Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/11/2013-10:58:00 AM
Đối thoại Chính sách ODA và đối thoại về ODA vốn vay Nhật Bản dành cho Việt Nam tài khóa 2013
(MPI Portal) – Ngày 19/11, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức “Đối thoại Chính sách ODA và đối thoại về ODA vốn vay Nhật Bản dành cho Việt Nam tài khóa 2013”. Tham dự buổi đối thoại có ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, ông Tadayuki Miyashita, Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch hợp tác phát triển quốc gia I, Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản và Ngân hàng Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhật Bản là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam. Những khoản vốn vay từ Nhật Bản đã hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường… Các khoản hỗ trợ này tiếp tục khẳng định tình hữu nghị và quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, năm 2013 được kỳ vọng là năm đáng ghi nhớ trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
Mở đầu buổi đối thoại, đại diện phía Việt Nam trình bày tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 10 tháng đầu năm 2013. Trong 10 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Kinh tế tiếp tục được cải thiện, lạm phát được kiềm chế, lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng tiếp tục có những chuyển biến. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những cải thiện đáng kể, tuy còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp, tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nhưng vẫn phát triển tương đối ổn định. Lĩnh vực dịch vụ phát triển khá. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra, tỷ lệ nhập siêu thấp. Giải ngân vốn ODA đạt khá, vốn FDI đăng ký và thực hiện cao hơn cùng kỳ. Các chính sách về đào tạo, hỗ trợ việc làm, an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô có cải thiện nhưng chưa vững chắc, lạm phát còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng huy động và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Tổng cầu và sức mua còn yếu. Đời sống của bộ phận dân cư, nhất là vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ và các tệ nạn còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại và bức xúc trong xã hội.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 20 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trên 78,195 tỷ USD vốn ODA, trong đó đã ký kết hiệp định chính thức 58,463 tỷ USD. Trong khi đó, với 37,597 tỷ USD vốn giải ngân, rất nhiều chương trình, dự án sử dụng vốn ODA đã được đưa vào sử dụng, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Có thể nói, trong thời gian qua, ODA có mặt ở hầu hết các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội.Việc sử dụng vốn ODA đã góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống cho Việt Nam. Việt Nam đã sử dụng một cách hiệu quả từng đồng vốn ODA, như đã cam kết với các nhà tài trợ.
Không chỉ khẳng định từ phía Việt Nam, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã sử dụng vốn ODA đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao. Đại diện phía Nhật bản khẳng định điều này, Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam chủ yếu trong việc phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, như đường giao thông, cầu, cảng…, vốn ODA được sử dụng hiệu quả và những hỗ trợ từ phía Nhật bản đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh số vốn cam kết và ký kết tăng dần qua từng năm, thì giải ngân vốn ODA vẫn chưa đạt được những đột phá để góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, dù đã được cải thiện nhiều.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu cũng được nghe từ phía Nhật Bản trình bày những quan điểm của Chính phủ Nhật Bản liên quan đến tình hình hiện nay và chính sách liên quan đến ODA vốn vay dành cho Việt Nam. Qua đó, có được chiến lược sử dụng ODA vốn vay cho Việt Nam và Chiến lược quản lý nợ công để có những định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.
Liên quan đến một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nợ công là hoàn thiện thể chế chính sách và các công cụ quản lý nợ công; nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay đặc biệt trong sử dụng vốn ODA, cần phải khắc phục bất hợp lý và phải gắn kết từ khâu huy động đến khâu trả nợ; xây dựng chương trình đầu tư công trên cơ sở rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình/dự án trọng điểm để làm căn cứ cho việc huy động, phân bổ nguồn vốn phù hợp; tranh thủ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi ở mức hợp lý, tiếp tục hài hòa hóa thủ tục vay nợ hoặc viện trợ. Cần tăng cường công tác giám sát và quản lý rủi ro về nợ công. Trước hết là nghiên cứu, xây dựng và triển khai phương án xử lý rủi ro, xây dựng những phương án, khuôn khổ, thể chế để chuyển đổi nợ thành viện trợ hoặc đầu tư, mua bán nợ, hoán đổi nợ, chủ động trích lập, bố trí nguồn dự phòng vì rủi ro rất lớn. Tiếp tục từng bước tăng cường cập nhật và công khai minh bạch hoá thông tin về nợ công thông qua việc xây dựng hệ thống thông tin theo dõi, giám sát và đánh giá bền vững nợ công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả cơ quan quản lý nợ.
Kết thúc buổi đối thoại, các đại biểu bàn luận về các vấn đề cụ thể đối với các dự án sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản đang thực hiện, cụ thể như dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Ô Môn; dự án Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, tọa đàm cũng bàn về vấn đề thanh toán cho các nhà thầu và đảm bảo ngân sách chi trả, vấn đề chậm trễ thực hiện cũng như hủy dự án tại một số dự án sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện dự án ODA, đặc biệt là đối với các dự án được đề xuất sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản trong đợt 2 tài khóa 2013./.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 971
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)