Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/12/2013-14:12:00 PM
Việt Nam không có sự cải thiện về chỉ số cảm nhận tham nhũng
Sáng ngày 3/12, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2013 (CPI 2013). Chỉ số xếp hạng 177 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận về mức độ tham nhũng trong khu vực công.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại PCTN lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế diễn ra sáng 12/11 tại Hà Nội.
Ảnh: Phương Hiếu
Năm nay, Việt Nam xếp hạng 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm số 31/100 (trong đó 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch). Mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng. So với năm 2012, điểm số của Việt Nam không có sự cải thiện, phản ánh nhận thức rằng các nỗ lực về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đang trì trệ và không hiệu quả. Kết quả này một lần nữa khẳng định lại những đánh giá tương tự của các nhà lãnh đạo Việt Nam, cũng như cảm nhận và trải nghiệm chung của người dân và doanh nghiệp về tham nhũng. So với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 7, sau Xin-ga-po, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và In-đô-nê-xia-a. Trong khu vực, Bru-nây, Lào và Mi-an-ma là những nước có sự cải thiện rõ rệt về điểm số so với năm trước.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam - hoan nghênh những nỗ lực và cam kết của Đảng Cộng sản, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết tình trạng tham nhũng. TT đặc biệt ghi nhận sự quan tâm không ngừng của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan tới khu vực tư nhân đối với vai trò của doanh nghiệp trong PCTN, phản ánh qua các cuộc thảo luận tại Đối thoại Phòng, chống tham nhũng lần thứ 12.
Tuy nhiên, để có những tiến bộ cụ thể hơn nữa trong thực tế, Việt Nam cần gấp rút đẩy mạnh thực thi pháp luật hiện hành và sự tham gia của các bên liên quan trong xã hội một cách hiệu quả. Người dân, doanh nghiệp và báo chí đặc biệt cần đóng vai trò chủ động, tích cực hơn trong việc phòng, chống và tố cáo tham nhũng.
Sự tham gia của người dân và báo chí có vai trò quan trọng nhằm đạt được những kết quả cụ thể trong PCTN. Niềm tin của công chúng đối với tính hiệu quả của các nỗ lực PCTN cần được khôi phục để người dân dám từ chối và tố cáo những hành vi sai trái. Đặc biệt, những người tố cáo tham nhũng cần được khích lệ và bảo vệ. Những kết quả cụ thể nhằm giảm hối lộ cần phải đạt được trong một số lĩnh vực khiến người dân còn nhiều bức xúc như y tế và giáo dục. Các biện pháp trừng phạt cần phải được áp dụng một cách minh bạch và phù hợp với những người lạm dụng chức quyền và những người đưa hối lộ để đạt được lợi ích cá nhân một cách không chính đáng.
Phát triển kinh tế trong nước một cách bền vững và thu hút đầu tư nước ngoài có vai trò rất quan trọng đối với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Giảm thiểu rủi ro và xử phạt các trường hợp tham nhũng cụ thể là chìa khóa để đạt được những mục tiêu này, đặc biệt trong các lĩnh vực như hải quan,thuế, quản lý đất đai và mua sắm công. Liêm chính trong kinh doanh cần được khuyến khích thông qua việc thực thi nhất quán các quy định hiện hành và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để giải quyết các rủi ro trong kinh doanh. Điều này bao gồm hình sự hóa việc hối lộ giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp tư nhân và hối lộ quan chức nước ngoài. Trách nhiệm của doanh nghiệm đối với tham nhũng và bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả trong khu vực tư nhân. Chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp cần hỗ trợnhững nỗ lực hành động tập thể phòng, chống hối lộ trong nội bộ doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cần chủ động thiết lập hệ thống quản trị nội bộ tốt nhằm ngăn chặn những rủi ro liên quan đến tham nhũng và truyền thông về vấn đề này.
Trên thực tế, để tăng cường sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân và báo chí nhằm nâng cao hiệu quả của các nỗ lực PCTN đòi hỏi phải có sự minh bạch trong khu vực công, giảm thiểu nguy cơ lạm dụng quyền lực, và tăng trách nhiệm giải trình. Các cơ chế khiếu nại và đền bù đảm bảo, hoạt động tốt sẽ cho phép người dân và các doạnh nghiệp nói không với tham nhũng một cách an toàn, đồng thời kiểm soát hiệu quả những khâu quản lý yếu kém./.
Chỉ số CPI 2013 được tính toán theo thang điểm từ 0 đến 100. Kết quả điểm số của Việt Nam được tính dựa trên cơ sở 8 nguồn dữ liệu từ những khảo sát quốc tế độc lập. Điểm số CPI 2013 lần đầu tiên cho phép so sánh kết quả năm nay với năm trước nhờ phương pháp luận cải tiến trong năm 2012. Đây là cơ hội cho tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, sử dụng CPI 2012như một chỉ số tham chiếu cơ sở để đánh giá những tiến bộ về cảm nhận tham nhũng trong khu vực công năm 2013 và những năm tiếp theo.

thanhtra.com.vn

    Tổng số lượt xem: 2694
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)