Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/12/2008-09:30:00 AM
Để kinh tế ổn định và phát triển bền vững: Kích cầu đầu tư và tiêu dùng
Ngày 11-12, Chính phủ ra Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong khi đó, gói giải pháp 1 tỷ USD kích cầu đầu tư và tiêu dùng cũng đã có chủ trương sử dụng.

Đầu tư cho hạ tầng là một ưu tiên trong giải pháp kích thích đầu tư của Chính phủ

Nhiệm vụ trước mắt, theo chỉ đạo của Chính phủ, là các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay các biện pháp cấp bách, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2009 ở khoảng 6,5%.

Trong số các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2009, thì kích cầu đầu tư và cầu tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh có sự suy giảm động lực phát triển từ bên ngoài, giải quyết hiệu quả nhiệm vụ này cần chú ý các điểm sau đây:

Thực hiện kích cầu đầu tư không có nghĩa là đầu tư tùy tiện, bất chấp hiệu quả, mà tập trung đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng; các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt; các dự án góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế; các dự án thúc đẩy chuyển dịch và cải thiện cơ cấu, sức cạnh tranh theo hướng phát triển bền vững… Ưu tiên các dự án có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao, hoặc tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khuyến khích các dự án phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, cải thiện căn bản quỹ nhà ở xã hội.

Để kích cầu đầu tư đúng hướng, cần thực hiện tốt hơn việc công khai danh mục đầu tư, thúc đẩy mạnh và hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, kể cả bằng nguồn vốn nhà nước; cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa, giảm các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, khuyến khích xã hội hóa. Mạnh dạn giảm thuế, tăng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước. Đồng thời tiếp tục quá trình cổ phần hóa cả DNNN, DN có vốn ĐTNN và cung cấp các hàng hóa tốt cho TTCK…

Để kích cầu tiêu dùng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: giảm mạnh giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.

Trên thực tế, Thủ tướng cũng vừa chỉ đạo các tổng công ty lương thực mua khoảng 500-600 nghìn tấn gạo còn tồn đọng trong dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long để giải phóng nguồn hàng, tiếp sức cho bà con và "hâm nóng" thị trường trong nước. Thu mua số gạo này cũng là biện pháp tăng dự trữ chủ động, để từ đó có thể can thiệp ngay vào thị trường trong nước, cũng như đón trước khả năng tăng lượng xuất khẩu ngay khi có cơ hội. Trước mắt, các ngành, địa phương đang rà soát tình hình, áp dụng một số biện pháp bình ổn, kích cầu, nhằm tăng mức tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Các DN cũng đề nghị được thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực phân phối qua việc đầu tư hình thành hệ thống phân phối, dịch vụ bán lẻ trên diện rộng để kích thích tiêu dùng trong dân chúng, từ đó từng bước nâng cao đời sống và tăng tính tiện nghi ở các khu vực...

Minh Phong - Hồng Sơn
Báo Hà Nội mới

    Tổng số lượt xem: 974
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)