Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/12/2013-11:23:00 AM
Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội
(MPI Portal) - Ngày 03/12, tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020.
Với mục tiêu xây dựng Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế, đảm đương vai trò to lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và trật tự an toàn xã hội.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Bích Khánh -
Báo Đấu thầu
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Quy hoạch đã nhấn mạnh một số định hướng đầu tư theo ngành, lĩnh vực và lãnh thổ để các Bộ, ngành và địa phương thống nhất trong chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, cũng như cung cấp một số thông tin đối với các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư đến năm 2020 để các nhà đầu tư xem xét, đầu tư trong thời gian tới.
Quy hoạch vùng ĐBSH,được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/5/2013 tại Quyết định số 795/QĐ-TTg, bao gồm 11 tỉnh thành phố, trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh. Vùng ĐBSH là cửa ngõ ở phía Biển đông với thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Theo đó, bên cạnh việc đưa ra các mục tiêu phát triển cụ thể về kinh tế; văn hóa - xã hội; bảo vệ môi trường…đến năm 2020, như nâng tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước của vùng từ 24,7% năm 2010 lên 26,6% năm 2015 và 28,7%; nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 2.500 USD vào năm 2015 và khoảng 4.180 USD vào năm 2020; tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của vùng đạt 7-7,5%, công nghiệp và xây dựng từ 45-47%, dịch vụ từ 46-48%.
Giải quyết việc làm hàng năm cho 300-350 nghìn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm khoảng 2%; khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở cả khu vực thành thị và nông thôn; đảm bảo yêu cầu bền vững trong suốt quá trình phát triển.
Quy hoạch cũng đề ra định hướng phát triển theo các ngành, lĩnh vực, cụ thể về phát triển dịch vụ thương mại và du lịch, Quy hoạch chỉ rõ cần ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao trong các lĩnh vực vận tải, tư vấn, thiết kế, phát minh - sáng chế, tài chính - ngân hàng, viễn thông, giáo dục - đào tạo, y tế chữa bệnh chất lượng cao, thương mại, du lịch và khoa học công nghệ; Đầu tư xây dựng một số khu du lịch trọng điểm quốc gia có tầm vóc quốc tế. Về phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển theo chiều sâu côngnghiệp điện tử và công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo máy và sửa chữa – đóng tàu thủy và phương tiện hàng hải, sản xuất thép chất lượng cao...
Ngoài ra, cùng với phát triển hệ thống đô thị, bao gồm các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Hải Dương, Nam Định. Quy hoạch cũng nhấn mạnh phát triển các tiểu vùng kinh tế: Tiểu vùng Bắc Đồng bằng sông Hồng, Nam Đồng bằng sông Hồng và phát triển các hành lang kinh tế chủ yếu tạo bộ khung phát triển.
Theo ông Phạm Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các giải pháp đưa ra để thực hiện Quy hoạch thì giải pháp về vốn đầu tư là rất quan trọng nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy sức mạnh nội tại của các địa phương. Theo đó, cần tập trung tăng thu ngân sách nhà nước, tăng cường công tác chống thất thu, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại. Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020; Mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, BTO, PPP…tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thị trường vốn, phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, góp vốn đầu tư bằng tài sản.
Ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam hy vọng, trong thời gian tới các tỉnh trong vùng sẽ cùng tiếp tục phát huy truyền thống, tăng cường mối quan hệ hợp tác, phát triển tích cực, hiệu quả hơn trong điều kiện Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1569
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)