời gian phát triển nóng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ vào khoảng 60%. Những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng thì thu hút đầu tư rất tốt, nhưng việc thu hút các dự án vào các KCN ở những vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc gặp không ít khó khăn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng chất lượng quy hoạch KCN, KTT thiếu sự liên kết lãnh thổ, do đó, việc khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của từng địa phương chưa hiệu quả.
Tăng cường liên kết vùng, cụm công nghiệp
Nhấn mạnh về vấn đề liên kết vùng, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét, các liên kết vùng theo chiều dọc (Trung ương và địa phương) vẫn là loại liên kết chủ yếu, thậm chí trong một số trường hợp còn lấn át các loại liên kết ngang. Việc thiếu liên kết khiến một số lĩnh vực dư cung, không phát huy công suất, lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, có hiện tượng xúc tiến đầu tư mang tính “năng động riêng rẽ” ở cấp địa phương, thiếu tính tổ chức, thiếu đường hướng chung.
Theo ông Bùi Tất Thắng, Chính phủ rất quan tâm đến các quy định mang tính pháp lý về liên kết, phối hợp các chiều rộng và chiều ngang. Chính phủ đã có Quyết định 159/2007/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm quy định các bộ, ngành, địa phương tham gia phối hợp quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, lĩnh vực kết cấu hạ tầng… tránh sự chồng chéo. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện sự phân công, hợp tác và liên kết giữa các vùng và các địa phương trong nội vùng vẫn còn hình thức và khá nhiều hạn chế.
PGS.TS Bùi Tất Thắng khuyến nghị: Để tăng hiệu quả liên kết vùng, cần điều chỉnh lại cơ chế phân cấp. Với chính quyền địa phương, cần giảm nhiệm vụ về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, nhưng tăng nhiệm vụ về đảm bảo môi trường kinh doanh, dịch vụ công. Gắn phân cấp cho địa phương với đảm bảo nguồn lực thực hiện, đây là giải pháp cơ bản.
Cần có cơ chế quản lý phát triển kinh tế vùng. Bên cạnh các Ban chỉ đạo hiện tại, cần có cơ quan điều phối liên kết như sáng kiến Tổ Điều phối liên kết các tỉnh duyên hải miền Trung.
Đối với liên kết trong sản xuất, cần hình thành nên các “cụm” công nghiệp, trong đó các doanh nghiệp trong một khu vực có thể cộng sinh, bổ trợ hiệu quả cho nhau trong chuỗi sản xuất, dẫn đến tăng khả năng cạnh tranh tổng thể./.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết: Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống các KCN, KKT ngày càng phát huy được vai trò đầu tàu trong nền kinh tế. 289 KCN và 15 KKT ven biển tại 59 tỉnh, thành phố đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Các KCN,KTT đã thu hút khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho trên 2 triệu lao động.
Huy Thắng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1120
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)